BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Chính sách của ĐCSTQ và Hoa Kỳ thúc đẩy sự dịch chuyển nguy hiểm khỏi đồng USD trên toàn cầu
Các chuyên gia cảnh báo rằng ĐCSTQ và các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ đang làm suy yếu vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu của USD, với những hệ lụy thảm khốc có thể xảy ra đối với người Mỹ
Xu hướng rời bỏ đồng USD trong thương mại và tài chính toàn cầu đang tăng nhanh khi lạm phát vẫn tiếp diễn, mức nợ của chính phủ bùng nổ còn Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thì đi khắp hành tinh đàm phán các thỏa thuận bằng các loại tiền tệ khác.
Theo các chuyên gia, không bao giờ có thể diễn tả đầy đủ những tác động kinh tế và chính trị từ việc đồng USD có thể mất đi vị thế quý giá với vai trò đồng tiền dự trữ toàn cầu.
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán về mức trần nợ đang gây lo ngại trên khắp thế giới, thì các nhà kinh tế cảnh báo rằng trên thực tế, một diễn biến như thế — nếu và khi điều đó xảy ra — có thể trở thành thảm họa đối với người tiêu dùng Hoa Kỳ khi sức chi tiêu của họ giảm sút đáng kể.
Nhiều nhà phân tích từng nói chuyện với The Epoch Times đã cảnh báo rằng ĐCSTQ và các đối thủ khác của Hoa Kỳ đang tích cực thúc đẩy nỗ lực toàn cầu nhằm làm suy yếu đồng USD.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp và hoạch định chính sách tiền nhiệm và đương nhiệm của Hoa Kỳ cũng quy phần nhiều trách nhiệm cho chính phủ ông Biden, cho việc chi tiêu của chính phủ Hoa Kỳ, và các chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang.
Ông Kevin Freeman, người chủ trì chương trình “Economic War Room” và là chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực chiến tranh kinh tế, giải thích: “Đồng USD rõ ràng đang gặp rủi ro từ những địch thủ ngoại quốc muốn thách thức sức mạnh của Mỹ và những kẻ ngu ngốc trong nước tin rằng thẻ tín dụng của Mỹ không có giới hạn chi tiêu.”
Trong các bình luận với The Epoch Times, ông Freeman, người đã tóm tắt cho các quan chức quân sự và các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Hoa Kỳ, đã đề cập đến nhà lãnh đạo cứng rắn của ĐCSTQ Tập Cận Bình và ông Vladimir Putin của Nga như là những đối thủ ngoại quốc đang tìm cách làm suy yếu đồng USD.
Ông nói thêm, Saudi Arabia và nhiều cường quốc trên khắp châu Phi và Mỹ Latinh đã gia nhập “nhóm chống USD” này trong những tháng gần đây.
Nhưng chính phủ Hoa Kỳ đáng bị đổ lỗi một phần cho những diễn biến này, ông nói.
Ông Freeman, người cũng là một thành viên cao cấp tại Trung tâm Chính sách An ninh, cho biết: “Đáng buồn thay, chúng ta đang tạo thuận lợi cho họ bằng việc tăng nợ rất nhiều, một chính sách bang giao thất thường, và sự ngạo mạn của Hoa Thịnh Đốn khiến cho mối đe dọa này bị phớt lờ.”
Nhiều nghị sĩ Quốc hội nói chuyện với The Epoch Times đã lặp lại những mối lo ngại về vai trò của chính phủ ông Biden trong trào lưu dịch chuyển khỏi đồng USD đang khởi phát.
Dân biểu Paul Gosar (Cộng Hòa-Arizona) đã nêu đích danh tổng thống. Ông nói: “Cổ xúy chiến tranh, lạm phát phi mã, và những khoản chi tiêu vô trách nhiệm của ông Joe Biden đã đe dọa giá trị đồng tiền của chúng ta.”
Nhiều chuyên gia trao đổi với The Epoch Times đã có quan điểm khác nhau về thời điểm hoặc kể cả về việc liệu đồng USD có thể mất vị thế là loại tiền tệ dự trữ toàn cầu hay không, cũng như điều đó có thể có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế Hoa Kỳ và người dân Hoa Kỳ.
