Cựu ký giả Trung Quốc vạch trần việc đàn áp một nhóm thiểu số tôn giáo ở Trung Quốc
Trong một bộ phim tài liệu từng đạt giải thưởng của Epoch Cinema Original, một cựu phóng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cô Vương Dịch Phi (Dịch Phi Wang), đã kể lại câu chuyện có thật về cuộc đàn áp gia đình cô vì họ là một phần của cộng đồng thiểu số tôn giáo Pháp Luân Công tại Trung Quốc.
Năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ra lệnh xóa sổ môn tu luyện thiền định được gọi là Pháp Luân Công. Hàng triệu gia đình đã tan nát và không ai ở Trung Quốc được phép nói về chủ đề này. Giang Trạch Dân, lãnh đạo ĐCSTQ thời bấy giờ nói rằng, ông ta sẽ tiêu diệt Pháp Luân Công. Ông ta ra lệnh: “Bôi nhọ thanh danh. Vắt kiệt tài chính. Hủy hoại thân thể.” Chế độ này đã thành lập một cơ quan đặc biệt để thực hiện việc này, còn gọi là Phòng 610, và các chi nhánh của cơ quan này nhanh chóng mọc lên trên khắp đất nước. Họ đã điều động bất kể cũng như mọi nguồn lực để đàn áp Pháp Luân Công.
Theo một cựu nhân viên truyền thông Trung Quốc, “tất cả các hãng thông tấn đều đưa tin rằng những học viên này đã tự làm tổn thương chính mình, họ có thể là mối nguy hiểm, hoặc rất hung hăng.” Một cựu quan chức tuyên truyền của chế độ nói rằng báo chí, đài phát thanh và TV đều đồng loạt đăng tải đầy rẫy những bản tin vu khống. “Họ vận dụng toàn bộ xã hội cho cuộc bức hại này.” Các hãng truyền thông kêu gọi người dân theo chủ nghĩa vô thần, chối bỏ Pháp Luân Công, và đặt niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản. “Một quan điểm. Một niềm tin. Mọi người phải tuân theo điều đó.”
Cho đến tận hôm nay, ĐCSTQ đã thực hiện hơn 50 chiến dịch bức hại. Một cựu Lãnh sự và là nhà ngoại giao của chế độ này lý giải rằng học thuyết của chủ nghĩa cộng sản là “dựa trên sự giết chóc. Tàn sát để làm cho người dân khiếp hãi … làm cho [người dân] sợ hãi để duy trì sự thống trị của họ.”
Cô Dịch Phi và em gái
Cô Vương Dịch Phi từng là một phóng viên của chế độ này. Cô đã sát cánh cùng với các sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989. “Tôi biết chế độ đó có thể làm gì. Người ta không thể thực sự hình dung ra được trừ khi họ tự mình trải qua sự việc.” Cô nói rằng “nếu câu chuyện của gia đình tôi được công khai, tôi biết điều đó sẽ mang lại [cho họ] rất nhiều nguy hiểm. Có thể chính quyền sẽ truy lùng người nhà của tôi, nhưng tôi phải làm như vậy. Nếu tôi không thể phơi bày những gì họ đã làm với chúng tôi, thì tất cả những đau khổ của chúng tôi sẽ trở nên vô nghĩa.”
Vào đầu những năm 90, các thành viên của các hãng thông tấn nhà nước và thậm chí các quan chức của chế độ này cũng đã từng tu luyện Pháp Luân Công và còn khuyến khích nhiều người khác cùng tu luyện. Pháp Luân Công là một phương pháp tu dưỡng bản thân cổ xưa của Phật gia. Pháp môn này dạy năm bài công pháp, và dạy người học sống theo các nguyên lý chân, thiện, nhẫn trong cuộc sống thường nhật. Môn tu luyện này đã nhanh chóng lan tỏa trên khắp đất nước Trung Quốc. “Chúng tôi không làm gì sai, nhưng pháp môn này quá cổ xưa. Quá thiêng liêng. Và pháp môn đã trở nên quá phổ biến. Chế độ này không thể dung thứ cho điều đó.” Cô Dịch Phi nhận thấy sức khỏe của cha mẹ cô đã được cải thiện từ trạng thái có bệnh và liên tục phải nhập viện trong hơn 30 năm. Việc cha mẹ cô vui vẻ và khỏe mạnh trở lại có ý nghĩa to lớn đối với cô và các anh chị em, những người cũng đã bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công.
