Tân TT Javier Milei khích lệ người dân Argentina chuẩn bị tinh thần cho biến động kinh tế khi ông nhậm chức
Ông nói: “Giống như việc sự sụp đổ của Bức tường Berlin đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên bi thảm cho thế giới, cuộc bầu cử này đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử của chúng ta.”
BUENOS AIRES, Argentina — Ông Javier Milei đã nhậm chức tân tổng thống của Argentina hôm 10/12 khi hàng ngàn người dân Argentina nhiệt tình đã có mặt để nghe bài diễn văn đầu tiên của ông.
Tổng thống Milei nói trước Quốc hội Argentina: “Hôm nay, chúng ta đang chôn vùi hàng thập niên thất bại, tranh cãi nội bộ, và những tranh chấp vô nghĩa.”
“Hôm nay một kỷ nguyên mới bắt đầu ở Argentina, một kỷ nguyên hòa bình và thịnh vượng.”
Ông Milei gợi lại lịch sử của Argentina và ca ngợi rằng các tổ phụ lập quốc của nước này là những nhà đấu tranh cho tự do, những người mà các ý tưởng của họ đã đưa Argentina trở thành cường quốc thế giới vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Ông nói, việc thay thế những ý tưởng đó bằng chủ nghĩa tập thể đã hủy hoại quốc gia này. Tuy nhiên, “giống như việc sự sụp đổ của Bức tường Berlin đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên bi thảm cho thế giới, cuộc bầu cử này đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử của chúng ta.”
Đám đông đã vỡ òa trong những tiếng hô vang “libertad” (tự do).
Tổng thống Milei cũng đã cảnh báo về sự “biến động” kinh tế không thể tránh khỏi khi ông bắt đầu áp dụng những cải tổ của mình.
“Mọi người cần hiểu rõ rằng không có giải pháp thay thế nào có thể thế chỗ được cho những điều chỉnh này,” ông nói. “Cũng không thể có cuộc thảo luận nào về việc chọn lựa giữa sự chuyển biến và ‘chủ nghĩa dần dần’ — trước hết là bởi vì kinh nghiệm cho thấy tất cả các chương trình theo ‘chủ nghĩa dần dần’ đều có kết thúc tệ hại.”
Ông Milei, một nhà kinh tế, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử chung cuộc ở Argentina hôm 19/11, giành được 55.7% phiếu bầu, đánh bại ông Sérgio Massa, bộ trưởng kinh tế của chính quyền xã hội chủ nghĩa thời ông Alberto Fernández.
Năm nay 53 tuổi, vị tân tổng thống của Argentina tự nhận mình là một “nhà tư bản vô chính phủ,” tán thành các ý tưởng về nền kinh tế thị trường tự do và sự bãi bỏ quy định.
Được một số người mệnh danh là “Donald Trump người Argentina,” Tổng thống Milei đã ra tranh cử với lời hứa kiềm chế lạm phát ba con số và nhanh chóng cắt giảm quy mô chính phủ cũng như nhà nước chính trị có cội rễ sâu xa đứng đằng sau.
Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã chúc mừng chiến thắng của ông Milei trong một bài đăng trên trương mục Truth Social của ông.
“Tôi rất tự hào về ông,” ông Trump viết hôm 19/11. “Ông sẽ xoay chuyển được tình thế đất nước mình và làm cho Argentina vĩ đại trở lại!”
Ông Milei trả lời rằng ông rất mong được gặp cựu Tổng thống Trump.
Bất chấp kỳ vọng về một tỷ lệ chênh lệch sát sao trong một cuộc bầu cử được dự đoán là sẽ có kết quả ngang ngửa, ông Milei đã dễ dàng giành chiến thắng với mức cách biệt 11.4%.
Lễ nhậm chức của ông hôm 10/12 đã làm nổi bật động lực của ông, với lượng lớn người dân tụ tập theo sau ông trong suốt cả ngày, khi ông đi từ Quốc hội đến dinh tổng thống Casa Rosada — hay còn gọi là Nhà Hồng (Pink House). Tân tổng thống dự kiến sẽ tham dự một Thánh Lễ vào buổi tối, sau đó là một bữa dạ tiệc.
Ông Milei đến Quốc hội ngay sau buổi trưa, nơi ông nhận được dải băng tổng thống từ Tổng thống sắp mãn nhiệm Fernández.
Buổi lễ do bà Kristina Kirchner, phó tổng thống của ông Fernandez chủ trì, và là một sự nhắc nhở về quá khứ xã hội chủ nghĩa gần đây của nước này.
Bà Kirchner cũng đã phục vụ hai nhiệm kỳ tổng thống Argentina, đồng thời người chồng quá cố của bà, ông Nestor Kirchner, đã phục vụ một nhiệm kỳ. Ở Argentina, chính trị cánh tả đã thường được gọi là “chủ nghĩa Kirchner” trong hai thập niên qua.
Việc trao lại chiếc khăn choàng tổng thống tượng trưng cho một sự thay đổi hoàn toàn mới trong nền chính trị của đất nước này.
Tổng thống Milei được các nhà lập pháp và lãnh đạo ngoại quốc chào đón. Trong số những người tham dự có Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Đó là nền kinh tế
Từng là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới vào đầu thế kỷ 20, nhưng sau đó Argentina đã phải đối mặt với nhiều thập niên khó khăn về kinh tế và bất ổn xã hội.
Các chính sách kinh tế của Tổng thống Milei đã gây được tiếng vang với người dân Argentina, những người đã chứng kiến chất lượng cuộc sống của họ ngày càng giảm sút trong suốt bốn năm qua dưới sự quản lý của chính phủ xã hội chủ nghĩa.
Anh Denis Corat, 33 tuổi, là một nhân viên của một quán ăn nhanh ở trung tâm Buenos Aires.
“Chúng tôi phải tìm thêm một công việc nữa,” anh nói. “Điều đó thật tệ. Những gì quý vị có thể kiếm được trong một công việc hàng ngày không đủ để chi tiêu cơ bản cho thực phẩm, và những nguồn cung cấp thực phẩm cơ bản mà một gia đình cần.”
Trong tháng Mười Một, lạm phát hàng năm của Argentina đã vượt quá 140%.
Anh Corat cho biết hầu hết mọi người phải làm việc 12 giờ mỗi ngày để trang trải cuộc sống.
Anh nói, “Tôi biết rất nhiều người đang làm việc ở những nơi như [quán ăn nhanh] này và cũng làm việc với [ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến] Rappi hoặc đang bán hàng tại nhà của họ.”
“Sự thật là tình hình đang rất tuyệt vọng.”
Theo số liệu chính thức, khoảng 40% người dân Argentina hiện đang sống trong cảnh nghèo đói. Một nghiên cứu của Đại học Công giáo Argentina cho thấy hơn một nửa dân số đang nhận trợ cấp từ các chương trình phúc lợi xã hội vào cuối năm 2022.
Anh Corat nói, “Thứ thực sự khiến tôi lo sợ là những chuyện xảy ra gần đây — lạm phát không giảm, người dân không có thực phẩm trong nhà để mà ăn, tình trạng thiếu an ninh khủng khiếp đến mức chúng tôi thậm chí còn không thể đi bộ trên đường.”
Lạm phát gia tăng trong những tháng trước cuộc bầu cử tổng thống đã đóng một vai trò quan trọng trong kết quả.
Theo Statista, một công ty dữ liệu của Đức, đến tháng 05/2023, trong bối cảnh nền kinh tế yếu kém, 81% người dân Argentina đã không tán thành chính phủ ông Fernandez vốn đã nắm quyền quản lý đất nước kể từ năm 2019.
Ông Carlos Bastino, 58 tuổi, một cư dân Buenos Aires, cho biết ông làm việc trung bình 15 giờ mỗi ngày.