Trong khi nhiều người đang cảnh báo về thảm họa, thì một số thậm chí còn nói rằng có thể có một “cơ hội lạc quan” cho việc đồng USD mất vị thế toàn cầu.
Nhưng các chuyên gia cho biết, bất kể câu chuyện diễn ra khi nào và như thế nào, thì tầm quan trọng của các xu hướng xung quanh đồng USD và vai trò của đồng bạc này trên thế giới ít nhất sẽ là sâu sắc và có khả năng gây gián đoạn cao.
Phi USD hóa
Nhờ uy thế không thể thách thức của Hoa Kỳ sau Đệ nhị Thế chiến và việc hậu thuẫn đồng USD danh nghĩa bằng vàng vào thời điểm đó, cùng với việc sau đó USD được các nhà xuất cảng dầu ủng hộ làm “đồng USD dầu mỏ,” nên đồng tiền của Mỹ đã thống trị ở vị trí tối cao trong số các loại tiền tệ trong hơn 70 năm.
Các chuyên gia nói với The Epoch Times rằng đồng USD vẫn được hưởng lợi từ cái được gọi là “hiệu ứng mạng lưới” cũng như thực tế là thị trường vốn của Hoa Kỳ có khối lượng lớn nhất và có tính thanh khoản cao nhất trên thế giới.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng, nếu xu hướng tách khỏi đồng USD hiện nay và sự bất ổn chính trị tiếp tục, thì vị thế đáng khao khát của đồng tiền Mỹ với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu có thể bị lung lay hoặc thậm chí là mất đi vĩnh viễn. Trên thực tế, một số chuyên gia cảnh báo là quá trình này đã đang diễn ra.
Theo các chuyên gia và các nhà phân tích, chỉ mới hai thập niên trước đây, tỷ lệ dự trữ toàn cầu của đồng USD là khoảng 75%. Ngày nay, các ước tính cho thấy tỷ lệ này là dưới 50% và đang giảm nhanh.
Nói tại Hội nghị Toàn cầu của Viện Milken năm 2023, người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã nhấn mạnh xu hướng này.
Bà nói: “Đã có sự dịch chuyển dần dần khỏi đồng USD,” đồng thời cho biết thêm rằng đồng euro, bảng Anh, và đồng nhân dân tệ của ĐCSTQ đều đang tăng giá.
Mặc dù bà Georgieva cho biết bà không dự kiến sẽ có một một giải pháp thay thế khả thi xuất hiện ngay lập tức, nhưng việc “chúng ta có thể đồng loạt chuyển sang các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương” không có nghĩa là cuối cùng sự dịch chuyển khỏi đồng USD sẽ không xảy ra.
Các ngân hàng trung ương bên ngoài phương Tây cũng đang mua vàng với số lượng kỷ lục, và các nhà phân tích kỳ vọng rằng nhu cầu sẽ vẫn mạnh.
Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ cho biết: “Chúng tôi cho rằng xu hướng mua của ngân hàng trung ương có thể sẽ tiếp tục trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng và lạm phát gia tăng.”
“Trên thực tế, quyết định của Hoa Kỳ trong việc đóng băng dự trữ ngoại hối của Nga như là hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine có thể đã có một tác động lâu dài đối với hành vi của các ngân hàng trung ương.”
Kể cả các đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ cũng đã tiến hành các giao dịch bằng các loại tiền tệ không phải là đồng USD. Ví dụ, hồi cuối tháng Ba, chính phủ Pháp đã hoàn tất thỏa thuận khí đốt tự nhiên hóa lỏng xuyên biên giới đầu tiên bằng đồng nhân dân tệ Trung Quốc.
Cũng trong tháng Ba, các nhà chức trách ở Brazil — một cường quốc kinh tế có quan hệ thân thiết với Hoa Kỳ trong lịch sử — cũng đã ký một thỏa thuận với ĐCSTQ để giao dịch bằng đồng nội tệ thay vì đồng USD.
Các xu hướng này đang tăng tốc. Theo một ghi chú gần đây của nhà phân tích tiền tệ nổi tiếng Stephen Jen tại Eurizon SLJ, đồng USD đã mất thị phần vào năm 2022 với tốc độ tăng gấp 10 lần so với 20 năm trước — một xu hướng mà ông cho rằng hầu hết các nhà phân tích đã bỏ lỡ.
