Vụ án bầu cử tại Hoa Thịnh Đốn của cựu TT Trump: Điều gì tiếp theo sau phán quyết về quyền miễn trừ?
Vụ án này khó có thể được đưa ra xét xử trước cuộc tổng tuyển cử năm nay, nhưng một phiên xét xử liên quan đến chứng cứ là có thể diễn ra.
Phán quyết của Tối cao Pháp viện về yêu cầu quyền miễn trừ của cựu Tổng thống Donald Trump đã bất ngờ thay đổi vụ án liên quan đến bầu cử của ông ở Hoa Thịnh Đốn, đồng thời tạo ra nhiều sự trì hoãn và điều không rõ ràng hơn cho việc truy tố, theo các luật sư nói với The Epoch Times.
Hôm 01/07, đa số các thẩm phán đã gửi vụ án của cựu tổng thống về lại tòa án địa hạt kèm theo hướng dẫn, trong đó sẽ giới hạn các cáo buộc mà ông phải đối mặt. Phán quyết được nhiều dự đoán này cho rằng các tổng thống có nhiều mức độ miễn trừ khỏi bị truy tố: miễn trừ tuyệt đối cho các hành vi thuộc “thẩm quyền theo Hiến Pháp mang tính quyết định và bất khả xâm phạm,” một giả định về quyền miễn trừ cho các hành động theo thẩm quyền, không có quyền miễn trừ đối với các hành động không theo thẩm quyền.
Mặc dù Pháp viện đã xác định một số phạm vi đó như thế nào, nhưng các quyết định trong tương lai của tòa án cấp dưới và có thể là Tối cao Pháp viện sẽ tiếp tục làm rõ phạm vi của quyền miễn trừ của tổng thống.
Thẩm phán Địa hạt Liên bang Tanya Chutkan có thể sử dụng các con đường pháp lý khác nhau để thay đổi vụ án này trước khi một phiên xét xử vốn từng được ấn định vào tháng Ba năm ngoái, nhưng hiện tại có vẻ khó có thể diễn ra trước lễ nhậm chức năm 2025.
Nếu ông Trump đắc cử vào tháng Mười Một, người ta cho rằng ông sẽ ra lệnh hủy bỏ vụ truy tố này, làm tăng triển vọng rằng vụ án sẽ không bao giờ được đưa ra trước bồi thẩm đoàn. Tuy nhiên, giới quan sát đã suy đoán rằng Thẩm phán Chutkan có thể công khai một số dữ kiện có thể gây bất lợi cho cựu tổng thống trước cuộc bầu cử năm 2024.
Bản cáo trạng càng trở nên thiếu thuyết phục
Tối cao Pháp viện đã định ra một hướng đi ảm đạm cho bản cáo trạng của Biện lý Đặc biệt Jack Smith truy tố cựu tổng thống khi cho rằng nhiều hoạt động làm cơ sở cho các cáo buộc của ông là một phần trong thẩm quyền hiến định của một tổng thống.
Bản ý kiến đa số của Chánh án John Roberts đã phân loại các cáo buộc thành ba nhóm: những cáo buộc xoay quanh công việc của cựu Tổng thống Trump với Bộ Tư pháp (DOJ); những cáo buộc liên quan đến việc ông tiếp xúc với cử tri tiểu bang và những lời truyền đạt của ông vào ngày 06/01/2021; và việc ông thúc giục Phó Tổng thống Mike Pence không chứng nhận kết quả bầu cử tại Thượng viện.
Cựu Tổng thống Trump được miễn truy tố tuyệt đối đối với nhóm đầu tiên. Đối với nhóm thứ hai, Pháp viện đã chuyển vấn đề này trở lại tòa án địa hạt để xác định xem các hành động của ông có thuộc thẩm quyền hay không. Những lời truyền đạt của ông với ông Pence được xem là “miễn trừ theo giả định,” nhưng Bộ Tư pháp có thể bác bỏ giả định đó tại tòa án.
Khi chuyển lại vấn đề đó, Tối cao Pháp viện đã chỉ thị cho tòa án địa hạt “trước tiên phải đánh giá xem liệu một vụ truy tố liên quan đến các nỗ lực bị cáo buộc của ông Trump nhằm gây ảnh hưởng đến việc Phó Tổng thống giám sát quá trình chứng nhận [kết quả bầu cử] có gây ra bất kỳ nguy cơ xâm phạm nào đến thẩm quyền và chức năng của Nhánh Hành pháp hay không.”
Trích dẫn phán quyết năm 2018 trong vụ Trump kiện Hawaii, một tranh chấp liên quan đến lệnh cấm đi lại của cựu tổng thống, tòa án cũng nhấn mạnh rằng “Tổng thống có ‘thẩm quyền đặc biệt để nói với công dân của mình thay mặt cho họ.’” Pháp viện cũng lưu ý rằng “hầu hết các lời truyền đạt công khai của Tổng thống có thể nằm nội trong phạm vi bên ngoài trách nhiệm theo thẩm quyền của ông.”
