Báo cáo của GAO: Bộ Ngoại giao không đo lượng phát thải khí nhà kính của họ bất chấp sắc lệnh của TT Biden
Khoảng 450 quan chức và nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ đã tham dự hai hội nghị về khí hậu của Liên Hiệp Quốc, nhưng sau chuyến đi đó không ai trong Bộ Ngoại giao biết lượng khí nhà kính đã thải ra là bao nhiêu, bất chấp sắc lệnh năm 2021 của Tổng thống (TT) Joe Biden chỉ đạo chính phủ liên bang phải đo lượng phát thải của họ, theo một báo cáo mới của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ (GAO).
Phái đoàn Hoa Kỳ tham dự Hội nghị lần thứ 26 Các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26) tại Glasgow, Scotland, từ ngày 31/10/2021 đến ngày 12/11/2021, bao gồm 191 quan chức và nhân viên của nhánh hành pháp liên bang, và hội nghị lần thứ 27 (COP27 ) họp tại Sharm El-Sheikh, Ai Cập, từ ngày 06/11/2022 đến ngày 20/11/2022, với sự tham dự của 259 quan chức Hoa Kỳ.
Các quan chức Bộ Ngoại giao nói với GAO rằng xét đến tầm quan trọng của việc giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, cũng như những khó khăn khi đàm phán trong môi trường trực tuyến thì việc Hoa Kỳ cử các phái đoàn lớn như vậy đến tham dự hai hội nghị này là rất xứng đáng.
Báo cáo của GAO viết, “Các quan chức Bộ Ngoại giao nói với chúng tôi rằng không có gì thay thế được việc trực tiếp tham dự các hội nghị COP, bởi vì các cuộc đàm phán khá phức tạp và thường diễn ra liên tục trong nhiều ngày. Cụ thể, họ nói rằng các cuộc thảo luận bên lề không chính thức là một phương thức thiết yếu để đạt được thỏa thuận, và những sự tiếp xúc như vậy sẽ gần như là không thể mô phỏng trong môi trường họp trực tuyến.”
“Các quan chức nhà nước cũng tuyên bố rằng các cuộc họp của Hội nghị thường niên của các Bên được xem là các cuộc họp mặt quan trọng của nhiều tổ chức vốn có thể thu được lợi ích lớn theo sau các kết quả có thể xảy ra của các cuộc thảo luận, và những buổi gặp gỡ này thu hút hàng ngàn chuyên gia học thuật, các nhà lãnh đạo xã hội dân sự, những người ủng hộ tổ chức phi chính phủ, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và lao động, cũng như các quan chức chính phủ.
“Họ nói rằng thật khó mà tin là Hoa Kỳ lại không cử một lực lượng đàm phán hùng hậu đến các cuộc họp này để chắc chắn có được các kết quả phù hợp với chính sách của Hoa Kỳ cũng như để duy trì vai trò lãnh đạo và tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ trước những thách thức từ các quốc gia khác đối với một vấn đề có ảnh hưởng quan trọng như vậy.”
Trong phần chú thích cuối trang, báo cáo của GAO nêu rõ rằng các quan chức của Bộ Ngoại giao cũng tuyên bố rằng “đến cuối thế kỷ này, thế giới có xu hướng ấm lên hơn 2°C, không đạt được các mục tiêu trong Thỏa thuận Paris và gây ra những rủi ro khí hậu tồi tệ hơn đáng kể.”
Báo cáo viết, “Họ nói rằng, dựa trên các kết quả và cam kết xuất hiện từ COP26 ở Glasgow, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã tính toán rằng việc thực hiện các cam kết này sẽ đủ để ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1.8°C vào cuối thế kỷ.”
GAO cho biết họ đã được thông báo rằng không có dữ liệu về lượng khí nhà kính thải ra trong quá trình các phái đoàn Hoa Kỳ được cử đi, trợ giúp, và quay trở về bởi vì các quan chức Bộ Ngoại giao không có “cách thức hệ thống để tính toán lượng khí thải nhà kính từ chuyến đi của phái đoàn Hoa Kỳ đến COP26, COP27, hoặc bất kỳ cuộc họp nào trước đây của Hội nghị các Bên.”