Chồng cô Dịch Phi cũng là một phóng viên. Anh đã có thể dùng các mối quan hệ cao cấp của mình để giúp cô ra khỏi trại giam, nhưng anh không thể cứu em gái cô, người đã bị bắt chỉ vì thỉnh nguyện chính quyền hãy dừng cuộc đàn áp bằng việc cầm một tấm biểu ngữ trong một cuộc kháng nghị ôn hòa. Dòng biểu ngữ của cô ấy mang thông điệp “Pháp Luân Đại Pháp hảo.” Em gái cô đã bị đưa vào một trại lao động mà không qua xét xử. Sau bốn tháng không được phép đến thăm cô ấy, họ nhận được một cuộc gọi vào lúc nửa đêm và được yêu cầu phải đến trại giam ngay lập tức. Một người bị giam trong trại là nhân chứng đã kể về các vụ tra tấn mà em gái cô đã phải chịu đựng vì từ chối dừng đả tọa ngồi thiền, gồm cả việc bức thực một cách tàn nhẫn cho đến khi máu mũi cô tuôn ra, trói tay và chân cô trên “giường tử thần,” châm kim vào mắt cô, và đấm vào mặt cô nếu cô ngủ thiếp đi. Cuối cùng khi họ cho gia đình nhìn thấy cô ấy, thì da, cơ và máu trên khuôn mặt cô đã hòa lẫn vào nhau và cô đang trong tình trạng khỏa thân từ vùng thắt lưng trở xuống. Họ nói với gia đình cô rằng cô ấy qua đời vì một cơn đau tim.
Cô Dịch Phi đã phải trốn chạy nhiều năm ở Trung Quốc để tránh bị bắt, và cuối cùng là lưu vong sang Hoa Kỳ. Giờ đây, cô đã hoàn thành ước nguyện của cha mình là chia sẻ câu chuyện của gia đình cô và đi tìm công lý cho vụ sát hại em gái cô, cũng như hàng triệu nạn nhân Trung Quốc khác của cuộc bức hại này.
Trailer bộ phim “Finding Courage” (“Đi Tìm Dũng Khí”):
Anh trai cô Dịch Phi
Anh trai cô Dịch Phi đã bị kết án mười ba năm trong một trại lao động vì in tờ rơi mang các thông tin về Pháp Luân Công, theo phán quyết chính thức của tòa án. Luật sư của anh trai cô đã bị chính quyền đe dọa và nói rằng nếu ông tiếp tục giúp đỡ gia đình cô thì ông sẽ không được phép hành nghề luật sư nữa.
Một cựu nhân viên của Công an Mật nói rằng họ làm việc với các cơ quan an ninh quốc gia và thậm chí cả quân đội để truy quét và bắt giữ các học viên Pháp Luân Công. Hầu hết các vụ bắt giữ đình đám mà ông đã thực hiện chỉ vì các học viên đã in và phát tờ rơi. “Chế độ này rất lo sợ việc in ấn, sao chép, và phân phát các tài liệu cho phép nhiều người hơn biết được sự thật về Pháp Luân Công.” Ông nói rằng tất cả những người bị bắt đều phải vào tù.
