Khảo sát: Khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu có thể tồi tệ hơn trong năm 2022
Nỗ lực của những người mua toàn cầu nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc vẫn tiếp tục
Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục tàn phá thị trường quốc tế, ảnh hưởng đến mọi thứ, từ thực phẩm đến máy điện toán cho đến máy giặt.
Năm nay, chuỗi cung ứng quốc tế đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức, bao gồm việc Trung Quốc tái áp đặt các đợt phong tỏa COVID-19, xung đột quân sự ở Đông Âu, và giá năng lượng tăng cao ngất ngưởng. Một báo cáo mới cho thấy, với những gián đoạn và tình trạng bất ổn đang ngấm vào mọi khía cạnh của chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, hầu hết các công ty đều dự kiến các điều kiện hiện tại sẽ tiếp tục duy trì hoặc thậm chí tồi tệ hơn vào cuối năm 2022.
Theo một nghiên cứu của QIMA, một nhà cung cấp dịch vụ tuân thủ và kiểm soát chất lượng toàn cầu, gần ⅔ số doanh nghiệp toàn cầu có chuỗi cung ứng quốc tế nhận thấy những gián đoạn này sẽ không thay đổi hoặc trở nên tồi tệ hơn vào cuối năm nay.
Con số đó tăng lên 81% đối với các công ty Hoa Kỳ và 80% đối với các tổ chức Âu Châu.
Các công ty đang gặp phải một loạt các vấn đề. Cuộc khảo sát cho thấy ba thách thức hàng đầu là duy trì lịch trình sản xuất và vận chuyển, dự báo nhu cầu và quản lý hàng tồn kho, cũng như bảo đảm đủ năng lực sản xuất.
Báo cáo tiết lộ chiến lược “zero COVID” của Trung Quốc và việc phong tỏa các trung tâm kinh tế quan trọng diễn ra sau đó là yếu tố có tác động mạnh mẽ nhất trong năm 2022. Ngoài ra, các doanh nghiệp cho biết nguyên liệu, hàng hóa, và chi phí lao động tăng vọt và tình trạng thiếu nguyên liệu thô cũng có ảnh hưởng lớn.
Dữ liệu QIMA riêng biệt cho thấy khối lượng thanh tra và kiểm toán đã giảm 4.5% so với cùng thời kỳ năm ngoái trong nửa đầu năm nay. Hơn nữa, danh mục nguồn cung ứng của các thương hiệu tiếp tục ở mức thấp nhất trong ba năm.
Báo cáo viết: “Dữ liệu QIMA về khối lượng thanh tra và kiểm toán, kết hợp với các phát hiện khảo sát mới nhất, [cho thấy] những nỗ lực của người mua toàn cầu nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc vẫn tiếp tục, đặc biệt là sau khi xảy ra các đợt phong tỏa liên quan đến COVID-19 trong năm 2022 tại quốc gia này, được xếp hạng trong số những gián đoạn chuỗi cung ứng có tác động mạnh nhất của năm theo đa số những người trả lời khảo sát.”
Nhưng có một khoảng cách giữa các công ty lớn và nhỏ, QIMA lưu ý.
Nghiên cứu nêu rõ: “Đáng chú ý là sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc vẫn mạnh nhất ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà so với các công ty đa quốc gia lớn, có ít nguồn lực dự phòng hơn để nhanh chóng chuyển khối lượng cung ứng giữa các quốc gia hoặc khu vực.”
Trong khi các chuyên gia về chuỗi cung ứng thường thảo luận Việt Nam và Thái Lan với tư cách là các thị trường không thể thiếu cho sự thay đổi nguồn cung ứng trong khu vực, thì Ấn Độ được hưởng lợi rất nhiều trong quá trình chuyển đổi này. Ví dụ, trong sáu tháng đầu năm 2022, nhu cầu thanh tra và kiểm toán đã tăng 41% ở Ấn Độ.
Thêm vào đó, Ấn Độ có thể chứng kiến nhiều hoạt động kinh doanh hơn nữa trong những tháng tới khi các tổ chức chuyển hướng nguồn lực khỏi Sri Lanka trong bối cảnh nền kinh tế của quốc đảo này sụp đổ.
Nhìn chung, báo cáo này kết luận rằng các thương hiệu và nhà bán lẻ sẽ hiểu là họ buộc phải “tái cấu trúc chuỗi cung ứng của mình để có sự linh hoạt và khả năng chống chịu cao hơn,” chủ yếu thông qua các mối quan hệ đối tác cung ứng đa dạng và tốt hơn.
Một cuộc Khảo sát Chuỗi cung ứng Công nghiệp của EY gần đây cho thấy các công ty đang chuyển đổi hoạt động chuỗi cung ứng toàn cầu của họ, bao gồm “sự tách rời đáng kể của các chuỗi cung ứng hiện có.”
Nghiên cứu của EY cho thấy 53% số công ty đã chuyển về gần hoặc chuyển về tại nội địa một số chuỗi cung ứng của họ kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch virus corona. Ngoài ra, gần một nửa (44%) nói rằng họ đang lên kế hoạch cho các nỗ lực mới hoặc các nỗ lực bổ sung nhằm chuyển chuỗi cung ứng về gần nội địa trong vòng 24 tháng tới. 57% cũng đã khai triển các hoạt động mới tại một hoặc nhiều thị trường bổ sung trong hai năm qua để mở rộng sự đa dạng về địa lý và giảm thiểu rủi ro.