Thẩm phán Chutkan có thể sẽ nhận được các bản tóm tắt pháp lý từ cả biện lý đặc biệt và nhóm pháp lý của cựu Tổng thống Trump, trong đó mỗi bên sẽ trình bày quan điểm của mình về việc các cáo buộc nào nên bị loại bỏ hoặc giữ lại trong bản cáo trạng. Tối cao Pháp viện đã giao cho bà nhiệm vụ phân tích các hành động của cựu Tổng thống Trump và xác định hành động nào là theo thẩm quyền và hành động nào là không theo thẩm quyền.
Các luật sư nói với The Epoch Times rằng, với một bản cáo trạng bị thay đổi, ông Smith có thể sẽ phải quay lại bồi thẩm đoàn để có được một bản cáo trạng thay thế.
Phó Chủ tịch Quỹ Di sản John Malcolm cho biết rằng, “Sẽ rất khó nhận ra làm thế nào mà ông Jack Smith, và đối với vụ việc đó, bà Fani Willis, có thể hấp tấp đưa ra một cuộc truy tố.”
Biện lý Quận Fulton Fani Willis đã đệ đơn kiện cựu Tổng thống Trump tại Georgia liên quan đến các hoạt động của ông xoay quanh cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Mặc dù khối đa số Tối cao Pháp viện giữ nguyên quyền miễn trừ đối với một số lời truyền đạt nhất định, nhưng tòa án này nêu ra rằng một số lời truyền đạt của cựu tổng thống có thể thuộc phạm vi không theo thẩm quyền của ông khi [ông] là ứng cử viên hoặc lãnh đạo đảng. Trích dẫn ý kiến của mình trong vụ Trump kiện Mazars, liên quan đến nỗ lực của Quốc hội nhằm ban trát lệnh thu thập tờ khai thuế của cựu Tổng thống Trump, Pháp viện lưu ý rằng không có “ranh giới rõ ràng” nào phân định hành động theo thẩm quyền và không theo thẩm quyền.
Luật sư biện hộ hình sự Keith Johnson nói với The Epoch Times rằng rằng, “Phán quyết này không giải thích rõ cho bất kỳ ai.”
Buộc tội về vụ xâm nhập ngày 06/01
Một phán quyết khác của Tối cao Pháp viện, vụ Fischer kiện [Chính phủ] Hoa Kỳ, đã tạo ra nghi ngờ về hai trong số các cáo buộc trong bản cáo trạng của ông Smith. Cả cựu Tổng thống Trump và các bị cáo liên quan đến vụ xâm nhập ngày 06/01 đều đã bị buộc tội theo Đạo luật Sarbanes-Oxley năm 2002, mà trong đạo luật này có một điều khoản gây tranh cãi về việc cản trở các thủ tục chính thức.
Trong vụ Fischer, một nhóm bị cáo liên quan đến vụ xâm nhập Tòa nhà Quốc hội ngày 06/01/2021 đã phản đối nỗ lực của Bộ Tư pháp trong việc áp dụng luật này đối với các hoạt động của họ tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ. Các điều khoản liên quan của luật này nhắm vào “bất kỳ ai bằng cách sai trái” “đã thay đổi, phá hủy, làm hỏng, hoặc che giấu một hồ sơ, tài liệu, hoặc đối tượng khác, hoặc cố gắng làm như vậy, với ý định làm suy giảm tính toàn vẹn hoặc khả năng sử dụng của đối tượng đó trong một thủ tục chính thức; hoặc … bằng cách khác gây cản trở, gây ảnh hưởng, hoặc ngăn cản bất kỳ thủ tục chính thức nào, hoặc cố gắng làm như vậy.”
Pháp viện đã xác định rằng để chứng minh một người “bằng cách khác [gây cản trở]” một thủ tục chính thức, các công tố viên cần phải chứng minh rằng người đó đã thực hiện hành vi được nêu trong phần trước của điều khoản này. Cụ thể hơn, Pháp viện đã xác định rằng “Phía Chính phủ phải chứng minh rằng bị cáo đã làm suy giảm khả năng sử dụng hoặc tính toàn vẹn của các hồ sơ, tài liệu, đối tượng, hoặc các thứ khác được sử dụng trong một thủ tục chính thức, hoặc cố gắng làm như vậy.” Bộ Tư pháp đã bắt đầu rút lại các cáo buộc về hành vi cản trở đối với các bị cáo liên quan đến vụ ngày 06/01.
“Phán quyết này cũng sẽ áp dụng cho ông Donald Trump,” ông Malcolm nói với The Epoch Times.
“Thẩm phán sẽ phải quyết định, dựa trên vụ Fischer, liệu hai cáo buộc đó trong bản cáo trạng có được giữ lại hay không, và hiện tại vẫn chưa rõ bà sẽ làm gì.”
Việc xác định những cáo buộc nào còn lại trong bản cáo trạng này có thể liên quan đến một phiên xét xử trước cuộc bầu cử với việc đưa ra lời khai và bằng chứng liên quan đến các sự kiện của ngày 06/01/2021. Hiện tại chưa rõ phiên xét xử đó sẽ diễn ra như thế nào, nhưng giới quan sát đã đưa ra nhiều giả thuyết về bản chất của phiên xét xử như vậy trong một mùa bầu cử đầy căng thẳng.
