Cựu cục trưởng tôn giáo Trung Quốc bị cấm đến Đài Loan dự tang lễ nhà sư nổi tiếng
Ông Diệp đã giám sát các cuộc đàn áp các nhóm, bao gồm cả Pháp Luân Công
Hôm 05/02, nhà sư Tinh Vân (Hsing Yun) nổi tiếng thế giới người Đài Loan đã qua đời ở tuổi 95. Hôm 13/02, hàng ngàn người đã tới dự lễ tang của ông. Tuy nhiên, cựu lãnh đạo cục tôn giáo của chế độ cộng sản Trung Quốc đã bị từ chối nhập cảnh vào Đài Loan để dự lễ do hồ sơ vi phạm nhân quyền của quan chức này.
Được các Phật tử trên toàn thế giới kính trọng, nhà sư Tinh Vân được sinh ra ở Trung Quốc nhưng đã đào thoát sang Đài Loan hồi năm 1949. Năm 1967, ông đã thành lập tu viện Phật Quang Sơn (Fo Guang Shan) ở Đài Loan. Sau đó cộng đồng tôn giáo này tiếp tục thành lập hàng trăm ngôi chùa, chủng viện, và trường đại học trên khắp thế giới.
Cảnh sát ở Đài Loan dự đoán một đám đông 30,000 người sẽ tham dự lễ tang của nhà sư Tinh Vân. Tại buổi lễ, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã trao tặng ông bằng truy tặng để ghi nhận “tác động và đóng góp sâu rộng của ông đối với chính phủ, xã hội, và đời sống tôn giáo” của Đài Loan.
Một phái đoàn từ Trung Quốc được dự kiến sẽ tham dự tang lễ này. Tuy nhiên, ông Diệp Tiểu Văn (Ye Xiaowen), cựu Cục trưởng Cục Tôn giáo Trung Quốc, đã bị từ chối nhập cảnh vào Đài Loan để tham dự buổi lễ. Là người đứng đầu các vấn đề tôn giáo từ năm 1995 đến năm 2009, ông Diệp đã giám sát cuộc đàn áp các nhóm tôn giáo bao gồm cả Pháp Luân Công. Ông dự kiến sẽ đứng đầu phái đoàn Trung Quốc.
Phái đoàn Trung Quốc: ‘Tất cả cùng đi hoặc không ai’
Nhóm Luật sư Nhân quyền Pháp Luân Công Đài Loan đã đưa ra một tuyên bố nói rằng trước tiên ông Diệp nên xin lỗi các nạn nhân của cuộc đàn áp tôn giáo ở Hoa lục và gửi lời chia buồn đến họ.
Hôm 10/02, Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan (MAC) tuyên bố rằng họ đã cấp giấy phép xuất nhập cảnh cho tổng số 120 người từ Hoa lục và Hồng Kông tham dự buổi lễ này. Trong số đó có họ hàng và những người bạn của vị trụ trì đã qua đời này cùng những người thuộc giới tôn giáo.
Tuy nhiên, bà Chu Phượng Liên (Zhu Fenglian), phát ngôn viên của Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Trung Quốc, tuyên bố hôm 11/02 rằng Đài Loan đã từ chối để phái đoàn Trung Quốc tham dự.
Về tuyên bố này, Phó Thủ tướng Đài Loan, ông Trịnh Văn Xán (Cheng Wen-tsan), cho biết trong số 38 người thuộc phái đoàn Trung Quốc, có 26 người đã được chấp thuận. Những người còn lại là các quan chức hiện tại của Văn phòng Sự vụ Đài Loan và Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bao gồm cả ông Diệp Tiểu Văn.
Phó Chủ nhiệm MAC, ông Khâu Thùy Chính (Chiu Chui-cheng) đã xác nhận rằng ông Diệp Tiểu Văn bị từ chối nhập cảnh vì ông bị Cơ quan Di trú Quốc gia Đài Loan đánh dấu là “từng bức hại các học viên Pháp Luân Công trong quá khứ.”
Hôm 12/02, nhà lập pháp Đài Loan Chu Vĩnh Hồng (Chou Yung-hong) nói với The Epoch Times rằng chính phủ Đài Loan không từ chối tất cả thành viên trong phái đoàn Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với phái đoàn Trung Quốc này, thì “tất cả cùng đi hoặc không ai”, vì vậy toàn bộ phái đoàn đã bỏ lỡ tang lễ này.
Tiến hành chiến dịch diệt chủng
Hôm 11/02, Nhóm Luật sư Nhân quyền Pháp Luân Công đã đưa ra một tuyên bố nhằm ủng hộ quyết định của chính phủ Đài Loan và đề cập đến việc ông Diệp tích cực tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện tinh thần truyền thống dựa trên những nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Các học viên ở Trung Quốc của môn tu luyện này đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc đàn áp tàn bạo kể từ khi cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân phát động chiến dịch ‘xóa sổ’ phong trào này hồi năm 1999.
Phát ngôn viên của nhóm này, luật sư Châu Uyển Kỳ (Zhu Wan-qi), cho biết ông Diệp Tiểu Văn đã tích cực thực hiện chính sách của ông Giang để “bôi nhọ thanh danh của Pháp Luân Công, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể của các học viên”. Bà Châu nói rằng trước khi dự tang lễ, đầu tiên ông Diệp nên gửi lời chia buồn tới hàng chục ngàn học viên Pháp Luân Công, gia đình của họ, và các thành viên của các nhóm tín ngưỡng khác đã bị ông bức hại.
Bà Châu đã nhấn mạnh rằng việc Đài Loan quyết định từ chối cho ông Diệp nhập cảnh, với tư cách là người đã phạm tội ác chống lại loài người, là hoàn toàn hợp pháp và hợp lý. Điều đó phù hợp với bản sắc dân tộc của Đài Loan với tư cách là một quốc gia được thành lập “trên nền tảng nhân quyền.”
Bản tin có sự đóng góp của Ngô Mân Châu và Hoàng Du Nguyên
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times