Giá nhà: Từ giấc mơ Mỹ đến cơn ác mộng Mỹ
Việc sở hữu nhà được xem là giấc mơ của người Mỹ, một điều mà toàn bộ giai tầng trung lưu không chỉ mơ ước mà còn đã từng đạt được. Giờ đây giấc mơ đó đã trở thành một cơn ác mộng, phần lớn là do chính phủ Tổng thống Biden và những người chi tiêu lớn trong Quốc hội. Giờ đây việc sở hữu nhà đang ngày càng rời xa tầm tay của người Mỹ.
Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta (Fed Atlanta) đã bắt đầu duy trì một Chỉ số Giám sát về Khả năng chi trả để Sở hữu Nhà vào năm 2006 vì giá nhà ở thời điểm đó quá cao. Dữ liệu mới nhất về chỉ số đó, vốn đã giảm 36% kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, hiện đang ở mức thấp nhất trong lịch sử và cho thấy khả năng chi trả thấp kỷ lục. Hiện nay phải mất 44% thu nhập trung bình — trước thuế — để mua được một căn nhà ở mức giá trung vị.
Chi phí mua nhà thậm chí còn tệ hơn ở một số khu vực đô thị lớn trên cả nước. Chi phí của một ngôi nhà giá trung vị là 50% thu nhập trung vị ở Boston, 55% ở Miami, 63% ở New York, 84% ở San Francisco, và 85% ở Los Angeles. Nhưng đây là tỷ lệ phần trăm tính theo thu nhập trước thuế, có nghĩa là chi phí sở hữu nhà ở một số nơi vượt quá 100% thu nhập ròng. “Không đùa đâu,” hệt như cách mà ông Biden vẫn nói.
Và đó không chỉ là vấn đề ở một vài thành phố lớn — chi phí phí mua nhà đã tăng ở khắp mọi nơi. Một báo cáo mới đây đã ước tính khả năng chi trả một ngôi nhà giá trung vị của người Mỹ trung bình ở 572 quận. Khi xem xét dữ liệu trong báo cáo, ta thấy rằng 99% các gia đình của đất nước nằm dưới ngưỡng khả năng chi trả, nghĩa là nhà ở có giá cao hơn 28% thu nhập của một gia đình.
Điều đáng sợ hơn nữa là những phép đo như chỉ số của Fed Atlanta đang đánh giá thấp vấn đề. Chỉ số của Fed Atlanta giả định một người mua sẽ phải trả trước 10%, nhưng hầu hết mọi người chỉ có thể trả trước 3% mà không gặp vấn đề. Còn nếu người mua tiềm năng trung vị này tiêu hết số tiền tiết kiệm của mình, thì người này vẫn chỉ đủ đặt cọc 8%.
Trả trước ít hơn có nghĩa là khoản vay lớn hơn, nghĩa là khoản thanh toán hàng tháng lớn hơn, mà khoản thanh toán hàng tháng lớn hơn có nghĩa là khả năng chi trả thấp hơn. Ngoài ra, lãi suất tiếp tục tăng và hiện ở mức trên 7.6% so với mức 6.8% được sử dụng trong tính toán của Fed Atlanta. Giá nhà cũng tăng và cả hai yếu tố này đều làm tăng thêm khoản thanh toán hàng tháng cho khoản vay nợ mua nhà.
Làm thế nào chúng ta ra nông nỗi này là một bài học về chi tiêu quá mức của chính phủ.
Trong thời kỳ đại dịch, chính phủ đã chi hàng ngàn tỷ USD mà họ không có và tạo ra tiền từ con số không để chi trả cho tất cả. Trong năm 2021, thay vì cho phép chi tiêu của chính phủ trở lại mức bình thường, Tổng thống Biden và Quốc hội chi tiêu hoang phí đã tung ra hàng ngàn tỷ USD chi tiêu bổ sung trong khi Hệ thống Dự trữ Liên bang tiếp tục in tiền để tài trợ cho việc chi tiêu bằng thâm hụt này.
Kết quả có thể đoán trước được là lạm phát cao nhất trong 40 năm. Điều đó đã khiến giá cả, bao gồm cả giá nhà, tăng vọt. Lãi suất thấp giả tạo đã làm phức tạp thêm vấn đề bằng cách cho phép mọi người vay các khoản vay nợ mua nhà ngày càng tăng mà không cần tăng khoản thanh toán hàng tháng của họ. Và giá nhà đã tăng thậm chí còn cao hơn.
Nhưng lạm phát khiến thu nhập thực tế (đã điều chỉnh theo lạm phát) của người dân giảm và buộc lãi suất phải tăng. Đây là một kiểu kết hợp mang tính chí mạng cho khả năng chi trả để sở hữu nhà.
Thu nhập thực tế thấp hơn có nghĩa là mọi người đang chi tiêu nhiều hơn cho thực phẩm, giao thông, năng lượng, v.v., với ngân sách hàng tháng dành cho nhà ở của họ ít hơn. Đồng thời, giá nhà đã bị đẩy lên mức cao kỷ lục và lãi suất vay nợ mua nhà ở mức cao nhất trong 23 năm. Cùng lúc khi người dân có ít tiền hơn để trả tiền mua nhà, giá nhà ở đã phá vỡ mọi kỷ lục trước đó.
Để nói cho rõ hơn, thì nền tảng của vấn đề này đã được tạo ra từ rất lâu trước khi ông Biden trở thành tổng thống. Lãi suất thấp giả tạo liên tục của Fed đã gây ra bong bóng tài sản trong hai thập niên và việc Fed mua các công cụ tài chính phái sinh liên quan đến nhà ở đã khiến giá nhà tăng thêm.
Trong những năm ngay trước khi xảy ra đại dịch, Fed đã bắt đầu chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, giúp giảm bớt tác động lạm phát của chi tiêu chính phủ vào năm 2020. Nhưng Tổng thống Biden vẫn tiếp tục bội chi, vay mượn quá mức, và đề ra những quy định quá mang tính áp đặt — cùng với việc in tiền để trang trải cho tất cả những việc này — đã khiến vấn đề trở nên quá sức chịu đựng.
Ví dụ, các tiêu chuẩn không thực tế về hiệu suất sử dụng nhiên liệu trung bình của doanh nghiệp và các tiêu chuẩn phát thải khi vận chuyển đường dài — cùng với mức phí cao hơn đối với các nhà máy điện than và hợp đồng thuê giếng dầu khí trên đất công — đều đã làm tăng chi phí năng lượng và vận chuyển, khiến chi phí vận chuyển chịu ảnh hưởng trên toàn bộ nền kinh tế, làm tăng giá ở mọi nơi.
Nếu Tổng thống Biden không áp đặt các quy định này và chỉ cần để chi tiêu tự quay trở lại mức trước đó, thì vấn đề và mức thâm hụt 2 ngàn tỷ USD hàng năm có thể tránh được. Nhưng bây giờ chúng ta đang mắc kẹt trong cơn ác mộng rồi, thật khó để thoát ra được.
Bài viết được xuất bản lần đầu tiên bởi National Review. Tái bản với sự cho phép của The Daily Signal, một ấn phẩm của Quỹ Di Sản (The Heritage Foundation).
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times