BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Kế hoạch năng lượng xanh của TT Biden bị chỉ trích khi sự thống trị về khoáng sản của Trung Quốc hiển lộ
Chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã biện minh cho việc thúc đẩy năng lượng thay thế bằng cách nói rằng đây là một cách để chống lại sự thống trị của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với các khoáng sản trọng yếu, nhưng những người chỉ trích cho rằng các chính sách của chính tổng thống đang làm suy yếu mục tiêu theo đuổi độc lập năng lượng của Hoa Kỳ.
Những tuần gần đây cho thấy Tổng thống Biden đang cố gắng thúc đẩy hợp tác quốc tế và bảo vệ các nhà sản xuất năng lượng trong nước như một phần của chiến lược được cho là sẽ “giảm thiểu rủi ro” cho mối bang giao của Hoa Kỳ với Trung Quốc. Như cố vấn John Podesta của ông đã lưu ý, Hoa Kỳ đang “ở một vị thế dễ bị tổn thương” trước nguồn tài nguyên phong phú của Trung Quốc. Theo một báo cáo hồi tháng Sáu từ Nikkei Asia, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đang tìm cách giải quyết rủi ro đó bằng cách ban hành các hướng dẫn để giúp các quốc gia tránh phụ thuộc vào Trung Quốc về năng lượng tái tạo.
Ở trong nước, chính phủ TT Biden đã cố gắng cạnh tranh với Trung Quốc thông qua các khoản đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng năng lượng và các mục tiêu như hướng tới một nửa doanh số bán phương tiện đi lại mới là xe điện vào năm 2030. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu những chiến lược đó có là đủ để thách thức được sự thống trị áp đảo chính quyền Trung Quốc trong việc chế biến, khai thác, và sử dụng các khoáng sản then chốt đóng vai trò quan trọng, chẳng hạn như trong việc cung cấp công nghệ chủ chốt cho nghị trình năng lượng sạch.
“Chúng ta đang không làm bất cứ điều gì để tự cung cấp cho bản thân mình,” cựu cố vấn Tòa Bạch Ốc thời ông Trump, ông Steve Milloy, nói với The Epoch Times. “Tất cả những gì chúng ta đang làm đang khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.” Ông nói rằng làn sóng các quy định xanh hiện tại đang đã “khiến chúng ta phụ thuộc một cách yếu ớt vào Trung Quốc” và rằng các mục tiêu về xe điện (EV) “điên rồ” của ông Biden là không thể nếu không có nguồn lực của Trung Quốc.
The New York Times mới đây đã đặt câu hỏi về việc liệu thế giới có thể “sản xuất pin xe điện mà không cần Trung Quốc” hay không trong khi nêu ra tỷ lệ bất cân xứng về lượng tài nguyên cần thiết và khả năng chế biến nhiều loại khoáng sản mà Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) liệt kê hồi năm 2022 là “trọng yếu.” Nó cũng không chỉ là các thành phần: Trung Quốc cũng thống trị thành phẩm cuối cùng với 54% xe điện và 66% pin được sản xuất nội địa.
Họ đã nhanh chóng vượt xa Hoa Kỳ trong cuộc chạy đua vũ trang “năng lượng sạch” với thị trường xe điện đang bùng nổ dự kiến đạt doanh số bán 6 triệu xe. Hiệp hội Xe khách Trung Quốc đã báo cáo về 486,000 chiếc EV mới, được giao trong tháng Bảy. Theo Bloomberg, đó là 26.7% thị trường xe mới. Trong khi đó, Hoa Kỳ dự kiến sẽ đạt doanh số bán 1 triệu xe điện mới, chỉ chiếm 8.4% thị trường.
