Lạm phát tăng vọt, Ngân hàng Trung ương Âu Châu quyết định tăng lãi suất vượt ngoài dự báo
Các nhà hoạch định chính sách tại Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB) đã quyết định tăng lãi suất chuẩn lên 50 điểm cơ bản, vượt quá kỳ vọng của thị trường và đánh dấu lần đầu tiên sau 11 năm các cơ quan quản lý tiền tệ của khối này tăng lãi suất.
Quyết định này đưa lãi suất chính sách của ECB lên đến 0% từ khu vực âm, nơi lãi suất đã được ổn định trong 8 năm qua nhằm kích thích sự tăng trưởng chậm chạp ở 19 quốc gia sử dụng chung đồng tiền chung euro.
Với quyết định tăng lãi suất này, ECB cùng với các ngân hàng trung ương lớn khác – ngoại trừ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản – đã thắt chặt các điều kiện tiền tệ trong một nỗ lực kiềm chế lạm phát đang tăng vọt.
Sự kết hợp của các yếu tố bao gồm sự bất ổn trong chuỗi cung ứng, nhu cầu phục hồi sau đại dịch và cuộc khủng hoảng năng lượng cùng với chiến tranh ở Ukraine đã đẩy lạm phát thường niên ở khu vực đồng euro lên 8.6%, mức cao nhất được ghi nhận.
Quyết định hôm thứ Năm (21/07) được đưa ra trong bối cảnh ECB đang chịu áp lực buộc phải thay đổi chính sách nới lỏng trong nhiều năm qua và chấm dứt thử nghiệm lãi suất dưới 0% của khối [19 quốc gia] này.
Theo thăm dò của hãng thông tấn Reuters, các nhà kinh tế dự đoán một mức tăng nhẹ hơn với 25 điểm cơ bản.
‘Bất cứ biện pháp nào cần thiết’
Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã viết trong một bài đăng trên blog hồi tháng Năm rằng các cơ quan quản lý tiền tệ của khối đã bắt tay vào con đường bình thường hóa chính sách hồi tháng 12 năm ngoái (2021) bằng cách tuyên bố họ sẽ dừng chương trình mua tài sản trong thời kỳ đại dịch vốn đã giúp thúc đẩy các nền kinh tế khó khăn của khu vực nhưng cũng góp phần làm tăng lạm phát.
Vào thời điểm đó, bà Lagarde cam kết rằng ECB sẽ thực hiện “bất kỳ biện pháp nào cần thiết” để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu khoảng 2%, mặc dù bà đã cảnh báo rằng giá cả tăng cao không chỉ là “tình huống đơn giản của tổng cầu dư thừa” và các yếu tố bên cung đã thúc đẩy lạm phát và tăng trưởng chậm lại.
Cho đến gần đây, ECB đã báo hiệu một mức tăng nhẹ hơn với 25 điểm cơ bản, theo sau đó sẽ là một mức lớn hơn vào tháng Chín, nhưng cũng có dự đoán một mức tăng lớn hơn với 50 điểm cơ bản có thể xảy ra do khả năng lạm phát suy giảm.
Quyết định hôm thứ Năm cho thấy rằng các nhà hoạch định chính sách của ECB, giống như các nhà hoạch định chính sách của Fed và các ngân hàng trung ương khác, lo ngại rằng mức lạm phát tăng cao có thể dẫn đến kỳ vọng lạm phát cao hơn trong tương lai trở nên cố định. Điều này làm tăng rủi ro nhu cầu tăng lương ổn định và mở ra vòng xoáy tiền lương – giá cả gợi nhớ đến những năm 1970.
Một yếu tố khác có thể tác động đến quyết định của ECB trong việc lựa chọn một mức tăng đáng kể hơn chính là việc đồng euro gần đây giảm xuống mức thấp nhất so với USD trong vòng hai thập niên, một sự biến chuyển tiền tệ cũng làm tăng áp lực lạm phát.
Sau thông báo của ECB về việc tăng 50 điểm cơ bản, đồng euro đã tăng khoảng 0.5% so với đồng Mỹ kim.
Công cụ chống phân mảnh
Mức tăng 50 điểm cơ bản gây áp lực lên một số thành viên mắc nợ nhiều hơn của Liên minh Âu Châu, với chi phí vay nợ tăng không tương xứng đối với các quốc gia như Ý, Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha.
Theo đó, trong một nỗ lực để giúp giảm bớt phần nào áp lực này, ECB cũng đồng ý hỗ trợ thêm cho các quốc gia thành viên có nợ chồng chất bằng cách chấp thuận một kế hoạch mua trái phiếu mới có tên gọi Công cụ Bảo vệ trong Giai đoạn Chuyển đổi (Transmission Protection Instrument, TPI). Công cụ này [được xây dựng] nhằm khống chế mức gia tăng chi phí vay nợ của họ và hạn chế sự phân mảnh về tài chính.
“Quy mô mua TPI phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các rủi ro phải đối mặt với việc chuyển đổi chính sách,” ECB cho biết trong một tuyên bố. “TPI sẽ bảo đảm rằng lập trường chính sách tiền tệ được chuyển đổi thông suốt trên tất cả các nước khu vực đồng euro.”
Còn nhiều lần tăng lãi suất phía trước?
ECB cũng cam kết sẽ tiếp tục tăng lãi suất trước sức ép chi phí sinh hoạt lớn mà cư dân của khối các quốc gia này phải đối mặt mặc dù ngân hàng này đã xoa dịu trong định hướng tương lai.
ECB cho biết: “Việc bình thường hóa lãi suất hơn nữa sẽ là phù hợp.”
Ngân hàng trung ương này nói thêm: “Ngày hôm nay, việc thoát khỏi lãi suất âm cho phép Hội đồng Thống đốc chuyển đổi sang cách tiếp cận trong từng cuộc họp một để đưa ra các quyết định về lãi suất.”
Các nhà phân tích của ING cho biết trong một lưu ý rằng, bằng cách đưa ra một đợt tăng lãi suất mạnh mẽ và nới lỏng định hướng chính sách tiền tệ, ECB cho rằng “cơ hội cho một loạt các đợt tăng lãi suất đang nhanh chóng đóng lại” và triển vọng về các đợt tăng lãi suất lớn hơn trong tương lai đang “biến mất nếu xuất hiện một cuộc suy thoái.”
Liên minh Âu Châu ngày càng lo ngại về một cuộc suy thoái, với việc ngân hàng Nhật Bản Nomura dự đoán suy thoái sẽ ập đến khu vực này sau mùa hè năm nay.
Một cuộc khảo sát của hãng thông tấn Bloomberg hồi đầu tháng Bảy dự đoán xác suất xảy ra một cuộc suy thoái trong khu vực đồng euro là 45%.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’