Lệnh trừng phạt dầu Nga thúc đẩy tái cấu trúc chuỗi cung ứng, Ấn Độ và Trung Quốc đắc lợi
Liên minh Âu Châu đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với việc nhập cảng dầu Nga nhằm giảm sự phụ thuộc vào Nga như một nguồn cung cấp năng lượng. Các biện pháp trừng phạt của EU kết hợp với những biện pháp mà Hoa Kỳ áp dụng đã khiến Nga phải giảm mạnh giá dầu của mình xuống. Việc giảm giá này đã tạo cơ hội cho Trung Quốc và Ấn Độ tăng lượng dầu nhập cảng từ Nga.
Hôm 15/06, giá dầu thô Tây Texas của Hoa Kỳ tăng từ 93 USD/thùng trước khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ lên 115 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent của Âu Châu tăng từ 93 USD/thùng lên 120 USD/thùng.
Cùng ngày, do lệnh trừng phạt của EU và Hoa Kỳ, giá dầu Ural của Nga thấp hơn giá dầu Brent 34 USD/thùng. Điều này tạo cơ hội cho Ấn Độ, quốc gia đang đối mặt với áp lực lạm phát cao, mua dầu thô giá thấp hơn.
Năm 2021, chỉ 2% lượng dầu nhập cảng của Ấn Độ đến từ Nga. Đến tháng Năm năm nay, 16.5% tổng lượng dầu nhập cảng của Ấn Độ đến từ Nga.
Theo dữ liệu từ công ty phân tích hàng hóa Kpler, nhập cảng dầu của Ấn Độ từ Nga trong tháng Hai đạt tổng cộng 137,000 thùng/ngày (BPD), sau đó vào tháng Năm, tổng số đã tăng lên 840,000 BPD, tăng gấp năm lần về khối lượng. Kpler dự đoán nhập cảng dầu của Ấn Độ từ Nga trong tháng Sáu có thể tăng thêm 20% lên 1.05 triệu thùng/ngày.
Không giống như việc Ấn Độ đấu thầu công khai đối với dầu nhập cảng từ Nga, các công ty dầu của Trung Quốc không minh bạch như vậy. Thay vào đó, họ đang âm thầm nhập cảng dầu của Nga vì sợ bị các lệnh trừng phạt thứ cấp tấn công.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Trung Quốc là khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga. Năm 2021, Trung Quốc nhập cảng trung bình 1.6 triệu thùng dầu thô của Nga mỗi ngày.
Vortexa Analytics cho biết nhập cảng dầu của Trung Quốc từ các chuyến hàng vận chuyển bằng đường biển của Nga trong năm 2022 đã tăng đều đặn. Trong quý đầu tiên, Trung Quốc đã nhập cảng 750,000 thùng/ngày và trong tháng Năm, tổng khối lượng đã tăng 47% lên 1.1 triệu thùng/ngày.
Cũng trong tháng Năm, Trung Quốc đã nhận thêm 800,000 BPD dầu của Nga qua đường ống theo một thỏa thuận liên chính phủ. Tổng số thực tế trong tháng Năm là 1.9 triệu thùng/ngày, chiếm 15% tổng nhu cầu của Trung Quốc.
Nhập cảng dầu của Nga sang Ấn Độ và Trung Quốc tăng 1 triệu thùng/ngày. Mức tăng lớn nhất, 0.7 triệu thùng/ngày thuộc về Ấn Độ. Tuy nhiên, sau khi các lệnh trừng phạt mới nhất của EU và Hoa Kỳ có hiệu lực, mức tăng này sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu xuất cảng của Nga.
Các biện pháp trừng phạt thúc đẩy tái cấu trúc chuỗi cung ứng
Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới sau Hoa Kỳ và Ả Rập Xê Út, đồng thời là nhà xuất cảng dầu tinh luyện lớn nhất thế giới và nước xuất cảng dầu thô lớn thứ hai.
