Các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu dự kiến sẽ ngày càng tệ hơn
Royal Bank of Canada (RBC) đã công bố một báo cáo hôm 02/05 rằng các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu có thể sẽ trở nên tệ hơn trong những tháng sắp tới, do tình hình phức tạp từ Trung Quốc và Đông Âu dẫn đến tình trạng tắc nghẽn cảng lớn ở các khu vực quan trọng.
Báo cáo này cho thấy ⅕ đội tàu container toàn cầu đã bị mắc kẹt trong tình trạng tắc nghẽn tại một trong những cảng lớn trên thế giới, nơi đã phải rất khó khăn để đáp ứng nhu cầu kể từ khi virus Trung Cộng bùng phát.
Ông Michael Tran và ông Jack Evans của RBC, tác giả của báo cáo này cho biết: “Tình trạng tắc nghẽn cảng toàn cầu đang ngày càng tồi tệ và ngày càng lan rộng.”
Kể từ khi bắt đầu những đợt phong tỏa do đại dịch vào năm 2020, các vấn đề về chuỗi cung ứng và tắc nghẽn cảng như vậy đã là một vấn đề lâu dài đối với nền kinh tế toàn cầu. Nhiều chuyên gia tin rằng những vấn đề này là do sự gia tăng lớn trong chi tiêu của người tiêu dùng vào thời điểm bắt đầu của đại dịch ở phương Tây, được thúc đẩy bởi tình trạng phong tỏa và thu nhập khả dụng từ các tấm chi phiếu cứu trợ.
Ông Andrew Bower, giám đốc bán hàng của Liquid Logistics Solutions cho OEC, một công ty chuyên về hậu cần và dữ liệu, cho biết: “Nói chung về những gì đang xảy ra với tình trạng tắc nghẽn tại các bến cảng, tất cả điều này bắt nguồn từ sự gia tăng lớn về nhu cầu của người tiêu dùng.”
Ông Bower nói với The Epoch Times: “Khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại sau đợt phong tỏa của họ vào Quý 4, chúng ta đã bắt đầu phong tỏa ở đây. Nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên rất lớn, nhưng các cảng và các hãng vận tải cũng như các nhà vận tải không có đủ khả năng để hỗ trợ điều đó. Một khi chúng ta bị tụt lại phía sau, chúng ta không bao giờ đuổi kịp.”
Nghiên cứu của RBC cũng lưu ý tác động của việc Nga xâm lược Ukraine và chính sách “zero COVID” của Trung Quốc là thủ phạm gây ra tình trạng tồi tệ hơn của chuỗi cung ứng toàn cầu, cho thấy rằng những sự kiện này đã gây ra những sự chậm trễ và những cản trở nguồn cung giữa hai nền kinh tế lớn.
Khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng Hai năm nay, khối phương Tây đã đáp trả bằng cách trừng phạt nền kinh tế Nga, với nhiều công ty Mỹ và Âu Châu tự nguyện lựa chọn không tiến hành kinh doanh với các công ty được nhà nước hậu thuẫn do ông Vladimir Putin điều hành. Hậu quả của điều này là ngày càng khan hiếm nhiên liệu hóa thạch, khi thị trường toàn cầu điều chỉnh với sự vắng mặt của dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga.
Khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn là sự gia tăng phí bảo hiểm hàng hải ở Biển Đen, tăng từ mức trước chiến tranh là 0.25% lên từ 1 đến 5%, khiến việc vận chuyển trong khu vực thậm chí còn đắt hơn.
Hơn nữa, Trung Quốc cũng trở thành một nguồn căng thẳng trong chuỗi cung ứng, khi xuất cảng của nước này bị trì hoãn bởi các chính sách nghiêm khắc và chuyên chế đối với loại virus có nguồn gốc từ Vũ Hán này. Trong khi trung tâm kinh tế Thượng Hải của Trung Quốc đã duy trì một chính sách về virus Trung Cộng tương đối lỏng lẻo, nhưng chính sách này đã thay đổi hôm 28/03, có thể là do sự can thiệp trực tiếp từ chính phủ trung ương ở Bắc Kinh.
Báo cáo của RBC lưu ý rằng 344 tàu hiện đang chờ cập cảng Thượng Hải, tăng 34% so với tháng trước chắc chắn là do các chính sách chống COVID hà khắc của chính quyền Trung Quốc. Vận chuyển hàng hóa từ các kho Trung Quốc đến Hoa Kỳ hiện mất nhiều hơn 74 ngày so với bình thường, và không có dấu hiệu kết thúc khi Đảng Cộng sản Trung Quốc đẩy mạnh việc phong tỏa và kiểm dịch, khiến các nền kinh tế đô thị rơi vào tình trạng đình trệ.
Những vấn đề này, cùng với một chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã căng thẳng, cho thấy rằng tắc nghẽn cảng và các vấn đề về chuỗi cung ứng từ đó phát sinh có khả năng vẫn còn trong tương lai gần.
Đối với người tiêu dùng, điều này có thể sẽ đồng nghĩa với việc tiếp tục khan hiếm các mặt hàng quen thuộc, trong khi nền kinh tế toàn cầu phải chật vật để điều chỉnh vì sự chậm trễ có thể dẫn đến mất nguồn lực từ các bộ phận quan trọng của hệ thống kinh tế toàn cầu. Điều này cho thấy khả năng xảy ra nhiều vấn đề hơn nữa trong những tháng sắp tới.
Ông Nicholas Dolinger là một phóng viên kinh doanh của The Epoch Times và là người dẫn chương trình podcast “The Beautiful Toilet”.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: