Cựu TT Trump đưa cuộc chiến tước tư cách tham gia cuộc bỏ phiếu lên Tối cao Pháp viện
‘Có phải Tòa án Tối cao Colorado đã sai khi ra lệnh loại Tổng thống Trump khỏi cuộc bỏ phiếu bầu cử tổng thống sơ bộ năm 2024 hay không?’
Hôm 03/01, cựu Tổng thống (TT) Donald Trump đã kháng cáo lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ về một phán quyết của Tòa án Tối cao Colorado cho rằng ông không đủ điều kiện xuất hiện trong cuộc bỏ phiếu cầu cử tổng thống sơ bộ của tiểu bang theo Mục 3 của Tu chính án thứ 14 vì ông đã tham gia và kích động một “cuộc nổi dậy” vào ngày 06/01/2021.
“Trong chính thể ‘chính phủ của dân, do dân, [và] vì dân’ của chúng ta, phán quyết của Colorado là không đúng và không thể đúng,” đơn kháng cáo viết. “Pháp viện này nên ra một lệnh [của tòa cấp trên] xem xét câu hỏi này với tầm quan trọng tột bậc, nhanh chóng bác bỏ phán quyết của Tòa án Tối cao Colorado, và trả lại cho cử tri quyền bầu cho ứng cử viên mà họ lựa chọn.”
Đơn này đặt ra cho Tối cao Pháp viện câu hỏi, “Có phải Tòa án Tối cao Colorado đã sai khi ra lệnh loại Tổng thống Trump khỏi cuộc bỏ phiếu bầu cử tổng thống sơ bộ năm 2024 hay không?”
Người ta cũng đã dự đoán sẽ có kháng cáo, trong bối cảnh ngay sau phán quyết loại bỏ [cựu TT Trump], các luật sư của Tổng thống Trump đã tuyên bố ý định đệ đơn kháng cáo lên Tối cao Pháp viện trong một hành động nhằm duy trì tên [của ông trump] trên lá phiếu.
Tòa án Tối cao Colorado đã hoãn lại lệnh loại bỏ cựu TT Trump — ứng cử viên hàng đầu cho đề cử của Đảng Cộng Hòa — khỏi cuộc bỏ phiếu sơ bộ của tiểu bang trong phán quyết tước quyền tranh cử cho đến ngày 04/01, lường trước việc kháng cáo lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.
Hôm 27/12, Đảng Cộng Hòa Colorado, một bên can thiệp khác trong vụ kiện, đã nộp một đơn kháng cáo yêu cầu xem xét ngay lập tức lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.
Điều đó có nghĩa là cựu TT Trump sẽ vẫn có tên trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ trừ phi Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ bác bỏ đơn kháng cáo trước ngày 04/01 hoặc đưa ra một phán quyết loại cựu TT Trump khỏi cuộc bỏ phiếu.
Đổng lý tiểu bang Colorado có hạn chót đến ngày 05/01 để chứng nhận các cuộc bỏ phiếu sơ bộ, sau đó những cuộc bỏ phiếu này sẽ được hoàn tất, và như thế một thách thức hay một phán quyết về việc liệu cựu TT Trump có tư cách xuất hiện trên lá phiếu hay không sẽ trở thành điều không thể tranh cãi.
Giả thuyết về cuộc nổi loạn
Các luật sư của cựu TT Trump lập luận rằng phán quyết của Tòa án Tối cao Colorado đánh dấu “lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, cơ quan tư pháp đã ngăn cản cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống hàng đầu của đảng lớn.”
Họ lập luận rằng Quốc hội là nơi thích hợp để phân xử việc đủ tư cách theo Mục 3, nhưng ngay cả khi từng tiểu bang có thể phân xử, thì Tòa án Tối cao Colorado “đã áp dụng sai luật.”
Cựu TT Trump đang đưa ra lập luận rằng tổng thống không phải là một “viên chức” như được mô tả trong Mục 3, rằng cựu TT Trump “không hề ‘tham gia’ vào một ‘cuộc nổi dậy’” và rằng các thủ tục tố tụng tại tòa án Colorado “đã hấp tấp và vi phạm Điều khoản Bầu cử.”
Những luật sư này tiết lộ rằng hơn 60 vụ kiện và thách thức hành chính nhằm ngăn cản cựu TT Trump khỏi cuộc bỏ phiếu đã được đệ trình trong vài tháng qua, tất cả đều dựa trên giả thuyết rằng cựu TT Trump bằng cách nào đó đã tham gia nổi dậy và hiện không đủ tư cách nắm giữ chức vụ theo Mục 3 của Tu chính án thứ 14.
Trong đơn kháng cáo lên Tối cao Pháp viện, các luật sư của cựu TT Trump đã trình bày lại về phiên tòa ở Colorado, vốn chủ yếu dựa trên tường trình gây tranh cãi của Ủy ban Đặc biệt Hạ viện về ngày 06/01. Cả Tòa án Địa hạt Colorado và Tòa án Tối cao Colorado đều ra phán quyết rằng vụ xâm phạm Tòa nhà Capitol vào ngày 06/01/2021 là một cuộc nổi dậy dựa trên bằng chứng và lời khai từ tường trình này, mặc dù các luật sư lưu ý rằng ba thẩm phán [của Tòa án Tối cao Colorado] không đồng tình vì những lý do tương tự như những lập luận mà các luật sư đã đưa ra.
“Đầu tiên, các sự kiện ngày 06/01/2021 không phải là ‘cuộc nổi dậy’ như từ ngữ đó được sử dụng trong Mục 3,” đơn kháng cáo viết. Họ lập luận rằng Tu chính án thứ 14 đã được thông qua sau Nội Chiến, và cuộc nổi dậy được hiểu là “việc cầm vũ khí và tiến hành chiến tranh chống lại Hoa Kỳ.” Hơn 600,000 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến tranh này, và “tập trung vào việc tạo ra một cuộc chiến tranh” theo văn kiện này là “kết quả hợp lý.”
“Ngược lại, Hoa Kỳ có một lịch sử lâu dài về việc các cuộc biểu tình chính trị chuyển sang bạo lực. Chỉ riêng mùa hè năm 2020, những người biểu tình bạo lực đã nhắm vào tòa án liên bang ở Portland, Oregon, trong hơn 50 ngày, liên tục hành hung các viên chức liên bang và phóng hỏa tòa án này, tất cả đều ủng hộ một nghị trình chính trị có mục đích chống lại giới chức trách của Hoa Kỳ.”
Thẩm quyền
Các luật sư lập luận, dù vậy, ngay cả trước khi vấn đề nổi dậy được đưa ra, những tòa án tiểu bang này không hề có bất cứ thẩm quyền nào để tiến hành thêm hành động nào trong vụ án này.
Đơn kháng cáo viết, “Xem xét vai trò của Hiến Pháp đối với Quốc hội trong việc giải quyết vấn đề tước tư cách giữ chức tổng thống, không có gì ngạc nhiên khi mọi tòa án — đã giải quyết học thuyết về vấn đề chính trị khi đưa ra câu hỏi xác định tư cách hợp lệ của Tổng thống Trump — đều cho rằng câu hỏi đó là không chính đáng và dành riêng cho Quốc hội, ngoại trừ tòa Colorado.”
“Thật vậy, mọi tòa án liên bang đã từng giải quyết vấn đề này về tư cách của Tổng thống Barack Obama, Thượng nghị sĩ John McCain, và Thượng nghị sĩ Ted Cruz đều cho rằng vấn đề này là của Quốc hội chứ không phải của các tòa án liên bang.”
Họ cho rằng, với việc các tòa án liên bang đều đã bác đơn ở các khu vực tài phán trên khắp đất nước, thì việc cho rằng Mục 3 là do các tòa án tiểu bang riêng lẻ xét xử chứ không phải các tòa án liên bang là “quá vô lý,” đặc biệt là vì Tu chính án thứ 14 là nhằm mở rộng thẩm quyền của liên bang.
Các phán quyết tước bỏ tư cách
Hôm 19/12, Colorado trở thành tiểu bang đầu tiên cấm cựu TT Trump tham gia cuộc bỏ phiếu sơ bộ — đây là kết quả của cuộc biểu quyết sít sao, với ba trong số bảy thẩm phán tại Tòa án Tối cao Colorado viết ra những ý kiến bất đồng, trong đó họ nói rằng lẽ ra tòa án này phải bác bỏ vụ kiện.
Những thách thức tương tự đã được đệ trình ở một số tiểu bang khác trên khắp đất nước, cho rằng cựu TT Trump không đủ tư cách tranh cử theo Mục 3 của Tu chính án thứ 14.
Được phê chuẩn sau Nội Chiến, Tu chính án thứ 14 đã mở rộng quyền công dân và quyền bình đẳng cho những người từng là nô lệ và tất cả những người sinh ra hoặc nhập tịch tại Hoa Kỳ. Mục 3 của tu chính án này nhằm giải quyết tình trạng các quan chức Hoa Kỳ đã rời bỏ chức vụ của mình để gia nhập Liên minh miền Nam, cấm những người đã tuyên thệ nhậm chức nhưng [sau đó] vi phạm lời thề lúc nhậm chức được giữ chức vụ một lần nữa, trừ phi Quốc hội cho họ hưởng ngoại lệ với 2/3 số phiếu.
Sau ngày 06/01/2021, các nhà hoạt động đã gửi thư đến các quan chức bầu cử trên khắp đất nước kêu gọi những quan chức này cấm cựu TT Trump xuất hiện trên bất kỳ lá phiếu nào. Tuy nhiên, ý tưởng này chỉ bắt đầu nổi lên trong những tháng gần đây khi cựu TT Trump giữ vững vị trí ứng cử viên dẫn đầu rõ ràng của mình khi luôn là người có triển vọng bên Đảng Cộng Hòa.
Hôm 28/12/2023, Maine trở thành tiểu bang thứ hai đưa ra phán quyết loại bỏ tư cách ứng cử viên của cựu TT Trump. Quyết định này do đổng lý tiểu bang trực tiếp đưa ra. Tương tự như phán quyết ở Colorado, Đổng lý Tiểu bang Shanna Bellows hoãn lại lệnh mình do dự đoán sẽ có kháng cáo.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times