Tốc độ mà xu hướng này đang diễn ra cũng rất mạnh mẽ. Ông Jen, người trước đây làm việc tại Morgan Stanley, cho biết thêm: “Nếu điều chỉnh theo những thay đổi về giá, thì theo tính toán của chúng tôi, đồng USD đã mất khoảng 11% thị phần kể từ năm 2016 và mất gấp đôi con số đó kể từ năm 2008.”
Phần lớn sự tăng tốc gần đây có liên quan đến chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine. Ông Jen lưu ý, “Sự xói mòn vị thế đồng tiền dự trữ của USD đã tăng tốc nhanh chóng kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu,” khi nói về “những hành động đặc biệt” chống lại Nga khiến các quốc gia nắm giữ dự trữ lớn “giật mình.”
“Những gì chúng ta đã chứng kiến vào năm 2022 là một kiểu khoảnh khắc ‘rút ngân sách của cảnh sát toàn cầu’, theo đó nhiều nhà quản lý dự trữ trên thế giới đã không hài lòng với hành vi của cả Nga và Hoa Kỳ.”
Nghị trình của ĐCSTQ
Tuy nhiên, những lời kêu gọi về một hệ thống tiền tệ toàn cầu và đồng tiền dự trữ mới lại không phải là mới. Thậm chí một thập niên trước, ĐCSTQ đã quảng bá ý tưởng này thông qua bộ máy tuyên truyền của họ.
Trong một bài xã luận trên Tân Hoa Xã, một cơ quan tuyên truyền và thu thập thông tin tình báo của ĐCSTQ, ông Liu Chang đã viết: “Điều cũng có thể được xem là một phần quan trọng cho một cuộc cải tổ hiệu quả là việc giới thiệu một loại tiền tệ dự trữ quốc tế mới, được tạo ra để thay thế đồng USD đang thống trị, để cộng đồng quốc tế có thể vĩnh viễn tránh xa tác động lan tỏa của cuộc khủng hoảng gia tăng bất ổn chính trị bên trong nội bộ Hoa Kỳ.”
Các nhà phân tích cho biết bài báo này của Tân Hoa Xã chắc chắn đã được các quan chức cao cấp của ĐCSTQ chấp thuận và phản ánh rõ ràng quan điểm của Bắc Kinh.
Một lợi ích của một chính sách như vậy là “khuyến khích Hoa Thịnh Đốn đóng vai trò mang tính xây dựng hơn nhiều hơn trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu,” bài viết của ĐCSTQ tiếp tục, đồng thời kêu gọi một “trật tự thế giới mới” “phi Mỹ hóa.”
Đây không phải là lần đầu tiên ĐCSTQ đưa ra ý tưởng này. Trong một báo cáo năm 2009 của người đứng đầu Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan), mang tên “Cải tổ Hệ thống Tiền tệ Quốc tế”, ĐCSTQ đã kêu gọi một “đồng tiền dự trữ quốc tế không liên quan đến các quốc gia riêng lẻ và có thể duy trì ổn định trong thời gian dài.” Ông cho biết loại tiền tệ toàn cầu được đề nghị có thể do IMF phát hành.
Nói cách khác, gần 15 năm trước, các cấp quyền lực cao nhất ở Bắc Kinh đã âm mưu tạo ra một loại tiền tệ toàn cầu để thay thế đồng USD làm đồng tiền dự trữ của thế giới.
Khi được hỏi về ý tưởng này tại một sự kiện của Hội đồng Quan hệ Ngoại giao (CFR), Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ đương thời Timothy Geithner đã khiến các nhà quan sát kinh ngạc. “Thực ra chúng tôi khá cởi mở với điều đó,” ông nói, khiến đồng USD lao dốc.
Nhiều nhà hoạch định chính sách tương tự của chính phủ cựu Tổng thống Obama năm 2009, những người ủng hộ ý tưởng này, vẫn giữ các vị trí có ảnh hưởng trong chính phủ ông Biden ngày nay.
Và như The Epoch Times đã đưa tin vào năm 2021 trong bối cảnh cuộc khủng hoảng virus Trung Cộng, IMF đã đi theo xu hướng đó với các quyền rút vốn đặc biệt, một loại tiền tệ toàn cầu nguyên thủy do tổ chức tài chính toàn cầu này phát hành.
Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách các Tổ chức Quốc tế Kevin Moley, một trong những người dẫn đầu lên tiếng cảnh báo về nghị trình của ĐCSTQ, cho biết việc tách khỏi đồng USD là “một trong những diễn biến nguy hiểm nhất trong thời kỳ hậu chiến.”
Trong khi chỉ trích chính phủ ông Biden vì đã chọc giận và xa lánh các đồng minh của Hoa Kỳ, ông nêu đích danh ĐCSTQ — “mối đe dọa sống còn lớn nhất đối với Nền Cộng Hòa kể từ năm 1776” — là nguyên nhân chính của sự thay đổi đang diễn ra.
Ông nói: “Đây là một phần trong kế hoạch thống trị thế giới của họ. Ý định của Trung Quốc là trở thành siêu cường thống trị thế kỷ 21.”
Các thành viên chủ chốt của chính phủ Tổng thống Biden đã công khai ca ngợi vai trò ngày càng tăng của ĐCSTQ trên trường thế giới.
Ví dụ, nhà ngoại giao cao cấp của chính phủ ông Biden, bà Bathsheba Crocker, người từng là trợ lý ngoại trưởng đặc trách các vấn đề về tổ chức quốc tế dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Obama, đã được tờ Trung Quốc Nhật Báo (China Daily) của ĐCSTQ dẫn lời nói rằng bà đã “đặc biệt hài lòng” khi chứng kiến Bắc Kinh đảm nhận vai trò lớn hơn ở Liên Hiệp Quốc.
Ông Moley nói, các chính phủ của các tổng thống trước đây, mà ông cho rằng đã “đi sai đường” bởi “sự kiêu ngạo” của chính họ, cũng đã góp phần vào nỗ lực liên tục của ĐCSTQ nhằm truất ngôi đồng USD.
Với việc các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đang tiết lộ bằng chứng về việc tiền của ĐCSTQ được chuyển cho các thành viên gia đình của ông Biden trong các giao dịch đáng ngờ, thì những câu hỏi về ảnh hưởng của ĐCSTQ ở Hoa Thịnh Đốn cũng tiếp tục gia tăng.
Nguyên nhân ở trong nước
Các nhà lập pháp đã nói với The Epoch Times, nhưng trong khi ĐCSTQ có thể hy vọng chứng kiến đồng USD bị thay thế trong vai trò dự trữ toàn cầu, thì sự thay thế này sẽ khó đạt được hơn nhiều nếu không có các chính sách mà chính phủ liên bang và ngân hàng dự trữ liên bang theo đuổi.
Chẳng hạn, ông Gosar đã nói với The Epoch Times rằng “sự cổ xúy chiến tranh” của ông Biden cùng với “lạm phát quá mức và chi tiêu vô trách nhiệm” đã góp phần quan trọng vào tình trạng gia tăng các vấn đề của đồng USD.
“Người Mỹ đã xem hầu hết các quốc gia cố gắng kinh doanh bằng đồng USD như là điều hiển nhiên,” ông nói. “Đồng USD của chúng ta trong lịch sử được xem là ổn định, đáng tin cậy, và hữu ích. Những giá trị này mang lại lợi ích to lớn cho đất nước chúng ta.”
Tuy nhiên, nhà lập pháp GOP này nói với The Epoch Times rằng, giờ đây, sự thống trị về tài chính của Hoa Kỳ đang “bị đe dọa” vì “sự kém cỏi” của ông Biden.
“Các quốc gia như Nga, Trung Quốc, và Ấn Độ hiện đang xem xét sử dụng các loại tiền tệ khác vì ông Biden đã lạm dụng tiền tệ và hệ thống ngân hàng của chúng ta,” ông nói, đề cập đến luật mà ông và những người khác đã đưa ra để liên kết đồng USD với vàng lại một lần nữa như một cách để kiềm chế những vấn đề này.
Cựu Dân biểu Ron Paul, một người ủng hộ lâu năm cho việc cải tổ tiền tệ, từng giữ các vị trí quan trọng trong Quốc hội liên quan đến tiền tệ và ngân hàng, cũng cho rằng chính sách của Hoa Kỳ là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc dịch chuyển khỏi đồng USD.
