Cựu luật sư Bắc Kinh tiết lộ quá trình bị ĐCSTQ bức hại phi pháp (Phần 5): Trại cải tạo lao động [1]
Tiếp theo Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4.
Sáng ngày 08/06/2010, tôi bị chuyển đến Trại cải tạo lao động nữ ở Bắc Kinh.
Kể từ khi đàn áp Pháp Luân Công, các trại cải tạo lao động đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm. Cảnh sát “làm việc chăm chỉ” đến từng chi tiết, bao gồm nhục hình, tra tấn, lao động quá tải, không cho giao tiếp bằng mắt, không cho giúp đỡ lẫn nhau và khám xét cơ thể bất cứ lúc nào (cởi hết quần áo) … Để đối phó với các học viên Pháp Luân Công, cảnh sát đã phát huy tối đa bản chất tà ác của con người, tình trạng tố giác và bắt giữ hàng loạt diễn ra phổ biến. Các thành viên trong gia đình trở thành mục tiêu của việc tống tiền, và hình phạt tù vô thời hạn là hiện tượng phổ biến.
Nhân phẩm bị chà đạp và liên đới đến người khác
Sau khi bị đưa đến trại cải tạo lao động, trước tiên chúng tôi bị kiểm tra thể chất. Chị Vương, người đi cùng tôi trên xe cảnh sát, bị từ chối vì huyết áp của chị quá cao, còn tôi phải lưu lại. Một viên cảnh sát cầm hồ sơ về tôi, vừa nhìn tôi, vừa nói chuyện thì thầm với những viên cảnh sát khác. Sau khi cảnh sát trại tạm giam bàn giao thông tin, cảnh sát trại cải tạo lao động chính thức “tiếp quản” chúng tôi.
Chúng tôi có khoảng hai mươi người đứng xếp hàng. Sau khi quan sát, tôi thấy những người phía trước và phía sau tôi không phải là học viên Pháp Luân Công.
Để tăng thêm bầu không khí khủng bố, các viên cảnh sát bắt đầu hét lên với chất giọng khàn khàn: “Cúi đầu xuống và nhìn vào ngón chân,” “Không được nhìn lên,” “Không được nhìn đội trưởng (cách gọi cảnh sát trong trại cải tạo lao động)” …
Mọi người đều sợ hãi trước tình thế này và cúi đầu xuống. Tôi lặng lẽ đứng đó, thẳng lưng và mắt nhìn thẳng về phía trước. Khi cảnh sát nhìn thấy vậy, cơn tức giận bùng lên dữ dội. Mấy vị cảnh sát chạy tới, vài người trong số họ cầm dùi cui điện trên tay.
Họ ấn mạnh đầu tôi xuống. Chỉ cần họ vừa buông tay ra, tôi liền ngước lên nhìn về phía trước, phớt lờ sự tồn tại của họ. Tình huống này cứ lặp đi lặp lại như thế nhiều lần. Thành thật mà nói, trong lòng tôi rất sợ hãi, tôi hiểu rõ trải nghiệm của rất nhiều học viên Pháp Luân Công từng bị kích bằng dùi cui điện.
Có lẽ trước mặt nhiều người, cảnh sát sợ sự việc lan rộng nên không dùng dùi cui điện và bỏ cuộc việc buộc tôi phải cúi đầu.
Sau đó, tất cả chúng tôi đều bị đưa đến đại đội 4, tức đội quản lý nghiêm ngặt.
Mỗi ngày trong đội quản lý nghiêm ngặt đều tràn ngập sự cưỡng chế và tủi nhục. Bởi vì các học viên Pháp Luân Công từ chối hợp tác, nên “liên đới” (liên đới chịu hình phạt cùng nhau) đã trở thành công cụ được cảnh sát sử dụng để đối phó với chúng tôi.
