Ông McCarthy tự tin về nỗ lực tranh cử chức Chủ tịch Hạ viện
Tuyên bố của Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Kevin McCarthy rằng ông sẽ loại ba thành viên Đảng Dân Chủ cực tả ra khỏi các ủy ban nếu ông được bầu làm Chủ tịch Hạ viện là một bước quan trọng trong nỗ lực của thành viên Đảng Cộng Hòa đến từ California này nhằm đạt được đủ số phiếu bầu để đảm nhận vị trí lãnh đạo quyền lực nhất tại Điện Capitol của quốc gia.
Với bốn ghế vẫn chưa có kết quả chung cuộc từ các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, Đảng Cộng Hòa sẽ có ít nhất 219 ghế, do đó đã nắm vững quyền kiểm soát Hạ viện khi Quốc hội khóa 118 triệu tập vào ngày 03/01/2023.
Tuy nhiên, để trở thành chủ tịch Hạ viện thì cần phải có tối thiểu 218 phiếu bầu vào ngày hôm đó, và những phiếu này có thể đến từ các thành viên của một trong hai đảng chính trị. Trong hội nghị ngày càng căng thẳng của Đảng Cộng Hòa, ông McCarthy có thể không phải là người chắc chắn sẽ thay thế chủ tịch Hạ viện đương nhiệm, Dân biểu Nancy Pelosi (Dân Chủ-California).
Điều đó đã trở nên rõ ràng khi hôm 15/11, 188 thành viên của hội nghị này đã ủng hộ ông McCarthy làm ứng cử viên chủ tịch Hạ viện của Đảng Cộng Hòa, nhưng 31 người đã bỏ phiếu cho Dân biểu Andy Biggs (Cộng Hòa-Arizona) hoặc các ứng cử viên khác.
Với yêu cầu ẩn danh để giúp họ có thể nói chuyện một cách thẳng thắng, các phụ tá hàng đầu của ông McCarthy chia sẻ với The Epoch Times rằng họ vẫn lạc quan rằng ông sẽ thắng vào ngày 03/01 sắp tới vì cấp trên của họ đang đạt được tiến triển khả quan trong việc tập hợp những người ủng hộ cần thiết.
Ngoài việc loại ba thành viên Đảng Dân Chủ ra khỏi các ủy ban, những phụ tá này cho biết ông McCarthy có kế hoạch mở cửa lại Khu phức hợp Capitol Hoa Kỳ cho công chúng và hủy bỏ hệ thống bỏ phiếu ủy nhiệm do bà Pelosi thiết lập vào thời điểm đầu đại dịch COVID-19 hồi tháng 02/2020.
Hệ thống này cho phép các thành viên Quốc hội biểu quyết bằng cách ủy nhiệm cho một đồng sự có mặt tại sàn Hạ viện, và tham dự các phiên điều trần của ủy ban từ xa chứ không bắt buộc phải có mặt trong phòng điều trần.
Ba thành viên Đảng Dân Chủ mà ông McCarthy nhắm tới gồm có Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt về Tình báo tại Hạ viện ông Adam Schiff (Dân Chủ-California); Dân biểu Eric Swalwell (Dân Chủ-California), một thành viên của các ủy ban về Tình báo, Tư pháp, và An ninh Nội địa tại Hạ viện; và Dân biểu Ilhan Omar (Dân Chủ-Minnesota), một thành viên của Ủy ban Ngoại giao tại Hạ viện.
Theo ông McCarthy và nhiều người khác, ông Schiff đã nói dối công chúng Mỹ về việc sở hữu bằng chứng về sự hợp tác giữa cựu Tổng thống Donald Trump và Nga trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Ông Schiff chưa bao giờ tiết lộ công khai bằng chứng này.
Ông Swalwell đã thừa nhận có một mối quan hệ với một phụ nữ được biết là một gián điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Trong khi đó, bà Omar, một người Hồi giáo sinh ra ở Somalia, đã nhiều lần bày tỏ những bình luận bài Do Thái về Israel.
