Hy vọng cải tổ nền kinh tế ở Trung Quốc tan biến theo ông Lý Khắc Cường
Sự kiện cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường qua đời sẽ không gây ra tác động rõ rệt đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhưng báo hiệu rằng hy vọng cải tổ nền kinh tế ở Trung Quốc sẽ tan biến.
Sự qua đời đột ngột của ông Lý Khắc Cường là điều không ngờ tới, xảy ra ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc bị cách chức và chỉ vài tháng sau khi lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình thay thế Ngoại trưởng Tần Cương bằng ông Vương Nghị.
Đã xuất hiện suy đoán rằng những diễn biến này có thể có liên hệ với nhau và liệu những điều này có thể báo hiệu sự bất ổn hoặc suy yếu quyền lực của ông Tập hay không. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy ông Lý Khắc Cường bị ám hại.
Một điểm chung liên kết ba sự kiện này là cả ông Lý Thượng Phúc và ông Tần Cương đều bị những người trung thành với ông Tập thay thế. Ông Lý Khắc Cường không còn giữ chức vụ nữa, nhưng ông là biểu tượng cho một tầm nhìn khác về tương lai của Trung Quốc. Ông Lý và ông Tập có những tầm nhìn trái ngược nhau về đường hướng của đất nước, và giờ đây chỉ còn lại tầm nhìn của ông Tập.
Ông Lý Khắc Cường có bằng tiến sĩ kinh tế, điều này khiến ông rất phù hợp với vị trí thủ tướng của mình từ năm 2013 đến năm 2023. Vị thủ tướng này đóng vai trò trung tâm trong chính sách và quản lý kinh tế. Ông giám sát việc lập kế hoạch kinh tế, xây dựng các chính sách kinh tế, quản lý những cải tổ kinh tế, và giải quyết các thách thức kinh tế.
Ông Lý Khắc Cường hiểu rằng chính khu vực tư nhân là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, ông ủng hộ cải tổ thị trường, bao gồm cả việc trợ giúp cho các doanh nhân, cũng như cắt giảm các thủ tục rườm rà, bộ máy quan liêu, và thuế. Nhận thức được tầm quan trọng của đổi mới công nghệ, ông cũng ưu ái lĩnh vực công nghệ. Trái lại, trong khi nhắm mục tiêu vào khu vực tư nhân, ông Tập đã trấn áp lĩnh vực công nghệ.
Năm ngoái (2022), vào thời điểm các hạn chế về đại dịch COVID-19 vẫn được áp dụng, ông Lý Khắc Cường đã bộc lộ tâm tư khi trình bày tại một trường đại học. Ông khen ngợi ông Tập vì đã quản lý đất nước vượt qua một thời kỳ khó khăn như vậy nhưng sau đó lại nói rằng cách tốt nhất để bảo đảm sức khỏe của người dân là phát triển kinh tế. Ông muốn dỡ bỏ lệnh phong tỏa để các hoạt động kinh tế quay trở lại. Không may thay, ông Tập lại muốn điều ngược lại — và ông ấy đã làm được điều mình muốn. Nền kinh tế vẫn trong tình trạng bị phong tỏa. Suốt 10 năm làm việc cùng nhau, ông Tập đã mở rộng vai trò của mình để đảm nhận phần lớn việc ra quyết định về kinh tế, vốn lẽ ra phải thuộc phạm vi của vị thủ tướng này. Ông Lý Khắc Cường đề ra các chính sách tăng trưởng cho Trung Quốc nhưng không có quyền thực thi.
Năm 2013, các cơ quan truyền thông đã đưa tin về kỷ nguyên Tập-Lý, nhưng khi ông Tập dần dần loại bỏ ông Lý Khắc Cường, thì điều đó đã trở thành “Kỷ nguyên Mới của ông Tập Cận Bình.” Năm ngoái, ông Tập đã thay thế ông Lý Khắc Cường bằng ông Lý Cường, người không những trung thành với ông Tập mà còn thực hiện phong tỏa, điều mà ông Lý Khắc Cường phản đối.
Do sự kiểm soát ngày càng chặt chẽ hơn của ông Tập đối với nền kinh tế, nên ông Lý Khắc Cường đã không thể đạt được thành tựu lớn để củng cố di sản của mình ở Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với các nhà kinh tế ngoại quốc, thì thành tựu đáng chú ý nhất của ông Lý Khắc Cường vẫn là thành tựu mà hầu hết người dân Trung Quốc không biết đến và sẽ bị cấm thảo luận hoặc công bố: “Chỉ số Lý Khắc Cường.”
Ông Lý Khắc Cường được dẫn lời trong một bức điện ngoại giao của Hoa Kỳ sau đó được WikiLeaks công bố, rằng “Các số liệu GDP là ‘nhân tạo’ và do đó không đáng tin cậy.” Vì vậy, ông đã sử dụng dữ liệu đại diện để cố gắng định lượng nền kinh tế. Cách tiếp cận của ông dựa trên ba chỉ số chính: mức tiêu thụ điện, khối lượng hàng hóa vận chuyển của ngành đường sắt, và hoạt động cho vay của ngân hàng. Cách phân tích của ông là nếu sử dụng nhiều điện thì các nhà máy hẳn phải đang hoạt động. Điều tương tự cũng đúng với hàng hóa vận chuyển của ngành đường sắt vì các đoàn tàu sẽ chở sản phẩm đến các nhà phân phối và cảng biển. Cuối cùng, lượng cho vay của ngân hàng cho thấy có bao nhiêu nhà máy, dự án mới, hoặc việc mở rộng hoạt động kinh doanh hiện tại đang được thực hiện. Các nhà kinh tế phương Tây đã bổ sung thêm các chỉ số khác, chẳng hạn như đo lường ô nhiễm qua vệ tinh ở những thành phố lớn, mô hình giao thông, và lượng ánh sáng tỏa ra từ các khu công nghiệp vào ban đêm. Nhưng tất cả những nhân tố này đều được thêm vào cách phân tích do ông Lý Khắc Cường tạo ra.
Đối với người Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường được xem là một trong những người nỗ lực vươn lên từ những cấp thấp nhất trong ĐCSTQ. Xuất thân từ một khởi đầu khiêm tốn và việc ông giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ đã khiến phần lớn người dân quý mến ông. Điều này, và việc ông qua đời trong thời kỳ suy thoái kinh tế nghiêm trọng, dẫn đến một số suy đoán rằng người dân có thể liên kết sự ra đi của ông với sự bất lực của ban lãnh đạo đương nhiệm trong việc khắc phục nền kinh tế.
Mặc dù thông tin vị cựu thủ tướng này qua đời đã được các phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin, nhưng ông Tập vẫn tiếp tục chiếm ưu thế trên các tiêu đề. ĐCSTQ có thể sẽ ban bố một cáo phó không mấy nổi bật, và di sản của ông Lý Khắc Cường sẽ lu mờ vào dĩ vãng. Đáng tiếc thay, sự ra đi của ông cũng làm phai nhạt mọi hy vọng mỏng manh về sự cải tổ kinh tế thực chất ở Trung Quốc.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times