Cựu giáo sư luật Harvard: Các trường đại học là ‘cỗ máy tuyên truyền,’ giảng dạy ‘tân chủ nghĩa McCarthy’
Giáo sư cho biết điều này sẽ ảnh hưởng đến các thế hệ lãnh đạo.
Cựu giáo sư luật Harvard, ông Alan Dershowitz, cho rằng ông đã trở nên không được lòng phe cánh tả cấp tiến khi ông gia nhập vào nhóm luật sư biện hộ cho cựu Tổng thống (TT) Donald Trump hồi năm 2020 bởi vì ông đã đặt các nguyên tắc lên trước tính đảng phái. Ông nói: “Chế độ đảng phái hoàn toàn vô luân” đã tiếp quản, vốn sẽ gây ra một hệ quả bất lợi lâu dài cho quốc gia chúng ta.
“Tôi nghĩ xu hướng tân chủ nghĩa McCarthy sẽ còn tồn tại lâu dài ở phe cực tả bởi vì ngày nay nó đang được giảng dạy trong các trường đại học, cho các nhà lãnh đạo tương lai của chúng ta,” ông Dershowitz cho biết trong một cuộc phỏng vấn với chương trình American Thought Leaders (Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ) của EpochTV được công chiếu vào lúc 7 giờ 30 tối hôm 27/09.
Ông cho biết, mặc dù từng là một giáo sư luật có tầm ảnh hưởng lớn tại Đại học Harvard trong 50 năm qua, nhưng ông chưa bao giờ đưa tính đảng phái vào công việc giảng dạy của mình.
“Tôi chưa một lần bày tỏ quan điểm cá nhân trên lớp học. Tôi đã dạy các sinh viên cách tư duy, chứ không phải để nghĩ cái gì. Và ngày nay, các lớp học là những cỗ máy tuyên truyền, và [sinh viên] lại là những nhà lãnh đạo tương lai của chúng ta,” ông Dershowitz nói.
The Epoch Times đã liên hệ với Đại học Harvard để yêu cầu bình luận.
Trong cuốn sách mới của mình, “The Price of Principle” (Cái giá của Nguyên tắc), ông Dershowitz thảo luận về những gì đã thúc đẩy ông tuân theo các nguyên tắc căn bản của nhà nước pháp quyền và quy thức pháp lý thay vì theo tính đảng phái, bất chấp sự tấn công của những lời buộc tội mà ông hứng chịu.
Ông thường đại diện cho những người bị công chúng thù hận, trong đó có tỷ phú phạm tội về tình dục Harvey Weinstein, và cựu cầu thủ bóng bầu dục O.J. Simpson, bởi vì ông tin tưởng mãnh liệt vào nền pháp quyền.
Tuân theo chuẩn tắc Hoa Kỳ
Ba nguyên tắc mà ông Dershowitz tuân thủ gồm tự do biểu đạt và lương tâm; quy thức pháp lý, công bằng căn bản, và hệ thống đối nghịch khi tìm kiếm công lý; và bình đẳng căn bản và chế độ nhân tài.
Ông Dershowitz cho biết: “Đó là bản chất của hệ thống mà chúng ta có, tuy nó rất ít được biết đến.”
Việc ông Dershowitz tuân thủ chặt chẽ vào các nguyên tắc về hoạt động chính trị thường khiến ông bị chỉ trích và người ta nói với ông rằng họ không ưa thích ông.
“Quý vị đã sai dù là tôn trọng tôi hay ưa thích tôi. Còn tôi thì chưa bao giờ đứng về phía quý vị. Tôi đứng về phía quy thức pháp lý và công lý cũng như các quyền tự do dân sự,” ông Dershowitz nói.
Ông cho rằng hiện nay những người có tín ngưỡng đang là mục tiêu của phe cánh tả và sự lạm dụng hệ thống pháp luật của họ.
Ông Dershowitz nói: “Ngày nay, nạn nhân của quy thức pháp lý và quyền tự do dân sự thường thuộc Đảng Cộng Hòa, những người theo phái bảo tồn truyền thống, Cơ Đốc Giáo, Do Thái Giáo, những người không được thế hệ theo chủ nghĩa tỉnh thức ưa chuộng.
Cá nhân ông không thích ông Trump và đã không bỏ phiếu cho ông ấy, nhưng ông nói, “Tôi không muốn chứng kiến các luật lệ được áp dụng để chống lại [ôngTrump].”
Tuy nhiên, nhiều người cánh tả đang cố gắng áp dụng luật khi họ thấy nó phù hợp để “chèn ép ông Trump,” ông Dershowitz nói.
‘Chèn ép ông Trump’
Nhiều người theo chủ nghĩa tự do dân sự muốn mở rộng luật hình sự, như Đạo luật Gián điệp năm 1970, và áp dụng rộng rãi để truy tố ông Trump và các tù nhân trong vụ xâm nhập Điện Capitol hôm 06/01/2021, ông Dershowitz nói với American Thought Leaders.
Những gì đã xảy ra hôm 06/01 là sai lầm và những người phạm tội nên được xét xử công bằng, ông Dershowitz nói, “nhưng đừng phản ứng thái quá bằng cách bỏ tù họ trong nhiều tháng mà không qua xét xử hay bằng cách buộc tội họ như một số người [phe cánh tả] muốn làm đối với hành động nổi loạn.
“Đồng nghiệp cũ của tôi, ông Laurence Tribe, đã gợi ý rằng [Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland] nên truy tố ông Donald Trump vì đã tìm cách sát hại Phó Tổng thống Pence. … Về pháp quyền, lấy cớ gì để làm điều đó?” ông Dershowitz nói.
Không có luật nào như vậy để áp dụng cho ông Trump, ông Dershowitz nói thêm.
