Cựu Ngoại trưởng Mỹ: Phải chấm dứt việc ‘kết giao mù quáng’ với Trung Quốc
Theo cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, Hoa Kỳ nên củng cố bang giao với Đài Loan dân chủ và theo đuổi “chiến lược tách rời” với chế độ cộng sản Trung Quốc sau nhiều thập niên “kết giao ngây thơ”.
“Hành vi hung hăng của Trung Quốc, về mặt ngoại giao, quân sự, kinh tế … đang làm biến đổi khu vực này. Và chính hành động đó đã đưa những người yêu mến hòa bình và thương mại đến gần nhau hơn,” ông Pompeo nói hôm thứ Ba (27/09), một ngày sau khi ông đến Đài Loan trong khuôn khổ một chuyến thăm kéo dài bốn ngày.
Ông tiếp tục nói: “Nếu chúng ta muốn có một thế kỷ 21 của tự do chứ không phải thế kỷ 21 của Trung Quốc, thế kỷ mà [lãnh đạo Trung Quốc] Tập Cận Bình mơ ước, thì phải chấm dứt mô hình kết giao mù quáng cũ rích đó.”
Ông Pompeo, nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, đã đưa ra nhận xét của mình khi tham dự Diễn đàn Thương mại và Doanh nghiệp Toàn cầu ở thành phố cảng phía nam Cao Hùng.
Ông nói: “Thay vào đó, Mỹ phải lựa chọn tiếp xúc với Trung Quốc một cách thực tế và theo các điều khoản của chúng tôi, các điều khoản về quyền tự do,” mà trong đó sẽ bao gồm “một mối bang giao sâu sắc hơn và nhiệt tình hơn nữa với Đài Loan”.
Theo ông Pompeo, Hoa Kỳ đã hy vọng cải thiện an ninh chính trị và kinh tế của Trung Quốc bằng cách kết giao với Bắc Kinh. Nhưng những hy vọng như vậy “đã không đáp ứng được ngay cả mục tiêu tối thiểu nhất.”
Ông nói: “Sau nhiều thập niên kết giao ngây thơ với Trung Quốc, người Mỹ đã nhận ra rằng không có gì tự do và công bằng trong giao dịch thương mại đó.”
“Thương mại với Trung Quốc có khả năng cao là không và sẽ không được tự do từ xa trong tương lai gần. Thương mại công bằng cho thế giới là chuyện bất khả thi với các quốc gia không tôn trọng pháp quyền, các quyền sở hữu căn bản, năng lực thực thi các thỏa thuận.”
‘Thực sự là một quốc gia độc lập’
Ông Pompeo là chính trị gia ngoại quốc gần đây nhất đến thăm Đài Loan trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc leo thang hoạt động quân sự chống lại hòn đảo tự trị này.
Nhà cầm quyền cộng sản ở Trung Quốc xem hòn đảo tự trị này là lãnh thổ của riêng mình, và sẽ bị chiếm đoạt bằng vũ lực nếu cần thiết. Bắc Kinh phản đối mọi trao đổi chính thức giữa Đài Bắc và các chính phủ khác trên thế giới có thể gợi đến việc hòn đảo này là một quốc gia trên thực tế.
Lần cuối cùng ông Pompeo đến thăm Đài Loan là hồi tháng Ba, trong đó ông kêu gọi Hoa Kỳ công nhận Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền.
Hôm thứ Ba (27/09), ông Pompeo đã nhắc lại quan điểm này.
Ông nói với khán giả: “Đài Loan không cần phải tuyên bố độc lập bởi vì họ đã là một quốc gia độc lập.”
Ông nói, “Thực tế là không có người Mỹ nào đến thăm Đài Loan và Trung Quốc lại nhầm lẫn rằng hai nơi này là cùng một quốc gia. Một bên thì tự do. Một bên thì không. Một bên là đồng minh của Hoa Kỳ. Còn một bên lại là kẻ thù đàn áp.”
“Chúng tôi nhận ra thực tế căn bản này trong chính phủ cựu Tổng thống Trump và bắt đầu thay đổi chính sách của Mỹ. Đây là việc mà chúng tôi phải làm để tiếp tục hướng tới một sự hiểu biết và công nhận điều đó nhiều hơn nữa.”
Hoa Kỳ chấm dứt bang giao chính thức với Đài Bắc vào năm 1979 và chuyển sang công nhận ngoại giao đối với Bắc Kinh. Nhưng Hoa Thịnh Đốn vẫn duy trì một mối liên hệ không chính thức bền chặt với Đài Bắc và bị ràng buộc về mặt pháp lý phải cung cấp cho quốc đảo này những vũ khí cần thiết để tự vệ.
Ông Pompeo bày tỏ lo ngại về “tuyên bố khó hiểu và lộn xộn” gần đây của Tổng thống Joe Biden đối với lập trường “mơ hồ chiến lược” lâu đời của Hoa Kỳ. Chính sách như vậy có nghĩa là các đời chính phủ Hoa Kỳ đã cố tình mơ hồ về việc liệu họ có bảo vệ hòn đảo trong trường hợp bị Trung Quốc xâm lược hay không.
Tuy nhiên, hồi đầu tháng này, ông Biden nói rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan khỏi một cuộc tấn công của Trung Quốc, đánh dấu lần thứ tư ông Biden cam kết về sự can thiệp của quân đội Hoa Kỳ. Cũng như những lần trước, Tòa Bạch Ốc đã nhanh chóng rút lại bình luận của tổng thống, cho biết chính sách của Hoa Kỳ vẫn không thay đổi.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times