Đặc phái viên Bắc Kinh phủ nhận việc trả hàng triệu dollar cho Nauru để cắt đứt liên hệ ngoại giao với Đài Loan
Thông tấn xã Trung ương Đài Loan tuyên bố chính phủ Nauru đã được thúc đẩy để thay đổi các mối liên hệ ngoại giao do ngân sách của họ bị giảm 125 triệu USD.
Bắc Kinh phủ nhận việc trả tiền cho quốc gia Thái Bình Dương Nauru để quốc đảo này rút lại mối liên hệ ngoại giao với Đài Loan.
Trong một thông báo bất ngờ, chỉ hai ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan, Nauru tuyên bố họ rút lại mối liên hệ ngoại giao với hòn đảo dân chủ này, đồng thời tuyên bố rằng Đài Loan là “một phần không thể chuyển nhượng thuộc lãnh thổ Trung Quốc.”
Giữa tác động của quyết định này, Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (Central News Agency) — dẫn lời một quan chức Đài Loan không nêu danh tính — đã quy trách nhiệm về quyết định bất ngờ này là do Nauru không hài lòng trước việc ngân sách của họ giảm 125 triệu USD khi chính phủ Úc giảm hoạt động tại trung tâm giải quyết người xin tị nạn trên quốc đảo này.
Sự thay đổi này khiến Đài Loan chỉ được 12 quốc gia công nhận về mặt ngoại giao, trong đó có ba quốc gia ở Thái Bình Dương.
ĐCSTQ: ‘Không có động cơ ngầm nào cả, không có động cơ tài chính nào cả’
Đại sứ Bắc Kinh tại Úc, ông Tiếu Thiên (Xiao Qian), trong bình luận với các phóng viên, đã phủ nhận việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ban ân huệ tài chính cho Nauru, nói rằng Nauru “hoàn toàn độc lập” và quyết định của họ là do “sự đồng thuận ngày càng tăng và áp đảo trong cộng đồng quốc tế rằng trong thế giới này, chỉ có một Trung Quốc và Đài Loan là một phần của Trung Quốc.”
Ông tuyên bố ĐCSTQ “không có động cơ ngầm nào cả” và các quan chức Úc đã biết về những gì Bắc Kinh đang làm trong khu vực, cho rằng đó là một “loại mối bang giao minh bạch … thân thiện.”
Tin tức cho biết: Bắc Kinh can thiệp để bịt lỗ hổng tài chính
Bộ Ngoại giao Đài Loan bày tỏ “vô cùng lấy làm tiếc” trước quyết định của Nauru và cáo buộc Bắc Kinh trả đũa chiến thắng của tân Tổng thống đắc cử William Lai, nói rằng điều này thể hiện “một thách thức trực tiếp đối với trật tự quốc tế.”
Central News Agency cũng đưa tin rằng chính phủ Đài Loan cảm thấy không thể nào bù đắp khoản thiếu hụt từ nguồn tài trợ của Úc, và đã không đáp ứng yêu cầu tài trợ của Nauru. Trong khi đó, Bắc Kinh đồng ý can thiệp bằng các ân huệ tài chính, cho phép nước này “mai phục” Đài Loan.
“Trong nhiều năm, Đài Loan đã thúc đẩy các dự án hợp tác ở Nauru nhằm mang lại lợi ích cho sinh kế của người dân và trợ giúp sự phát triển chung của Nauru. Tuy nhiên, Nauru đã bị cám dỗ bởi sự lôi kéo của Trung Quốc và coi thường sự trợ giúp cũng như tình hữu nghị lâu dài từ Đài Loan, tiến hành đàm phán với Trung Quốc về việc thiết lập bang giao,” hãng thông tấn này viết.
Chính phủ Úc đã biết trước quyết định của Nauru
Bộ trưởng Thái Bình Dương Pat Conroy của Úc cũng cho biết Nauru cho Canberra biết trước về thông báo của mình, lưu ý rằng quyết định này “không phải là một sự kiện đột ngột” và Nauru, với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, có toàn quyền thực hiện thỏa thuận này.
Úc cũng đã cố gắng hạ thấp tác động của việc cắt giảm tài trợ.
Trước khi số tiền chi trả gần đây giảm xuống, con số này là 458 triệu USD; Chính phủ Úc cho biết 350 triệu USD tiền ngân sách hiện đã được phân bổ để duy trì hoạt động của cơ sở tị nạn, mặc dù hiện tại cơ sở này gần như trống không.
Ông Conroy cũng cho biết “không có cuộc đàm phán nào” về vấn đề tài trợ để duy trì liên hệ ngoại giao với Đài Loan.
Nauru từng là một trong những quốc gia Thái Bình Dương giàu có nhất với GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới nhờ khai thác phốt phát sinh lợi. Tuy nhiên, sự lãnh đạo chính trị kém và thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết tất cả các nguồn vốn đã khiến tài chính của nước này rơi vào tình trạng tồi tệ sau khi nguồn tài nguyên phốt phát cạn kiệt.
Kể từ đó, chính phủ đã cố gắng tìm ra những cách mới để tạo doanh thu, bao gồm thông qua ngân hàng ngoại quốc và cho Úc thuê đất để giải quyết người xin tị nạn ở ngoại quốc.
Hành động này của Nauru đặc biệt khiến Úc khó chịu vì Úc là nước viện trợ ngoại quốc nhiều nhất cho quốc đảo này, với ngân sách 46.1 triệu USD trong năm tài khóa.
Chuyên gia: Thất bại về ngoại giao
Ông Mark Harrison, giảng viên cao cấp về Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Tasmania, nói với Australian Financial Review rằng quyết định của Nauru phản ánh tiêu cực về những nỗ lực của chính phủ Đảng Lao Động của ông Albanese trong việc đối phó với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của ĐCSTQ ở Thái Bình Dương.
Ông nói: “Nhiều câu hỏi có thể được đặt ra về mức độ hiệu quả của chính sách ngoại giao của chính phủ ở Thái Bình Dương, xét đến những tác động này đối với an ninh khu vực.”
Thanh Nhã lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times