Đại sứ Hoa Kỳ kể về những cảnh tượng và trải nghiệm kỳ lạ nhất khi làm việc tại Trung Quốc
Trong hơn hai năm qua, Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Robert Nicholas Burns đã đi xe lửa đến thăm nhiều tỉnh và thành phố của Trung Quốc. Gần đây, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Financial Times, ông đã kể về những cảnh tượng cũng như trải nghiệm kỳ lạ nhất mà ông gặp phải khi làm việc ở Trung Quốc.
Thời điểm ông Burns nhậm chức là thời kỳ đỉnh điểm của chính sách zero COVID nghiêm ngặt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), khiến ông phải đến Trung Quốc muộn hơn một năm so với thời gian nhậm chức thông thường.
Vào tháng 03/2022, ông Burns đã đến Bắc Kinh cùng vợ ông, bà Libby Burns, và nhìn thấy một cảnh giống như trong bộ phim “Star Wars”: giữa cơn bão cát, không có bất kỳ sự tiếp đón ngoại giao nào. Thay vào đó, chào đón họ là hàng chục nhân viên y tế của Trung Quốc mặc bộ đồ bảo hộ màu trắng từ đầu đến chân (những người này thường được gọi là Đại Bạch).
Họ phải băng qua cầu lên phi cơ đi vào một căn phòng bọc nhựa từ sàn đến trần, nơi họ được làm xét nghiệm acid nucleic. Ông Burns không thể hiểu Đại Bạch đang nói gì vì họ đều đeo mặt nạ, mặc đồ bảo hộ dày, và ông không thể nhìn thấy gương mặt họ.
Ông Burns nói với Financial Times rằng, cảnh tượng đó giống như bộ phim “Blade Runner” phiên bản Trung Quốc với bối cảnh là năm 2022.
“Đó là cảnh tượng kỳ lạ nhất mà tôi từng trải qua,” ông Burns nói.
Trong 21 ngày tiếp theo, vợ chồng ông Burns bị cách ly tại dinh thự đại sứ, không được gặp bất cứ ai. Họ cũng không được phép đi lại trong khuôn viên vì được thông báo có nguy cơ lây nhiễm bệnh cho nhân viên an ninh.
Tổng số ngày ông Burns bị cách ly trong 9 tháng đầu tiên tại nhiệm là 45 ngày.
Ông Burns so sánh vai trò của mình ở Trung Quốc giống như vai trò của các đại sứ Hoa Kỳ tại Moscow trong thời kỳ đỉnh điểm của Chiến Tranh Lạnh những năm 1950 – 1960. Có lẽ chính sách zero COVID của ĐCSTQ đã khiến ông Burns có cảm giác bị cô lập hơn những người tiền nhiệm.
Và kết cục của câu chuyện khôi hài này thậm chí còn bất ngờ hơn. Vào ngày 09/12/2022, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đột ngột tuyên bố kết thúc chính sách zero COVID, tức là dỡ bỏ gần hết các biện pháp hạn chế trong chính sách đối phó dịch bệnh. Trong hai tháng tiếp theo đó, một lượng lớn người dân Trung Quốc đã nhanh chóng bị nhiễm bệnh, thậm chí tử vong.
80% nhân viên (bao gồm cả người nhà) của Đại sứ quán Hoa Kỳ đã nhanh chóng bị nhiễm dịch bệnh, tổng cộng gần 1,000 người.
Căng thẳng chính trị giữa Mỹ-Trung giống như cuộc chiến kéo dài trong hoàng hôn
Ông Burns, cựu học giả tại Trường Harvard Kennedy, là người nói chuyện thận trọng và cư xử lịch thiệp. Hình ảnh cá nhân của ông dường như rất tương phản với vai trò một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, và ông là người chịu trách nhiệm giải quyết mối bang giao căng thẳng, đầy rủi ro giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Đặc biệt là việc ông Tập Cận Bình nắm quyền kiểm soát hệ thống ĐCSTQ chặt chẽ hơn bất kỳ vị lãnh đạo đảng tiền nhiệm nào trước đây. Điều này khiến công việc của ông Burns càng trở nên thách thức hơn. Ví dụ, sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ đương thời Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan, ông Burns từng bị mời đến các cuộc hội đàm để lắng nghe ý kiến kháng nghị từ phía Trung Quốc tới 8 lần, mỗi cuộc hội đàm kháng nghị kéo dài từ hai đến bốn giờ.
