Cuộc khủng hoảng văn phòng sắp tới ở các thành phố Hoa Kỳ
Những nét phác họa của vòng khủng hoảng kinh tế tiếp theo đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Sẽ có nhiều cơ hội phát triển nhưng điều đó sẽ không xảy ra ở các thành phố vĩ đại một thời của Mỹ như New York, Chicago, San Francisco, Seattle, và Portland. Những thành phố này đang bị tàn phá bởi sự kết hợp đáng sợ của nhiều yếu tố, gồm giá thuê nhà thương mại cao, giá mọi thứ cao, tội phạm cao, lãi suất cao, thuế cao, thời gian đi lại dài, tăng trưởng chậm, và một cuộc khủng hoảng người tị nạn ngày càng gia tăng.
Tất cả những yếu tố này góp phần tạo nên những thành phố nơi mà mọi người không muốn đi làm. Các công nghệ kỹ thuật số được khai triển đầy đủ trong thời gian phong tỏa đã cho phép kiểu làm việc từ xa tiếp tục thống trị lĩnh vực dịch vụ. Phong trào trở lại văn phòng đã bị đình trệ. Nhìn chung, khoảng một nửa dân số có việc làm chuyên nghiệp ở các thành phố từng phải đến văn phòng như một thói quen đã tìm ra cách kéo dài thời gian nằm dài ở nhà vô thời hạn.
Tình trạng này đã tạo ra một vấn đề lớn đối với các văn phòng thương mại thường cho thuê mặt bằng từ 5 đến 10 năm. Những hợp đồng thuê không gian rộng được ký vào năm 2019 đã không được sử dụng vào năm sau. Ý tưởng là cuộc sống sẽ trở lại bình thường sau khi việc kiểm soát đại dịch kết thúc và sau đó những khoản tổn thất sẽ được xóa bỏ. Nhưng cuộc sống vẫn chưa trở lại bình thường, và các hợp đồng thuê sắp tới lúc gia hạn.
Các công ty lớn đang xem xét lại mọi thứ về không gian văn phòng của họ, việc này gây áp lực rất lớn lên chủ sở hữu và các nhà phát triển nhà cao ốc, vốn từ lâu đã vay nợ để mua số cổ phần nắm giữ của họ trong 15 năm với lãi suất bằng 0. Thời những ngày xưa tốt đẹp đó, việc nắm giữ các khoản nợ là chưa bao giờ có hại. Nhưng thời đó đã kết thúc khi Fed đảo ngược hướng đi. Giờ đây việc trả lãi nợ là một chi phí kinh doanh to lớn.
Chi phí của khoản nợ này giờ đây giống như một củ khoai tây nóng hổi được chuyển từ ngân hàng sang người đi vay rồi người đi thuê. Trong một biểu hiện điển hình của lập luận sai lầm về chi phí chìm, nhiều công ty đã nghĩ rằng cách duy nhất để khiến những khoản chi phí cao trở nên đáng giá là buộc nhân viên quay trở lại văn phòng làm việc. Nhưng biện pháp đó không có tác dụng trong một môi trường bị chi phối bởi tình trạng thiếu nhân công. Kết quả là, chúng ta đang chứng kiến một làn sóng lớn những hợp đồng không được gia hạn, tạo ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về địa ốc thương mại đô thị có thể ảnh hưởng sâu sắc không chỉ đến các thành phố mà còn cả tình hình tài chính.
Tất nhiên, điều này sẽ mở rộng thêm lỗ hổng lớn vốn đã tồn tại trong tài chính của các thành phố, khi khu vực công đang dần thiếu đi những nguồn thu. Sau đó, các thành phố này sẽ tìm kiếm các gói cứu trợ từ chính phủ tiểu bang hoặc liên bang, như họ vẫn thường làm. Họ có thể sẽ nhận được những gói cứu trợ đó và họ sẽ cung cấp một giải pháp khắc phục tạm thời cho đến khi hết tiền. Sau vài vòng nhận cứu trợ, thực tế này sẽ lộ rõ. Những nơi này đang gặp khó.
Một thực tế nổi bật vượt lên giữa tất cả những vấn đề này. Những thành phố này đang mất đi cư dân. Nếu quý vị vẫn đang dùng Zoom, tại sao không làm như vậy từ một ngôi nhà ở ngoại ô an toàn hoặc một khu đất xinh đẹp ở vùng nông thôn? Tại sao không trốn đến một nơi có chi phí sinh hoạt thấp hơn nhiều, chẳng hạn như miền Nam nước Mỹ? Rốt cuộc, những nơi này không bị phong tỏa nhiều như những nơi khác bị nền chính trị xanh thống trị.
Do đó, quan niệm thông thường là nhiều thành phố ở miền Nam sẽ tránh được số phận suy thoái của các thành phố New York, San Francisco, và Chicago. Các thành phố này sẽ được cứu nhờ tăng trưởng kinh tế sôi động và làn sóng di dân có thu nhập cao. Và đúng là về mặt thẩm mỹ bề mặt, các thành phố như Dallas, Atlanta, và Miami đang có rất nhiều hoạt động kinh doanh và tăng trưởng sôi động.
Quan niệm thông thường này hiện đang bị nghi ngờ, nhờ một bài viết chi tiết trên tờ Wall Street Journal về thành phố Atlanta sôi động và lành mạnh ở Georgia. Hóa ra vấn đề địa ốc thương mại đang gây khó khăn cho thành phố này cũng nhiều như gây tổn hại cho các thành phố phía bắc. Atlanta cũng đang phải đối mặt với tình trạng số văn phòng bị nhân viên bỏ trống ở khoảng 50%. Đây từng là những người từ lâu đã quen với việc phải di chuyển 30-60 phút một chiều.
