BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Chính phủ Tổng thống Biden tiếp tục di sản đáng ngờ về điều khiển thời tiết của Hoa Kỳ
Nghe có vẻ giống như một thứ gì đó trong khoa học viễn tưởng. Chặn ánh dương chiếu xuống mặt đất, tạo mưa, và biến đổi một cơn bão là những ý tưởng thường gắn liền với những nhân vật phản diện trên phim ảnh.
Nhưng đây chính xác là những gì chính phủ Hoa Kỳ đã đầu tư hàng triệu dollar vào trong nhiều thập niên qua, bao gồm cả trong năm nay.
Nhưng Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất thực hiện điều này. Mối quan tâm đến geoengineering (các kỹ thuật tác động trực tiếp lên địa cầu nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu) đã hồi sinh trở lại trên khắp các quốc gia do những lo ngại về vấn đề khí hậu vẫn đang tiếp diễn. Các chính phủ trên toàn cầu — bao gồm cả Trung Quốc — đã chính thức tham gia vào trào lưu geoengineering, hay còn gọi là “can thiệp khí hậu.”
Ý tưởng về điều khiển thời tiết và khí hậu đã có từ hơn nửa thế kỷ trước. Có hai phương pháp chính trong kỹ thuật can thiệp khí hậu này là: quản lý bức xạ mặt trời và loại bỏ carbon. Điều khiển thời tiết, như làm mưa nhân tạo (cloud seeding), cũng nằm trong phạm vi này. Kỹ thuật làm mưa nhân tạo được sử dụng để tạo ra hoặc thay đổi lượng mưa, tuyết, hoặc thậm chí là cả những cơn bão.
Hồi tháng Ba, Cơ quan Quản lý Nước South Nevada đã được chính phủ cấp cho 2.4 triệu USD để tăng cường tạo mưa ở các tiểu bang miền Tây, bao gồm cả các hồ chứa trên sông Colorado. “Số tiền thu được từ quá trình phục hồi này thật tuyệt vời. Chúng tôi chỉ cần quyết định xem chính xác thì điều đó sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta như thế nào,” ông Andrew Rickert, điều phối viên tạo mưa của Ủy ban Bảo tồn Nước Colorado, nói với các phóng viên.
Sự việc này diễn ra sau thông báo của Tòa Bạch Ốc hồi năm ngoái về việc tài trợ cho một nghiên cứu kéo dài 5 năm về điều chỉnh khí hậu và kỹ thuật can thiệp khí hậu.
Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ của Tòa Bạch Ốc cho biết “đánh giá khoa học về quang năng và các biện pháp can thiệp khí hậu nhanh chóng khác trong bối cảnh rủi ro và hiểm họa khí hậu ngắn hạn” sẽ nằm trong báo cáo cuối cùng, vốn sẽ tập trung vào “nghiên cứu liên quan đến can thiệp khí hậu.”
The Epoch Times đã gửi yêu cầu bình luận đến Tòa Bạch Ốc nhưng không nhận được phản hồi.
Đây có lẽ là một thời điểm thuận lợi. Trung Quốc đã tuyên bố có một chương trình điều chỉnh thời tiết trải dài trên diện tích hơn 2 triệu dặm vuông. Xét về tổng thể thì diện tích đó là lớn hơn cả Ấn Độ.
Theo một tuyên bố của Quốc vụ viện, Trung Quốc sẽ có một “hệ thống điều chỉnh thời tiết phát triển” vào năm 2025, nhờ những đột phá trong nghiên cứu căn bản và các công nghệ chủ chốt.
Hồi tháng Ba năm ngoái, Ủy ban Âu Châu đã tiếp bước theo chân Trung Quốc và công bố một khoản đầu tư hơn 1 tỷ USD vào năm dự án can thiệp khí hậu.
Nhưng không phải ai cũng hào hứng với trào lưu quan tâm trở lại đến điều khiển khí hậu. Các nhà phân tích bảo mật và các nhà khoa học đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về những tác động địa chính trị và môi trường.
Sự lo lắng của họ là điều dễ hiểu. Chính phủ Hoa Kỳ đã có một quá khứ đầy sóng gió với các thí nghiệm điều chỉnh thời tiết.
Hơn nữa, một số nhà nghiên cứu cho biết khoa học hiện tại không theo kịp được tham vọng chính trị đối với can thiệp khí hậu.
Hậu quả không lường trước được
Tiến sĩ Alan Robock nói với The Epoch Times: “Không phải chỉ vì người ta làm được điều đó, thì có nghĩa là nó mang lại hiệu quả tốt.”
Ông Robock là giáo sư của Khoa Khoa học Môi trường tại Đại học Rutgers. Ông không cho rằng geoengineering hay “kỹ thuật can thiệp khí hậu” đủ tiên tiến để tạo ra tác động đáng kể, dù tốt hay xấu. Ông cũng nhấn mạnh rằng cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa — nhiều hơn nữa rất nhiều — trước khi đạt được bất kỳ tiến bộ thực sự nào.
