Cựu quan chức NSA: Các chính sách về biến đổi khí hậu của TT Biden có lợi hơn cho Trung Quốc
Trong một cuộc phỏng vấn với NTD, một hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times hôm 10/11, ông Steve Yates, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia trong các năm từ 2001 đến 2005, tuyên bố rằng việc chính phủ Tổng thống (TT) Biden đặt trọng tâm vào biến đổi khí hậu có thể gây nguy hiểm về mặt địa chính trị vì các chính sách xanh có thể chuyển quyền lực vào tay Trung Quốc.
Với tư cách là người đứng đầu Chính sách về Trung Quốc đồng thời là thành viên cao cấp thuộc Viện Sáng kiến Chính sách Nước Mỹ Trước Tiên (AFPI), ông Yates nêu rõ: “Tôi không nghĩ rằng họ đã tìm thấy một hướng đi bền vững để đạt được mục tiêu mà họ đề ra. Chắc chắn, nó đã chuyển rất nhiều quyền lực về phía Trung Quốc. Và Trung Quốc cũng không tỏ ra sẵn sàng làm việc với họ về vấn đề này.”
Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất vào năng lượng tái tạo trên thế giới, cả ở trong và ngoài nước. Theo một báo cáo năm 2017 từ Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), năm trong số sáu công ty sản xuất module năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới và nhà sản xuất tuabin gió lớn nhất thế giới, đều thuộc sở hữu của Trung Quốc. Công ty Tainqi Lithium của Trung Quốc là một trong những nhà sản xuất ắc quy lithium-ion lớn nhất, một thành phần quan trọng của ắc quy xe điện.
Chính sách của Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu đã không làm giảm vị thế của Trung Quốc trong thị trường năng lượng tái tạo và vị thế hầu như độc quyền của họ đối với chuỗi cung ứng khoáng sản đất hiếm, vốn được coi là không thể thiếu cho sản xuất công nghệ năng lượng tái tạo. Trung Quốc được xem là một thách thức về chính sách ngoại giao đối với Hoa Kỳ, vì sự phụ thuộc của chính Hoa Kỳ vào chuỗi cung ứng đất hiếm của Trung Quốc.
Ông Yates cho rằng chính phủ TT Biden không nên đưa ra các chính sách trợ giúp cho lợi ích của Trung Quốc đối với thị trường năng lượng tái tạo, và nên nhanh chóng hành động để theo kịp [Trung Quốc] bằng cách trước hết sử dụng các nguồn tài nguyên mà Hoa Kỳ có sẵn trong nước.
Thượng viện Hoa Kỳ, nơi vẫn còn chia rẽ gay gắt về các chính sách biến đổi khí hậu, đã thông qua hiệp ước quốc tế về biến đổi khí hậu đầu tiên của mình trong ba thập niên vào ngày 21/09 khi Thượng viện thông qua một thỏa thuận năm 2016, nhằm loại bỏ dần các hóa chất làm lạnh, vốn nằm trong số những chất gây ô nhiễm tồi tệ nhất.
Bằng cách đó, Hoa Kỳ đã cùng 136 quốc gia khác và Liên minh Âu Châu thông qua Sửa đổi về Kigali cho Nghị định thư Montreal, hứa hẹn cắt giảm 80% hóa chất làm lạnh trong ba thập niên tới.
Đạo luật này nhằm mục đích khởi động sản xuất năng lượng mặt trời tại Hoa Kỳ, tuy nhiên ông Cullen S. Hendrix, một thành viên cao cấp của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết trong một phân tích rằng thỏa thuận này không bảo toàn cho chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ tách khỏi Trung Quốc, vốn kiểm soát 70–80% sản lượng toàn cầu.
“[Dự luật] sẽ giúp thu hẹp khoảng cách trong sản xuất module năng lượng mặt trời nhưng sẽ khiến Hoa Kỳ phụ thuộc vào Trung Quốc về các liên kết quan trọng trong chuỗi cung ứng. Sự phụ thuộc này cần được giải quyết. Tình hình hiện tại là một nguồn đáng kể cho lỗ hổng trong chiến lược của Hoa Kỳ,” ông Hendrix nhận định.