Ví dụ như khi ăn, mọi người trong mỗi phòng giam đều phải đứng nghiêm trước khi ăn và hát khúc ca đỏ gọi là “ca khúc cải tạo.” Sau đó, chờ cảnh sát gọi đến số phòng giam thì mọi người sẽ xếp hàng để lấy thức ăn, tiếp tục chấp nhận sự nhục nhã. Phòng giam ở đây có mỹ danh là “Ban.” Tôi ở phòng giam thứ tư, còn được gọi là “tứ ban” (Ban số 4).
Khi cảnh sát gọi “tứ ban” thì mọi người phải hô to trả lời “đã đến” hoặc “có” trước khi xếp hàng ra ngoài. Khi bước qua ngưỡng cửa, mọi người phải nhìn xuống đầu ngón chân và hô to “báo cáo” trước khi đi qua phòng giam, đi vào nơi gọi là “đại sảnh.” Khi cách viên cảnh sát một mét, mọi người phải đứng thẳng hô to “Xin chào, đội trưởng.” Trong tay viên cảnh sát này cầm cái thìa, ngồi trước hai thùng cơm lớn.
Lúc này, viên cảnh sát yêu cầu mọi người cúi đầu và dõng dạc tự báo: “Nhân viên trại lao động … [xưng họ tên], ban số 4, đại đội 4. Làm ơn cho tôi cơm.” Sau khi nói xin cơm xong, phải nói “Cảm ơn đội trưởng.” Việc đi vệ sinh và tắm rửa cũng tương tự như thế.
Tôi từng từ chối, không cúi đầu, cũng không hô “báo cáo,” không chịu nói “làm ơn.” Cảnh sát dùng cách thức “liên đới” bức ép tôi. Mười một người khác trong phòng giam bị buộc phải đứng và không được phép ăn uống, tắm rửa, hay đi vệ sinh.
Mọi người đều phải sống trong cảnh chịu áp lực và thống khổ vô cùng, nên bất kỳ một sự xáo trộn nhỏ nào cũng là gánh nặng không thể chịu đựng được. Sự xảo quyệt của cảnh sát còn ở chỗ, thông qua hình phạt “liên đới” khiến những người khác trở nên thù địch với các học viên Pháp Luân Công.
Trong trường hợp này, tôi buộc phải đưa ra lựa chọn: hoặc tiếp tục phản kháng, khiến người khác bị trừng phạt và hiểu lầm các học viên Pháp Luân Công; hoặc từ bỏ phản kháng và chịu đựng sự sỉ nhục. Cuối cùng, tôi đã chọn cách thức thứ hai.
Bầu không khí u ám và phòng giam “mềm”
Không khí trong trại cải tạo lao động vô cùng bí mật. Khi ra khỏi phòng giam, không được phép ngẩng đầu lên, khi vào trong phòng giam, không được phép nhìn ra ngoài cửa sổ. Ngoài ban trưởng (không phải học viên Pháp Luân Công) giám sát mọi người, còn có cảnh sát giám sát 24/24 giờ, và cảnh sát tuần tra cũng sẽ đột ngột xuất hiện bất cứ lúc nào.
Tôi nghĩ, bầu không khí ở đây không chỉ tạo điều kiện cho việc che giấu sự thật, mà còn khiến những người bị giam giữ rơi vào trạng thái bất ổn cao độ, khiến họ càng thêm sợ hãi.
Khi bước vào lối đi đến nơi gọi là “đại sảnh,” phòng giam đầu tiên đi qua là một căn phòng “mềm,” chuyên dùng để bức hại những người không hợp tác, cơ bản là các học viên Pháp Luân Công.