Bộ Ngoại giao cũng nói với GAO rằng họ đang “phát triển các phương pháp để ước tính lượng khí thải đi lại trong tương lai,” nhưng họ cũng tuyên bố rằng không có dữ liệu “để tính toán lượng khí thải nhà kính từ toàn bộ phái đoàn đi dự các cuộc họp COP vì mỗi người tham gia tự đưa ra lịch trình di chuyển bằng cách sử dụng hệ thống quản lý chuyến đi của cơ quan họ.”
“Ngoài ra họ nói rằng Tòa Bạch Ốc có thông tin về những quan chức nào đã đi trên Không Lực Một, nhưng [Bộ] Ngoại giao không có quyền truy cập vào thông tin đó,” báo cáo viết.
Sắc lệnh của TT Biden chỉ đạo Bộ Ngoại giao cũng như tất cả các bộ và cơ quan khác phải đo khí thải nhà kính từ hoạt động của họ được ban hành vào ngày 08/12/2021, theo sau đó là kế hoạch thực hiện vào tháng 08/2022.
Khuyến nghị duy nhất từ GAO là Ngoại trưởng Antony Blinken “bảo đảm rằng Bộ Ngoại giao ước tính nhất quán lượng khí thải nhà kính từ phái đoàn Hoa Kỳ đi dự các cuộc họp của Hội nghị các Bên của Liên Hiệp Quốc phải phù hợp” với sắc lệnh đó.
Báo cáo của GAO được đưa ra theo yêu cầu của các Thượng nghị sĩ Joni Ernst (Cộng Hòa-Iowa), Tom Cotton (Cộng Hòa-Arkansas), và Shelley Moore Capito (Cộng Hòa-West Virginia).
“Khí [nhà kính] sẽ trở nên xanh hơn khi quý vị đốt nhiên liệu hóa thạch nhân danh cứu lấy hành tinh,” bà Ernst cho biết trong một tuyên bố cung cấp cho The Epoch Times. “Mặc dù mồm thì nói là ủng hộ những người vận động bảo vệ môi trường, nhưng các quan chức của chính phủ ông Biden lại đang ngang nhiên thải ra loại khí nhà kính mà họ bài xích. Rõ ràng đây là tiêu chuẩn kép, và người Mỹ cũng quá ngán ngẩm bầu không khí nóng nực này rồi. Đã đến lúc các quan chức trong chính phủ ông Biden phải đối mặt với sự thật: Dựa trên hành động của chính họ, thì nhiên liệu hóa thạch do Mỹ sản xuất không phải là kẻ thù. Tôi hứa sẽ vạch trần bộ mặt đạo đức giả này.”
Trong cùng một tuyên bố, ông Cotton nói: “Ông Joe Biden và các quan chức của ông ấy nói rằng họ đang giải quyết một cuộc khủng hoảng ‘hiện sinh’ bằng cách tham gia các hội nghị về khí hậu, trong khi tất cả đều di chuyển trên phi cơ riêng đến và đi từ các hội nghị này. Thay vào đó, chính phủ ông Biden nên tập trung nỗ lực của họ vào sản xuất năng lượng của Mỹ — hoặc ít nhất, hãy cho những người đóng thuế của Mỹ biết về chuyến đi cá nhân mà họ đang chi trả.”
Trong tuyên bố đó, bà Capito cho biết: “Người Mỹ quá mệt mỏi với các quan chức ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, những người không thực hiện những gì mà họ rao giảng liên quan đến bảo vệ môi trường. Và cũng chính những người này trong chính phủ ông Biden, những người đang đóng cửa các nhà máy năng lượng trên khắp đất nước và buộc người Mỹ phải mua xe điện, lại là những người bay đến các hội nghị về khí hậu và sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà không thấy hổ thẹn.”
Bà Ernst cũng cho biết bà sẽ trao “Giải Chỉ điểm” mới nhất của mình, để lên án điều mà bà mô tả là chi tiêu lãng phí của chính phủ, cho Đặc phái viên về Khí hậu của TT Biden, ông John Kerry, cựu ngoại trưởng và là cựu thượng nghị sĩ tiểu bang Massachusetts, bởi vì ông Kerry cũng đã tham dự “Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, hồi tháng Một, nói rằng ‘thật là tuyệt vời’ khi được là một phần của ‘một nhóm người được chọn lọc … có thể ngồi cùng nhau trong một căn phòng và thực sự nói về việc cứu lấy hành tinh.’”
Bà nói: “Hồi tháng Bốn, ông Kerry đã tới Nhật Bản để tham dự Hội nghị các Bộ trưởng G-7 về Khí hậu, Năng lượng, và Môi trường.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times