Hủy hoại kinh tế
Ông Yates coi trọng tâm của chính phủ về biến đổi khí hậu là một “ý tưởng có vấn đề,” và nói rằng nó có thể hủy hoại nền kinh tế Mỹ ngay cả trước khi khí hậu gây ra thảm họa, bởi vì các chính sách xanh có thể làm tăng giá nhiên liệu và có thể trở thành nguyên nhân của lạm phát cao.
“Và đó là điều khó khăn đối với các gia đình,” ông Yates nói. “Vì vậy, hy vọng rằng họ sẽ tỉnh táo và quay lại làm việc với người dân Mỹ, và đại thể hơn là ở bán cầu này, để tự mình làm những việc mà không cần phải dựa vào họ [Trung Quốc].”
Ông Yales cho rằng tình hình đòi hỏi chính phủ TT Biden phải suy nghĩ và hành động khác đi.
“Một phần của nó có nghĩa là tập trung với sức mạnh mới trên bán cầu của chúng ta, có rất nhiều điều mà chúng ta có thể làm với các quốc gia như Brazil hoặc các khu vực khác trên bán cầu của mình, và những nơi khác trên thế giới,” ông Yales nói thêm rằng thay vì phụ thuộc vào “thị trường trấn lột” của Trung Quốc, Hoa Kỳ cũng nên hỗ trợ các quốc gia ở Á Châu và Phi Châu làm việc với các quốc gia thế giới tự do khác, để xóa bỏ sự độc quyền của Trung Quốc.
Trớ trêu thay, theo ông Yales, những lời hứa mà Trung Quốc đưa ra về biến đổi khí hậu vượt xa nhiệm kỳ của bất kỳ nhà lãnh đạo Trung Quốc nào, cũng như vượt xa các cam kết ràng buộc của các quốc gia khác.
“Và do đó, trong khi Hoa Kỳ và Âu Châu có thể đặt ra những mục tiêu liều lĩnh này, cuối cùng không có tác động nào vào năm 2030 hoặc 2035, thì mục tiêu của Trung Quốc lại là vào năm 2060, và lâu hơn nữa. Vì vậy, ngay cả khi họ đang thực hiện một lời hứa, thì nó là quá xa vời, và vẫn chưa thực sự được coi trọng,” ông Yales nêu rõ, nói thêm rằng tất cả những điều này xảy ra khi Trung Quốc tiếp tục là nước gây ô nhiễm hàng đầu trên toàn cầu.
Theo số liệu thống kê năm 2019 từ trang mạng Climate Trade, Trung Quốc tạo ra hơn 30% tổng lượng khí thải toàn cầu, trong khi Hoa Kỳ là 14%. Theo báo cáo năm 2021 của Bloomberg, sản lượng carbon của Trung Quốc tiếp tục tăng hàng năm và một số công ty Trung Quốc gây ô nhiễm nhiều hơn toàn bộ các quốc gia, chẳng hạn như China Petroleum & Chemical phát thải CO2 trong năm 2020 nhiều hơn Canada.
“Và vì vậy, tôi nghĩ rằng họ đang theo đuổi mô hình tự tách rời một cách có chiến lược, cố gắng ngăn chặn các lệnh trừng phạt tiềm ẩn hoặc tác động bất lợi có thể xảy ra từ Hoa Kỳ, Âu Châu, và các nước khác,” ông Yates nhận xét.
Ông Yales gợi ý Hoa Kỳ nên kích hoạt lại việc phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân sạch trong nước và thậm chí ở bán cầu của mình, với các đối tác khác. “Có những lò phản ứng module nhỏ hiệu quả và có thể tái chế nhiều hơn.”
Ông Yates tin rằng chính phủ có thể hợp tác với tỷ phú Elon Musk trong những việc như phát triển ắc quy.
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times