Danh thần Uông Thủ Hòa: Vì làm sai khi còn bé mà tổn hại đến vận làm quan
Danh thần nổi tiếng của triều Thanh là Uông Thủ Hòa (1764-1836), người huyện Nhạc Bình, tỉnh Giang Tây, đỗ cử nhân vào thời Càn Long, từng nhận chức Giáo dụ ở huyện Tân Dụ (huyện Tân Dư ngày nay). Năm Gia Khánh thứ nhất (1796), ông vào kinh thành tham dự kỳ thi Ân khoa, thi đình được khâm điểm Tiến sĩ Nhất giáp Nhị danh (đỗ Bảng Nhãn), được làm Biên tu tại Hàn Lâm Viện. Trong thời Gia Khánh và Đạo Quang, ông từng lần lượt đảm nhiệm các chức Đồng Khảo quan, Khởi Cư Chú quan, Phụng Thiên Phủ Thừa kiêm Phụng Thiên Học Chính, Chiết Giang Học Chính, Học sĩ Nội các kiêm Lễ Bộ Thị Lang, Lễ Bộ Thượng Thư, Công Bộ Thượng Thư v.v.
Uông Thủ Hòa một đời cẩn thận, hơn 40 năm làm quan khiêm cung, nghiên cứu học vấn nghiêm cẩn, am hiểu thư pháp, tận tâm tận lực giải quyết công việc, công chính vô tư, rất có thanh danh. Cũng vì vậy ông được hai đời Quân vương Gia Khánh và Đạo Quang trọng dụng. Vào năm Đạo Quang thứ 16, ông từ trần, hưởng thọ được 73 tuổi, được ngự tứ Thái tử Thái Bảo hàm, trên sắc dụ tuyên dương ông là “tính cách hành vi thuần lương, tài năng xứng với chức vụ, báo quốc cần lao, cúc cung tận tụy.”
Sách sử ghi lại, trên đường đưa linh cửu của ông từ Bắc Kinh về Nhạc Bình, đi qua mỗi châu huyện, đều có thân sĩ của vùng đó đến trước linh cửu rơi lệ tế lễ ông, phần lớn những thân sĩ này là học trò của ông. Người ở huyện Nhạc Bình còn xây một phủ đường cho ông tại cửa phía nam của thành Nhạc Bình, trên phủ khảm bốn chữ vàng “Bảng Nhãn cập đệ”, con ngõ nhỏ nơi ông ở cũng được gọi là “Ngõ Bảng Nhãn”, vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Thế nhưng một vị danh thần như thế, lại từng bởi vì khi còn bé đã làm một việc mà bị giảm công danh. Uông Thủ Hòa thời còn bé vẫn là một đứa trẻ ham chơi, thường cùng bạn bè chơi thi đấu dế tranh thắng thua với nhau. Uông Thủ Hòa nuôi một con dế màu đen răng lớn rất giỏi chiến đấu, cứ đấu là ắt thắng, cậu bé Thủ Hòa yêu thích con dế ấy như trân bảo.
Một tối, cậu bé Thủ Hòa bỏ quên con dế bảo bối đang bị nhốt trong lồng ở trong sân, sáng hôm sau phát hiện con dế đã chết, hai chân của nó bị gãy mất. Cậu bé Thủ Hòa hết sức căm giận, đến khi cậu thấy trong khe đá có một đám kiến đang tha một cái chân dế. Trong cơn tức giận, cậu bé đến chợ mua một mớ pháo trúc, đổ thuốc nổ bên trong pháo ra, dùng đồ ăn làm mồi dẫn đàn kiến ra khỏi tổ, rồi lấy thuốc nổ châm lửa đốt. Mấy ngàn con kiến đồng thời mất mạng, cậu bé Thủ Hòa đầu tiên là vỗ tay vui vẻ, ngay sau đó lại có chút hối hận, cảm thấy mình đã làm sai rồi. Từ đó cậu không còn nuôi dế nữa.
Năm Gia Khánh thứ 15 (1810), Uông Thủ Hòa nhận chức Phụng Thiên Phủ Thừa kiêm Phụng Thiên Học Chính. Ông thường cùng với tướng quân Tát Công qua lại thân thiết. Một hôm, có một người đến phủ tướng quân bái kiến Tát Công. Người này nói chính mình kiêm nhiệm quan Âm Phủ, nhiều lần đến Âm Phủ xử án, hôm nay đến là muốn giải quyết một vụ án của Uông Học Chính từ 40 năm về trước, bởi vì kẻ kiện cáo vẫn luôn không ngừng kiện tụng. Người này lại nói: “Với nhân phẩm của Uông Học Chính và phúc đức của tổ tiên tích được, đương nhiên ông ấy được bảo hộ. Tôi biết tướng quân ngài thân thiết với ông ấy, ngày mai nhờ tướng quân đi đến Uông gia, nói cho họ biết nếu như Uông Học Chính đột nhiên sinh bệnh, thì xin không cần quấy rầy ông ấy, cũng không cần mời thầy xin thuốc, nhất định phải nhớ kỹ, sau ba ngày lập tức hết bệnh.”