Ông nói, “Tôi có hai công việc. Ban ngày tôi làm việc ở một cửa hàng và rồi sau đó lái xe Uber.”
“Lạm phát ở tất cả mọi thứ, những thứ cần thiết hàng ngày của tôi, thực phẩm, đồ uống, cách kiếm sống của chúng tôi, giá xăng, thật khủng khiếp. Khiến chúng tôi không còn sức mua để mua bất cứ thứ gì. … Chúng tôi phải mua ở mức tối thiểu. Chúng tôi phải sống ở mức tối thiểu.”
Bất chấp thời điểm khó khăn, người dân Argentina vẫn lạc quan về chính phủ sắp tới.
Ông Bastino nói, “Tất cả chúng tôi đều rất hy vọng. Chúng tôi hy vọng quý ông này [Tổng thống Milei] có thể thay đổi tất cả. Chúng tôi tin tưởng ông ấy.”
Trong bài diễn văn nhậm chức, Tổng thống Milei cho biết không có chính phủ nào “nhận một di sản tệ hơn” từ chính phủ tiền nhiệm như di sản mà chính phủ mà ông hiện đang phải đối mặt.
“Chủ nghĩa Kirchner, ban đầu có những con số thặng dư cả về thuế và nợ ngoại quốc, giờ đây đã khiến chúng ta tổn thất ở cả hai mặt này,” ông nói. “Chính phủ sắp mãn nhiệm đã để lại mầm mống cho siêu lạm phát.”
Nghiên cứu cho thấy 76% thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 25 có cái nhìn tích cực về Tổng thống Milei và 78% cho rằng ông ấy sẽ làm tốt, AFP đưa tin.
Anh Carlos Eduardo, tài xế Uber và chủ cửa hàng, 34 tuổi, cho biết những người trẻ tuổi bỏ phiếu cho Tổng thống Milei “vì họ không thể nhìn thấy tương lai.”
Anh cũng đang làm hai công việc để kiếm sống.
Anh nói, “Các bạn đi học để sau này ra trường làm việc theo đúng chuyên ngành của mình, nhưng số tiền kiếm được là quá ít. Không thể thuê được một căn hộ — họ đòi quá nhiều tiền mà bạn lại không có.”
“Chúng tôi muốn một tương lai, chúng tôi muốn một con đường khác, cho một Argentina khác.”
Ông Leonardo Henrique chạy khỏi đất nước theo chủ nghĩa xã hội Venezuela hồi 2020 cùng vợ và ba con để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở Argentina.
Ông làm việc 14 đến 16 giờ mỗi ngày ở Buenos Aires để kiếm sống bằng nghề bán hàng và sau đó làm tài xế để kiếm thêm thu nhập.
Ông cho biết ông hy vọng chính phủ mới “có thể tìm ra cách tốt nhất để mang lại sự yên ổn và an vui cho toàn thể người dân Argentina và tất cả những người đến sống ở đất nước này.”
Anh Francisco, một chuyên gia trẻ tuổi, cho biết anh lạc quan về chính phủ ông Milei.
Anh nói, “Hy vọng sẽ có những điều tuyệt vời, một sự thay đổi lớn. Và có rất nhiều người tin rằng đây thực sự là một điều gì đó khác biệt. Ý tôi là, đây là vị tổng thống theo chủ nghĩa tự do đầu tiên mà Argentina từng có. Vì vậy, có một niềm hy vọng lạc quan, và chúng ta hãy chờ xem.”
Anh Francisco cho biết kiến thức nền tảng về lĩnh vực tài chính khiến anh có sự đánh giá cao hơn đối với Tổng thống Milei và các chính sách kinh tế của ông.
