Giới chức Hoa Kỳ chỉ trích Trung Quốc sau khi Nauru quyết định cắt đứt bang giao với Đài Loan
Dân biểu Mario Díaz-Balart nói: “Cam kết của Đài Loan đối với các cuộc bầu cử tự do và dân chủ chứng tỏ họ sẽ không khiếp sợ trước những lời lẽ đe dọa và hành động bắt nạt của Trung Quốc.”
Giới chức Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại về việc Nauru quyết định cắt đứt liên hệ ngoại giao với Đài Loan và chuyển sang ủng hộ Trung Quốc, chỉ vài ngày sau khi cử tri Đài Loan bầu ra tổng thống và cơ quan lập pháp mới.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho biết trong một tuyên bố hôm 15/01: “Mặc dù quyết định của Chính phủ Nauru trong việc cắt đứt mối bang giao với Đài Loan vào ngày 15/01 là một quyết định có chủ quyền, nhưng đó vẫn là một quyết định đáng thất vọng.”
Ông nói, “Chúng tôi khuyến khích tất cả các nước mở rộng hợp tác với Đài Loan, đồng thời tiếp tục ủng hộ nền dân chủ, quản trị tốt, minh bạch, và tuân thủ pháp quyền.”
Theo ông Euan Graham, nhà phân tích cao cấp tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, thời điểm Nauru đưa ra quyết định không lâu sau cuộc bầu cử ở Đài Loan được nhiều người đánh giá đây là một hành động đã được tính toán cẩn thận, với “dấu vết của Bắc Kinh ở khắp mọi nơi” trong quá trình chuyển đổi sự công nhận ngoại giao này.
Trích dẫn các nguồn tin ẩn danh, Hãng Thông tấn Trung ương do chính phủ Đài Loan điều hành hôm thứ Hai đưa tin rằng chính quyền Trung Quốc đã đưa ra những lời hứa hẹn viện trợ tài chính không xác định với Nauru sau khi Đài Loan không đáp ứng yêu cầu viện trợ khoảng 80 triệu USD của nước này.
Ông Miller cho biết, “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng cường và mở rộng sự hợp tác với Đài Loan dựa trên nhiều lợi ích và giá trị chung giữa hai nước, ủng hộ sự tham gia có ý nghĩa của Đài Loan vào cộng đồng quốc tế, và làm sâu sắc thêm hợp tác kinh tế giữa hai nước, phù hợp với chính sách một Trung Quốc bấy lâu nay của chúng ta.”
Hôm 14/01, bà Laura Rosenberger, chủ tịch Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) — Đại sứ quán Hoa Kỳ trên thực tế tại Đài Bắc — đã đến Đài Loan cùng với một phái đoàn Hoa Kỳ. Hôm 15/01, bà đã gặp bà Thái Anh Văn, ông Lại Thanh Đức, và một số nhà lãnh đạo chính trị khác ở Đài Loan.
Hôm 16/01, bà Rosenberger đã tổ chức một cuộc họp báo tại Đài Loan, trong đó bà nói rằng hành động thay đổi lòng trung thành ngoại giao của Nauru là “đáng thất vọng.” Bà cũng bình luận về tuyên bố chính thức của Nauru, bác bỏ lý do của quốc gia này khi viện dẫn Nghị quyết 2758 của Liên Hiệp Quốc làm cơ sở để chấm dứt liên hệ ngoại giao với Đài Loan.
Bà nói, “Thật đáng thất vọng khi thấy những câu chuyện bị bóp méo về việc nghị quyết 2758 của Liên Hiệp Quốc được sử dụng như một công cụ để gây áp lực lên Đài Loan, hạn chế tiếng nói của nước này trên trường quốc tế, và gây ảnh hưởng đến liên hệ ngoại giao của nước này.”
Hai nhà lập pháp của Hạ viện đã đăng bài trên X, trước đây là Twitter, vào thứ Hai (15/01) để chỉ trích nhà cầm quyền Trung Quốc về quyết định của Nauru.
Dân biểu Carlos Giménez (Cộng Hòa-Florida), người đang làm việc trong Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện về ĐCSTQ, viết: “Chế độ Cộng sản sát nhân ở #Bắc-Kinh vừa bắt nạt quốc đảo nhỏ bé Nauru ở Thái Bình Dương cắt đứt bang giao với người #Đài-Loan yêu tự do.”
“Sự cưỡng bách thảm hại này sẽ không qua mắt được Quốc hội Hoa Kỳ đâu!” ông Gimenez nói thêm. “Chúng tôi sát cánh cùng Đài Loan!”
Hồng Ân lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times