EY cho biết: “Các chuỗi cung ứng toàn cầu đang trải qua một cơn địa chấn khi các công ty rời bỏ những chiến lược ưu tiên chi phí rất thấp, sản xuất tinh gọn (just-in-time, JIT) và tồn kho tối thiểu.”
Trung Quốc vẫn là nước dẫn đầu trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, và theo ông Kunal Sawhney, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu khoa học dữ liệu Kalkine Group, việc rời khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ là thách thức đối với các công ty.
Ông Federico Crespo, Giám đốc điều hành và người sáng lập Valiot, một công ty nhu liệu (software) hỗ trợ các công ty sản xuất bằng các giải pháp công nghệ, không nhất thiết tin rằng có một sự chuyển dịch lớn ra khỏi Trung Quốc. Thay vào đó, ông Crespo nói với The Epoch Times rằng các công ty đang chuyển đổi hoạt động của họ trong bối cảnh có những lo ngại liên quan đến COVID và căng thẳng địa chính trị.
Dựa trên những gì đã xảy ra trong 18 tháng qua, ông Crespo lưu ý rằng Texas đã thắng lớn trong giai đoạn này. Nhưng ông cho rằng Mỹ Latinh, kể cả Mexico, cũng có thể được hưởng lợi từ những xu hướng này.
Ông cho rằng có nhiều lý do dẫn đến những thay đổi mới nhất trong quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu. Phần lớn, họ đang định vị lại các hoạt động của mình và áp dụng một cách tiếp cận mang tính khu vực hơn. Ông Crespo nói, điều này có thể có lợi, vì nó có thể giúp ích cho các nỗ lực chuyển dịch hoạt động về nước rộng lớn hơn.
Ngoài Mexico, ông Sawhney cho rằng nhiều quốc gia có thể hưởng lợi từ việc các công ty dần rời khỏi Trung Quốc, chẳng hạn như Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan, Philippines, và Việt Nam. Hoa Kỳ và Canada cũng có thể được hưởng lợi đáng kể.
Liệu khủng hoảng chuỗi cung ứng có giảm nhẹ?
Nhưng trong khi phần lớn các bài bình luận đưa ra một bức tranh ảm đạm về chuỗi cung ứng toàn cầu, thì ông Michael Field, một nhà phân tích cổ phiếu cao cấp của Morningstar, nói rằng tình hình khái lược đang được cải thiện.
Ông Field viết rằng độ tin cậy của vận tải đường biển ngày càng tốt hơn do giảm sự chậm trễ, trong khi năng lực vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không và đường biển đang tăng lên trong năm nay. Giá vận chuyển hàng hóa cũng đang giảm xuống, điều này có thể làm giảm nhẹ tỷ lệ lạm phát quốc tế. Những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự thất bại của chuỗi cung ứng, từ các đợt phong tỏa cho đến các lệnh bắt buộc y tế cộng đồng, đang dần tiêu tan.
Ông Field cho biết điều này không có nghĩa là tất cả các vấn đề của chuỗi cung ứng sẽ được giải quyết.
Ông viết: “Chúng ta vẫn phải đối mặt với những xáo động ngoại sinh trong thời gian tới, với những ví dụ gần đây về cuộc chiến Nga-Ukraine và việc phong tỏa ở Thượng Hải gây thêm áp lực cho hệ thống.”
Đồng thời, ông Sawhney nói với The Epoch Times rằng có rất nhiều thách thức mà ngành công nghiệp hiện đang phải đối mặt, trong đó có tình trạng thiếu hàng, chi phí vận chuyển, giao thông chậm chạp, và thậm chí là nhu cầu yếu hơn.
Tuy nhiên, mặc dù không ai đã có thể hình dung ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng quốc tế, nhưng ông Sawhney nói rằng phần lớn các vấn đề của chuỗi cung ứng toàn cầu là “chưa từng có.”
“Ví dụ, đại dịch và cuộc chiến Nga-Ukraine là những sự kiện không nằm trong các tình huống kinh tế thông thường có thể lường trước được. Các yếu tố kinh tế vĩ mô có thể được xem xét để ngăn chặn điều này trong tương lai,” ông nói. “Tuy nhiên, những cái không lường trước được phải có biện pháp giải quyết phù hợp vào thời điểm hiện tại.”
“Đại dịch đã dẫn đến sự thiếu hụt tài xế ở Hoa Kỳ và các quốc gia phát triển khác, gây ra sự gián đoạn lớn đối với chuỗi cung ứng.”
“Vì vậy, cần phải có sự hợp tác toàn cầu để đưa ra các biện pháp ngăn chặn tình trạng này trong tương lai. Một kế hoạch dự phòng, xác định các nhà cung cấp dự phòng, và đa dạng hóa các cơ sở chuỗi cung ứng là một số biện pháp có thể giúp ngăn chặn điều đó trong tương lai.”
Tổ chức Thương mại Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu cho năm 2022. Trong bối cảnh xung đột ở Ukraine và các đợt phong tỏa ở Trung Quốc, tổ chức này dự kiến tăng trưởng sẽ là 3%, so với dự đoán trước đó là 4.7%.
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).