Tổng thống Milei có hai bằng thạc sĩ kinh tế và từng là giáo sư kinh tế tiền tệ. Ông có hiểu biết sâu sắc về kinh tế vĩ mô, kinh tế tăng trưởng, và kinh tế vi mô. Ông thường lấy hệ thống kinh tế sở hữu tư nhân, doanh nghiệp tự do của nhà kinh tế học nổi tiếng Milton Friedman làm cơ sở cho mình.
Ông Milei cho biết trong một cuộc phỏng vấn với ông Tucker Carlson được phát sóng trên X, trước đây là Twitter, hôm 14/09: “Ông Milton Friedman từng nói rằng vai trò xã hội của một doanh nhân là kiếm tiền. Nhưng vậy vẫn chưa đủ. Một phần trong các khoản đầu tư của họ phải bao gồm việc đầu tư vào những người bảo vệ lý tưởng tự do, để những người theo chủ nghĩa xã hội không thể lấn tới thêm nữa.”
“Chúng ta cần sự cam kết từ tất cả những người tạo ra của cải để đấu tranh chống lại chủ nghĩa xã hội, chống lại chủ nghĩa trung ương tập quyền, và phải hiểu rằng nếu họ không làm như vậy thì những người theo chủ nghĩa xã hội sẽ tiếp tục lấn tới.”
Tại Buenos Aires, hai người bạn Hilde và Marta nói với The Epoch Times rằng họ hy vọng chính phủ sắp tới có thể xoay chuyển tình thế.
Bà Hilde, người đã về hưu, cho biết bà hy vọng Tổng thống Milei có thể giải quyết vấn đề quản lý tài chính yếu kém của chính phủ.
Bà nói: “Tôi hy vọng bốn năm tới sẽ tốt đẹp hơn bốn năm mà chúng tôi vừa trải qua.”
Bà Marta, một chuyên gia nhân sự, cho biết bà có “hy vọng lớn” rằng Tổng thống Milei sẽ khắc phục được nền kinh tế.
Bà nói: “Chúng tôi biết rằng nhiệm vụ này sẽ khó khăn, nhưng chúng tôi cũng biết rằng [Tổng thống Milei] sẽ có thể vượt qua được.”
Bà Verónica, một chuyên gia bảo hiểm trong độ tuổi trung niên, nói: “Trước hết, tôi hy vọng ông ấy có thể khắc phục được nền kinh tế. … Chúng tôi đã bỏ phiếu tín nhiệm cho ông ấy vì đây là một đất nước tuyệt vời, và thật đáng tiếc [là đất nước này đã đi theo con đường như vậy].”
Một nghiên cứu được công bố hồi tháng Ba lưu ý rằng 68% người từ 18 đến 29 tuổi ở các thành phố chính của Argentina muốn chuyển đến một quốc gia khác nếu họ có cơ hội.
Nghiên cứu của Bộ phận Quan sát Tâm lý học Ứng dụng Xã hội thuộc Đại học Buenos Aires cho thấy hơn một nửa số người được khảo sát ở mọi lứa tuổi — ngoại trừ những người trên 60 tuổi — sẽ chọn di cư.
Một số người dân Argentina cũng nói với The Epoch Times rằng họ lo ngại về chính phủ sắp tới; phần lớn là do lo lắng không biết Tổng thống Milei sẽ có những hành động nào.
Cô Nicole, một chuyên gia trẻ trong ngành quảng cáo, cho biết: “Tôi cho rằng chúng ta sẽ biết ngay bây giờ thôi khi mọi chuyện bắt đầu xảy ra, bởi vì có rất nhiều điều không chắc chắn và mọi người ngoài kia đang rất lo lắng vì đây là một điều gì đó rất mới.”
Ông Pablo, một kỹ sư xây dựng trung niên ở Buenos Aires, cho biết “việc đổi chính phủ luôn mang lại hy vọng cải thiện nhưng cũng có những lo ngại.”
Bà Marcela, một người đã về hưu, nói rằng bà “hy vọng và kỳ vọng rằng mọi việc có thể được giải quyết”, nhưng cũng nói thêm rằng bà rất sợ hãi “vì chúng tôi cũng không biết điều gì sẽ xảy ra.”