Mặc dù đúng là các chính phủ ngoại quốc và ngân hàng trung ương hiện nay dường như đang “bắt tay” với đồng USD, nhưng Tiến sĩ Paul đã nói với The Epoch Times rằng phần lớn lỗi thuộc về các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ.
Nhà lập pháp kỳ cựu và tác giả của cuốn sách bán chạy nhất “End the Fed” (Kết thúc Fed) này cho biết: “Các chính phủ khác đang từ bỏ đồng USD vì chính sách bang giao của chúng ta và cả chính sách hiếu chiến của chúng ta đang gây ra quá nhiều tổn hại cho họ, điều này không có lợi cho thế giới cũng như hòa bình của chính chúng ta.”
Ông David Stockman, Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) trong chính phủ ông Reagan, cho biết ông không ngạc nhiên về xu hướng rời khỏi đồng USD trên toàn cầu khi xét đến các chính sách tài chính và tiền tệ của Mỹ.
“Trong nhiều năm, Cục Dự trữ Liên bang đã bơm quá nhiều tiền vào hệ thống tài chính,” ông nói. “Kết quả là, mọi người đang tìm kiếm những lựa chọn thay thế có cơ hội tốt hơn để duy trì được giá trị của tài sản dự trữ theo thời gian.”
Một chuyên gia khác, nhà dự báo tài chính đồng thời là nhà phân tích kinh tế nổi tiếng Charles Nenner, đã viện dẫn các mô hình và xu hướng vĩ mô của mình để gợi ý rằng “sự phi USD hóa to lớn” sắp xảy ra gắn liền với sự kết thúc của một “siêu chu kỳ” 250 năm.
Cựu phân tích gia của Goldman Sachs này, chủ Trung tâm Nghiên cứu Charles Nenner chuyên tư vấn cho các quỹ mạo hiểm, các ngân hàng, các công ty môi giới, các văn phòng gia đình, và các khách hàng cá nhân, cho biết: “Hoa Kỳ có một mức thâm hụt cao đến mức điều này đang dẫn đến sự khởi đầu của một thời kỳ lạm phát dài hạn.”
Ông nói thêm: “Thế giới đã mất niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ.”
Giữa những xu hướng đó, các chính phủ và các ngân hàng trung ương của các quốc gia thuộc khối BRICS — Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi — hiện đang tạo ra cái mà ông Nenner mô tả là “một nền kinh tế bài USD.”
Ông nói: “Chúng tôi dự kiến hầu hết thế giới sẽ đi theo loại tiền tệ thay thế mà các nước BRICS đang cố gắng phát triển.”
Thật vậy, cựu kinh tế gia trưởng của Goldman Sachs, ông Jim O’Neill, đã công khai chỉ trích các chính phủ BRICS vì cố tình chống lại đồng USD.
Ông viết trên tạp chí Chính sách Toàn cầu (Global Policy) rằng: “Đồng USD đóng một vai trò quá nổi trội trong nền tài chính toàn cầu.”
Các tác động
Ông Nenner giải thích rằng sự dịch chuyển khỏi đồng USD này có thể dẫn đến các dòng vốn rất lớn chảy ra khỏi thị trường trái phiếu Hoa Kỳ, khiến “lạm phát gia tăng nghiêm trọng,” và gây ra các vấn đề khác đối với nền kinh tế Hoa Kỳ.
Rõ ràng, sẽ có những tác động lớn đối với sức mua của đồng USD, khi chi phí nhập cảng và hàng hóa tính bằng đồng USD tăng vọt.
Ông Nenner, người đã làm việc với nhiều ngân hàng hàng đầu trên thế giới, cho biết xu hướng ấy cũng sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi toàn cầu đang diễn ra đối với các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC).
Về mặt địa chính trị, ông Nenner gợi ý, thế giới có thể đang nhanh chóng đi đến hồi kết không chỉ về quyền thống trị của đồng USD mà cả sự thống trị toàn cầu của Hoa Kỳ, với sự sụp đổ của đồng USD chỉ là một dấu hiệu của một xu hướng rộng lớn hơn.
Trong lịch sử, thời gian tồn tại trung bình của các đế chế là khoảng 250 năm, ông Nenner nói, nêu ra sự trỗi dậy và sụp đổ của các đế chế La Mã, Hà Lan, và Vương quốc Anh làm ví dụ.