Hồi tháng 12/2021, Nga đã xuất cảng 7.8 triệu BPD dầu và các sản phẩm, trong đó 4.5 triệu thùng được chuyển đến các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Hôm 04/05 năm nay, nguồn thu từ năng lượng của Moscow đã bị giáng một đòn nữa khi EU đề nghị vòng trừng phạt năng lượng thứ sáu chống lại Nga.
Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel đã tweet rằng các lệnh trừng phạt mới sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến 75% lượng dầu xuất cảng của Nga sang các nước EU. S&P Global Commodity Insights ước tính xuất cảng dầu thô của Nga sẽ giảm 2.1 triệu thùng/ngày trong vòng sáu tháng do lệnh trừng phạt. Vào cuối năm nay, Nga có thể sẽ mất thêm 1.2 triệu BPD các sản phẩm lọc dầu.
Ba Lan và Đức đã cam kết ngừng nhập cảng dầu thô của Nga thông qua đường ống Druzhba vào cuối năm nay. Tổng cộng, nhập cảng dầu Nga của EU sẽ giảm 90% vào năm 2023.
Tuy nhiên, phân tích của S&P Global vào cuối tháng Năm cho thấy các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga chủ yếu thúc đẩy quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi EU đang nỗ lực để giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga, thì Trung Quốc và Ấn Độ lại làm ngược lại và tận dụng sự sụt giảm giá dầu của Nga do các lệnh trừng phạt gây ra. Đồng thời, các nhà sản xuất Trung Đông đã định tuyến lại hoạt động xuất cảng dầu của họ sang các khách hàng EU.
Các bộ trưởng của Tổ chức Các nước Xuất cảng Dầu mỏ (OPEC) gần đây cho biết nguồn cung thị trường dầu mỏ toàn cầu đang cân bằng và giá nhiên liệu tăng đột biến hiện nay chủ yếu là do tình trạng thiếu công suất lọc dầu và tình trạng địa chính trị mất kiểm soát.
Một đại diện của OPEC cho biết các lệnh trừng phạt hiện tại chủ yếu làm chuyển hướng xuất cảng dầu của nước này sang các khu vực khác và nhóm các nước sản xuất dầu sẽ nhìn xem các lệnh trừng phạt mới của EU sẽ ảnh hưởng như thế nào đến dòng chảy dầu của Nga.
Cân nhắc kinh tế của Ấn Độ
Thái độ của Ấn Độ khác với Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Úc.
Ông Samir N. Kapadia, trưởng bộ phận thương mại của Vogel Group, một công ty tư vấn về mối bang giao của chính phủ Ấn Độ, nói với CNBC hồi tháng Ba rằng ông cho là việc Ấn Độ nhập cảng một lượng lớn dầu Nga là do suy tính về kinh tế thay vì động cơ chính trị.
Ông Kapadia cho biết các nhà cung cấp dầu chính của Ấn Độ theo truyền thống là Iraq, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất nhưng những nước này đã quyết định tăng giá dầu của họ. Là một quốc gia nhập cảng 80-85% lượng dầu, Ấn Độ khó có thể không chớp lấy cơ hội Nga giảm giá dầu thô 20%.
Nhưng bất chấp sự gia tăng nhập cảng dầu từ Nga, Ấn Độ vẫn có chung mục tiêu chiến lược với Hoa Kỳ là “chế ngự Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)” trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tháng Năm vừa qua, Ấn Độ đã tham gia Đối thoại An ninh Bốn bên (còn gọi là Bộ Tứ) được tổ chức vào ngày 24 tại Tokyo cùng với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc. Sau cuộc họp, bốn nước tuyên bố sẽ cung cấp hơn 50 tỷ USD cơ sở hạ tầng và đầu tư vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Họ sẽ kiềm chế hành động gây hấn của ĐCSTQ với lý do “quân sự hóa các địa điểm tranh chấp, sử dụng nguy hiểm các tàu tuần duyên và lực lượng dân quân hàng hải, và nỗ lực làm gián đoạn các hoạt động khai thác tài nguyên ngoài khơi của các quốc gia khác.”