Cam kết của ông McCarthy được đưa ra sau khi hồi năm 2021, bà Pelosi loại các Dân biểu Marjorie Taylor Greene (Cộng Hòa-Georgia) và Paul Gosar (Cộng Hòa-Arizona) ra khỏi ủy ban của họ. Bà Greene bị loại vì những tuyên bố kích động mà bà đã đưa ra nhiều năm trước khi được bầu vào Quốc hội, còn ông Gosar bị loại bỏ vì lưu hành một video hoạt hình mà ông đăng trên Twitter miêu tả cảnh ông tấn công Tổng thống Joe Biden và Dân biểu Alexandra Ocasio-Cortez (Dân Chủ-New York).
Một đa số gồm các thành viên Hạ viện phải cùng với ông McCarthy biểu quyết để những bãi nhiệm này có hiệu lực.
Trong khi đó, những vấn đề lớn hơn mà ông McCarthy đang gặp phải khi cố gắng đạt được vị trí chủ tịch Hạ viện được làm nổi bậc nhờ những nỗ lực của Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa nhằm sử dụng quy trình thiết lập các quy định của Hạ viện cho Quốc hội khóa mới để làm giảm quyền lực của các nhà lãnh đạo đảng — bao gồm cả quyền lực của chủ tịch Hạ viện.
Nhóm chính trị House Freedom Caucus (HFC), do Dân biểu Scott Perry (Cộng Hòa-Pennsylvania) đứng đầu và hiện có 43 thành viên, đang thúc đẩy một loạt cải tổ mà họ cho là cần thiết vì “các nhà lãnh đạo của cả hai đảng chính trị đã củng cố quá nhiều quyền lực đến mức hầu hết các thành viên Quốc hội không có vai trò có ý nghĩa nào trong quy trình lập pháp ngoài việc bỏ phiếu thuận hay chống.”
Tâm điểm của những cải tổ được đề nghị này là việc khôi phục quy tắc cũ “bỏ trống ghế” của Hạ viện, vốn đã cho phép một thành viên đưa ra một đề nghị đặc quyền để thay thế chủ tịch Hạ viện.
Đề nghị đó đã bị hội nghị của Đảng Cộng Hòa bác bỏ, cũng như các đề nghị của HFC cho phép các thành viên ủy ban, thay vì chủ tịch Hạ viện, có quyền chọn ra các chủ tịch ủy ban và các thành viên cao cấp cũng như cho phép các sửa đổi từ viện này đối với tất cả các luật đang được xem xét.
Nhiều thay đổi về quy định do HFC đề nghị sẽ được hội nghị của Đảng Cộng Hòa xem xét khi hội nghị này tái triệu tập vào tuần sau Lễ Tạ Ơn. Ông Brian Darling, một chiến lược gia chính trị và là cựu thành viên Quốc hội sinh sống tại Hoa Thịnh Đốn, nói với The Epoch Times rằng việc phản đối những cải tổ quy định này có thể khiến ông McCarthy mất đi các phiếu bầu cho vị trí chủ tịch Hạ viện.
“Những thay đổi về quy định nhằm trao quyền cho các thành viên bình thường là cần thiết để cải tổ Hạ viện và cho phép tất cả các thành viên tham gia nhiều hơn nữa,” ông Darling nói. “Việc giới lãnh đạo từ chối các cải tổ quy định do Freedom Caucus đề nghị không phải là một dấu hiệu tốt, bởi vì điều đó cho thấy rằng giới lãnh đạo không sẵn sàng lắng nghe một nhóm đầy quyền lực tại Hạ viện. Điều này có thể khiến họ trả đũa tại cuộc bầu cử chủ tịch Hạ viện trong vài tuần tới.”
