Cựu giảng viên ngành công an phơi bày cơ quan kiểu KGB của ông Tập Cận Bình
Sự ra đi đột ngột của cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 27/10 đã làm dấy lên nhiều nghi vấn. Nhiều người tin rằng có sự dàn dựng để giả lập nguyên nhân tử vong do đau tim của ông.
Ông Cao Quang Tuấn (Gao Guanjun), một cựu giảng viên tại Đại học Công an Nhân dân Trung Quốc, tiết lộ rằng trong nhiệm kỳ thứ hai, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã thành lập một cơ quan chuyên phụ trách ám sát, qua đó làm nổi bật lối suy nghĩ quản lý đất nước bằng mật vụ của ông Tập.
Sau Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Trần Văn Thanh (Chen Wenqing), Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, và ông Vương Tiểu Hồng (Wang Xiaohong), Bộ trưởng Công an, đã được bổ nhiệm vào Ban Bí thư Trung ương theo cấu trúc nhân sự cho nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập Cận Bình. Sự hiện diện của hai quan chức có xuất thân từ ngành công an trong số bảy thành viên của Ủy ban Trung ương có ngụ ý rằng ĐCSTQ đang ngày càng cố gắng duy trì quyền kiểm soát đất nước bằng lực lượng công an và các cơ quan tình báo bí mật.
Ông Cao biết cả ông Vương và ông Trần. Khi còn là sinh viên tại Đại học Công an Nhân dân, ông Trần học sau ông Cao vài năm. Và khi ông Vương theo học tại ngôi trường đại học này để lấy tấm bằng tương đương với bằng AA (Associate of Arts, bằng cao đẳng liên kết nghệ thuật, thường kéo dài hai năm hoặc hơn) của Mỹ, thì ông Cao đã trở thành giảng viên của ông Vương trong Khóa học Đặc nhiệm Hình sự.
Cơ quan đặc biệt của ông Tập
Trong một chương trình thảo luận gần đây trên Pinnacle View của NTD TV, ông Cao nói rằng ông Tập đã đưa Trung Quốc tiến sâu hơn vào phương thức quản lý theo kiểu KGB thời Liên Xô cũ.
“Khoảng năm 2018, ông Tập Cận Bình đã thành lập một cơ quan đặc biệt gọi là Cục Tác chiến của Quân ủy Trung ương. Nhiệm vụ duy nhất của cơ quan này là ám sát và bắt cóc. Cục Tác chiến đã thực sự khiến các quan chức ĐCSTQ run rẩy vì sợ hãi và ớn lạnh,” ông nói.
Ông nêu lên ví dụ về cựu lãnh đạo ĐCSTQ Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của ông Tập. Ông Lý Khắc Cường đã chịu ơn của ông Hồ rất nhiều vì ông Hồ đã mở đường cho ông Lý leo lên các cấp bậc quan chức cao hơn trong ĐCSTQ. Nhưng khi ông Hồ bị cưỡng ép đưa ra khỏi Đại hội Toàn quốc lần thứ 20, ông Lý thậm chí còn không dám nhìn dõi theo ông Hồ.
Ông Cao nói: “Đây đích xác là kiểu khủng bố, kiểu bầu không khí mà ông Tập Cận Bình cố ý tạo ra để không ai dám thách thức ông ấy.”
Nhiều trường hợp tử vong đáng ngờ nổi bật
Trong chương trình thảo luận kể trên, ông Cao nhắc nhở khán giả rằng sau khi ông Tập lên nắm quyền, số cán bộ ĐCSTQ đột ngột qua đời là cao nhất kể từ khi thời Đại Cách mạng Văn hóa. Ngoài ra, giới doanh nhân và người nổi tiếng khác cũng có số lượng các ca tử vong đột ngột cao bất thường, cao hơn nhiều so với thời ông Đặng Tiểu Bình và ông Hồ Cẩm Đào.
Có một số sự việc xảy ra trùng khớp với tuyên bố của ông Cao.
