Cuộc sống không nhất thiết phải hoàn hảo, 85 điểm đôi khi tốt hơn 100 điểm
Người kinh doanh nhất định cần giữ lại 15% số dư dự phòng nhằm đối phó với khủng hoảng. Giống như bông hoa nở tám phần là đẹp nhất, nở rộ là bắt đầu héo tàn…
Dàn âm thanh nổi trên xe hơi của tôi có tiếng tạp âm phát ra từ chiếc loa phía trước bên phải. Vì vậy, tôi phải quay lại nhà máy sản xuất để sửa chữa. Tôi nói với kỹ thuật viên bảo trì Tiêu Tư Anh rằng: “Khả năng trong năm nay tôi sẽ đổi xe. Tôi dự định sẽ khắc phục tất cả các lỗi trên xe, chẳng hạn như hệ thống âm thanh …, trước khi bán xe.”
Tiêu Tư Anh không đồng ý. Anh ấy nói: “Anh Vương, anh thực sự không cần phải làm như vậy. Xe mới cần hoàn hảo, còn xe cũ thì chỉ cần có thể dùng được là khả dĩ rồi. Đã là xe cũ thì nhất định phải có chỗ khiếm khuyết, không thể hoàn hảo 100% được. Miễn là nó không ảnh hưởng đến an toàn khi lái xe thì tốt rồi. Những chi tiết mà anh quan tâm như âm thanh, vết trầy xước trên vành lốp, v.v., thì bên mua xe có thể không quan tâm. Nếu anh muốn loại bỏ tất cả những khiếm khuyết này, khả năng là không thể làm được. Một chiếc xe hơi cũ chỉ cần duy trì tình trạng tốt 85% là được, không nên đòi hỏi tốt 100%.”
Tôi hỏi anh ấy: “Vậy khi bán xe thì tôi phải làm thế nào?”
Anh ấy trả lời: “Anh nên liệt kê chi tiết tất cả các lỗi của xe và nói rõ với bên mua, sau đó hai bên thỏa thuận xem giảm giá bao nhiêu? Ví dụ, chiếc xe định giá là 900,000 nhân dân tệ, anh xem anh có thể bớt cho đối phương mấy vạn tệ chẳng hạn.”
85% là kết quả tư duy mà tôi rút ra được sau “cú sốc” thực tế này. Trong cuộc sống và công việc, không nhất thiết lúc nào cũng đòi hỏi hoàn hảo 100%. Đôi khi 85% còn tốt hơn 100%.
Đối với người quản lý doanh nghiệp, việc đặt mục tiêu tăng trưởng và lợi nhuận không nên là 100%, mà là 110% hoặc 120%, mục tiêu nên đặt cao hơn từ 10% đến 20%. Làm như vậy là phòng khi tài chính có biến động, hoặc gặp đối thủ cạnh tranh giá thấp, giảm giá … thì vẫn có thể duy trì hơn 90% doanh số đề ra.
Nhưng khi điều hành, việc phân bổ thời gian và nguồn lực không nên là 100%, nhiều nhất là 85%. Người quản lý phải dành 15% số dư dự phòng để đối phó với khủng hoảng hoặc lập kế hoạch cho tương lai. Giống như chỉ huy trong quân đội, bạn phải giữ lại một đội dự bị trong tay, không thể dành 100% binh lực của mình cho tiền tuyến.
Năm 2006 và 2007, tôi làm việc cho Tập đoàn Tiền Quỹ (Cashbox Partyworld Co., Ltd), cả Đài Loan có 16 cửa hàng với hơn 14,000 hộp karaoke. Người điều hành KTV (ở Đài Loan và Trung Quốc, cơ sở karaoke được gọi là KTV) không nên quá bận rộn. Họ nên có đủ thời gian với tâm trạng thư thái, bởi vì thường có những tình huống đột xuất xảy ra trong cửa hàng, ví dụ khách uống rượu đánh nhau, thậm chí là xã hội đen nổ súng, điều phối tiền thuê cửa hàng hằng năm, v.v. Người điều hành cần phải được rảnh tay để giải quyết những sự việc này. Hồi đó chúng tôi còn có đủ thời gian rảnh để tham gia nghiên cứu phát triển, nâng cấp hệ thống cung cấp dịch vụ ăn uống và chọn bài hát, vượt trội hơn hẳn so với các bên khác.
Một người quản lý cửa hàng giỏi thường bình tĩnh và điều hành quyết đoán. Những vị ấy trông thì rất nhàn nhã, nhưng hiệu suất làm việc rất tốt. Họ biết cách dùng người, biết phân bổ nguồn lực. Những người như vậy thường là ứng cử viên cho vị trí quản lý khu vực hoặc hàng ngũ lãnh đạo.
Mấy năm nay, tôi thấy một số bạn trẻ luôn theo đuổi mục tiêu 100%, nhưng khi gặp khủng hoảng đã bị đánh gục vì không thể xoay chuyển tình thế; hoặc rời “vũ đài” sớm vì có vấn đề về sức khỏe do làm việc quá sức kéo dài.
Gần đây, hoa sơn trà trên núi Dương Minh đang dần nở rộ. Lên núi ngắm hoa sơn trà vào tháng Chạp âm lịch cũng là một lễ hội cuối năm. Hoa nở tám phần là đẹp nhất, nở rộ là bắt đầu héo tàn rồi.
Tịnh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