Tổng thống Argentina Javier Milei đắc cử có ý nghĩa gì với Hoa Kỳ
Những khó khăn của nền kinh tế Argentina đã đưa đến chiến thắng của Tổng thống (TT) mới đắc cử Javier Milei, ông được nhiều người xem là một người cực cấp tiến. Với những rắc rối về tài chính và tiền tệ của chúng ta, thì những gì đã xảy ra với Argentina cũng có ảnh hưởng tới Hoa Kỳ.
Những ý tưởng của ông Milei không phải cực cấp tiến hay mới mẻ. Mà chúng đại diện cho bước tiến quay trở lại với [hoạt động] bình thường và loại bỏ đi những sai lầm kinh tế mà Argentina đã nhiều lần phạm phải.
Quốc gia này đang chứng kiến đợt siêu lạm phát lần thứ năm chỉ trong vòng chưa đầy 5 thập niên, với giá cả giờ đã tăng 143% một năm. Điều này là quá đủ để thuyết phục cử tri Argentina rằng đã đến lúc phải đảo ngược hoàn toàn chính sách kinh tế. Người dân muốn Argentina vĩ đại trở lại, như lời chúc mừng TT Donald Trump gửi tới ông Milei, vị TT 53 tuổi mới nhậm chức hôm Chủ Nhật (10/12).
Một thế kỷ trước, Argentina đã từng là một viên ngọc quý của Nam Mỹ. Họ từng là một trong những quốc gia giàu có nhất trên thế giới, với đồng tiền được bảo đảm bằng vàng và GDP bình quân đầu người cao hơn Úc, Ý, hay Tây Ban Nha, những quốc gia từng cai trị họ.
Nhưng Argentina đã bị cuốn vào kỷ nguyên của phong trào cấp tiến hồi đầu thế kỷ 20 và đã bầu chọn cho những người theo chủ nghĩa xã hội thời Đệ nhất Thế chiến. Sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế bắt đầu với những luật lệ mới để kiểm soát các nhà máy sản xuất và giờ làm việc. Các ngành công nghiệp chính như năng lượng và vận tải đã được quốc hữu hoá. Trường học của chính phủ trở nên phổ biến.
Hiệu quả kinh tế suy giảm và sản lượng giảm khi bộ máy quan liêu trở nên cồng kềnh.
Khi cuộc Đại Khủng Hoảng bắt đầu, các nhà xã hội chủ nghĩa ở cả Hoa Kỳ và Argentina đã tìm thấy một lý do mới để thực hiện nghị trình mà họ đã tán thành trong nhiều thập niên. Chính phủ Argentina đã chi một ngân sách lớn và khai triển một chính sách công nghiệp trên toàn nền kinh tế, nhưng kết quả lại vô cùng thảm hại, tương tự như chính sách Kinh tế mới (New Deal) đã khiến kinh tế Hoa Kỳ suy giảm.
Để tài trợ cho việc mở rộng chính phủ, Argentina chọn cách in tiền và từ bỏ chế độ bản vị vàng, sau đó phá giá đồng peso xuống còn một nửa. Sản lượng nông nghiệp sụt giảm, trong đó có thịt bò, Argentina mất vị thế là một trong những nước xuất cảng thịt bò lớn nhất thế giới.
Tình trạng bất ổn chính trị sau đó đã dẫn đến một cuộc đảo chính quân sự và sự nắm quyền của những người theo chủ nghĩa xã hội thân phát xít. Họ lại tiếp tục lún sâu hơn vào những chính sách thất bại của những người tiền nhiệm. Bốn thập niên tiếp theo chứng kiến sự gia tăng của lạm phát, phong trào quốc hữu hoá và liên minh hoá nhiều ngành công nghiệp và người làm việc lan rộng hơn trong bối cảnh công bằng xã hội không ngừng được thúc đẩy.
Tầng lớp trung lưu gần như biến mất, được thay thế bởi một tầng lớp thấp hơn bị quản lý quá mức, và đánh thuế quá cao.
Trong đợt siêu lạm phát đầu tiên, giá trị của [1] đồng peso đã giảm từ 42 cents Mỹ xuống dưới 3 phần ngàn cent vào năm 1969. Argentina đã từ bỏ ngôi vị là một trong số các quốc gia giàu có nhất trên thế giới, thành một quốc gia tàn lụi về kinh tế.
Mặc dù đồng peso đã được khôi phục vào năm 1970 nhưng nó đã nhanh chóng mất đi 99.9% giá trị. Đồng peso được thiết lập [giá trị] lại một lần nữa vào năm 1981, nhưng sau đó lại mất đi 95% giá trị. Mỗi khi chi tiêu của chính phủ vượt quá khả năng của mình, Argentina lại in tiền để chi trả, cướp đi của cải của người dân.
Sau khi điều chỉnh lại đồng peso vào năm 1983, siêu lạm phát lại tái diễn với sự mất giá 98%. Sau khi sụp đổ, đồng tiền này được điều chỉnh thêm lần nữa vào năm 1985 và lại mất đi 99.9% giá trị.
Đến năm 1992, Tổng thống đương thời Carlos Menem đã khôi phục thành công đồng peso của Argentina khi ngang giá với đồng đô la Mỹ, nhưng thành công đó chỉ kéo dài một thập niên trước khi quốc gia này quay trở lại với cương lĩnh xã hội chủ nghĩa. Chi tiêu của chính phủ tăng lên, được tài trợ bằng cách tiền in, và như dự đoán, đồng tiền này đã mất hơn 90% giá trị.
Argentina trở lại là đất nước không được chào đón trong thế giới đầu tư trái phiếu, và người Argentina một lần nữa lại phải lao động cực khổ dưới gánh nặng của siêu lạm phát.
Đây là bối cảnh đã đưa ông Milei vào vị trí được bầu chọn. Cuối cùng, người Argentina đã chán chường với chủ nghĩa xã hội và muốn đất nước của họ trở lại thời kỳ trước đó. Thật đáng tiếc là Argentina đã mất gần một thế kỷ hỗn loạn để học được bài học này.
Hoa Kỳ đang theo chân Argentina nhưng với tốc độ nhanh hơn. Liên quan đến quy mô của nền kinh tế, Hoa Thịnh Đốn đang phải chịu mức thâm hụt lớn gấp đôi so với Buenos Aires. Hơn 40% thuế thu nhập cá nhân ở Hoa Kỳ được sử dụng chỉ để trả lãi cho nợ liên bang. Nếu chi tiêu không được cắt giảm sớm, siêu lạm phát kiểu Argentina sẽ xảy ra như là điều tất yếu để chi trả khoản chi tiêu quá mức của chính phủ.
Hoa Kỳ nên lật đến trang cuối câu chuyện của Argentina thay vì dở từng trang để hồi tưởng toàn bộ bi kịch này. Điều đó có vẻ khó, vì giống như người anh em Nam Mỹ đã cho chúng ta thấy, cho dù các đợt siêu lạm phát lặp đi lặp lại thì điều đó không phải lúc nào cũng đủ để đánh thức mọi người về thực tế tai hại của chủ nghĩa xã hội.
Bài viết này được đăng lần đầu tại WashingtonTimes.com, và được đăng lại với sự đồng thuận của The Daily Signal, một ấn phẩm của The Heritage Foundation.
Thuần Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times