“Geoengineering, hay can thiệp khí hậu là thuật ngữ chỉ các kế hoạch giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu và giảm tác động của con người lên khí hậu. Vì không thể thực hiện được điều này, nên họ không muốn quý vị làm điều gì khác. Kỹ thuật này chỉ tồn tại trong phạm vi của những người đang thực hiện mô phỏng một mô hình lừa đảo và những tính toán trên lý thuyết,” ông Robock khẳng định.
Không chỉ mỗi ông Robock đã đưa ra đánh giá như vậy. Một nhóm gồm 16 học giả đã soạn thảo một bức thư ngỏ cho một Thỏa thuận Quốc tế về việc Không Áp dụng Quản trị Bức xạ Mặt trời. Thỏa thuận này đã thu thập được chữ ký từ hàng chục giáo sư đại học và các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới.
Bức thư nêu rõ, “Những lời kêu gọi ngày càng nhiều cho việc nghiên cứu và phát triển quản trị bức xạ mặt trời là một sự việc đáng báo động.” Bức thư tiếp tục viện dẫn những lo ngại về việc thiếu hiểu biết về hậu quả và sự giám sát cần thiết để duy trì “kiểm soát chính trị công bằng, toàn diện, và hiệu quả.”
Quản trị bức xạ mặt trời, thực sự đã thu hút rất nhiều sự chú ý trong những tháng gần đây. Kỹ thuật này nhằm khiến ánh sáng mặt trời đi chệch hướng trở lại không gian, bằng cách phun các sol khí sunfat vào tầng bình lưu. Một số người ủng hộ biến đổi khí hậu nói rằng đó có thể là một phương pháp đầy hứa hẹn để giảm nhiệt độ của Trái Đất.
Tuy nhiên lại có một trở ngại lớn. Các nhà khoa học nói rằng việc đó có thể dẫn đến một tác động môi trường thảm khốc.
“Kỹ thuật này có thể mang lại rất nhiều lợi ích cũng như rủi ro. Vì vậy, chúng tôi đang tiến hành rất nhiều nghiên cứu để tìm hiểu xem liệu việc thực hiện điều đó có mạo hiểm hay không,” ông Robock cho hay.
Trong một nghiên cứu phân tích rủi ro hồi tháng 05/2022 về can thiệp khí hậu, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng không có tình huống mà không có rủi ro đối với bất kỳ phương pháp “can thiệp khí hậu” nào.
Tác giả chính của nghiên cứu, ông Benjamin Sovacool cho biết, sự thao túng của con người không loại bỏ được các rủi ro khí hậu, “việc can thiệp chỉ đơn thuần là dịch chuyển rủi ro hoặc phân phối lại rủi ro.” Ông lưu ý thêm, “Những lần đánh đổi rủi ro này phải được đánh giá nếu một vài công nghệ can thiệp khí hậu cấp tiến hơn được khai triển.”
Bỏ qua các hậu quả môi trường có thể xảy ra, chúng ra cần xem xét tình huống này từ góc độ an ninh. Các phương pháp điều khiển thời tiết tân tiến hơn sẽ sớm, nếu chưa nói là đã, nằm trong tầm tay của các chính phủ trên toàn cầu. Việc này đã làm dấy lên những lo ngại về việc áp dụng một cách có đạo đức đối với nhiều người.
Trong số những tác động đáng lo ngại, ông Robock lưu ý rằng sự gián đoạn xã hội, xung đột giữa các quốc gia, và vi phạm các hiệp ước quốc tế là những hệ quả có thể xảy ra.
Ông cũng đặt ra một câu hỏi quan trọng: Vậy ai sẽ là người điều khiển bộ điều nhiệt?
Bầu không khí ngờ vực
Chính phủ Hoa Kỳ có một lịch sử đen tối trong việc điều khiển thời tiết. Vào năm 1947, Dự án Cirrus đã nhắm mục tiêu vào một cơn bão đang tiến ra biển ở Đại Tây Dương để thực hiện một thí nghiệm làm mưa nhân tạo nhằm làm suy yếu cơn lốc xoáy này. Cơn bão này là ứng cử viên lý tưởng vì nó được dự báo sẽ tiếp tục di chuyển ra khỏi đất liền.
Một chiếc phi cơ đã được điều động để bay qua cơn bão và thả trực tiếp 80kg băng khô vào đó. Những gì xảy ra tiếp theo đó giống như khung cảnh trong một bộ phim về thảm họa của Hollywood.
Sau khi băng khô được “gieo” vào cơn bão, nó đột ngột xoay 130 độ về phía Tây và tiến về phía Georgia. Cơn bão đã đổ bộ vào tiểu bang này và gây thiệt hại 2 triệu USD. Các cư dân tại đây đã dọa sẽ thưa kiện, và ngay lập tức quy trách nhiệm cho chính phủ.
Nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu của những hành động mạo hiểm đáng ngờ của Mỹ quốc trong lĩnh vực điều khiển thời tiết, hầu hết trong số đó đã được thực hiện bằng cách làm mưa nhân tạo.
Vào tháng 05/1958, một thử nghiệm do chính phủ tài trợ đã sử dụng một “máy tạo bạc iodide trong không khí” để biến những đám mây tích trắng xốp gần thành phố Rapid, South Dakota, thành một cơn giông dữ dội trong vòng chưa đầy một giờ.
Cùng năm đó, Hải quân Hoa Kỳ tuyên bố họ đã tạo và xóa tan thành công các đám mây “theo ý muốn” trong một loạt thử nghiệm được thực hiện trên bờ biển Georgia và Florida trong mùa hè năm đó. Các thí nghiệm có hiệu quả 100% trong việc đánh tan các đám mây trong khoảng thời gian từ dưới ba phút đến hai mươi phút.
Từ năm 1950 đến 1970, chi phí của các dự án do chính phủ hậu thuẫn này đã lên tới 74 triệu USD. 35 triệu USD nữa đã được chi trong hai năm sau đó.
Năm 1960, trong Chiến Tranh Lạnh với Nga, Chỉ huy Hải quân Hoa Kỳ William J. Kotsch đã ca ngợi những ứng dụng của kỹ thuật làm mưa nhân tạo cho mục đích làm vũ khí.
“Nếu tiểu bang nào đó ở Hoa Kỳ, hoặc quốc gia nào đó ở Tây Âu, quyết định một cách có hệ thống và ngấm ngầm về việc làm tiêu tan một phần hoặc toàn bộ các đám mây trên khu vực của họ trong vài tháng trong năm — để thực hiện việc ‘phong tỏa đám mây’ vì lợi ích của chính họ và các khu vực ở phía đông không có mưa — thì những khu vực ở phía đông sẽ trở thành vùng bán sa mạc chỉ trong một khoảng thời gian,” ông Kotsch cho biết.
Xét đến cuộc khủng hoảng khí hậu và hạn hán lan rộng hiện đang diễn ra, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người đặt nghi vấn về những tác động về mặt an ninh từ việc can thiệp khí hậu.
Phá vỡ các quy tắc
“Kỹ thuật can thiệp khí hậu, tương tự như bất kỳ đổi mới khoa học nào, nên được tiến hành với tiêu chuẩn trung thực và minh bạch cao nhất có thể. Trong các phương pháp khoa học và trong việc giám sát chặt chẽ khuôn khổ của cả chuẩn mực đạo đức chung và cụ thể,” bà Irina Tsukerman, luật sư an ninh quốc gia kiêm nhà sáng lập Scarab Rising, nói với The Epoch Times.
Bà Tsukerman quan sát thấy rằng khoa học thường đầy rẫy những người “phá vỡ các quy tắc,” điều này có thể dẫn đến những kết quả tai hại. Tuy nhiên, bà cho biết những can thiệp ngắn hạn tai hại trong việc điều chỉnh thời tiết — như Dự án Cirrus — và khoa học khí hậu nói chung đều có chung một mẫu số, đó là: “Việc thiếu khả năng áp dụng các quy trình khoa học vào các nghiên cứu một cách nhất quán.”
Mặc dù bà không tin rằng có bất kỳ chính phủ nào đã phát triển kỹ thuật can thiệp khí hậu thành một loại vũ khí. Bà nói: “Bất chấp tất cả sự thổi phồng đó, các nhà khoa học vẫn có hiểu biết khá sơ đẳng về cả khí hậu và thậm chí là cả các mô hình thời tiết địa phương.”
Dù sao đi nữa, điều đó chắc chắn đã không ngăn được chính phủ Hoa Kỳ cố gắng.
Năm 1970, một người tố cáo trong quân đội đã nói với ký giả đoạt giải Pulitzer Seymour Hersh rằng chính phủ Hoa Kỳ đã sử dụng mưa nhân tạo làm vũ khí ở miền nam Việt Nam để thay đổi mô hình lượng mưa tự nhiên năm 1963.
Điều này đánh dấu việc lần đầu tiên chiến tranh khí tượng được sử dụng trong lịch sử. Vào thời điểm đó, một số thành viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ được cho là đã phản đối việc sử dụng điều khiển thời tiết làm vũ khí.
Sáu mươi năm đã trôi qua. Giờ đây, Hoa Kỳ, Trung Quốc, và châu Âu đều đang tích cực theo đuổi kỹ thuật can thiệp khí hậu. Phần lớn kỹ thuật này đang được thực hiện thông qua việc làm mưa nhân tạo.
Với việc rất nhiều nhà khoa học đang kêu gọi ngừng can thiệp khí hậu nhân tạo, thì lợi ích của các dự án này cũng trở nên đáng ngờ.
Khi được hỏi phương pháp can thiệp khí hậu nào có triển vọng nhất, tiến sĩ Robock đã trả lời: “Không có phương pháp nào cả.”
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times