Dân biểu: Chính trị khí hậu làm tổn hại đến sản xuất năng lượng, an ninh quốc gia của Hoa Kỳ
Hôm 15/05, Dân biểu Kelly Armstrong (Cộng Hòa-North Dakota) nói trong một diễn đàn trực tuyến tại Viện Hudson về chính sách năng lượng, giải thích Hoa Kỳ đang “làm suy yếu chính mình” ra sao bằng chính trị khí hậu gây tổn hại đến năng lực sản xuất năng lượng và đe dọa an ninh quốc gia của nước này.
Cụ thể, ông Armstrong nói rằng các chính sách bảo vệ môi trường, cùng với thời gian chờ đợi đã lâu để được chính phủ thông qua, khiến cho cả việc bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch mới trở nên rủi ro hơn, từ đó khiến các nhà sản xuất gặp khó khăn hơn trong việc tập trung vốn của nhà đầu tư. Ông Armstrong cho rằng các mục tiêu “chuyển đổi” ra khỏi các nguồn năng lượng truyền thống là không thực tế, và nói rằng mục tiêu “thuê ngoài để chuyển đi cảm giác tội lỗi của họ” đối với lượng phát thải carbon cho các quốc gia khác của các nhà bảo vệ môi trường chỉ làm tổn hại đến môi trường và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Theo luật liên bang hiện hành, các công ty có thể bị buộc phải đợi một thập niên trở lên trước khi được Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) và các cơ quan liên bang khác chấp thuận để thực hiện các dự án năng lượng mới.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia) đã cố gắng dẫn dắt nỗ lực đại tu nhiên liệu hóa thạch cho phép vượt qua sự phản đối có phối hợp từ phe cánh tả trong đảng của ông. Giờ đây, thông qua dự luật năng lượng H.R.1, Đảng Cộng Hòa đang nhắm đến những cải tổ tương tự.
“Chúng ta phải có cải tổ về giấy phép, bất kể quý vị muốn xây dựng loại cơ sở hạ tầng nào,” ông Armstrong nói khi đề cập đến cơ sở hạ tầng như các nhà máy lọc dầu và đường ống dẫn dầu.
Tiểu bang North Dakota quê hương ông Armstrong là một nguồn sản xuất năng lượng chính, và ông đã đối chiếu chính sách liên bang với chính sách của North Dakota trong suốt cuộc hội thảo.
“Chúng ta đã từng thực sự giỏi trong việc đưa thứ này lên mặt đất và có thể thực hiện được việc đó,” ông Armstrong nói. “Chúng ta không còn như thế nữa, và đó là do kiện tụng, đầm lầy quan liêu, hàng ngàn lý do khác nhau.”
Ông Armstrong cho biết điều này một phần là do Đảng Cộng Hòa “tham gia muộn” vào cuộc chiến khí hậu, không thách thức các tuyên bố của cánh tả cho đến khi khái niệm về sự nóng lên toàn cầu do con người tạo ra đã trở thành xu hướng chủ đạo.
Chính trị khí hậu không khuyến khích sản xuất, đầu tư
Ông Armstrong giải thích rằng sự phổ biến của chính trị bảo vệ môi trường trong đàm luận ngày nay có nghĩa là các công ty sẽ gặp nhiều rủi ro hơn khi thử các dự án năng lượng mới, do đó làm giảm động lực sản xuất năng lượng.
Thông thường, các dự án này có thể mất tới một thập niên với quy định của liên bang và tuân thủ các quy tắc và thủ tục. Ông Armstrong cho biết khi nhiều ứng cử viên tổng thống tổ chức các chiến dịch tranh cử phản đối việc mở rộng sản xuất năng lượng, thì việc thu hút vốn là rất khó khăn.
“Quý vị sẽ thu hút vốn như thế nào cho loại dự án cơ sở hạ tầng cần thiết này nếu quý vị biết rằng mình sẽ có hai hoặc có thể là ba cuộc bầu cử tổng thống trong thời gian chờ đợi?” ông Armstrong nói, đồng thời bổ sung thêm ý kiến của mình rằng các nhà bảo vệ môi trường cố tình sử dụng chính trị để “bỏ đói diễn đàn đầu tư” bằng cách tăng rủi ro cho các dự án như vậy.
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã công bố mục tiêu giảm khoảng 50% lượng khí thải của Hoa Kỳ vào năm 2030.
