Cuộc nói chuyện về một chính phủ Châu Mỹ kiểu EU gây lo ngại cho một nghị sĩ Hoa Kỳ
Tổng thống Mexico cho biết ông đã thảo luận với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken về khả năng hợp nhất lục địa Châu Mỹ vào một cơ chế quản trị theo kiểu EU.
“Ông Blinken đã nói về việc hợp nhất khu vực Bắc Mỹ, và chúng tôi đã đồng ý về điều đó,” Tổng thống Andrés Manuel López Obrador cho biết trong một cuộc họp báo hồi tháng trước (09/2022).
“Tôi không chỉ nói với ông ấy rằng chúng tôi đồng ý với việc hợp nhất chúng ta thành một khu vực gồm ba quốc gia — Canada, Hoa Kỳ, Mexico — mà chúng tôi còn ủng hộ sự thống nhất của toàn bộ lục địa Châu Mỹ để lặp lại tầm nhìn của chúng tôi mà, giống như khi cộng đồng Âu Châu lần đầu tiên xuất hiện và trở thành Liên minh Âu Châu. Đó là những gì chúng tôi muốn, đó là ước mơ của [Simón] Bolivar, nhưng tích hợp thêm Canada, Hoa Kỳ, toàn bộ Châu Mỹ.”
Lo ngại rằng ông Blinken dường như đang có những cuộc thảo luận như vậy ở ngoại quốc, Dân biểu Matt Gaetz (Cộng Hòa-Florida) đã gửi một lá thư cho vị ngoại trưởng để tìm hiểu thêm.
“Ông có nhìn nhận rằng lục địa Bắc Mỹ nên được thống nhất bằng một bản hiến pháp khu vực để tăng cường lợi ích kinh tế của các quốc gia thành viên không?” ông Gaetz hỏi ông Blinken.
“Bộ Ngoại giao có nhìn nhận rằng Hoa Kỳ, Canada, và Mexico nên trở thành một liên minh các quốc gia được hình thành giống như Liên minh Âu Châu không?”
Một phát ngôn viên từ văn phòng của ông Gaetz cho biết hôm 18/10 rằng vị dân biểu này vẫn chưa nhận được phản hồi từ ông Blinken.
“Văn phòng của chúng tôi đang tích cực theo dõi các kế hoạch của chính phủ Tổng thống Biden và sẽ tiếp tục truyền đạt những lo ngại của chúng tôi với Bộ Ngoại giao,” phát ngôn viên này nói với The Epoch Times.
Ông Gaetz viết trên Twitter hôm 14/10: “Tôi không muốn các cử tri của mình sống dưới chế độ giam cầm chuyên chế xã hội chủ nghĩa do ông Justin Trudeau ban hành trong lúc cháu trai của họ bị đầu độc bởi fentanyl đến từ Mexico.”
“Nhưng đó là trật tự theo chủ nghĩa toàn cầu mà Cánh Tả ủng hộ, bởi vì ngay từ đầu họ chưa bao giờ nghĩ nhiều đến nước Mỹ.”
The Epoch Times đã liên lạc với Bộ Ngoại giao để yêu cầu bình luận về tính xác thực trong nhận xét của Tổng thống Obrador và để hỏi liệu đã có ai trong bộ nói chuyện với các đối tác Canada về ý tưởng này hay chưa. Bộ Ngoại giao đã không phúc đáp.
Tổng thống Obrador cho biết ông và ông Blinken cũng thảo luận về việc thúc đẩy chương trình năng lượng xanh của Tổng thống Joe Biden. Hợp tác giữa Mexico và Hoa Kỳ để mở rộng sản xuất năng lượng mặt trời và lithium, được nêu trong Kế hoạch Sonora của ông Obrador, đã đặt vùng Tây Bắc Mexico vào tầm ngắm năng lượng tái tạo của Hoa Thịnh Đốn.
Tổ chức các Quốc gia Châu Mỹ
Đầu tháng này (10/2022), ông Blinken đã đến Mỹ Latinh để tham dự Đại hội đồng Tổ chức các Quốc gia Châu Mỹ, một tổ chức kiểu Liên Hiệp Quốc được thành lập vào năm 1948.
Sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh, 35 quốc gia thành viên đã thông qua Tuyên bố Lima với nhan đề “Cùng nhau Chống lại Bất bình đẳng và Phân biệt đối xử” (“Together Against Inequality and Discrimination”).
“Khi tất cả các cộng đồng được có quyền tiếp cận bình đẳng đối với việc phát triển, toàn xã hội đều được hưởng lợi. Và đó là bởi vì các nền dân chủ bình đẳng hơn có xu hướng trở thành những đối tác ổn định và an toàn hơn,” ông Blinken nói trong bài diễn văn của mình hôm 06/10 tại Lima.
Tuyên bố Lima đưa ra các mục tiêu của mình trong khuôn khổ “đa dạng, bình đẳng, hòa nhập” vốn bị chỉ trích là ủng hộ sự đa dạng hơn là phẩm chất và cho rằng người da trắng sinh ra đã phân biệt chủng tộc.
Tuyên bố tập trung vào các vấn đề kinh tế, biến đổi khí hậu, và tăng cường hòa nhập cho các nhóm “thiểu số”, đặc biệt là các nhóm thiểu số về giới tính.
Văn bản này tuyên bố rằng cần phải đạt được sự gia tăng đáng kể trong nguồn cho vay tài chính với điều kiện thuận lợi và đầu tư từ nhiều nguồn công và tư, và nguồn hợp tác phát triển quốc tế đa dạng, bao gồm các tổ chức đa phương, các nước phát triển và khu vực tư nhân, để đạt được xã hội bình đẳng, công bằng hơn, đa dạng và thịnh vượng hơn.”
Người nộp thuế Mỹ tài trợ chỉ hơi dưới 50% ngân sách của Tổ chức các Quốc gia Châu Mỹ, năm 2023, con số này là hơn 90.1 tỷ USD.
Brazil là nước đóng góp lớn nhất tiếp theo, chiếm 15.3% ngân sách. Tiếp theo là Canada và Mexico, đóng góp lần lượt 12% và 7%.
12 quốc gia khác cam kết 376,000 USD mỗi quốc gia trong năm nay, trong khi Cuba đưa vào 468,800 USD.
Một nhà phân tích khu vực cho biết một khu vực Bắc Mỹ hợp nhất có thể mang lại lợi ích kinh tế chung và tạo ra sự ổn định trong khu vực, nhưng sẽ cần các hướng dẫn nghiêm ngặt.
“Một cộng đồng kinh tế giữa Hoa Kỳ, Mexico, Trung Mỹ, và Antilles sẽ là một bước tiến cho toàn bộ khu vực, nhưng nó phải dựa trên khái niệm cộng đồng các nền dân chủ,” Tiến sĩ Orlando Guiterrez-Boronat nói với The Epoch Times.
“Một liên minh siêu quốc gia như vậy, để mà có ích, thì phải dựa trên các nguyên tắc vững chắc về tự do và dân chủ. Không phải sự mơ hồ ngớ ngẩn đối với chế độ chuyên chế, chẳng hạn như của Tổng thống Lopez Obrador ở Mexico.”
Một số người chỉ trích tổng thống đương nhiệm của Mexico tin rằng nền dân chủ của quốc gia này đang bị phân tán dưới thời ông Obrador do rời xa các chuẩn mực dân chủ, trong đó có việc bịt miệng những người chỉ trích, cắt ngân sách các cơ quan quản lý và biển thủ quỹ tín thác do nhà nước kiểm soát bằng các con đường ngoài các kênh pháp lý thích hợp.
Ông Boronat nói rằng khu vực Bắc Mỹ không nên trực tiếp bắt chước mô hình của EU. Ông tin rằng để một nỗ lực toàn diện có tác dụng, thì cần phải có sự công bình chính trị cao hơn.
Ông nói: “Sự thiếu nhất quán và toàn vẹn về chính trị đã khiến Liên minh Âu Châu bị tổn thương và đặt liên minh này vào cuộc khủng hoảng hiện nay với hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine.”
“Thật nực cười khi Liên minh Âu Châu hiện đang tài trợ cho chế độ độc tài khủng khiếp ở Cuba. Làm thế nào điều đó có thể phù hợp với các giá trị mà EU đáng ra phải giữ chung với Hoa Kỳ?”