Anh trai cô Dịch Phi là một người đàn ông sáng sủa và thành đạt, người đưa ra mọi quyết định trong gia đình. Vợ anh kể lại rằng gia đình họ là một gia đình bình thường và yên ấm, hàng ngày họ đi làm và con họ thì đến trường. Một ngày nọ, chồng cô không về nhà. Cô đã đi tìm khắp nơi nhưng không tìm thấy anh. Khoảng 20 ngày sau, một người đàn ông vừa ra tù gọi điện cho cô và nói với cô rằng anh ta đã thấy chồng cô bị đánh đập dã man đến mức bị liệt. Khi họ đến trại giam, họ không được phép gặp anh ấy, và khi mọi người nghe nói rằng trường hợp của anh có liên quan đến Pháp Luân Công, thì không ai muốn giúp đỡ.
Cuối cùng khi chồng cô được ra tù, anh không còn nhận biết được bất cứ thứ gì — ngay cả những đồ vật đơn giản trong nhà như ấm đun nước. Mong muốn của anh là được đến Mỹ và phơi bày cuộc bức hại mà anh và gia đình đã trải qua. Anh gọi Trung Quốc là “một nhà tù, đầy rẫy các nhà tù” và nói rằng anh phải vạch trần bọn họ (ĐCSTQ). “Đó là tất cả những gì tôi có thể làm.” Anh kể về câu chuyện bản thân khi bị tra tấn bằng dùi cui điện, và có những chỗ trên cơ thể anh vẫn chỉ còn da bọc xương. Vết thương của anh bị nhiễm trùng và anh có thể nhìn thấy phần thịt bị hoại tử rơi ra khỏi cơ thể. Anh cho biết anh đã chứng kiến những tù nhân khác bị tra tấn đến tử vong.
Có một hình thức tra tấn trong trại giam liên quan đến những chiếc giường — trên chiếc giường đó, mọi người bị kéo căng đến tử vong. Khi họ sắp lìa đời, họ sẽ được thả về vì lý do cấp cứu y tế chỉ để qua đời tại nhà ngay sau đó. Bộ phim tài liệu này cho thấy những cảnh quay kinh hoàng về những nạn nhân bị “kéo căng.”
Vợ anh yêu cầu chồng mình ngừng chia sẻ những ký ức và trải nghiệm của anh khi bị tra tấn với người khác, nói rằng điều đó khiến lòng cô tan nát và ngập tràn sợ hãi mỗi khi nghe thấy. Anh trả lời: “Mặc dù đây là những ký ức rất đau đớn, và anh không muốn nhớ lại, nhưng anh thấy mình cần phải vạch trần sự tàn ác của chế độ này. Đây là điều anh nên làm.” Anh hy vọng rằng những người tốt sẽ bước ra và đòi công lý cho những người dân Trung Quốc vẫn đang phải chịu nhiều khổ đau.
Anh trai cô Dịch Phi đã tạo ra một bản sao của chiếc ghế sắt mà anh đã bị tra tấn trên đó, mô phỏng cách họ trói anh vào và làm tổn thương cơ vai và cơ lưng của anh, cũng như sử dụng một chiếc túi nhựa để khiến anh ngạt thở. Khi anh cận kề cái chết, họ sẽ mở một phần nhỏ của chiếc túi, để có một chút không khí len vào rồi lại lặp lại một lần nữa. Họ cũng đổ nước vào bộ phận sinh dục của mọi người và cho giật điện phần cơ thể đó. Bản sao chiếc ghế đó của anh hiện đang được sử dụng trong các cuộc triển lãm để truyền đạt cho những người khác về những gì xảy ra với các tù nhân Pháp Luân Công và cho thấy sự chịu đựng cũng như đức tin của các học viên.
Điều gì khuyến khích các quan chức của chế độ này?
Các cựu quan chức chế độ và các sĩ quan cảnh sát giải thích rằng các cách tra tấn tù nhân có thể giúp họ kiếm được phần thưởng và tiền thưởng. Một cựu quan chức tuyên truyền nói rằng “sau cuộc Cách mạng Văn hóa, toàn bộ con người bạn trở nên trống rỗng, không còn niềm tin vào bất cứ điều gì. Do đó, những thứ duy nhất mà người dân tin tưởng lúc này là vật chất và tiền bạc, đó là những thứ mà chế độ này khuyến khích.” Chế độ này kiểm soát người dân bằng cách kiểm soát sinh kế của họ. Chỉ khi ở trong hệ thống đó, quý vị mới có thể có một cuộc sống tử tế, nhưng nếu bước ra ngoài hệ thống này, quý vị sẽ bị trừng phạt.
