Vụ kiện bầu cử liên bang: Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ra phán quyết cựu TT Trump có được một số quyền miễn trừ
Đa số thẩm phán ra phán quyết rằng các tổng thống được hưởng quyền miễn truy tố đối với các hành động theo thẩm quyền.
Tối cao Pháp viện đã ra phán quyết với tỷ lệ 6 phiếu thuận-3 phiếu chống rằng các tổng thống được hưởng quyền miễn truy tố về mặt hình sự đối với các hành động theo thẩm quyền, chứ không phải đối với các hành động không theo thẩm quyền. Phán quyết này dự kiến sẽ trì hoãn phiên xét xử cựu Tổng thống Donald Trump trong vụ án liên quan đến cuộc bầu cử liên bang ở Hoa Thịnh Đốn.
Tối cao Pháp viện đã cho rằng: “Theo cấu trúc Hiến Pháp của chúng ta về sự phân lập quyền lực, bản chất của quyền lực Tổng thống cho phép một cựu Tổng thống được miễn trừ tuyệt đối khỏi bị truy tố hình sự đối với các hành động nội trong thẩm quyền mang tính quyết định và mang tính loại trừ theo Hiến Pháp của ông. Và ông được hưởng ít nhất là quyền miễn trừ truy tố khỏi tất cả các hành động theo thẩm quyền của mình. Không có quyền miễn trừ đối với các hành động không theo thẩm quyền.”
Phán quyết hôm 01/07 sẽ trả lại vụ kiện cho tòa án địa hạt để xem xét thêm.
Chánh án John Roberts viết bản ý kiến đa số, với sự tham gia đầy đủ của các Thẩm phán Clarence Thomas, Samuel Alito, Neil Gorsuch, và Brett Kavanaugh. Thẩm phán Amy Coney Barrett tham gia một phần của bản ý kiến này trong khi đưa ra ý kiến đồng tình riêng của mình.
Thẩm phán Sonia Sotomayor đã viết một bản ý kiến bất đồng, có sự tham gia của các Thẩm phán Ketanji Brown Jackson và Elena Kagan. Thẩm phán Jackson cũng đưa ra một ý kiến bất đồng.
Cựu Tổng thống Trump đáp lại phán quyết này trên TruthSocial: “THẮNG LỢI LỚN CHO HIẾN PHÁP VÀ NỀN DÂN CHỦ CỦA CHÚNG TA. THẬT ĐÁNG TỰ HÀO KHI LÀ MỘT NGƯỜI MỸ!”
Phán quyết này là một phần thắng lợi cho cựu Tổng thống Trump, người đã yêu cầu một hình thức rộng hơn đối với quyền miễn trừ mà các thẩm phán cuối cùng đã cấp. Cựu Tổng thống Trump đã yêu cầu Pháp viện ra phán quyết rằng ông được hưởng quyền miễn truy tố hình sự đối với các hành động theo thẩm quyền của mình trừ phi Quốc hội đã đàn hặc và kết án ông vì những hành động đó.
Thẩm phán Địa hạt Liên bang Tanya Chutkan đã bác bỏ ý kiến cho rằng các tổng thống được hưởng quyền miễn truy tố hình sự cũng như Tòa Phúc thẩm Liên bang cho Khu vực Hoa Thịnh Đốn cũng cho là như vậy.
Trong phiên tranh luận trực tiếp hồi tháng Tư, các thẩm phán có khuynh hướng bảo tồn truyền thống dường như sẵn sàng trả lại vụ án về Tòa án Địa hạt khu vực Hoa Thịnh Đốn với hướng dẫn về những hành động nào cấu thành hành động theo thẩm quyền và hành động nào cấu thành hành động cá nhân, để tiến hành thêm các thủ tục tìm kiếm dữ kiện.
“Chúng tôi đang viết ra một quy tắc cho mọi thời đại,” Thẩm phán Neil Gorsuch nói trong cuộc tranh luận trực tiếp. Ông và Thẩm phán Ketanji Brown Jackson đều nói rõ rằng họ lo ngại về các vụ kiện vượt xa hơn vụ án của cựu Tổng thống Trump, vốn là điều đã buộc tòa án phải trăn trở với việc xem xét những gì cấu thành hành động theo thẩm quyền của tổng thống.
Luật sư D. John Sauer tranh luận cho cựu Tổng thống Trump, và cựu Phó Tổng Biện lý sự vụ Michael Dreeben tranh luận cho Biện lý Đặc biệt Jack Smith.
Lần gần đây nhất Tối cao Pháp viện đưa ra phán quyết quan trọng về quyền miễn trừ của tổng thống là vào năm 1982, trong vụ Nixon kiện Fitzgerald. Pháp viện đã phán quyết rằng các tổng thống được hưởng quyền miễn trừ tuyệt đối khỏi trách nhiệm dân sự đối với các hành động nằm “ngoài phạm vi” nhiệm vụ theo thẩm quyền của mình.
Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo
Tối cao Pháp viện đã trả lại vụ án, gửi trở lại tòa án địa hạt khu vực Hoa Thịnh Đốn, với chỉ thị “để đánh giá sơ thẩm xem liệu một sự truy tố liên quan đến những nỗ lực bị cáo buộc của ông Trump nhằm tác động đến sự giám sát của Phó Tổng thống đối với thủ tục chứng nhận [kết quả bầu cử] có gây ra bất kỳ nguy cơ xâm phạm đến thẩm quyền và chức năng của Nhánh Hành pháp hay không.”
Một phương diện khác của phán quyết chỉ thị tòa án địa hạt xem xét liệu các phương diện khác nhau trong bản cáo trạng của ông Smith có cấu thành hành động theo thẩm quyền hay không theo thẩm quyền. Điều đó bao gồm các cáo buộc rằng cựu Tổng thống Trump đã cố gắng chi phối các quan chức tiểu bang, sử dụng danh sách đại cử tri giả mạo, và những sự giao tiếp của ông vào ngày 06/01/2021.
Bản đại cương của tòa án, tức là tổng quan về phán quyết này, lưu ý rằng: “Tổng thống có ‘quyền lực đặc biệt để nói chuyện với đồng bào và thay mặt họ,’” trích từ một bản ý kiến khác trong vụ án Trump kiện Hawaii.
“Vì vậy, hầu hết sự giao tiếp với công chúng của một Tổng thống có thể nằm ngoài phạm vi trách nhiệm theo thẩm quyền của ông ấy,” phán quyết cho biết thêm.
Không rõ bản cáo trạng của ông Smith sẽ còn lại bao nhiêu phần sau khi thủ tục tố tụng ở tòa cấp dưới hoàn tất.
“Với việc vụ án được trả lại, Tòa án Địa hạt phải phân tích cẩn thận những cáo buộc còn lại trong cáo trạng để xác định liệu những cáo buộc này có liên quan đến hành vi mà một Tổng thống phải được miễn truy tố hay không,” Tối cao Pháp viện cho biết.
“Và các bên cùng Tòa án Địa hạt phải bảo đảm rằng có đủ các cáo buộc để chứng minh các cáo trạng mà không có hành vi như vậy. Lời khai hoặc hồ sơ cá nhân của Tổng thống hoặc các cố vấn của ông điều tra về hành vi như vậy không được chấp nhận làm bằng chứng tại phiên xét xử.”
Phán quyết này được đưa ra chỉ vài ngày sau phán quyết của Tối cao Pháp viện trong vụ Fischer kiện Hoa Kỳ, trong đó bác bỏ cách giải thích của Tòa Phúc thẩm khu vực Hoa Thịnh đốn về một luật—Điều 18 Mục 1512(c)(2) của Bộ Luật Hoa Kỳ— mà Bộ Tư pháp từng sử dụng để truy tố các bị cáo ngày 06/01 và cựu Tổng thống Trump. Trong phần chú thích cuối trang, Thẩm phán Roberts nói rằng “[i] nếu cần thiết, Tòa án Địa hạt nên xác định ngay từ đầu liệu các cáo buộc theo Mục 1512(c)(2) có thể được tiến hành theo phán quyết của chúng tôi đối với vụ Fischer hay không.
Các bản ý kiến
Các thẩm phán đã đưa ra nhiều bản ý kiến đồng tình và bản ý kiến bất đồng. Thẩm phán Clarence Thomas đã viết riêng để đặt câu hỏi về tính hợp pháp của các biện lý đặc biệt.
Ông cho biết tổng chưởng lý “có ý định bổ nhiệm một công dân bình thường làm Biện lý Đặc biệt… Nhưng, tôi không biết chắc rằng bất kỳ văn phòng nào dành cho Biện lý Đặc biệt đã được ‘thành lập theo Luật’ như Hiến Pháp yêu cầu.”
Thẩm phán Barrett tham gia hầu hết bản ý kiến đa số, ngoại trừ một phần trong đó chỉ trích ý kiến rằng một bồi thẩm đoàn có thể xem xét bằng chứng liên quan đến các hành động theo thẩm quyền của tổng thống.
“Đề xướng đó có nguy cơ làm mất đi quyền miễn trừ mà chúng tôi đã công nhận,” bản ý kiến đa số viết. “Việc đó sẽ cho phép một công tố viên thực hiện một cách gián tiếp những gì mà vị này không thể làm trực tiếp — mời bồi thẩm đoàn xem xét các hành động mà Tổng thống được miễn truy tố mà dù sao thì cũng là để chứng minh trách nhiệm pháp lý của viên chức đó đối với bất kỳ cáo buộc nào.”
Trong khi đó, Thẩm phán Barrett lập luận rằng “Hiến Pháp không yêu cầu làm cho bồi thẩm đoàn không thể biết về các tình huống xung quanh hành vi mà các Tổng thống có thể phải chịu trách nhiệm.”
Bản ý kiến bất đồng của Thẩm phán Sotomayor cho rằng bản ý kiến đa số “chế nhạo về nguyên tắc, nền tảng đối với Hiến Pháp và hệ thống Chính phủ của chúng ta, rằng không ai đứng trên luật pháp.”
Bà tiếp tục nhận xét bản cáo trạng của ông Smith như đang vẽ nên “một bức chân dung rõ nét về một Tổng thống đang tuyệt vọng níu kéo quyền lực.”
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times