Tuy nhiên, chính phủ TT Biden tỏ ra tự tin trong việc thúc đẩy năng lượng sạch. Bộ năng lượng của ông gần đây đã khẳng định rằng các khoản đầu tư của chính phủ sẽ thúc đẩy tăng trưởng việc làm, cung cấp năng lượng cho 10 triệu xe điện, và cung cấp nhiên liệu cho “hơn 160 cơ sở mới hoặc cơ sở mở rộng để sản xuất, chế biến vật liệu và khoáng sản.” Ông Biden cũng đã thúc đẩy các khoản trợ cấp và tín thuế để giải quyết vấn đề khả năng chi trả cho EV. Nhưng không rõ công chúng sẽ hợp tác đến mức nào khi một cuộc thăm dò hồi tháng Tư của The Associated Press cho thấy chỉ có bốn trên 10 người trưởng thành cho biết họ có khả năng mua một chiếc xe điện cho chiếc xe tiếp theo của mình.
Ông Milloy và bà Diana Furchtgott-Roth, giám đốc Trung tâm Năng lượng, Khí hậu, và Môi trường của Quỹ Di Sản, cũng đã cảnh báo về những khó khăn chính trị tiềm ẩn trong việc đạt được sự chấp thuận cho các dự án khai thác mỏ.
Bà Furchtgott-Roth nói với The Epoch Times: “Chúng ta không có chế độ độc đoán như Trung Quốc để buộc các tiểu bang và chính phủ địa phương phải khai thác mỏ ở những nơi họ không muốn.” Bà cũng lập luận rằng “Trung Quốc không có những lo ngại về môi trường như chúng ta. Đó là một lý do khác giải thích tại sao chúng ta đang làm cho Trung Quốc mạnh hơn bằng cách chuyển hoạt động sản xuất sử dụng nhiều năng lượng của chúng ta sang Trung Quốc.”
Các nhà lập pháp cũng có những lo lắng tương tự về sức mạnh công nghiệp của Trung Quốc trong khi thúc đẩy một nỗ lực của lưỡng đảng nhằm khôi phục thuế quan đối với ngành quang năng. Tuy nhiên, ông Biden đã phủ quyết dự luật này, nói rằng các nhà sản xuất Hoa Kỳ đã không thể gánh chịu thêm chút bất ổn nào nữa. Ông nói: “Khi nói đến quang năng, kể từ khi tôi nhậm chức, đã có 51 nhà máy sản xuất thiết bị quang năng mới và mở rộng đã được công bố, và Mỹ hiện đang trên đà tăng gấp tám lần năng lực sản xuất tấm quang năng trong nước.”
The Epoch Times đã liên lạc để đề nghị chính phủ Tổng thống Biden bình luận.
Chi phí chuyển đổi xanh
Việc chính quyền Trung Quốc cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060 đã đặt quốc gia này trong số các cường quốc quốc tế khác tuyên bố tham vọng khí hậu táo bạo. Tuy nhiên, hành vi của chính Trung Cộng đã làm dấy lên nghi ngờ về mối quan tâm và khả năng thực hiện nghị trình thức tỉnh về khí hậu của chính quyền này.
IEA gần đây đã công bố các dự báo cho thấy Trung Quốc đang dẫn đầu về phát triển năng lượng sạch với 55% công suất của thế giới vào năm 2024. Chưa hết, Trung Quốc cũng được cho là có sản lượng than cao kỷ lục vào năm ngoái (2022). Ở cấp độ toàn cầu, tương tự như vậy các quốc gia cũng được kỳ vọng sẽ chứng kiến các khoản đầu tư vào năng lượng thay thế vượt xa các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, mặc dù mức tiêu thụ của thế giới được dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022.
Theo một phân tích của ANZ Group được Bloomberg đưa tin, có khả năng là xu hướng này đã có thể góp phần vào việc gia tăng xu hướng kia vì quá trình chuyển đổi mạnh mẽ sang xe điện của Trung Quốc sẽ cần thêm năng lượng sản xuất từ than đá. Không rõ quá trình chuyển đổi EV sẽ thành công như thế nào nhưng dự kiến sẽ cắt giảm đáng kể lượng khí thải bằng cách thay thế các thiết bị đốt xăng thông thường. Điều rõ ràng là kể cả trong bối cảnh cải tổ khí hậu đầy tham vọng như quá trình cải tổ của ông Biden, thì Liên Hiệp Quốc vẫn nghĩ rằng thế giới đang hành động không đủ nhanh. Trong những năm kể từ Thỏa thuận Paris năm 2015, Liên Hiệp Quốc đã phát hành hết báo cáo này đến báo cáo khác để cảnh báo rằng thế giới đã chậm trễ trong việc đạt được mức giảm phát thải.
