Chính phủ TT Biden đề xướng các hạn chế đầu tư vào lĩnh vực công nghệ Trung Quốc trước những mối lo ngại an ninh
Bên vi phạm có thể bị phạt 1 triệu USD, án tù 20 năm nếu thực hiện các giao dịch không công khai bị cấm.
Chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã đề xướng các yêu cầu mới nhằm hạn chế các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và các lĩnh vực công nghệ quan trọng khác ở Trung Quốc trước những mối lo ngại về an ninh quốc gia.
Hôm thứ Sáu (21/06), Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã công bố các yêu cầu mới được đề xướng dành cho một số giao dịch, cũng như lệnh cấm đối với các giao dịch khác liên quan đến đầu tư ra ngoại quốc của Hoa Kỳ trong lĩnh vực phát triển trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, công nghệ bán dẫn, và vi mạch điện tử.
Phụ tá Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ đặc trách An ninh Đầu tư Paul Rosen cho biết: “Quy định được đề xướng này sẽ củng cố nền an ninh quốc gia của chúng ta bằng cách ngăn các lợi ích mà các khoản đầu tư của Hoa Kỳ mang lại (ngoài lợi ích về nguồn vốn) tạo thuận tiện cho sự phát triển của các công nghệ nhạy cảm ở những quốc gia có thể đe dọa nền an ninh quốc gia của chúng ta.”
Đề xướng này đã liệt kê cụ thể Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trong đó có các vùng lãnh thổ Hồng Kông và Macau, vào danh sách các quốc gia đáng lo ngại, trong đó các khoản đầu tư mới của Hoa Kỳ có thể bị hạn chế hoặc bị cấm.
Theo các quy định mới được đề xướng này, một số loại hình đầu tư chắc chắn sẽ bị cấm hoàn toàn, và những loại hình đầu tư khác sẽ bị Bộ Ngân khố cảnh báo.
Các loại giao dịch bị cấm hoàn toàn gồm có: siêu máy điện toán hay máy tính lượng tử và các thành phần điện toán được sử dụng cho mục đích quân sự (như nhắm mục tiêu, nhận dạng mục tiêu, tiếp vận, và bảo trì hệ thống chiến đấu); các công cụ điện toán dành cho các ứng dụng tình báo hay ứng dụng giám sát hàng loạt; và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) dùng để xác định trình tự dữ liệu sinh học.
Các giao dịch phải khai báo gồm có thiết kế và sản xuất mạch tích hợp, cũng như hệ thống AI được sử dụng cho các mục đích giám sát và an ninh mạng nhất định.
“Tổng thống Biden cam kết bảo đảm an toàn cho người Mỹ và hiện ông đang đưa ra các biện pháp nhằm ngăn chặn việc các quốc gia đáng lo ngại khai thác các khoản đầu tư ra ngoại quốc của Hoa Kỳ để tìm cách phát triển các công nghệ hay các sản phẩm nhạy cảm quan trọng cho thế hệ tiếp theo của quân đội, tình báo, giám sát, hay khả năng được tăng cường bằng công nghệ mạng — những lĩnh vực có thể mang lại rủi ro an ninh quốc gia cho Hoa Kỳ,” Bộ Ngân khố cho biết.
Những người không công khai các giao dịch hay thực hiện các giao dịch bị cấm theo các quy định mới được đề xướng có thể sẽ phải đối mặt với hình phạt theo Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế. Các mức phạt trải rộng từ hình phạt dân sự cho đến các cáo buộc hình sự với mức phạt lên tới 1 triệu USD và án tù có thể lên tới 20 năm.
Các quy định được đề xướng của Bộ Ngân khố được đưa ra trong giai đoạn trưng cầu ý kiến mà Tổng thống Joe Biden đã khởi xướng bằng một sắc lệnh hồi tháng 08/2023. Bộ Ngân khố hiện đang tìm kiếm những đề xướng xây dựng quy định mới trước ngày 04/08, sau đó dự kiến sẽ đưa quy định cuối cùng vào thực hiện.
Các mối lo ngại gia tăng
Những quy tắc mới được đề xướng này được đệ trình trong bối cảnh Hoa Kỳ ngày càng trở nên lo ngại rằng chính quyền Trung Quốc có thể đạt được một lợi thế quân sự qua hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, gián điệp, khai thác mạng, ép buộc chuyển giao công nghệ, hay các chiến dịch gây ảnh hưởng nhắm vào các công ty công nghệ, văn phòng chính phủ, và các phòng thí nghiệm quân sự của Hoa Kỳ.
Trong một bản báo cáo năm 2018, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đánh giá rằng mỗi năm Hoa Kỳ mất từ 225 tỷ đến 600 tỷ USD giá trị sở hữu trí tuệ do hành vi trộm cắp xuất phát từ các tác nhân Trung Quốc và chính quyền Trung Quốc.
Trước đó trong tháng này, một nhóm Thượng nghị sỹ lưỡng đảng của Hoa Kỳ đã đưa ra luật dự thảo trong đó yêu cầu Bộ Tư pháp Hoa Kỳ minh bạch hơn trong những nỗ lực nhằm ngăn chặn chính quyền Trung Quốc trộm cắp những cải tiến công nghệ của Hoa Kỳ qua hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ và ép buộc chuyển giao công nghệ.