Các tổng thống cánh tả mới
Cùng tuần ông Blinken ở Peru, ông đã đến thăm Colombia và Chile để thảo luận về các ưu tiên chung và nhấn mạnh sự hợp tác trong khu vực.
Quan chức đại diện cho Hoa Kỳ này đã gặp Tổng thống cánh tả mới đắc cử của Colombia Gustavo Petro và các quan chức cấp cao nhất để thảo luận về hành động khí hậu, cuộc khủng hoảng di cư chảy qua khu vực khoảng trống Darien nối Colombia và Panama, và một “cách tiếp cận toàn diện” để chống lại nạn buôn bán ma túy trong khu vực.
Ông Petro đã đắc cử hồi tháng Sáu, trong một kết quả đáng ngạc nhiên, với tư cách là tổng thống cánh tả đầu tiên của Colombia. Ông Petro là cựu thành viên của nhóm du kích M-19, một tổ chức theo chủ nghĩa Marx có từ những năm 1970 liên kết với Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) khét tiếng. Nhóm khủng bố này xuất ngũ năm 1990 và trở thành một đảng chính trị hợp pháp với tên gọi Aliaza Democa M-19.
Tại Chile, ông Blinken đã gặp Tổng thống theo xã hội chủ nghĩa Gabriel Boric và Ngoại trưởng Antonia Urrejola hôm 05/10 để thảo luận về các sáng kiến tương tự, bao gồm giảm thiểu biến đổi khí hậu, các cơ hội thương mại song phương, và di cư bất hợp pháp.
Ông Boric, người có mối quan hệ công khai với đảng cộng sản Chile, đã phải đối mặt với sự giám sát đáng kể trong những tháng gần đây trong bối cảnh xảy ra suy thoái kinh tế và các cuộc biểu tình. Tổng thống thuộc thế hệ Millennial này đã trở thành nguyên thủ quốc gia trẻ nhất đất nước sau một cuộc bầu cử bổ sung hồi tháng 12 năm ngoái.
Chiều hướng đã đảo ngược chống lại cá nhân ông Boric hồi tháng Chín, khi một nhóm người biểu tình nhận ra anh trai của ông và tấn công người anh trai này. Ông Simon Boric, người làm việc với tư cách là tham mưu trưởng cho văn phòng hiệu trưởng tại Đại học Chile, đã phải nhập viện sau khi một đám đông giận dữ đấm và đá ông bên ngoài nhà của ông ở Santiago.
Vụ tấn công diễn ra chỉ vài ngày trước một cuộc bỏ phiếu lịch sử về việc có nên bãi bỏ hiến pháp quốc gia được đưa ra dưới thời cựu Tổng thống gây tranh cãi Augusto Pinochet hay không. Cuộc bỏ phiếu đã thất bại và hiến pháp vẫn có hiệu lực.
Mối liên hệ với Trung Quốc
Có một nhân tố tác động lớn khác đang lôi kéo các nước lân bang phía nam của Hoa Kỳ.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nam Mỹ và sẵn sàng cạnh tranh với Hoa Kỳ về thương mại trên khắp Châu Mỹ Latinh.
Với Sáng kiến Vành đai và Con đường, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đầu tư đáng kể vào khu vực và trở thành một trong những nhà cho vay lớn nhất ở khu vực này.
ĐCSTQ đã xây dựng các bến cảng, đường xá, đập, và các dự án điện lớn trên khắp Châu Mỹ Latinh trong 20 năm qua.
Ông Milton Ezrati, nhà kinh tế trưởng của Vested, một công ty truyền thông có trụ sở tại New York, đồng thời là cộng tác viên của The Epoch Times, cho biết: “Như trong trường hợp của Phi Châu, Trung Đông, và các nơi khác ở Á Châu, Bắc Kinh đang sử dụng sức mạnh kinh tế và tài chính để nâng cao tầm ảnh hưởng và hồ sơ ngoại giao của mình.”
“Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm Mỹ Latinh 11 lần kể từ khi nhậm chức vào năm 2013 và đã ký kết các quan hệ đối tác chiến lược — mức độ cao nhất mà Bắc Kinh dành cho các đồng minh ngoại giao — với bảy quốc gia là Argentina, Brazil, Chile, Ecuador, Mexico, Peru, và Venezuela.”
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times