Một số người bày tỏ lo ngại về khả năng cắt giảm chi tiêu của chính phủ và việc cắt giảm này có thể ảnh hưởng như thế nào đến các chương trình phúc lợi.
Giáo sư đại học trẻ tuổi Julián cho biết anh lo lắng về cách mà Tổng thống Milei sẽ đối xử với các chính sách xã hội khi có rất nhiều người sống trong cảnh nghèo đói và phụ thuộc vào phúc lợi xã hội.
Anh nói: “Đó là những thứ mà trong chiến dịch tranh cử của mình, ứng cử viên này đã nói rằng ông ấy sẽ toàn lực nhắm tới.”
Từ chiến dịch tranh cử đến chức vụ tổng thống
Tổng thống Milei đã có những lời lẽ chống cộng sản mạnh mẽ trong chiến dịch tranh cử của mình. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh hồi tháng Tám, ông gọi các nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa là “rác rưởi và chất thải người.”
Ông nói: “Tôi sẽ không thúc đẩy bang giao với các quốc gia cộng sản — không phải là với Cuba, không phải là với Venezuela, không phải là với Bắc Hàn, không phải là với Nicarágua, và không phải là với Trung Quốc.”
“[Trung Quốc] sẽ là đối tác thương mại của khu vực tư nhân.”
Trung Quốc đã thường xuyên là đối tác thương mại hàng đầu của Argentina, luân phiên chiếm vị trí số 1 cùng với Brazil. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Argentina.
Hôm 22/11, trong một bài đăng trên X, ông Milei cảm ơn lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi tin nhắn chúc mừng ông.
Ông Milei nói, “Tôi cảm ơn Chủ tịch Tập Cận Bình vì sự khích lệ và những lời chúc tốt đẹp được thể hiện qua bức thư của ông. Tôi gửi những lời chúc chân thành nhất tới sự hạnh phúc của người dân Trung Quốc.”
Được bầu làm nghị sĩ vào năm 2021 cho đảng chính trị non trẻ La Libertad Avanza (Đảng Tự do Tiến bộ), ông Milei tiếp tục chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc vì đã “sát hại công dân của mình,” những người muốn “được tự do” và nói rằng ông sẽ không “kinh doanh” hoặc “làm ăn với những người cộng sản.”
Bà Diana Mondino, ngoại trưởng mới của Tổng thống Milei, đã chia sẻ một bức ảnh bà mỉm cười với đại sứ Trung Quốc tại Argentina, ông Vương Vệ (Wang Wei), vào cùng ngày.
Trong nước, các ưu tiên của Tổng thống Milei bao gồm bãi bỏ Ngân hàng Trung ương Argentina, giảm chi tiêu chính phủ, cắt giảm các cơ quan chính phủ, và có khả năng sử dụng đồng USD làm tiền tệ chính thức. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông đã cam kết thay thế hệ thống giáo dục công bằng hệ thống giáo dục phiếu chi (chính phủ tài trợ một phần học phí thông qua phiếu chi cho nhà trường mà học sinh chọn theo học, gọi là ‘school voucher’), và chuyển mô hình chăm sóc sức khỏe cộng đồng sang hệ thống dựa trên bảo hiểm. Tuy nhiên, kể từ khi đắc cử, ông cho biết luật pháp cũng có thể ngăn cản ông tiến hành việc tư nhân hóa.
Với việc đảng chính trị của ông chỉ kiểm soát 10% số ghế Thượng viện và 15% số ghế Hạ viện, Tổng thống Milei dự kiến sẽ dựa nhiều vào những người đương nhiệm có liên hệ với cựu Tổng thống Argentina Mauricio Macro để các chính sách được thông qua.
Liên minh đó khiến một số người đặt câu hỏi liệu ông có thể tiếp tục tiến hành những cải tổ hay không.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times