Nga và Trung Quốc không tin tưởng lẫn nhau
Vào buổi tối trước khi EU tuyên bố các biện pháp trừng phạt đối với nhập cảng dầu của Nga, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Điện Kremlin sẽ tập trung vào việc phát triển bang giao với Trung Quốc kể từ khi bang giao với Hoa Kỳ và EU bị cắt đứt.
Thương mại giữa Trung Quốc và Nga đã tăng lên trong 20 năm qua, đạt mức kỷ lục 147 tỷ USD vào năm 2021.
Tuy nhiên, Hội đồng Quan hệ Ngoại giao (CFR), một tổ chức tư vấn phi đảng phái, cho biết trong báo cáo ngày 14/06 về mối bang giao Nga-Trung rằng sự phụ thuộc kinh tế của Nga vào Trung Quốc lớn hơn nhiều so với Trung Quốc phụ thuộc Nga, điều này làm dấy lên lo ngại ở Moscow.
Năm 2020, thương mại của Trung Quốc với Nga chỉ chiếm 2% tổng thương mại của Trung Quốc. Trong khi đó, thương mại của Nga với Trung Quốc chiếm 18% tổng thương mại của Nga. Ngoài ra, Nga còn dựa vào các công ty và ngân hàng Trung Quốc để thực hiện các khoản đầu tư quan trọng vào cơ sở hạ tầng viễn thông và năng lượng của mình.
Giờ đây, EU đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với nhập cảng dầu của Nga, Nga có khả năng trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào thương mại với Trung Quốc. Trung Quốc có nhu cầu rất lớn về năng lượng, điều này làm cho các nguồn năng lượng phong phú của Nga như dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, và nhiều loại khoáng sản khác nhau trở nên rất hấp dẫn.
Thương mại Nga-Trung chủ yếu dựa vào năng lượng. Năm 2020, hơn một nửa kim ngạch xuất cảng của Nga sang Trung Quốc liên quan đến năng lượng. Đến năm 2021, Nga cung cấp cho Trung Quốc 16% nhập cảng dầu thô, 15% nhập cảng than, và 10% nhập cảng khí đốt tự nhiên.
Nhưng bất chấp hoạt động này, báo cáo của CFR cũng cho biết có nhiều điểm không đáng tin cậy giữa hai quốc gia.
Ví dụ, nhiều quan chức, lãnh đạo doanh nghiệp, và công dân của Nga và Trung Quốc không tin tưởng lẫn nhau. Cả người dân Nga và Trung Quốc đều thể hiện tình cảm dân tộc vốn coi những người khác là nhỏ bé, và các công ty của cả hai nước đều bày tỏ khó khăn khi làm việc cùng nhau. Mặc dù hai nước này có chung một đường biên giới rất dài, nhưng hoạt động du lịch và trao đổi học thuật còn rất hạn chế.
Cả chính quyền cộng sản Trung Quốc và Nga đều đang phi Hoa Kỳ hóa, nhưng Nga đang sử dụng đồng euro ngày càng nhiều trong hoạt động ngoại thương của họ, trong khi Trung Quốc đang sử dụng đồng nhân dân tệ và đồng rúp nhiều hơn. Hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa tham gia hệ thống tài chính SPFS của Nga và đang mở rộng hệ thống thanh toán bằng đồng nhân dân tệ của riêng mình.
Về vấn đề quốc phòng, Nga và Trung Quốc đã tăng cường hợp tác quân sự kể từ năm 2014, nhưng hoạt động bán vũ khí của Nga cho Trung Quốc đã suy giảm trong những năm gần đây. Một lời giải thích cho điều này là Nga lo sợ rằng Trung Quốc sẽ đánh cắp công nghệ của họ.
Ngược lại, mối bang giao của Ấn Độ với Nga vẫn hữu hảo và ổn định kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Nga đã cung cấp các loại vũ khí và phần lớn dầu mỏ cho Ấn Độ. Liên kết hợp tác này giúp giảm bớt sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc trong việc xuất cảng năng lượng của nước này.
Cô Anne Zhang là nhà văn của The Epoch Times tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ vào năm 2014.