Cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ được hỏa táng vào ngày 02/11, ông Tập Cận Bình đang đứng trước thời điểm nhạy cảm?
Thi thể của cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ được hỏa táng tại Bắc Kinh hôm 02/11. Sự qua đời đột ngột của ông dường như đã khơi dậy làn sóng cảm xúc của người dân Trung Quốc đối với 10 năm vừa qua. Đây là một loại tình cảm khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng như ông Tập Cận Bình lo lắng.
Hôm 31/10, Tân Hoa Xã, cơ quan truyền thông chính thức của ĐCSTQ đưa tin, thi thể của ông Lý Khắc Cường đã được chuyển từ Thượng Hải về Bắc Kinh vào ngày 27/10. Tuy nhiên, hãng thông tấn này không cho biết liệu có một sự kiện tưởng niệm được tổ chức cho cựu quan chức số 2 này hay không.
ĐCSTQ tuyên bố rằng ông Lý Khắc Cường đã qua đời ở Thượng Hải do “cơn đau tim đột ngột” vào sáng sớm ngày 27/10. Thời điểm ông Lý qua đời chỉ cách nửa năm sau khi ông từ chức Thủ tướng hồi tháng Ba năm nay.
Ông Lý Khắc Cường, 68 tuổi, được cho là một nhân vật bất hạnh. Dù có trình độ học vấn cao nhất trong số các Thủ tướng trước đây, năng lực cá nhân cũng xuất chúng, nhưng ông Lý chưa bao giờ nhảy thoát khỏi suy nghĩ bảo vệ đảng, đồng thời ông đã bị gạt ra ngoài lề chính trị, trở thành Thủ tướng “yếu thế nhất.” Trong thập niên ông làm thủ tướng, Trung Quốc đã trải qua cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, cuộc khủng hoảng tài chính, và đại dịch COVID-19.
Sau khi ông Lý Khắc Cường qua đời, các bạn học cùng lớp ở Đại học Bắc Kinh đã viết cho ông Lý một câu đối bi thương: “Bồi thập niên tiểu tâm, tuy khiết thân tự hảo, đãn hoạt đắc biệt khuất; cự nhất bộ chi diêu, khước cấp lưu dũng thối, cánh tử đắc oa nang. Hoành phê: vô năng vi lực” (Cẩn thận trong mười năm, dù giữ mình trong sạch, nhưng sống thật ủy khuất; chỉ cách một bước chân, lại dũng cảm rút lui, vậy mà ra đi uất ức. Hoành phi: Lực bất tòng tâm.)
Sự qua đời đột đột của ông Lý đã khơi dậy tình cảm thương tiếc trong dân chúng. Theo các hình ảnh trên mạng xã hội Trung Quốc, cuối tuần qua, cư dân Hợp Phì ở tỉnh An Huy và Trịnh Châu ở tỉnh Hà Nam, nơi ông Lý từng sống và làm việc, đã đặt hàng ngàn bó hoa trên đường phố để tưởng niệm cựu Thủ tướng.
Ông Lý có thành tích chính trị mờ nhạt, nhưng sau khi qua đời lại được nhiều người tưởng nhớ đến. Nhiều người cho rằng, cho dù lực bất tòng tâm, không làm được gì, thì vẫn tốt hơn là tăng tốc đổi xe. Một số người lại cho rằng, “mọi người đang thương tiếc một thời đại mà hy vọng vẫn còn tồn tại.” Rất nhiều người than thở rằng ông Lý Khắc Cường “đã sống một cuộc đời khốn khổ, và ra đi một cách uất ức.” Họ cho rằng ông đã “chật vật chèo chống suốt mười năm qua nhưng liên tục bị đánh bại.”
Dù nguyên nhân là gì, thì sự qua đời đột ngột của ông Lý Khắc Cường đã đặt ra một nhiệm vụ chính trị tế nhị cho Chủ tịch Tập Cận Bình. Đó là ngăn chặn phản ứng của công chúng đối với việc ông Lý Khắc Cường qua đời, không để điều đó biến thành điểm tập kết sự bất mãn trước một nền kinh tế đang chậm lại.
Ngoài ra, ông Tập Cận Bình cũng phải cảnh giác với sự lặp lại của lịch sử. Đó là sự qua đời của một vị quan chức cao cấp của ĐCSTQ trong quá khứ đã dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ, thách thức quyền lực của nhà lãnh đạo đương thời.
Ông Howard W. French, phóng viên cao cấp thuộc tạp chí Foreign Policy của Hoa Kỳ, cho biết: “Đây có thể là một thời điểm chính trị quan trọng và nhạy cảm. Có thể thấy rất nhiều người bất mãn đối với ông Tập Cận Bình, [khiến mọi người] nhớ đến sự qua đời năm đó của ông Chu Ân Lai và ông Hồ Diệu Bang.”
Sau khi ông Lý Khắc Cường qua đời, ĐCSTQ đã tiến hành theo dõi chặt chẽ mạng xã hội Trung Quốc. Kể từ khi cáo phó chính thức được công bố hôm 27/10, hầu như các hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc đều im lặng về sự việc, còn các cơ quan kiểm duyệt trực tuyến thì hạn chế dân chúng gửi lời chia buồn đến vị cựu thủ tướng.
Trên Weibo, chỉ những bài đăng từ các trương mục truyền thông của chính quyền mới xuất hiện trong các tìm kiếm liên quan đến ông Lý Khắc Cường, nhưng phần bình luận thì bị đóng. Nhiều trường đại học đã lập tức thông báo cấm sinh viên đưa ra những “nhận xét không phù hợp” về vấn đề này và không tham gia bất kỳ hoạt động tưởng niệm tập thể nào.
Bài hát “Rất tiếc không phải là bạn” (Unfortunately Not You) của ca sĩ người Malaysia gốc Hoa Lương Tĩnh Như (Fish Leong), cùng các chủ đề “đáng chết lại không chết” và “người tốt không sống thọ” đều bị chính quyền ĐCSTQ cấm trên weibo.