Ông Daniel Schuman, biên tập viên của First Branch Forecast, một tuần báo phân tích về nhánh lập pháp xét trên quan điểm của Đảng Dân Chủ thiên tả, đã nồng nhiệt nói với những người theo dõi hôm 21/11 rằng các nỗ lực không chính thức tương tự như nỗ lực của HFC đang được tiến hành trong Đảng Dân Chủ tại Hạ viện.
Ông Schuman viết: “Chúng tôi nghĩ rằng [các thay đổi về quy định là] một cách quan trọng để suy nghĩ về việc cải cách Quốc hội — tạo thuận tiện cho các nhóm linh hoạt trong các đảng có thể cộng tác với nhau. Các kinh nghiệm của Đảng Cộng Hòa nên được chia sẻ cho những nhóm trong Đảng Dân Chủ này, những người đã bị cho ra rìa khỏi các quy trình lập pháp một cách tương tự, nhằm theo đuổi mục tiêu khó đạt được là sự đồng thuận, một từ ngữ khác để chỉ sự kiểm soát của giới lãnh đạo.”
“HFC đang cố gắng thiết lập một ranh giới mới, một bài học về việc sử dụng quyền lực theo quy trình mà cách thành viên Đảng Dân Chủ có thể học hỏi.”
Ông Schuman cho biết, những cuộc tranh luận về quy định này trong các đại hội đảng tương ứng là rất đáng khích lệ bởi vì những cuộc tranh luận này có thể báo hiệu “sự khởi đầu cho một sự thay đổi trong quá trình kiến tạo đảng phái theo thể chế” sẽ dẫn đến một Hạ viện cởi mở và mang tính đại diện hơn.
Ngay cả khi ông McCarthy không đạt được 218 phiếu bầu của Đảng Cộng Hòa, thì vẫn có những lời thì thầm trong các hành lang Hạ viện về một con đường thay thế dẫn tới vị trí lãnh đạo này. House Problem Solvers Caucus (Nhóm Những người giải quyết Vấn đề Hạ viện) là một nhóm lưỡng đảng do Dân biểu Brian Fitzpatrick (Cộng Hòa-Pennsylvania) và Dân biểu Josh Gottheimer (Dân chủ-New Jersey) dẫn đầu.
Ông Fitzpatrick và ông Gottheimer được cho là đã gặp nhau để thảo luận về những thay đổi được đề nghị trong các thủ tục của nhóm mình, bao gồm một thay đổi nhằm yêu cầu tất cả các dự luật phải có chữ ký ủng hộ của lưỡng đảng trước khi nhận được sự xác nhận của nhóm Problem Solvers.
Nhóm này gồm có 28 thành viên Đảng Dân chủ và 28 thành viên Đảng Cộng Hòa, tất cả đều tự nhận mình là những người theo chủ trương ôn hòa. Nếu ông McCarthy đạt được một số phiếu bầu của Đảng Dân Chủ từ nhóm này, thì điều đó có thể đưa đến một chủ tịch Hạ viện liên hiệp.
Trong khi ông McCarthy đã kiên quyết từ chối thảo luận với bất kỳ thành viên Đảng Dân Chủ nào về việc ủng hộ ông cho chức chủ tịch Hạ viện, Dân biểu Don Bacon (Cộng Hòa-Nebraska), đồng chủ tịch của một nhóm ôn hòa khác là Main Street Caucus, đã cho biết đã bàn bạc với một số thành viên Đảng Dân Chủ về vai trò chủ tịch Hạ viện.
Chưa có chủ tịch Hạ viện nào trong thời đại hiện nay được bầu chọn với các lá phiếu của các thành viên ở cả hai đảng chính trị. Bất kỳ thành viên Đảng Dân Chủ nào ủng hộ ông McCarthy đều có thể phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng. Dân biểu James Traficant (Dân Chủ-Ohio) đã bị tước thâm niên và mất các chức vụ trong ủy ban khi ủng hộ Dân biểu Dennis Hastert (Cộng Hòa-Illinois) cho vai trò chủ tịch Hạ viện năm 2001.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times