“Họ phản đối mạnh mẽ, còn tôi thì bảo vệ quyền đến thăm Đài Loan của bà Pelosi với tư cách là người đứng đầu một cơ quan ngang hàng của chính phủ Hoa Kỳ,” ông Burns nói.
Ông Burns nói với Financial Times trong cuộc phỏng vấn rằng: “Mức độ áp chế của Trung Quốc hiện tại đang cao hơn so với bất kỳ thời điểm nào cách đây mấy chục năm.”
Ông cho biết rất khó để Hoa Kỳ và Trung Quốc có các cuộc đối thoại không chính thức trong lĩnh vực ngoại giao. Ông nói, hiện nay có “ngoại giao đàm phán” chính thức, sau đó có lẽ có “ngoại giao hậu trường” trong bữa tối hoặc bữa tiệc nhỏ, tuy nhiên những cuộc trò chuyện phi chính thức như vậy là “vô cùng hiếm.”
Năm 2023, Bộ trưởng Ngoại giao ĐCSTQ lúc đó là ông Tần Cương và Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc đã mất tích. Không ai biết họ đang ở đâu, chỉ biết rất nhiều quan chức của ĐCSTQ đã bị cách chức vì cáo buộc tham nhũng. Các quan chức hiện tại của ĐCSTQ ít sẵn lòng trao đổi không chính thức những câu chuyện thú vị với các nhà ngoại giao ngoại quốc hơn nhiều so với những người tiền nhiệm của họ.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản, ông Rahm Emanuel, từng hỏi thẳng về tung tích của ông Lý Thượng Phúc và các quan chức khác của ĐCSTQ trên mạng xã hội X, đã gây sự chú ý cho giới truyền thông.
Ông Emanuel nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với kênh truyền thông The Wire rằng, “Bây giờ, [nói ra sự thật về ĐCSTQ] có thể rất đau đớn, nhưng đó là sự thật.”
Vị Đại sứ tại Nhật Bản này cho biết ông Burns đã làm rất tốt công việc của mình. Ông nói ông Burns là “cảnh sát tốt,” còn bản thân ông thì đóng vai “cảnh sát xấu.”
“Ông John F. Kennedy (cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Xô) từng nhắc đến ‘cuộc chiến kéo dài trong hoàng hôn,’” ông Burns nói với Financial Times: “Đây có thể là phiên bản trong thế kỷ 21, nơi chúng ta phải cạnh tranh nhưng vẫn duy trì tiếp xúc, như thế chúng ta mới có thể giảm nguy cơ xảy ra xung đột.”
Ông Burns nói thêm, “Chúng ta đang bị cuốn vào trong một cuộc chiến ý thức hệ với Bắc Kinh – các giá trị dân chủ của chúng ta đối lập với tư tưởng độc tài của họ. Chúng ta đang chiến đấu trong trận chiến này mỗi ngày để cố gắng bảo vệ quan điểm của mình cho tương lai.”
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Hoa Kỳ và Trung Quốc đã gặp nhau tại San Francisco vào tháng 11/2023. Các trao đổi ở cấp chính phủ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang bắt đầu dần khôi phục, tuy nhiên việc khôi phục hợp tác, trao đổi giữa người dân của hai quốc gia vẫn còn rất xa. Trước khi đại dịch bùng phát, có 345 chuyến bay hàng tuần giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Hiện nay chỉ khôi phục chưa đến 100 chuyến bay.
Năm 2020, có 15,000 sinh viên Mỹ học tập tại Trung Quốc, nhưng hiện nay chỉ còn lại 800 sinh viên. Số lượng khách du lịch giữa hai quốc gia cũng giảm từ hàng triệu lượt xuống còn hàng ngàn.