Tôi đã vào đó một lần. Tôi và viên cảnh sát phụ trách ban đều là cựu sinh viên của trường Đại học Chính trị và Luật pháp Trung Quốc. Khi đó, tôi cự tuyệt việc hợp tác với những hành vi sỉ nhục nói trên. Anh bạn cựu sinh viên này ít tuổi hơn tôi, ngồi vắt chéo chân trên ghế nói đủ thứ chuyện, bắt tôi phải đứng thẳng người dưới cái nóng oi bức trong hơn hai giờ đồng hồ. Đến khi tôi run rẩy tới mức sắp ngất đi, mới cho phép tôi rời đi.
Vài tháng sau khi tôi chuyển đến đại đội 1, một người “bao giáp” [hai mang, hoặc có thể gọi là quân kép] nói với tôi rằng, khi cô ấy ở trong đội quản lý nghiêm ngặt [đại đọi 4], cô đã tham gia canh gác một học viên Pháp Luân Công khoảng 40 tuổi trong phòng giam “mềm” hơn 20 ngày. Có 4 người, 2 người một tổ, mỗi tổ 12 tiếng.
Trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cho phép các tù nhân thông thường (không phải là học viên Pháp Luân Công) theo dõi từng bước đi của các học viên Pháp Luân Công. Những người này gọi là “bao giáp.” Cảnh sát sẽ xúi giục “bao giáp” đối phó với học viên Pháp Luân Công dựa trên tình huống phản kháng của họ.
Một số “bao giáp” đánh đập, tra tấn, và tố cáo các học viên Pháp Luân Công để được giảm án. Tuy nhiên, cũng có nhiều người rất thiện lương. Họ bí mật bảo vệ chúng tôi bằng cách quan sát lời nói, việc làm của các học viên Pháp Luân Công và cảnh sát. Tôi đã gặp vài người trong số “bao giáp” như vậy.
Vị “bao giáp” này lớn tuổi hơn tôi và luôn đối xử rất tốt với tôi. Cô ấy thuật lại rằng, lúc đó là thời điểm nóng nhất, người học viên nọ không chịu hợp tác nên trong đêm khuya bị đưa vào phòng giam “mềm” để ngủ một lúc, và bị nhốt trong phòng giam đó một thời gian dài. Trong trại lao động không có đồng hồ nên mọi người không cách nào biết được thời gian, theo phán đoán của cô, người học viên này có thể ngủ nhiều nhất là hai hoặc ba giờ.
Cảnh sát đánh đập người học viên, trói hai tay cô ấy ra sau lưng và trói chân cô vào một chiếc ghế cao. Cô ăn thứ gì vào đều nôn ra. Cảnh sát bèn xé ga giường để bịt miệng cô lại, để thức ăn cô nôn ra bị nuốt trở lại. Cô ấy không được phép đi vệ sinh, phải tiểu tiện và đại tiện trong chậu. Căn phòng bốc mùi hôi thối đến mức các “bao giáp” của cô không thể chịu nổi nên họ trút giận lên người cô, cấu véo và đánh đập cô.
Cô ấy nói với tôi rằng học viên này đã giảm ít nhất 20 kg trong một tuần.
Tàn ác hơn cả đội quản lý nghiêm ngặt là “đội tập huấn.” Tôi được biết từ các “bao giáp” khác rằng, nếu các học viên tuyệt thực hoặc luyện công, hoặc hô vang “Pháp Luân Đại Pháp hảo,” “Chân, Thiện, Nhẫn hảo,” thì sẽ bị đưa đến đội tập huấn. Đội tập huấn đều ở trong các phòng giam “mềm,” có sáu “bao giáp” trông chừng các học viên, hai người một nhóm, giám sát lẫn nhau. Người bình thường khó có thể chịu đựng được sự tra tấn của đội tập huấn.
Các cơ quan nhân quyền quốc tế đã bị lừa
Rất nhiều cuộc đàn áp vô nhân đạo đã xảy ra trong những trại cải tạo lao động được phép tồn tại này, nhưng thế giới bên ngoài khó có thể hiểu được tình hình thực tế.