Rạng sáng ngày 12/04/2021, ông Dương Hùng (Yang Xiong), cựu thị trưởng Thượng Hải, bị đột ngột qua đời vì một cơn đau tim. Có tin đồn rằng ông Dương được một người bạn đưa đến bệnh viện Hoa Sơn gần đó, nhân viên bệnh viện chỉ được biết ông là một nhân vật quan trọng chứ không có thêm thông tin chi tiết về chức vụ chính thức của ông. Ông Dương cũng không mang theo thẻ đỏ của các quan chức cao cấp trong ĐCSTQ. Cuối cùng, các bác sĩ đã không ưu tiên chữa trị đặc biệt cho ông.
Cách thức ông Dương và ông Lý qua đời có nhiều điểm giống nhau. Ông Lý cũng đột ngột ra đi vì một cơn đau tim, và cũng ở tuổi 68. Vào thời điểm đó, những người ngoài cuộc cũng đặt câu hỏi tương tự về nguyên nhân tử vong của ông, nhưng sau một đám tang bình lặng, rốt cuộc vấn đề này đã lắng xuống mà chưa có lời giải đáp.
Ông Dương là bạn tâm giao của ông Giang Miên Hằng (Jiang Mianheng), người con trai cả của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân. Hồi năm 2012, ông Dương, lúc đó là phó bí thư thành ủy Thượng Hải, đã phá vỡ thông lệ khi đồng thời giữ chức thị trưởng Thượng Hải lâm thời và trở thành thị trưởng vào năm sau.
Khi đó, có thông tin cho rằng ông Tập có ý định chọn người mà ông tin tưởng làm thị trưởng Thượng Hải nhưng buộc phải bỏ cuộc vì sự can thiệp của ông Giang Miên Hằng.
Ông Trần Tiểu Lỗ (Chen Xiaolu) đã đột ngột qua đời vì một cơn đau tim ở tỉnh Hải Nam vào ngày 28/02/2018, hưởng thọ 72 tuổi. Ông là con trai của ông Trần Nghị (Chen Yi), một trong những vị nguyên soái sáng lập ĐCSTQ. Truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng nhìn chung sức khỏe thể chất và tinh thần của ông Trần tốt, nhưng ông đột nhiên bất tỉnh nhân sự và được đưa đến Bệnh viện Tam Á 301 trên đảo Hải Nam. Sau quá trình điều trị hồi sức cấp cứu bất thành, ông đã qua đời tại bệnh viện này. Tình huống này rất giống với ca tử vong của ông Lý Khắc Cường.
Ông Trần có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong số các thái tử đảng của ĐCSTQ — hậu duệ của các nguyên lão nổi tiếng của ĐCSTQ.
Theo một người bạn thân của ông Trần, một số nhận định mà ông đưa ra trong một bữa tiệc tối có thể đã mang đến điềm gở cho ông. Khi có người trong bữa tiệc nhận xét rằng ông Tập thậm chí còn có thể còn có tư tưởng cánh tả hơn cả ông Bạc Hy Lai — một vị thái tử đảng khác đã cố gắng tranh đua với ông Tập bằng cách đi theo chủ nghĩa Mao, thì ông Trần đã nói rằng Trung Quốc không còn đủ sức để quay lại con đường cũ và rằng nếu ông Tập muốn quay lại con đường cũ, thì ông ấy phải được thay thế sau khi mãn nhiệm một nhiệm kỳ.
Người bạn này tiết lộ rằng lời nói của ông Trần đã đến tai ông Tập, và chỉ trong vòng một tuần, ông đã đột ngột qua đời tại đảo Hải Nam.
Hồi tháng 07/2023, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin cho hay, ông Vương Thiếu Quân (Wang Shaojun), cựu Giám đốc Cục Cảnh sát và An ninh Trung ương, đã qua đời vào ngày 26/04/2023 “do một căn bệnh nan y dù đã được can thiệp y tế.” Các nhà chức trách đã che giấu sự qua đời của ông Vương trong gần ba tháng, một hành động bị chỉ trích là đáng ngờ.
