Úc bãi bỏ chương trình thị thực ‘tấm vé vàng’ cho giới nhà giàu Trung Quốc
Bộ trưởng Nội vụ cho biết: “Rõ ràng là trong nhiều năm, loại thị thực này không mang lại những gì mà đất nước và nền kinh tế của chúng ta cần từ một hệ thống di cư.”
Trong cuộc cải tổ lớn về hệ thống di trú Úc, chính phủ nước này đã hủy bỏ chương trình thị thực được đề ra để thu hút những công dân Trung Quốc giàu có.
Trong một cuộc phỏng vấn với NCA NewsWire hôm 22/01, Bộ trưởng Nội vụ Clare O’Neil tuyên bố rằng bộ đã tạm dừng đơn xin thị thực theo diện đầu tư trọng yếu — một loại thị thực cho phép người ngoại quốc giàu có nhanh chóng trở thành thường trú nhân tại Úc nếu họ đầu tư 5 triệu dollar Úc (3.3 triệu dollar Mỹ) vào đất nước này.
Bà nói: “Trong nhiều năm, rõ ràng là loại thị thực này không mang lại những gì đất nước và nền kinh tế của chúng ta cần từ một hệ thống di cư.”
“Thị thực theo diện đầu tư là một trong nhiều khía cạnh của hệ thống mà chúng tôi đang cải tổ để tạo ra một hệ thống phù hợp với đất nước chúng tôi.”
Bà O’Neil lần đầu tiên đánh dấu việc chấm dứt chương trình này vào tháng 09/2022 khi bà tuyên bố rằng loại thị thực này đã tạo ra vấn đề cho hệ thống di trú khi cho phép các cá nhân ngoại quốc trả tiền để nhập cảnh vào nước này.
Vào thời điểm đó, vị bộ trưởng này chỉ ra rằng hầu hết những người nộp đơn thành công đều đến Úc để định cư và về hưu, cuối cùng tạo gánh nặng cho ngân sách đất nước thay vì đóng góp cho nền kinh tế.
Thông báo của bà O’Neil được đưa ra hai tháng sau khi chính phủ liên bang Úc đưa ra một chương trình cải tổ di trú đầy tham vọng kéo dài 10 năm.
Chương trình cải tổ này đã vạch ra tám lĩnh vực trọng tâm chính, bao gồm định hình lại tình trạng di trú có tay nghề tạm thời và lâu dài để giải quyết các nhu cầu về nhân viên có tay nghề, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn, và tăng cường tính liêm chính và chất lượng của giáo dục quốc tế.
Lần cải tổ này cũng nhằm giải quyết vấn đề bóc lột nhân viên và lạm dụng hệ thống thị thực.
Chương trình cấp thị thực ‘có vấn đề’
Thị thực theo diện đầu tư trọng yếu được đưa ra dưới thời chính phủ ông Gillard vào năm 2012 và được cấp số hiệu 888 — được coi là con số may mắn trong số học Trung Hoa.
Thị thực này cho phép các nhà đầu tư ngoại quốc rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết thị thực so với các loại thị thực đầu tư khác bằng cách đầu tư tối thiểu 5 triệu USD vào địa ốc, trái phiếu chính phủ, và doanh nghiệp địa phương.
Không giống như các loại thị thực khác, người xin cấp thị thực này không bắt buộc phải học hoặc nói tiếng Anh cũng như không bị giới hạn độ tuổi.
Dữ liệu từ Bộ Nội vụ cho thấy tính đến ngày 30/06/2020, 2,349 thị thực theo diện đầu tư trọng yếu đã được cấp kể từ khi chương trình này bắt đầu, trong đó các nhà đầu tư Trung Quốc chiếm 84.9% các trường hợp xin cấp thị thực.
Chương trình này cũng thu hút khoảng 11.8 tỷ USD đầu tư đáp ứng được các yêu cầu.
Tuy nhiên, một phân tích của ABC News tiết lộ rằng 26,000 công dân ngoại quốc đã có được thẻ thường trú nhân bằng thị thực này, trong đó có khoảng 20,000 người là nhà đầu tư Trung Quốc.
Thị thực này cũng có tỷ lệ bị từ chối thấp, với ít hơn 2% số đơn xin cấp thị thực không được chấp thuận.
Một báo cáo (pdf) của Ủy ban Năng suất năm 2016 đã khuyến nghị chính phủ liên bang nước này bãi bỏ chương trình này vì phát hiện ra rằng các thị thực cho nhà đầu tư “dễ bị gian lận.”
Ủy ban này cũng chỉ ra rằng những người xin cấp thị thực 888 sẽ tạo ra tác động ít có lợi hơn so với những người nhập cư khác vì chương trình này không có các yêu cầu về tiếng Anh cũng như giới hạn về độ tuổi.
Cũng có những lo ngại rằng chương trình thị thực này đã mở đường cho “tiền bẩn” từ các quan chức ngoại quốc tham nhũng và thành viên của các băng nhóm tội phạm có tổ chức chảy vào nước Úc.
Các nước phương Tây khác đã loại bỏ các chương trình tương tự do kém hiệu quả và lo ngại về việc thu hút các nguồn vốn bất hợp pháp.
Hồi năm 2022, Vương quốc Anh đã chấm dứt các chương trình thị thực vàng vì những chương trình này được cho là đã tạo cơ hội cho giới tinh hoa tham nhũng vào được đất nước này.
Bồ Đào Nha đã chấm dứt chương trình của mình sau khi phát hiện ra rằng một nửa số người được cấp thị thực lại đến từ 30 quốc gia tai tiếng nhất về hoạt động rửa tiền.
Trong khi đó, Hy Lạp phải đối mặt với sự biến dạng trong thị trường địa ốc của mình do các khoản đầu tư trị giá 3 tỷ Euro từ các quỹ ngoại quốc thông qua chương trình thị thực vàng, phần lớn là từ Trung Quốc.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times