Ông Robert Ray, một trong những luật sư biện hộ cho cựu Tổng thống Trump trong vụ đàn hặc, nói với The Epoch Times rằng phiên xét xử này sẽ “về căn bản” là một “phiên tòa hòa giải (mini-trial).”
“Tôi chính là cho rằng đó là một sự lạm dụng và áp dụng sai hoàn toàn thủ tục tư pháp hình sự,” ông nói.
Thẩm phán Chutkan chưa phác thảo cách bà sẽ tiến hành, nhưng cựu công tố viên liên bang Neama Rahmani đã suy đoán với The Epoch Times rằng bà có thể tổ chức một phiên xét xử liên quan đến chứng cứ trước cuộc tổng tuyển cử. Ông Rahmani cho biết rằng “quyền quyết định bây giờ thuộc về tòa án của bà ấy.”
Bồi thẩm đoàn
Một phiên xét xử về chứng cứ có thể cung cấp thông tin cho các quyết định của tòa án nhưng gần như chắc chắn sẽ không giải quyết được các nghi vấn về những gì còn lại trong bản cáo trạng. Các phán quyết của Thẩm phán Chutkan có thể bị kháng cáo, và nhóm pháp lý của ông Trump có thể sẽ theo đuổi việc này.
Giả sử vụ án đến giai đoạn xét xử, thì phiên xét xử đó có thể định hình phạm vi thông tin mà các bồi thẩm viên nhận được trước khi đưa ra bản án. Khối đa số của Tối cao Pháp viện đã bác bỏ ý kiến rằng các bồi thẩm đoàn có thể xem xét bằng chứng liên quan đến các hành động theo thẩm quyền của cựu tổng thống.
“Đề xướng đó đe dọa sẽ làm suy yếu quyền miễn trừ mà chúng tôi đã công nhận,” Chánh án Roberts viết. “Điều đó sẽ cho phép một công tố viên làm một cách gián tiếp những gì mà công tố viên đó không thể làm trực tiếp—[đó là] mời bồi thẩm đoàn xem xét các hành động mà một Tổng thống được miễn truy tố, dù sao cũng là để chứng minh trách nhiệm của ông trong bất kỳ cáo buộc nào.”
Ông Johnson nói với The Epoch Times rằng vụ án “rõ ràng sẽ phải xét đến việc lựa chọn bồi thẩm đoàn.”
“Những người xem ông Donald Trump là mối đe dọa đối với nền dân chủ Mỹ … sẽ kết án ông ấy, bất chấp những gì Tối cao Pháp viện nói, bất luận một hành động theo thẩm quyền là gì,” ông nói,
Các kháng cáo và sự trì hoãn trong tương lai
Dù tòa án địa hạt phán quyết như thế nào về phạm vi quyền miễn trừ của cựu Tổng thống Trump, các chuyên gia pháp lý cho rằng có cơ hội thuận lợi là vụ án sẽ được chuyển lại cho Tòa án Phúc thẩm khu vực DC hoặc Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.
“Phải mất nhiều tháng, nếu không nói là nhiều năm, kể từ khi tiến hành xét xử, và tất nhiên, tôi muốn lưu ý rằng nếu ông Donald Trump thắng cử, ông ấy sẽ ra lệnh bác bỏ vụ án này, và sa thải ông Jack Smith,” ông Malcolm nói với The Epoch Times.
Ông Johnson nói, “[Thẩm phán Chutkan] sẽ cố gắng ra phán quyết nhanh chóng, nhưng tôi nghĩ rằng phán quyết đó sẽ bị cuốn vào một kháng cáo nào đó.”
Xét đến bản chất của vụ án, thì triển vọng sẽ có kháng cáo có vẻ lớn hơn.
Trong bản ý kiến đồng thuận của mình, Thẩm phán Amy Coney Barrett đã viết rằng, “Về việc xem xét tạm thời, tiền lệ của chúng tôi thừa nhận rằng việc giải quyết một số vấn đề pháp lý trước khi xét xử là cần thiết để bảo vệ các lợi ích hiến định quan trọng—ở đây là sự độc lập của Nhánh Hành pháp đối với các vấn đề mà Điều II trao quyền quyết định cho Tổng thống.”
Thẩm phán Aileen Cannon ở Florida đã ra phán quyết rằng việc bổ nhiệm ông Smith là vi hiến, làm phức tạp thủ tục kháng cáo. Phán quyết này mâu thuẫn với phán quyết của Tòa án Phúc thẩm D.C. năm 2019, trong đó xác nhận việc bổ nhiệm ông Robert Mueller.
Các luật sư của cựu Tổng thống Trump có thể sử dụng bản ý kiến đó để phản đối tính hợp pháp của ông Smith trong vụ án tại Hoa Thịnh Đốn, mà điều này có thể dẫn đến một phán quyết của Tối cao Pháp viện nếu cả Thẩm phán Chutkan và Tòa án Phúc thẩm D.C. đều bác bỏ bản ý kiến đó.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times