Cuộc đua 5G: Trung Quốc vượt xa sự đổi mới của Hoa Kỳ, FCC kêu gọi chính phủ hành động
Theo các chuyên gia, các quốc gia khác đang vượt xa Hoa Kỳ ở dải tần trung bình và có thể dẫn đầu chính sách toàn cầu.
Các chuyên gia khẳng định Hoa Kỳ đang tụt hậu so với các quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc, về cách đối phó với cuộc đua 5G toàn cầu và các vấn đề công nghệ khác.
Ủy viên Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC), ông Brendan Carr đã trình bày tại một sự kiện do Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI) tổ chức, có tiêu đề “Tuột dốc trong quản lý phổ tần: Khám phá những thách thức của FCC trong việc lãnh đạo 5G,” trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc quản lý phổ tần hiệu quả, từ đó bảo đảm rằng Mỹ vẫn là nước dẫn đầu trong đổi mới công nghệ không dây.
Các tần số vô tuyến mà tín hiệu không dây truyền đi được gọi là phổ tần vô tuyến. Chính nhờ những tín hiệu này mà chúng ta có thể thực hiện mọi thứ trên thiết bị di động của mình, bao gồm gọi điện thoại, sử dụng mạng Internet, yêu cầu chỉ đường đến một địa điểm nào đó, cũng như các hoạt động trực tuyến khác.
“Quản lý phổ tần hiệu quả là yếu tố sống còn đối với sự lãnh đạo của Mỹ trong đổi mới công nghệ không dây,” AEI tuyên bố về sự kiện này. “Tuy nhiên, dưới thời chính phủ ông Biden, Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) đã không ban hành một chiến lược phổ tần toàn diện, không có hoạt động đấu giá nào về phổ tần hoặc băng tần trong quy trình của FCC.”
Cuộc thảo luận đã làm sáng tỏ việc FCC chưa có chiến lược phổ tần toàn diện, làm dấy lên mối lo ngại về khả năng duy trì lợi thế cạnh tranh của quốc gia này trong cuộc đua 5G toàn cầu.
Ông Carr đã chỉ trích gay gắt chính phủ ông Biden, nói rằng những thay đổi được cơ quan của ông công bố có thể gây phương hại cho sự phát triển của quốc gia trên thị trường thế giới.
Vị ủy viên FCC này và các thành viên tham gia hội thảo khác như bà Shane Tews, thành viên cao cấp tại AEI, và ông Ajit Pai, một đối tác tại Searchlight Capital, đã nêu lên một tinh thần cấp bách rằng vấn đề Hoa Kỳ tụt hậu so với các quốc gia khác cần được chính phủ ông Biden giải quyết ngay lập tức.
Theo các chuyên gia, các quốc gia khác đang vượt xa Hoa Kỳ về phổ tần số trong băng tần trung (mid-band spectrum), đây là một thành phần thiết yếu trong quá trình phát triển 5G và chiến lược phổ tần quốc gia cũng là nhu cầu cấp bách hiện tại.
Đổi mới công nghệ và vai trò lãnh đạo địa chính trị
Khi các tham luận viên trình bày chi tiết về tầm quan trọng của các loại băng tần trong việc tạo thuận tiện cho việc truyền dữ liệu nhanh chóng với giá thành phải chăng, họ nhấn mạnh vai trò của sóng vô tuyến trong việc thúc đẩy sự đổi mới và vai trò lãnh đạo địa chính trị.
Điều đáng lo ngại nữa là Hoa Kỳ sẽ đưa ra chiến lược gì tại Hội nghị Thông tin Vô tuyến Thế giới, được tổ chức bởi Liên minh Viễn thông Quốc tế, một cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc, nơi các quốc gia trên thế giới trao đổi về các mục tiêu viễn thông sắp tới của họ.
Ông Pai nói, “Trên thực tế, hội nghị này giống như mô hình của quý vị khi áp dụng cho phổ tần trong đó mọi quốc gia đều đến tham dự với một phái đoàn đại diện với tư cách là quốc gia thành viên, và về cơ bản họ cố gắng thúc đẩy các chính sách mà các quốc gia cụ thể đó mong muốn cũng như các điều khoản trong chính sách Phổ tần.”
“Và lý do quan trọng là nếu một chính sách cụ thể được một số lượng lớn hoặc lý tưởng nhất là tất cả các quốc gia chấp thuận hoặc đồng ý, thì về cơ bản quý vị sẽ có một băng tần mà ai cũng tán đồng.”
Chuyên gia của Searchlight Capital tiếp tục nói rằng các nhà sản xuất thiết bị và những người đổi mới có thể “loại bỏ và đổi mới xung quanh vấn đề đó,” đồng thời cho rằng việc lập kế hoạch mạnh mẽ cho sự kiện đó là điều quan trọng để giúp Hoa Kỳ không bị tụt hậu so với phần còn lại của thế giới về các chiến lược đổi mới.
Hội thảo thừa nhận cách tiếp cận hung hãn của Trung Quốc, vốn vượt xa Hoa Kỳ về khả năng cung cấp phổ tần cho công nghệ 5G, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của việc có một chính sách phổ tần được xác định rõ ràng. Việc thiếu các mục tiêu, phạm vi, hoặc khung thời gian cụ thể trong chiến lược của Hoa Kỳ đã bị chỉ trích vì điều đó có khả năng trao lại quyền ra quyết định cho các quốc gia như Trung Quốc, vốn đã có tầm nhìn rõ ràng về chính sách phổ tần của họ.
Nói về việc thiếu chỉ dẫn rõ ràng từ chính phủ ông Biden, ông Carr chia sẻ về “kế hoạch quang phổ” được công bố trước đó của Tổng thống Joe Biden, nói rằng, “Thật khó để nói ra sự thật này với chính phủ nhưng đây thực sự là một trong những kế hoạch mà quý vị biết đấy, dù nội dung chẳng có gì thì cũng không ai dám chỉ trích công khai. Kế hoạch quang phổ không có gì liên quan đến quang phổ cả.”
Vị ủy viên này nói: “Tại thời điểm mà chúng ta đang tụt hậu so với Trung Quốc … thì chúng ta cần bắt đầu nói một cách trung thực và rõ ràng rằng đó là một sai sót.”
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times