Tát Công cảm thấy rất kỳ quái, ngày hôm sau đi đến nhà của Uông Thủ Hòa, biết được ông ấy đột nhiên hôn mê, mọi người trong nhà đang luống cuống không biết phải làm sao. Tát Công liền đem những lời của người kia nói cho mọi người trong nhà của Uông Thủ Hòa biết, bảo họ yên lặng chờ ba ngày. Quả nhiên, sau ba ngày, Uông thủ Hòa không uống thuốc mà khỏi bệnh, ông kể lại những gì mà bản thân trải qua khi ở Âm Phủ.
Trong lúc hôn mê, ông bị người ta dẫn đến một công đường ở Âm Phủ, trên công đường có một vị quan Âm Phủ mặc trang phục cổ đại, mặt đen không có râu, hai bên đứng không ít người hầu. Vị quan Âm Phủ hỏi ông có biết rất nhiều người đang kiện mình hay không, Uông Thủ Hòa nói không biết. Vị quan Âm Phủ bèn lệnh cho tiểu lại mở ra một cuốn sổ ghi chép, phía trong ghi lại việc thời còn nhỏ ông đã đốt chết hàng ngàn con kiến. Thủ Hòa cúi đầu thừa nhận đúng là có việc này, và nói rằng mình cũng đã hối hận không thôi.
Vị quan Âm Phủ lại gọi mấy ngàn người thưa kiện bị sứt đầu sứt trán kia đến, những người này hô to đòi đền mạng. Vị quan Âm Phủ nói: “Con kiến và con dế đều là côn trùng, các ngươi không nên ăn con dế cậu ta nuôi, trẻ nhỏ không hiểu chuyện, chỉ là vì hả giận mà không biết nặng nhẹ, nên mới có vụ án này. Bây giờ ông ta đã bị giảm khoa danh, giảm bổng lộc, làm cho trong cuộc đời của ông ta luôn có một tì vết, chính là đã trừng phạt rồi.”
Những người thưa kiện không phục, cho rằng chúng chỉ làm hại một mạng của con dế, nhưng chúng lại mất đi mấy ngàn tính mạng. Vị quan Âm Phủ giận dữ, nói rằng những trừng phạt đối với Uông Thủ Hòa đã đủ để xóa bỏ tội lỗi của ông ta, đồng thời chỉ trích những con kiến tham mỹ vị nhân gian, làm bẩn nhà bếp của con người, xâm hại mộ huyệt người chết, tội không thể tha thứ. Những người thưa kiện lúc này mới sợ hãi mà lùi lại.
Sau đó, vị quan Âm Phủ nói với Uông Thủ Hòa rằng: “Vụ án này đã kết thúc, về sau ngươi hãy làm việc thiện nhiều hơn, để chuộc lại sai lầm trước đây.” Uông Thủ Hòa đáp ứng, sau đó tỉnh lại.
Ngày kế tiếp sau khi tỉnh lại, Uông Thủ Hòa đi đến phủ tướng quân để cảm ơn. Khi đến trước cửa phủ tướng quân vừa lúc gặp được người tự nói mình kiêm làm quan Âm Phủ kia, nhưng hai người cũng không nói chuyện với nhau. Đến lúc gặp Tát Công, Tát Công an ủi rằng: “Ngày hôm qua trước công đường ngươi đã vất vả rồi.” Uông Thủ Hòa rất kinh ngạc, Tát Công liền đem đầu đuôi câu chuyện nói ra, cũng nói cho Uông Thủ Hòa biết, người mà ông vừa gặp ở cổng tuyệt không phải người thường, đó là một Phán quan ở Âm Phủ.
Liên quan đến việc Uông Thủ Hòa bị trừng phạt, chính là nói khi ông tham gia thi hương vào thời Càn Long, vốn nên đỗ hạng thứ hai, nhưng lại biến thành hạng thứ mười tám; khi tham gia thi đình thời Gia Khánh, ông vốn là đỗ Trạng Nguyên, sau đổi thành đỗ Bảng Nhãn; khi ông làm Lễ Bộ Thượng Thư, vốn là có tư cách tấn thăng làm Đại Học Sĩ, nhưng cuối cùng không có kết quả.
Một vị danh thần bậc nhất chỉ vì khi còn bé đã làm một việc sai mà tổn hại đến vận làm quan, sao không khiến cho người ta cảnh giác được đây?
Tư liệu tham khảo:
Lý Tinh Thành biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