Trong số các tỷ phú Trung Quốc bắt đầu hành trình khởi nghiệp ngay tại quốc gia này cũng có những ca tử vong đáng ngờ.
Ông Giải Trực Côn (Xie Zhikun), người sáng lập Tập đoàn Đầu tư Trung Thực (Zhongzhi Enterprise Group), đã qua đời ở tuổi 61 sau một cơn đau tim ở Bắc Kinh vào ngày 18/12/2021. Một số người cho rằng ông đã tự tử, trong khi những người khác nói rằng ông bị sát hại.
Ông Trương Chấn Tân (Zhang Zhenxin), một ông trùm kinh doanh thành lập Công ty Đầu tư Cổ phần Tiên Phong (UCF Holdings Group) hồi năm 2003 và phát triển công ty này thành một tập đoàn tài chính kiểm soát ba công ty niêm yết đại chúng, đã qua đời vào ngày 18/09/2019, tại Bệnh viện Chelsea và Westminster ở London. Tuyên bố chính thức của ĐCSTQ cho biết ông không thể hồi sức do suy đa tạng, nghiện rượu, và viêm tụy cấp, nhưng ông Trương chỉ mới 48 tuổi và công chúng không tin rằng tình trạng sức khỏe của ông xấu đến mức độ này.
Ngày 04/07/2018, ông Vương Kiện (Wang Jian), 57 tuổi, người sáng lập Tập đoàn Hải Hàng (HNA Group), đã tử vong sau khi rơi từ vách đá cao 10 mét trong lúc đang mải chụp ảnh trong một chuyến công tác ở Pháp. Nhiều người tin rằng ca tử vong của ông đã bị dàn dựng cho trông như có vẻ là một vụ tai nạn.
Ngoài ra còn có một vụ bắt cóc hồi tháng 01/2017. Đó là vụ ông Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua), tỷ phú người Canada gốc Hoa, người sáng lập Tomorrow Group, bị bí mật bắt cóc từ khách sạn Four Seasons ở Hồng Kông và đưa về Hoa lục.
Ngày 04/07/2022, năm năm sau khi mất tích, ông Tiêu đã xuất hiện tại tòa án ở Trung Quốc.
Lịch sử hoạt động bí mật
Toàn bộ lịch sử của ĐCSTQ đã được đánh dấu bằng hoạt động tình báo bí mật. Cựu lãnh đạo Trung Quốc Chu Ân Lai là người đầu tiên được KGB đào tạo và sau đó tổ chức một bộ phận hoạt động đặc biệt ở Thượng Hải để thực hiện các vụ ám sát và bắt cóc. Các mục tiêu không chỉ giới hạn ở các quan chức trong Quốc Dân Đảng mà còn trong chính ĐCSTQ.
Tháng 05/1931, ông Chu đã lãnh đạo các thành viên của Lực lượng Đặc biệt tiêu diệt 9 người trong gia đình ông Cố Thuận Chương (Gu Shunzhang) và chôn sâu tại chỗ thi thể của họ để xóa sạch dấu vết. Ông Cố là người của ĐCSTQ nhưng sau đó đầu hàng Quốc Dân Đảng, một hành động được xem là “phản bội” trong mắt ĐCSTQ.
Trong một cuộc tranh đấu chính trị, một số thành viên lực lượng đặc biệt của ĐCSTQ cũng đã cố gắng ám sát một nhân vật lãnh đạo khác là ông Trương Quốc Đào (Zhang Guo-to), nhưng không thành công. Cuối cùng ông Trương đã đào thoát sang Canada và sống phần đời còn lại của mình tại đây.
Theo ông Cao, ông Tập là một người rất ngưỡng mộ Đảng Cộng sản Liên Xô và hết lòng muốn theo gương đảng này, kể cả việc phỏng theo các hoạt động bắt cóc và ám sát của Liên Xô.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times