Đảng cầm quyền Nga ủng hộ nỗ lực tái tranh cử của ông Putin với tư cách độc lập trên danh nghĩa
Với sự ủng hộ của hai đảng chính trị hàng đầu, nhà lãnh đạo lâu đời của Nga sẽ tranh cử thêm một nhiệm kỳ tổng thống sáu năm nữa.
Đảng cầm quyền ở Nga đã đồng thuận ủng hộ nỗ lực của đương kim Tổng thống Vladimir Putin nhằm có được thêm sáu năm nắm quyền trong các cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 03/2024.
“Quyết định đã được đồng thuận thông qua,” ông Dmitry Medvedev, lãnh đạo đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền, tuyên bố hôm 17/12.
Ông Medvedev, trước đây từng giữ chức tổng thống và thủ tướng, hiện giữ chức phó chủ tịch Hội đồng An ninh nước này.
Quyết định này được đưa ra tại hội nghị đảng ở Moscow, khi đó ông Medvedev kêu gọi các đảng viên “điều động tất cả những người ủng hộ” hậu thuẫn cho chiến dịch tranh cử của ông Putin.
Đảng Nước Nga Thống nhất hiện nắm giữ 325 trong số 450 ghế tại Duma Quốc gia, Hạ viện của Quốc hội Nga.
Mặc dù ông Putin sẽ tranh cử với tư cách là một ứng cử viên độc lập trên danh nghĩa, nhưng ông Medvedev vẫn gọi ông là “ứng cử viên của chúng ta.”
‘Tuyệt đối không thể tranh cãi’
Ông Medvedev cũng cho biết việc ông Putin tái đắc cử phải “hợp pháp và tuyệt đối không thể tranh cãi.”
“Chúng ta phải điều động những người ủng hộ để ngăn chặn sự gián đoạn và những nỗ lực từ bên ngoài nhằm tác động đến chiến dịch tranh cử, truyền bá thông tin sai lệch, và vi phạm trật tự công cộng,” ông nói.
Ông Putin đã lãnh đạo Đảng Nước Nga Thống nhất trong nhiệm kỳ tổng thống trước đây của ông Medvedev.
Mặc dù ông Putin không còn là thành viên chính thức của đảng này, nhưng ông vẫn được nhiều người coi là nhà lãnh đạo trên thực tế của đảng.
Theo các quan chức hàng đầu của Đảng Nước Nga Thống nhất, hơn 3.5 triệu người ủng hộ đảng dự định tham gia vào chiến dịch tái tranh cử của ông.
Nói chuyện tại hội nghị, ông Putin cảm ơn sự ủng hộ của đảng này.
Ông cũng cam kết, nếu tái đắc cử, sẽ “tiếp tục hoàn thiện các thể chế và quy định dân chủ của nền dân chủ cơ sở và quyền tự trị của địa phương.”
“Nhiệm vụ quan trọng nhất là nâng cao hiệu quả ở tất cả các cấp của chính phủ,” ông Putin nói với những người ủng hộ. “Về vấn đề này, vẫn còn nhiều việc phải làm.”
Đảng Nước Nga Công bằng, nắm giữ 27 ghế trong Duma Quốc gia, cũng đã ủng hộ việc ứng cử của ông Putin.
Theo các nguồn tin chính thức của Nga, ông Putin nhận được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng, với tỷ lệ bảo chứng thường lên tới 80%.
The Epoch Times không thể xác thực một cách độc lập tỷ lệ bảo chứng chính thức của ông, điều mà những người chỉ trích ông Putin — cả trong và ngoài nước — cho là đã được phóng đại.
Một ngày trước hội nghị đảng, hàng trăm nhân vật nổi tiếng đã chính thức đề cử ông Putin tham gia tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập.
Theo luật bầu cử Nga, các ứng cử viên độc lập phải đạt được sự ủng hộ của ít nhất 500 người ủng hộ.
Một khi có được sự ủng hộ này, thì họ phải thu thập ít nhất 300,000 chữ ký — từ các vùng trên khắp đất nước — để ủng hộ việc ứng cử của họ.
Hôm 17/12, bà Yekaterina Duntsova, đối thủ đầu tiên của ông Putin, được cho là đã thu hút được sự ủng hộ của hơn 500 người ủng hộ ở Moscow.