Theo các nhà phê bình, Thỏa thuận Paris và các nỗ lực khác chắc chắn sẽ thất bại, đồng thời gây ra thiệt hại nghiêm trọng về tài chính. Bình luận của họ được đưa ra trong bối cảnh Hoa Kỳ một lần nữa buộc phải tăng mức trần nợ cho khoản nợ công mà chính quyền Trung Quốc đang nắm giữ đáng kể. Thỏa thuận mức trần nợ mới đây nhất đã thu hẹp các đánh giá về môi trường đối với quy trình cấp phép. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu thỏa thuận này có đủ để xây dựng loại cơ sở hạ tầng cần thiết để giúp Hoa Kỳ thoát khỏi sự áp đảo của Trung Quốc về mặt chiến lược và tài chính hay không.
Các thành viên của Quốc hội đã cân nhắc các lựa chọn như năng lượng tái tạo và hạt nhân. Nhưng các học giả như Benjamin Zycher, một nhà kinh tế học và thành viên cao cấp tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI), cho rằng Hoa Kỳ nên theo đuổi các nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, điều mà Đảng Dân Chủ đã phản đối vì những lo ngại về môi trường.
Mặc dù chính phủ đã quảng bá về các lợi ích kinh tế được cho là từ quá trình chuyển đổi “xanh”, nhưng họ cũng đã gợi ý rằng các tác động kinh tế chỉ là thứ yếu bằng cách xem khí hậu là một vấn đề “sống còn” cần được giải quyết thông qua các công cụ như Thỏa thuận Paris.
Gần đây hơn, chính phủ đã bán các hợp đồng cho thuê khoan dầu khí ở vùng Vịnh như một phần của các quy định trong Đạo luật Giảm Lạm Phát của tổng thống. Thật khó để tính toán việc thăm dò dầu mỏ và khí đốt sẽ diễn ra như thế nào trong nền kinh tế hiện nay, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra những kết quả khác nhau về vấn đề này. Viện Dầu mỏ Hoa Kỳ (API), một nhóm lợi ích về dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, đã thực hiện một nghiên cứu dự đoán tăng trưởng GDP 149.2 tỷ USD trong 20 năm từ việc cho phép tiếp cận vào vùng phía đông Vịnh Mexico.
Quỹ Di Sản đã cố gắng đánh giá các tác động môi trường và kinh tế của các cải tổ năng lượng đầy tham vọng này và nhận thấy sự đánh đổi giữa những thay đổi èo uột về khí thải với sự tàn phá về tài chính. Cụ thể hơn, tổ chức này đã đánh giá việc áp dụng một loại thuế carbon giả định cho một mô hình dựa trên mô hình của chính Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng (EIA) và nhận thấy rằng nó sẽ làm mất hàng triệu việc làm cùng với 7.7 ngàn tỷ USD GDP bị mất trong 18 năm. Họ cũng đã phát hiện ra rằng ngay cả khi Hoa Kỳ loại bỏ tất cả lượng khí thải của mình, thì quốc gia này cũng chỉ giảm được chưa đầy 0.2°C nhiệt độ toàn cầu vào năm 2100. Nếu toàn bộ các nền kinh tế OECD loại bỏ được lượng khí thải nhà kính của họ thì kết quả sẽ là giảm được 0.5°C.
Được công bố hồi năm ngoái (2022), nghiên cứu đó đã thiết lập các tình huống dựa trên khả năng về việc liệu Hoa Kỳ có tham gia lại Thỏa thuận Paris hay không. Việc Hoa Kỳ tái gia nhập đã bổ sung thêm cho một môi trường quốc tế rộng lớn hơn, vốn gây áp lực buộc các nền kinh tế thế giới phải cải tổ mạnh mẽ vì khí hậu.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times