Dân biểu Andy Biggs sẽ bác bỏ thỏa thuận ‘bồi thường khí hậu’ của TT Biden nếu là chủ tịch Hạ viện. Còn ông McCarthy thì sao?
Chuyên gia cho rằng thỏa thuận này ‘hoàn toàn là đạo đức giả’
Dân biểu Andy Biggs phản đối cam kết ‘bồi thường khí hậu’ của chính phủ Tổng thống (TT) Biden đối với những tổn thất và thiệt hại do khí hậu, được đưa ra hôm 19/11 trong các cuộc đàm phán vào phút chót tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Sharm El-Sheikh, Ai Cập.
Tuy nhiên, Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) hết lần này đến lần khác đã không trả lời các yêu cầu bình luận.
Cả ông Biggs và ông McCarthy đều muốn trở thành Chủ tịch Hạ viện trong Quốc hội khóa sắp tới. Mặc dù ông McCarthy đã đánh bại ông Biggs trong cuộc bỏ phiếu nội bộ hôm 15/11 giữa các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện, nhưng ông vẫn cần giành được 218 phiếu bầu trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện vào ngày 03/01 để trở thành chủ tịch. Ông chỉ giành được 188 phiếu bầu trong cuộc tranh cử hôm 15/11, cho thấy ông vẫn còn một chặng đường dài để đi trước khi có được vai trò lãnh đạo này.
“Nghị sĩ không ủng hộ các khoản bồi thường khí hậu — chúng thật vô nghĩa. Đây không phải là ưu tiên của ông ấy, và cũng sẽ không phải là ưu tiên của ông ấy,” ông Matt Tragesser, giám đốc truyền thông của ông Biggs, cho biết trong một thư điện tử gửi tới The Epoch Times hôm 21/11.
Trả lời các câu hỏi về việc cụ thể ông Biggs sẽ chấm dứt cam kết tài chính này như thế nào với tư cách là chủ tịch Hạ viện, ông Tragesser chỉ ra thẩm quyền của Quốc hội đối với ngân sách này.
Ông nói: “Vì Đảng Cộng Hòa sẽ chiếm thế đa số trong Hạ viện, nên sẽ rất khó khăn cho chính phủ ông Biden.”
Thỏa thuận khí hậu mới nhất của Liên Hiệp Quốc tạo tiền đề cho một quỹ “tổn thất và thiệt hại”, mang lại lợi ích cho các quốc gia được cho là đã bị tổn hại bởi biến đổi khí hậu do con người tạo ra. Ban biên tập tờ Wall Street Journal và các nhà phê bình khác đã mô tả thỏa thuận này là sự “bồi thường khí hậu”.
Chi tiết của cơ chế tài trợ sẽ được hoàn thiện tại hội nghị khí hậu của Liên Hiệp Quốc vào năm tới – sự kiện được tổ chức tại Dubai.
“COP [Hội nghị Các bên] này đã thực hiện một bước tiến quan trọng hướng tới công lý. Tôi hoan nghênh quyết định thành lập quỹ tổn thất và thiệt hại cũng như vận hành quỹ này trong thời gian tới,” Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres, cựu lãnh đạo của Quốc tế Xã hội chủ nghĩa, cho biết.
Đặc phái viên về khí hậu của chính phủ TT Biden, ông John Kerry trước đây đã chần chừ về quỹ tổn thất và thiệt hại do khí hậu.
“Có một thực tế ai cũng biết là Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác sẽ không thiết lập… một số loại cấu trúc pháp lý gắn liền với bồi thường hoặc trách nhiệm pháp lý. Điều đó chỉ đơn giản là sẽ không xảy ra,” ông Kerry nói hôm 12/11, như Reuters đã đưa tin.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố hôm 20/11, ông Kerry cho biết Hoa Kỳ “hân hạnh” được tham gia vào “quyết định thiết lập các thỏa thuận tài trợ liên quan đến tổn thất và thiệt hại, bao gồm cả một quỹ, như một phần của điều mà nhiều người gọi là một ‘bức tranh ghép’ của các phản ứng.”
E&E News đưa tin rằng ông Kerry cho biết ông “hoan nghênh” một quỹ như vậy.
Từ hôm 12/11 đến cuối tuần vừa qua, thế cuộc trở nên rõ ràng rằng Đảng Cộng Hòa sẽ nắm quyền kiểm soát Hạ viện. Điều đó có nghĩa là họ có thể có ảnh hưởng đáng kể đối với bất kỳ chi tiêu nào hướng đến quỹ tổn thất và thiệt hại do khí hậu.
The Epoch Times đã liên lạc với Bộ Ngoại giao để xem liệu lập trường đã thay đổi của chính phủ TT Biden có liên quan gì đến diễn biến đó hay không.
Chuyên gia năng lượng: ‘Đó hoàn toàn là đạo đức giả’
Ông Kevin Dayaratna, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Phân tích Dữ liệu của Quỹ Di Sản, nói với The Epoch Times rằng thỏa thuận khí hậu mới nhất của Liên Hiệp Quốc là phi thường đạo đức giả.
“Những gì chúng ta đang thấy là một quỹ tổn thất-thiệt hại dành cho các nước đang phát triển, cho cái gọi là thiệt hại liên quan đến biến đổi khí hậu, và thỏa thuận này là, những kế hoạch này là hoàn toàn không sáng suốt. Họ đang tích cực ngăn cản việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Và đó hoàn toàn là đạo đức giả bởi vì các nước phát triển này, những quốc gia giàu có này, đã có được sự giàu có nhờ vào nhiên liệu hóa thạch,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 22/11.
Nghiên cứu của ông Dayaratna đã chỉ ra rằng những chính sách khí hậu hà khắc và tốn kém nhất dường như có rất ít tác động tích cực đến môi trường.
Trong một báo cáo gần đây, ông đã tìm cách tính toán chi phí thực hiện nghị trình khí hậu của TT Biden. Ông phát hiện ra rằng thuế carbon sẽ dẫn đến việc mất hơn một triệu việc làm ở Hoa Kỳ đồng thời cắt giảm 7.7 tỷ USD khỏi tổng sản phẩm quốc nội quốc gia trong vòng 18 năm tới.
Báo cáo kết luận: “Việc loại bỏ tất cả khí thải của Hoa Kỳ sẽ làm giảm nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 0.2°C vào năm 2100 — phá hủy nền kinh tế vì lợi ích khí hậu không đáng kể.”
Ông Dayaratna nói với The Epoch Times: “Tôi nghĩ rằng rõ ràng là có rất nhiều điều không chắc chắn liên quan đến nghị trình về chính sách khí hậu kiểu phóng đại này, trong đó nhiên liệu hóa thạch đang bị tích cực ngăn cản và các dạng năng lượng thay thế dường như đang được tích cực ủng hộ.”
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times