Là một cựu ký giả và là bà mẹ ba con, bà Duntsova được cho là ủng hộ hòa bình ở Ukraine và trả tự do cho những bị cầm tù vì chỉ trích chính sách của Điện Kremlin.
‘Không có lựa chọn nào khác’
Hôm 08/12, ông Putin lần đầu tiên công bố ý định tìm kiếm thêm một nhiệm kỳ 6 năm nữa.
Ông đưa ra thông báo này tại lễ trao giải thưởng quân sự dành cho các cựu chiến binh trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.
“Tôi tin rằng không có lựa chọn nào khác,” ông nói tại sự kiện được truyền hình trực tiếp được tổ chức tại Điện Kremlin này.
Một chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới sẽ cho phép ông Putin, người lần đầu tiên đảm nhận chức tổng thống hồi năm 1999, tiếp tục nắm quyền cho đến năm 2030.
Một ngày trước thông báo của ông, Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện của Quốc hội) đã bỏ phiếu tổ chức cuộc bầu cử vào ngày 15-17 tháng Ba năm sau.
Cư dân của bốn khu vực ở Ukraine bị sáp nhập — Donetsk, Luhansk, Kherson, và Zaporizhzhya — sẽ tham gia cuộc bầu cử sắp tới.
Tháng 09/2022, Nga đã sáp nhập thành công bốn khu vực này — sau khi tổ chức trưng cầu dân ý — và hiện coi những khu vực này là lãnh thổ của Liên bang Nga.
Ukraine và các đồng minh phương Tây phản đối cuộc trưng cầu dân ý đó và coi việc sáp nhập của Nga là hành vi chiếm đất bất hợp pháp.
Kyiv đã lên án mạnh mẽ kế hoạch tiến hành cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 03/2024 của Moscow ở nơi mà họ coi là “lãnh thổ bị chiếm đóng.”
“Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế thẳng thắn chỉ trích ý định tổ chức bầu cử tổng thống của Nga ở các vùng lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người liên quan,” Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố hôm 09/12.
Bộ này cũng cảnh báo các quốc gia và những tổ chức phản đối cử quan sát viên tới “các cuộc bầu cử giả tạo” đó, nói rằng những người vi phạm sẽ phải đối mặt với “trách nhiệm hình sự.”
Bộ này tuyên bố: “Bất kỳ cuộc bầu cử nào ở Nga đều không liên quan gì đến dân chủ. Các cuộc bầu cử này chỉ phục vụ như một công cụ để duy trì quyền lực của chế độ cầm quyền ở Nga.”
Mặc dù phương Tây thường xuyên miêu tả ông Putin là một nhà độc tài và tội phạm chiến tranh, nhưng tỷ lệ tín nhiệm dành cho ông vẫn tiếp tục tăng — tối thiểu là về mặt chính thức — bất chấp cuộc xâm lược Ukraine đang diễn ra.
Ông Putin, 71 tuổi, lần đầu tiên được ông Boris Yeltsin bổ nhiệm làm tổng thống lâm thời vào ngày cuối cùng của năm 1999.
Ông Yeltsin, nhà lãnh đạo hậu Xô Viết đầu tiên của nước này, giữ chức tổng thống Nga từ năm 1991 đến năm 1999, khi đó ông bổ nhiệm ông Putin làm người kế nhiệm.
Năm 2000, ông Putin giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống với 53% số phiếu bầu. Ông cũng dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc tái tranh cử năm 2004 với 71% tổng số phiếu bầu.
Ông Medvedev, một đồng minh thân cận của ông Putin, sau đó đảm nhận chức tổng thống sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, trong khi ông Putin đảm nhận chức thủ tướng.
Ông Putin trở lại vị trí tổng thống vào năm 2012, giành được gần 64% số phiếu bầu.
Cuộc bầu cử tiếp theo được tổ chức vào năm 2018 sau khi sửa đổi Hiến Pháp kéo dài thời hạn nhiệm kỳ của tổng thống từ 4 lên 6 năm.
‘Sân chơi không bình đẳng’
Ông Putin cũng đã thắng cuộc bầu cử đó, mà trong đó ông cũng tranh cử với tư cách là một ứng cử viên độc lập, với gần 77% tổng số phiếu bầu.
Sau cuộc bầu cử, một báo cáo do Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu Châu công bố cho biết các ứng cử viên đã có thể “tự do vận động tranh cử.”
Bản tin có sự đóng góp của Reuters và The Associated Press
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times