COP27: Các quốc gia đồng ý thành lập quỹ ‘tổn thất và thiệt hại’ để chi trả cho các nước nghèo
Tại hội nghị thượng đỉnh COP27 của Liên Hiệp Quốc ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập, đại diện từ gần 200 quốc gia đã đồng ý thành lập quỹ “tổn thất và thiệt hại” nhằm giúp các quốc gia dễ bị tổn thương đối phó với thiên tai.
Thỏa thuận vào đầu giờ sáng hôm Chủ nhật (20/11) này sẽ thành lập một quỹ để ứng phó với “tổn thất và thiệt hại liên quan đến các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.”
Thỏa thuận này được xem là một chiến thắng cho các quốc gia nghèo hơn vốn từ lâu đã kêu gọi hỗ trợ tài chính sau khi phải đối mặt với các trận lũ lụt, hạn hán, những đợt nắng nóng, nạn đói, cũng như các cơn bão ngày càng tồi tệ hơn.
Cơ quan khí hậu của Liên Hiệp Quốc đã công bố bản dự thảo đề nghị cho thỏa thuận trên hôm thứ Bảy (19/11), trong đó nói rằng các bên sẽ “Quyết định thiết lập các thỏa thuận tài trợ mới để hỗ trợ các nước đang phát triển đặc biệt dễ bị tổn thương trước các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, nhằm ứng phó với tổn thất và thiệt hại, bao gồm tập trung vào giải quyết tổn thất và thiệt hại bằng cách cung cấp và hỗ trợ trong việc huy động các nguồn lực mới và bổ sung, và rằng các thỏa thuận mới này dùng để bổ sung và bao gồm các nguồn lực, nguồn tiền, quy trình, và sáng kiến trong và ngoài Công ước khung về Biến đổi Khí hậu và Hiệp định Khí hậu Paris.”
Quỹ “tổn thất và thiệt hại” này chủ yếu nhằm mục đích mang lại lợi ích cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Nhưng các nước có thu nhập trung bình bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai cũng có thể nhận được viện trợ.
Dự thảo đề nghị này nêu rõ rằng một “ủy ban chuyển tiếp” sẽ đưa ra các khuyến nghị cho đại diện của các quốc gia để sau đó xem xét và thông qua tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lần tới, COP29, vào tháng 11/2023.
Những khuyến nghị đó sẽ bao gồm việc “xác định và mở rộng các nguồn tài trợ,” vốn đề cập đến việc quyết định quốc gia nào nên đóng góp tài chính vào quỹ mới này.
Ban đầu quỹ này sẽ tìm cách nhận tài trợ từ các nước phát triển, cũng như các tổ chức tư và công khác, bao gồm cả các tổ chức tài chính quốc tế.
Theo thỏa thuận hôm Chủ Nhật (20/11), Trung Quốc — quốc gia thải lượng carbon lớn nhất thế giới — và các nền kinh tế mới nổi lớn khác ban đầu sẽ không bắt buộc phải đóng góp vào quỹ, nhưng phương án này sẽ được thương lượng trong tương lai. Đây là yêu cầu quan trọng của Liên minh Âu Châu và Hoa Kỳ; hai bên lập luận rằng Trung Quốc và các nước gây ô nhiễm lớn khác hiện được xếp vào nhóm các nước đang phát triển có đủ tiền và cũng có nghĩa vụ đóng góp vào quỹ này.
Theo đề nghị trên, ủy ban chuyển tiếp này “sẽ có 24 thành viên, được đề cử muộn nhất vào ngày 15/12/2022, bao gồm 10 thành viên từ các Bên là nước phát triển và 14 thành viên từ các Bên là nước đang phát triển.”
Đặc biệt, nhóm này sẽ gồm ba thành viên đến từ Phi Châu, gồm đại diện Chủ tịch COP27; ba thành viên đến từ khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, bao gồm đại diện của Chủ tịch sắp tới của COP28; ba thành viên đến từ Mỹ Latinh và Caribe; hai thành viên đến từ các quốc đảo nhỏ đang phát triển; hai thành viên đến từ các nước kém phát triển nhất; và một thành viên đến từ một Bên của nước đang phát triển không thuộc các nhóm khác.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press và Reuters.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times