Trên thực tế, sau khi một số thủ đoạn đàn áp học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ bị phơi bày trên Internet, một số tổ chức nhân quyền quốc tế đã đến một số trại cải tạo lao động, nhà tù … để tiến hành “điều tra” với sự đồng ý của ĐCSTQ.
Thật không may, những cái gọi là “cuộc điều tra” này không những không phát hiện ra sự thật, mà thậm chí còn trở thành “tô son trát phấn” cho ĐCSTQ. Lý do rất đơn giản, nếu ĐCSTQ có thể đồng ý thì tất nhiên đã chuẩn bị đầy đủ.
Một viên cảnh sát ra vẻ thân tình đã nói với tôi rằng họ đã lừa dối các tổ chức quốc tế như thế nào. Tất nhiên, điều cô ấy nói không phải là tiết lộ thông tin cho tôi, mà để khiến tôi mất niềm tin và buông bỏ sự phản kháng.
Sau khi tôi chuyển từ đội quản lý nghiêm ngặt sang đại đội 1, một trong những viên cảnh sát chịu trách nhiệm về cái gọi là “chuyển hóa” tôi, là một “người đồng hương” đến từ Nội Mông. Tên cô ấy là Tôn Thụ Ngân (Sun Shuyin).
Vào thời điểm đó, các luật sư nhân quyền đã liên lạc với chồng tôi. Mặc dù với hệ thống trại cải tạo lao động này thì không có cách nào để pháp luật trợ giúp, và luật sư không thể can thiệp, nhưng chồng tôi vẫn hy vọng đệ đơn “kiến nghị xem xét lại,” đồng thời đưa tin tức lên mạng Internet khiến ĐCSTQ cảm thấy áp lực, từ đó tìm kiếm cơ hội giúp tôi thoát khỏi nhà tù. Hoặc dẫu tôi không thể ra tù, thì sự chú ý của ngoại giới cũng có thể bảo đảm an toàn cho tôi ở mức độ lớn nhất.
Khi đó, cô Tôn Thụ Ngân “khuyên” tôi từ bỏ việc nộp đơn kiến nghị xem xét lại, nói rằng việc đưa tin ra ngoài cũng vô ích và cộng đồng quốc tế sẽ không có tác dụng gì.
Cô ấy đưa ra ví dụ. Cách đây vài năm, một tổ chức quốc tế đã đến điều tra, cảnh sát đã sử dụng bộ đàm để liên lạc và di chuyển các học viên Pháp Luân Công đến nơi khác. Cho dù các tổ chức quốc tế có đi đến đâu thì họ cũng sẽ khó gặp được [các học viên Pháp Luân Công].
Cô này cho biết, sau khi tổ chức quốc tế rời đi, họ đã ra đến đường cao tốc. Các cô ấy tưởng mọi chuyện đều ổn, nhưng đột nhiên họ bất ngờ quay trở lại trại cải tạo lao động một lần nữa.
Tuy nhiên, không có gì đáng ngạc nhiên khi các tổ chức quốc tế vẫn thất bại. Cô Tôn nói rằng cảnh sát canh gác ở cổng ngay lập tức thông báo cho tất cả cảnh sát qua bộ đàm, và toàn bộ trại lao động ngay lập tức bắt đầu di chuyển.
Tôi đã có một trải nghiệm tương tự. Khi tôi ở trong “phòng giam nhỏ,” bất cứ khi nào có đoàn đến thăm hay còn gọi là đoàn kiểm tra, tôi đều bị cô Tôn Thụ Ngân đưa ra khỏi đại đội 1.
Tất nhiên, cô ấy không nói thật với tôi mà luôn giả vờ quan tâm đến tôi: Đã bị giam trong “phòng giam nhỏ” lâu rồi, cô ấy muốn đưa tôi ra ngoài hít thở không khí trong lành và đi dạo. Sau đó, các “bao giáp” sẽ thì thầm với tôi rằng có người từ bên ngoài đang đến.
Tường Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