Trong khoảng thời gian trước thời hạn này, ông đã tìm cách thực hiện mục tiêu “chuyển đổi” Hoa Kỳ từ các nguồn năng lượng truyền thống sang các nguồn tái tạo như phong năng và quang năng. Để làm được điều này, ông Biden đã ra lệnh cấm các công ty dầu mỏ và khí đốt tự nhiên thuê đất liên bang mới và tạm dừng việc xây dựng đường ống Keystone XL — một đường ống là mục tiêu của các nhà bảo vệ môi trường kể từ khi cựu Tổng thống Barack Obama còn đương nhiệm.
Ông Armstrong cho rằng thái độ của các công ty dầu mỏ và khí đốt tự nhiên kể từ khi ông Biden nhậm chức cho thấy những tác động mà các chính sách của ông ấy đang mang lại: ngay cả khi giá dầu tăng vọt, thì các nhà sản xuất vẫn không tăng sản lượng dầu.
“Lần đầu tiên trong đời tôi, khi quý vị chứng kiến giá cả tăng đột biến không tương quan với sự gia tăng lớn trong hoạt động khoan dầu. Lần đầu tiên trong đời,” ông Armstrong nhấn mạnh. “Chỉ có một lý do duy nhất: họ không tin tưởng vào chính phủ này.”
Ông Armstrong lưu ý rằng mặc dù việc khoan dầu là quan trọng, nhưng đó chỉ là bước đầu tiên trong vòng đời năng lượng — các nguồn năng lượng mới cũng cần được khám phá, tinh chế, và luân chuyển trên khắp đất nước.
“Chúng ta phải gửi các tín hiệu rằng chúng ta quan tâm đến thực hiện việc này,” ông Armstrong nói. Nhưng cho đến nay, chính phủ TT Biden vẫn chưa thể hiện một sự quan tâm như vậy.
Dự luật năng lượng của Đảng Cộng Hòa, mà ông Armstrong lưu ý sẽ không cắt giảm bất kỳ quy định môi trường nào mà chỉ đẩy nhanh quá trình, tập trung vào vấn đề này. Ông Armstrong mô tả mối quan tâm chính của Đảng Cộng Hòa khi xây dựng dự luật này là: “Làm thế nào chúng ta có thể khiến chính phủ liên bang cấp phép cho doanh nghiệp tư nhân thu hút vốn và khiến các giấy phép cơ sở hạ tầng truyền thông này vào hoạt động nhanh hơn?”
Việc ‘thuê ngoài để chuyển đi cảm giác tội lỗi của chúng ta’ giúp cho các đối thủ của phương Tây
Ông Armstrong nói rằng phần lớn chính sách khí hậu của Hoa Kỳ ngày nay liên quan đến việc “thuê ngoài để chuyển đi cảm giác tội lỗi của chúng ta” về phát thải khí hậu nhưng lưu ý rằng chính sách này là một mối nguy hiểm đối với an ninh quốc gia của phương Tây và môi trường.
Dầu Mỹ dễ dàng là một trong những loại dầu sạch nhất thế giới, trải qua các yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường. Để so sánh, các nhà sản xuất dầu mỏ lớn khác như Saudi Arabia, Venezuela, và Nga có dầu bẩn hơn nhiều.
Tuy nhiên, ông Armstrong lưu ý rằng, “Về căn bản, Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất trên thế giới đã giảm lượng phát thải khí hậu.”
Nói về các giá trị cạnh tranh trong việc bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh năng lượng của Mỹ, ông Armstrong cho biết: “Quý vị có thể làm cả hai việc cùng một lúc. Chúng ta chỉ phải có chính sách dựa trên thực tế về những gì sẽ cần để thúc đẩy thế giới và dẫn dắt nền kinh tế Hoa Kỳ trong 50 năm tới và không có chính sách môi trường mang tính ý thức hệ mà thực ra là dựa trên việc thuê ngoài để chuyển đi cảm giác tội lỗi của chúng ta.”
Trong nỗ lực giảm giá xăng cho người tiêu dùng, TT Biden đã rút hàng triệu thùng dầu khỏi Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR), một kho dự trữ dầu được thiết kế để sử dụng trong các trường hợp chiến tranh, thảm họa tự nhiên, hoặc các trường hợp khẩn cấp quốc gia khác. Ngay cả khi rút cạn SPR, ông Biden vẫn không có bất kỳ hành động khuyến khích sản xuất thêm dầu mỏ nào để bổ sung vào kho dự trữ.
Ngoài thiệt hại tồi tệ hơn đối với môi trường, ông Armstrong lưu ý rằng còn có một loạt các mối lo ngại về an ninh quốc gia đối với Hoa Kỳ và các đồng minh khi theo đuổi những chính sách này.