Cô Dịch Phi cho biết rằng không có gì lạ khi các trại lao động tọa lạc ngay trên một con đường chính hoặc trong một thành phố lớn. “Chế độ đó muốn chúng tôi biết họ đang ở đó. Họ muốn chúng tôi khiếp sợ họ.” Cô kể lại việc chế độ này đã bắt cóc con trai của em gái cô như thế nào, lúc đó thằng bé chỉ mới khoảng 8 tuổi. “Họ bắt cóc bất cứ khi nào họ muốn.” Trong tù, các học viên được yêu cầu phải cải tạo, nghĩa là bị tẩy não để “chuyển hóa” tuân theo chế độ. Dùi cui điện là một công cụ được sử dụng để thực hiện việc “chuyển hóa.”
Dũng khí và sự thật là chìa khóa để thay đổi
“Ba mươi năm sông chảy về đông, ba mươi năm sông chảy về tây. Mọi thứ rồi sẽ đổi thay, nhưng chúng ta không thể chỉ ngồi chờ,” cô Dịch Phi bày tỏ. “Chúng ta phải nói ra, chúng ta không được dừng lại, chúng ta phải tiếp tục nói ra sự thật.” Cô Dịch Phi và anh trai cô giờ đã nói cho mọi người biết sự thật về chế độ Cộng sản Trung Quốc và các tình tiết về cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Thông điệp của họ cùng với sự đồng lòng của những người khác trên khắp thế giới được dùng để gây áp lực lên chính quyền Trung Quốc nhằm ngăn chặn cuộc đàn áp Pháp Luân Công, và về lâu dài, là để kết thúc chế độ này và mang lại tự do cho người dân Trung Quốc. Một vị cựu thẩm phán chế độ này chia sẻ rằng ông ấy biết làm điều này có nghĩa là đang chấp nhận rủi ro, “nhưng nếu không ai sẵn lòng đứng lên, thì xã hội của chúng ta sẽ trở nên tồi tệ hơn.” Các cựu quan chức chế độ nói rằng họ rời Trung Quốc vì bị chấn động trước cuộc đàn áp mà họ đã chứng kiến. Một cựu đại tá quân đội cho biết: “Tôi nhận ra rằng chế độ này đang hủy diệt nhân loại.”
Cô Dịch Phi đã trích dẫn một câu ngạn ngữ cổ, “‘nước chảy đá mòn.’ Cho dù một ác nhân có thể mạnh đến đâu, cách duy nhất để đánh bại hắn là dũng khí bảo vệ các giá trị của chính mình và không bao giờ bỏ cuộc.” Trong thời gian ở Mỹ, cô cho biết “Tôi được sống trong bầu không khí trong lành và khung trời xanh biếc, và tôi yêu sự tự do này. Nó đã thay đổi thế giới quan của tôi, và mang lại cho tôi niềm hy vọng.”
Xem trọn bộ phim tài liệu này tại đây.
Theo dõi EpochTV trên mạng xã hội:
Facebook: https://www.facebook.com/EpochTVus
Twitter: https://twitter.com/EpochTVus
Rumble: https://rumble.com/c/EpochTV
Truth Social: https://truthsocial.com/@EpochTV
Gettr: https://gettr.com/user/epochtv
Facebook: https://www.facebook.com/EpochTVus
Telegram: https://t.me/EpochTV
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Cô Emily là cây bút của The Epoch Times và là một ký giả tự do viết về chính trị. Với kiến thức sâu rộng về Báo chí và Truyền thông Chính trị, cô cam kết phục vụ đất nước của mình bằng cách phơi bày sự thật về các vấn đề quan trọng thường nhật cho người dân Mỹ.