“Ông [Tribe] đang bịa đặt, nhưng ông ấy sẵn sàng bịa đặt nếu đó là một phần của việc ‘chèn ép ông Trump.’”
Không có sự khoan dung dành cho quý vị
Ông Dershowitz cho biết mặc dù ông thường đồng thuận với “quan điểm độc lập” của những người theo phái cấp tiến, nhưng ông không đồng ý với các phương tiện mà họ sử dụng.
“Họ không quan tâm đến phương tiện. Họ nghĩ rằng mục đích biện minh cho phương tiện, rằng xã hội không tưởng của họ sẽ đạt được,” ông Dershowitz nói. Phe cánh tả bắt đầu tin rằng quý vị không cần tự do ngôn luận hoặc quy thức pháp lý, ông nói thêm.
“Tại sao quý vị cần tự do ngôn luận nếu quý vị biết sự thật bằng một chữ ‘T’ viết hoa? Quý vị cần quy thức pháp lý nào [đối với] trường hợp nếu quý vị đã biết rằng một người đàn ông bị một người phụ nữ buộc tội thì tất nhiên anh ta sẽ có tội? Tại sao chúng ta cần phải có một phiên tòa?” ông Dershowitz nói.
Ông Dershowitz đồng ý rằng phe cánh tả đã chịu ảnh hưởng rất lớn bởi nhà triết học kiêm lý luận chính trị người Mỹ gốc Đức Herbert Marcuse vốn có liên hệ với Trường phái phê phán Frankfurt. Ông ấy ủng hộ “giải phóng lòng khoan dung,” vốn bao gồm sự tàn nhẫn của các phong trào cánh hữu và sự khoan dung của các phong trào cánh tả.
Ông Dershowitz nói: “[Triết lý của ông Marcuse] rất thú vị bởi vì mặc dù nó phát triển từ chủ nghĩa chống Đức Quốc Xã, nhưng nó lại chuyển thành hình thái chủ nghĩa phát xít, vì vậy ông Marcuse giống như thủ lĩnh đối với phong trào của kẻ đàn áp theo chủ nghĩa thức tỉnh.”
Trong bài tiểu luận “Sự khoan dung hà khắc” (Repressive Tolerance), ông Marcuse đã viết, “Ngược lại, ngày nay, những gì được nói và làm như là sự khoan dung, bằng nhiều biểu thị hiệu quả nhất của nó, đang thỏa mãn nguyên nhân của sự áp bức.”
“Làm sao mà họ dám tự gọi mình là cấp tiến được chứ,” ông Dershowitz nói. “Họ đang thoái lui. Họ là những kẻ phản động. Họ là những kẻ đàn áp. Họ muốn ngăn chặn quy thức pháp lý và quyền tự do ngôn luận và sự bảo vệ bình đẳng.”
Mở rộng luận điệu
Ông Dershowitz cho rằng việc cảnh sát sát hại George Floyd có thể là sự kiện quan trọng nhất trong thế kỷ 21, vốn đã làm biến đổi các công ty, giới truyền thông, và các trường đại học của Hoa Kỳ kể từ đó.
Sau cái chết của George Floyd, chính phủ liên bang, giới truyền thông, các công ty, và các trường đại học đã thực hiện một nghị trình “công lý xã hội” như đa dạng, công bằng, và đào tạo hòa nhập và hạn ngạch, để đạt được “công bằng chủng tộc” và “công bằng.”
“Tôi nghĩ rằng những người theo phái cánh tả cấp tiến, từ những người cộng sản trong những năm 1930 và 1940 cho đến thế hệ thức tỉnh ngày nay, tìm kiếm những cơ hội, họ tìm thấy các sự kiện, và do đó họ có thể sử dụng điều đó để diễn đạt luận điệu của họ và phóng chiếu nghị trình của họ,” ông Dershowitz nói.
Phe cánh tả, trong đó có chính phủ TT Biden, từng tuyên bố Hoa Kỳ vốn là quốc gia “phân biệt chủng tộc một cách có hệ thống,” nhưng ông Dershowitz không đồng tình.
“Chúng ta không phải là một quốc gia phân biệt chủng tộc một cách có hệ thống. Chúng ta là một quốc gia chống phân biệt chủng tộc một cách có hệ thống,” ông nói.
Ông Dershowitz cho rằng nỗ lực của phe cánh tả là nhằm xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và tạo lợi thế cho một nhóm đang gây bất lợi cho những người khác. Ông nói, “Quý vị hãy nhìn vào trường hợp của Đại học Harvard. Ai đang khởi kiện Đại học Harvard? Chính là những sinh viên gốc Á, bởi vì họ đang bị phân biệt đối xử do hạn ngạch dành cho sinh viên gốc Phi.”
Tổ chức Sinh viên vì Tuyển sinh Công bằng (SFFA) đã khởi kiện Đại học Harvard với cáo buộc rằng trường này đối xử với sinh viên da trắng và sinh viên người Mỹ gốc Á bằng các tiêu chuẩn tuyển sinh khắt khe hơn — một thực tế mà một số người gọi là phân biệt đối xử đảo ngược. Tối cao Pháp viện sẽ đưa vụ án này ra điều trần trong tháng Mười.
Một tuyên bố trên trang web của trường này viết: “Đại học Harvard không phân biệt đối xử nhắm vào các ứng viên thuộc bất kỳ nhóm nào trong quy trình tuyển sinh của trường. Chúng tôi sẽ tiếp tục gắng sức bảo vệ quyền của đại học Harvard, cũng như các trường cao đẳng và đại học khác, … tạo ra một cộng đồng học khu mang đến cho mỗi sinh viên cơ hội học hỏi từ những người đồng tuế với nhiều sở thích học thuật, quan điểm, và tài năng khác nhau.”
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times