Trong vài tháng qua, châu Âu đã oằn mình trong cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có do phụ thuộc vào dầu của Nga.
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, ông Armstrong nói, “Họ bắt đầu nhận ra rằng việc dựa vào một quốc gia cụ thể — đặc biệt là một quốc gia không nhất thiết phải có cùng hệ tư tưởng với phần còn lại của châu Âu để có năng lượng — là không rất, rất có vấn đề.”
Trong những nỗ lực trước đây để bảo đảm cải tổ quy trình cấp phép, ông Manchin cũng lưu ý rằng Hoa Kỳ có thể sản xuất hơn cả đủ năng lượng để bảo vệ các đồng minh Âu Châu của mình nếu không vì nghị trình về khí hậu của chính phủ TT Biden.
Ông Armstrong cũng dẫn ra “cuộc tấn công mê hoặc” đang diễn ra của Trung Quốc cộng sản ở các quốc gia Trung và Nam Mỹ giàu dầu mỏ như Venezuela, cũng như những nỗ lực của đối thủ của Mỹ này ở châu Phi.
“Chúng ta đã bỏ qua sân sau của chính mình, cho dù đó là năng lượng hay sự tương trợ lẫn nhau,” ông Armstrong nói.
“Tôi không biết tại sao chúng ta lại rút bản thân mình khỏi việc tham gia vào quá trình đó.”
“Một lần nữa, chúng ta biết cách làm sạch hơn; chúng ta biết làm thế nào để làm điều đó tốt hơn bất cứ ai khác. Nhưng quan trọng hơn, chúng ta đang nhường những vị trí chiến lược thực sự trên thế giới và các quốc gia đang phát triển vì hệ tư tưởng khí hậu để rồi cho phép ai đó đến và tiếp quản vị trí của chúng ta; chúng ta chỉ không hành động. Và đó vừa là … không có trách nhiệm cũng như không phải là một phản ứng rất thông minh đối với chính sách ngoại giao của chúng ta, năng lượng trong nước của chúng ta, và các lợi ích an ninh quốc gia nói chung.”
‘Sự chuyển đổi’ năng lượng sẽ không xảy ra
Ông Armstrong cho biết mục tiêu tổng thể của chính sách năng lượng bảo vệ môi trường — một “cuộc chuyển đổi” ra khỏi các nguồn truyền thống — chỉ đơn giản là sẽ không xảy ra.
“Khi họ nói về một cuộc chuyển đổi năng lượng, thì chúng ta chưa bao giờ chuyển đổi khỏi cách sử dụng năng lượng sơ cấp ở đất nước này trên thế giới và trong lịch sử thế giới,” ông Armstrong nói. “Chúng ta đốt nhiều gỗ như đã làm cách đây 2,000 năm.”
“Khi họ nói về việc chuyển đổi để kết thúc việc này, thì đơn giản là điều đó sẽ không xảy ra. Nó chưa bao giờ xảy ra,” ông nhấn mạnh.
Thay vào đó, ông nói rằng Hoa Kỳ nên tập trung vào việc hình thành một “danh mục đầu tư mạnh mẽ” các nguồn năng lượng, bao gồm một tập hợp về gió, mặt trời, và các năng lượng tái tạo khác cùng với các nguồn truyền thống như dầu mỏ, than đá, và khí đốt tự nhiên.
Và ngay cả những loại năng lượng này cũng cần cơ sở hạ tầng năng lượng để truyền tải trong một bán kính dài, ông lưu ý.
“Quý vị cần có khả năng vận chuyển năng lượng phụ thuộc vào thời tiết hơn nữa nếu quý vị muốn có độ tin cậy và khả năng phục hồi ở lưới điện, nhưng quý vị cũng phải có khả năng có các nhà máy điện chạy bằng khí đốt, nhà máy điện hạt nhân, nhà máy điện chạy bằng than ở đó khi gió không thổi và mặt trời không chiếu sáng,” ông cho biết.
Trong cuộc hội thảo, ông Armstrong bày tỏ một chút lòng tin rằng Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ có thể đạt được một thỏa thuận về cải tổ quy trình cấp phép.
Tuy nhiên, tương lai của những nỗ lực như vậy vẫn còn bỏ ngỏ, vì H.R. 1 vẫn sẽ cần phải được Thượng viện do Đảng Dân Chủ nắm giữ thông qua. Rốt cuộc thì việc cho phép bỏ phiếu về dự luật này ở thượng viện sẽ tùy thuộc vào Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York).
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times