Kết quả là, và phần lớn là đằng sau vẻ bề ngoài [phát triển], Atlanta cũng phải đối mặt với tình trạng vỡ bong bóng văn phòng. “Tỷ lệ bỏ trống đang tăng cao và các công ty đang cạnh tranh để tống đi không gian trên thị trường cho thuê lại. Giá trị văn phòng và giá thuê đang giảm. Các nhà phát triển đang trì hoãn các dự án văn phòng mới, trong khi tình trạng vỡ nợ văn phòng đang gia tăng.”
Một số dấu hiệu bao gồm:
- Banyan Street Capital có trụ sở tại Miami đã từ bỏ sáu tòa tháp văn phòng và một trung tâm thương mại ngầm bên trong Trung tâm Peachtree ở trung tâm thành phố Atlanta trong một cuộc đấu giá tài sản thế chấp bị tịch thu vào năm ngoái.
- Theo các tài liệu cho vay, Starwood Capital Group đã vỡ nợ đối với một khoản nợ mua cao ốc văn phòng mà họ không thể tái cấp vốn.
- Arden Group đã vỡ nợ vào năm ngoái với khoản nợ mua nhà trị giá 98.2 triệu USD đối với Sheraton Atlanta, một cơ sở kinh doanh theo định hướng hội nghị.
- Năm nay, Ashford Hospitality Trust đang trao lại chìa khóa cho bên cho vay đối với danh mục khách sạn mà trong đó có W Atlanta, một khách sạn sang trọng gần Trung tâm Peachtree.
- Đầu năm nay, Microsoft cho biết họ đang tạm dừng quá trình lập kế hoạch cho một dự án rộng 90 mẫu Anh ở phía tây Atlanta.
- Google cũng đang làm chậm lại kế hoạch mở rộng trong thành phố này.
Cấu trúc của cuộc khủng hoảng địa ốc thương mại ở nhiều thành phố lớn ở Hoa Kỳ rất dễ nắm bắt. Nhưng cho đến gần đây, nhiều người vẫn tin rằng các thành phố như Atlanta sẽ tránh được cuộc khủng hoảng này. Niềm tin đó không còn là đúng nữa. Cho dù điều kiện kinh doanh có tốt đến đâu thì những tổ hợp văn phòng đắt đỏ khủng khiếp, những tòa nhà cao ngất ngưởng và khiến chúng ta phải kinh ngạc với quy mô và vẻ hùng vĩ của chúng cũng vẫn đang gặp khó khăn sâu sắc về tài chính.
Kết quả này không chỉ là về sự ra đời của kiểu công việc làm từ xa, điều vốn đã có thể thực hiện được từ nhiều năm. Đây là về việc bản thân các đợt phong tỏa đã phá hủy hoàn toàn thói quen sinh hoạt và khiến những hy sinh to lớn mà mọi người phải chịu từ lâu đến nay để giao tiếp trực tiếp với đồng nghiệp dường như là một sự lãng phí to lớn. Khi mọi người quay trở lại văn phòng, đeo khẩu trang đầy đủ, thì nơi làm việc đã dường như trở nên xa lạ, thậm chí ngột ngạt, bị bộ phận nhân sự thống trị, và nhìn chung là đầy rẫy những kế hoạch và âm mưu. Hàng triệu người cho rằng tốt hơn hết họ nên làm việc tại nhà và nhất quyết tiếp tục làm như vậy.
Toàn bộ kịch bản này gây ra thảm họa không chỉ cho các thành phố xanh (thuộc Đảng Dân Chủ) mà cả cho các thành phố đỏ (thuộc Đảng Cộng Hòa). Không ai có thể thoát khỏi tính hợp lý của phương trình kinh tế đang khởi tác dụng tại đây. Lãi suất cao đối với lượng địa ốc kết hợp với nhu cầu làm việc tại nhà ngày càng tăng đã tạo ra một tình huống không bền vững.
Những tình huống không bền vững đó có ý nghĩa gì đối với tương lai của những thành phố này? Các tài sản văn phòng thương mại lớn này lại không thể được tái sử dụng một cách dễ dàng hoặc rẻ tiền để sử dụng cho mục đích dân cư. Người ta thực sự thắc mắc. Liệu các vụ đổ vỡ [tài chính] đối với các tòa nhà cao ốc có thực sự xảy ra trong tương lai không?
Nếu có, thì sự đổ vỡ ấy có vẻ phù hợp với những giấc mơ đen tối của những người như ông Klaus Schwab và ông Anthony Fauci, vốn đều đồng ý rằng thành phố mà chúng ta biết là di tích của thời cổ lỗ. Trong bản kế hoạch của họ cho tương lai, chúng ta sẽ tránh xa việc đi lại, sống ở vùng ngoại ô, tránh mọi đám đông, giảm diện tích nhà ở đi, sinh ít con hơn, chỉ giao tiếp trên Zoom, và hoàn toàn phụ thuộc vào các lãnh chúa kỹ thuật số của chúng ta để biết thông tin bên ngoài thế giới.
Người ta không cần phải là một người theo thuyết âm mưu để nhận ra mối liên hệ giữa giấc mơ đen tối đó với cuộc khủng hoảng đang bao trùm nền kinh tế văn phòng ở các thành phố lớn. Nếu cuộc khủng hoảng này diễn ra ở cấp độ đủ lớn, thì cuối cùng đường chân trời tuyệt vời của những thành phố đẹp nhất Mỹ quốc sẽ trông rất khác.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times