Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương: Chính phủ Vương quốc Anh ‘làm suy yếu’ các thể chế kinh tế chủ chốt
Một cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh cảnh báo rằng chính phủ Vương quốc Anh đã làm việc theo “những mục đích khác nhau” với ngân hàng trung ương và “làm suy yếu” các thể chế kinh tế chủ chốt của đất nước.
Ngài Mark Carney, người từng giữ chức thống đốc Ngân hàng Trung ương Vương quốc Anh từ năm 2013 đến năm 2020, đã chỉ trích kế hoạch tài khóa ứng phó chưa qua đánh giá tác động (mini budget) của chính phủ, dẫn đến tình trạng hỗn loạn trên các thị trường tài chính.
Hôm 23/09, Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng đã công bố gói cắt giảm thuế lớn nhất trong nửa thế kỷ, nhằm thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế Vương quốc Anh. Tuy nhiên, điều này đã làm dấy lên sự hoảng sợ trong giới đầu tư do họ lo ngại về việc chính phủ tăng vay nợ, khiến đồng bảng Anh giảm giá và chi phí vay tăng cao.
Trao đổi với chương trình Today của BBC Radio hôm 29/09, ông Carney thừa nhận rằng mục tiêu kế hoạch của chính phủ là đúng.
Ông nói: “Mục tiêu của chiến lược kinh tế của chính phủ là đúng đắn, đó là cải thiện tốc độ tăng trưởng của đất nước,” vốn đã suy yếu trong một thời gian.
Nhưng ông chỉ trích thời điểm của các biện pháp này, vì “có một độ trễ giữa ngày hôm nay và thời điểm mà sự tăng trưởng ấy có thể diễn ra.”
Hậu quả ‘kịch tính’
Ông Carney nói thêm rằng niềm tin thị trường bị ảnh hưởng do các nhà dự báo kinh tế độc lập của Vương quốc Anh — Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR) — thiếu sự giám sát các kế hoạch của chính phủ.
Ông nói: “Có một số thể chế là cơ sở cho sự tiếp cận chung đã bị làm suy yếu đi — vì vậy việc không có một dự báo của OBR được bình luận nhiều.”
Ban đầu, chính phủ từ chối để OBR công bố các dự báo liên quan đến mini budget, mặc dù thủ tướng đã xác nhận OBR sẽ công bố các dự báo đầy đủ vào tháng Mười Một.
Ông Carney nói rằng việc chính phủ tuyên bố cắt giảm 45 tỷ bảng Anh tiền thuế, mà không có bất kỳ kế hoạch đáng tin cậy nào để có được khoản vay trên một cơ sở bền vững, là “đang làm việc theo những mục đích khác nhau” với ngân hàng trung ương.
Ông nói với hãng thông tấn BBC: “Thật không may khi có một phần ngân sách, trong những hoàn cảnh này — nền kinh tế toàn cầu khó khăn, vị thế thị trường tài chính khó khăn, lại đang làm việc theo những mục đích khác nhau với Ngân hàng — đã dẫn đến những hành động khá kịch tính trên các thị trường tài chính.”
‘Tăng trưởng dài hạn’
Tuy nhiên, chính phủ không có ý định thay đổi định hướng.
Thủ tướng Liz Truss đã bảo vệ kế hoạch cắt giảm thuế của mình hôm 29/09, khi nói rằng chính phủ của bà sẽ đưa Vương quốc Anh vào “quỹ đạo tăng trưởng dài hạn.”
Bà viết trên Twitter: “Chúng ta đang đối mặt với thời kỳ kinh tế khó khăn trên toàn cầu. Chúng ta phải đưa đất nước này vào quỹ đạo tăng trưởng dài hạn đồng thời duy trì kỷ luật tài khóa.”
Bản tin có sự đóng góp của PA Media.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times