Ông nói: “Hoa Kỳ cho thấy những triệu chứng giống như những đế chế trước đây đã thể hiện ngay trước khi họ sụp đổ, bao gồm cả việc mất lòng tin từ các quốc gia khác.”
Nói cách khác, việc đồng USD mất vị thế dường như là một phần quan trọng của — chứ không chỉ là nguyên nhân của — một quá trình tái cấu trúc về địa chính trị rộng lớn hơn với những tác động sâu sắc đối với thế giới.
Ông Paul, người từng ba lần ra tranh cử tổng thống, và từng cảnh báo trong nhiều thập niên về những gì đang xảy ra với đồng tiền của Hoa Kỳ cũng như những gì ông xem là mối nguy hiểm của chính sách bang giao can thiệp, đã nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn về nhiều chủ đề rằng Hoa Kỳ là vốn dĩ vẫn đang đối mặt với một cuộc “suy thoái lạm phát.”
Ông nói, “Và hậu quả sẽ trở nên tồi tệ hơn khi đồng USD tiếp tục mất giá,” lập luận rằng giá cả sẽ tăng đáng kể. “Sẽ có rất nhiều đau đớn thống khổ khi họ buộc phải từ bỏ đồng USD.”
Trong khi nhiều nhà phân tích đang nói về việc xu hướng này có khả năng gây thảm họa cho nước Mỹ như thế nào, thì ông Stockman cho rằng xu hướng này có thể không nhất thiết là một điều tồi tệ đối với Hoa Kỳ trong dài hạn, vì nó sẽ buộc Quốc hội phải hành động có trách nhiệm hơn.
“Đây chỉ là một món quà cho cái Quốc hội đã cho phép họ chi tiêu và chi tiêu và tích lũy khoản nợ công đến mức mà chúng ta đang ở mức 31 ngàn tỷ USD ngày nay, đến mức chúng ta đang tranh luận về việc thanh toán các hóa đơn của mình và không cắt giảm bất kỳ khoản chi tiêu nào,” ông nói với giọng sửng sốt.
Ông Stockman cho biết hậu quả sẽ rất đau đớn và người Mỹ sẽ phải chấp nhận một mức sống giảm đáng kể.
Nhưng “điều may mắn” khi đồng USD mất đi vị thế dự trữ toàn cầu là “điều đó sẽ đánh thức các chính trị gia và nhà hoạch định chính sách để hiểu được rằng chúng ta đang chi tiêu quá mức, quá mức so với khả năng của mình, và chúng ta sẽ phải trả giá cho hành vi sai lầm của bản thân,” ông nói.
Ông nói thêm, “Đã đến lúc chúng ta phải đối mặt với sự thật — thực tế — và thay đổi chính sách một cách rốt ráo.”
Về mặt kinh tế, Tiến sĩ Thorsten Polleit, kinh tế gia trưởng tại Degussa, công ty kinh doanh kim loại quý lớn nhất của châu Âu, giải thích rằng việc mất vị thế dự trữ toàn cầu có nghĩa là người Mỹ sẽ phải xuất cảng nhiều hơn để có thể nhập cảng cùng một lưu lượng hàng hóa.
Trong các bình luận với The Epoch Times, cựu giáo sư kinh tế tại Đại học Bayreuth này cho biết xu hướng này đồng nghĩa với việc mức sống suy giảm.
Ông nói: “Hơn nữa, vì dòng vốn chảy vào rất có thể cũng sẽ giảm, nên trong tương lai, Hoa Kỳ sẽ có ít khoản đầu tư hơn và tăng trưởng kinh tế thấp hơn.”
Cuối cùng, thế giới thậm chí có thể bị chia rẽ giữa một “khối dùng đồng USD” và một “khối dùng đồng tiền không phải là đồng USD” khi một “hệ thống tiền tệ thế giới đa cực” hơn xuất hiện và các loại tiền tệ khác như đồng nhân dân tệ và đồng euro tăng giá.
Các chuyên gia trao đổi với The Epoch Times đã có nhiều quan điểm khác nhau về việc liệu quá trình chuyển đổi này sẽ diễn ra đột ngột hay theo từng bước, cũng như về việc mất bao lâu để đồng USD mất đi vị thế thống trị.