‘Hiện diện mọi nơi’: Úc ký thỏa thuận 6G với Hoa Kỳ, Vương quốc Anh
Công nghệ này có thể chưa xuất hiện cho đến năm 2030, trong khi các bác sỹ vẫn kêu gọi thận trọng về tác động lâu dài của việc tiếp xúc với sóng vô tuyến 5G.
Úc đã ký một thỏa thuận với chính phủ Hoa Kỳ, Canada, Cộng hòa Czech, Phần Lan, Pháp, Nhật Bản, Nam Hàn, Thụy Điển, và Vương quốc Anh về việc giới thiệu công nghệ dữ liệu di động 6G.
Mạng 5G hiện tại chỉ phủ sóng một phần của châu lục này — mặc dù Telstra tuyên bố mạng của họ là mạng lớn nhất và bao phủ 85% dân cư.
5G hiện đã có sẵn, ít nhất một phần, ở tất cả các thành phố thủ đô (trừ Darwin) và ở một số trung tâm khu vực ở mỗi tiểu bang. Hiện tại ở Lãnh thổ Bắc Úc không khai triển 5G.
Người Úc đã nhanh chóng áp dụng công nghệ này. Counterpoint Research đã báo cáo rằng quốc gia này có tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh 5G là 82% trong quý đầu tiên của năm ngoái (2023), tương ứng với khoảng 8.8 triệu kết nối, tăng 40% so với năm trước đó (2022).
Ngược lại, ở Pháp, Tây Ban Nha, Đức, và Vương quốc Anh, tỷ lệ sử dụng thiết bị cầm tay 5G dao động trong khoảng từ 20 đến 30%.
Theo Speedtest.net, sự tăng trưởng cao của 5G diễn ra bất chấp tốc độ Internet ở Úc tương đối ở mức trung bình, ở mức tải xuống 242.98 Megabits mỗi giây (Mps) ở Sydney và 249.99 Mbps ở Melbourne.
Delhi đạt 357.43 Mbps; Thượng Hải 301.80 Mbps; và Seoul 533.95 Mbps. Kuala Lumpur được đánh giá ở mức 523.44 Mbps, trong khi ngay Wellington, New Zealand cũng có tốc độ trung bình tốt hơn, ở mức 312.40 Mbps.
‘Trí tuệ không dây hiện diện mọi nơi’
Mặc dù còn quá sớm để khẳng định nhưng một số chuyên gia dự đoán rằng 6G sẽ có tốc độ dữ liệu cao nhất là 1 terabyte mỗi giây đối với dữ liệu được truyền theo từng đợt ngắn trên một khoảng cách giới hạn.
Thỏa thuận đa quốc gia này thừa nhận rằng 6G vẫn chỉ là một khái niệm hơn là thực tế, cam kết các bên ký kết tuân thủ “các nguyên tắc chung trong nghiên cứu và phát triển hệ thống truyền thông không dây 6G” bởi vì “bằng cách hợp tác cùng nhau, chúng ta có thể trợ giúp các kết nối mở, miễn phí, toàn cầu, có thể tương tác, đáng tin cậy, linh hoạt, và an toàn.”
Công ty phát triển di động Ericsson mô tả 6G có khả năng tạo ra “trí thông minh không dây thực sự hiện diện mọi nơi” và cho biết 6G “được xây dựng dựa trên mong muốn tạo ra một thực tế liền mạch, nơi thế giới kỹ thuật số và vật lý như chúng ta biết ngày nay đã hợp nhất” như một phần của khái niệm được gọi là “liên tục mạng-vật lý.”
“Các mạng trong tương lai sẽ là một thành phần cơ bản cho hoạt động của hầu hết mọi lĩnh vực trong cuộc sống, xã hội,” công ty này cho biết, với “vô số cảm biến … được nhúng trong thế giới vật chất để gửi dữ liệu nhằm cập nhật biểu diễn kỹ thuật số theo thời gian thực.”
Các quốc gia đã ký thỏa thuận cho biết họ nhìn nhận công nghệ này “tạo thuận tiện cho các chính phủ và đối tác tham gia bảo vệ an ninh quốc gia” cũng như “đáng tin cậy, linh hoạt, an toàn, và bảo vệ quyền riêng tư của mỗi cá nhân.”
Thỏa thuận này dự đoán họ cũng sẽ thúc đẩy trí tuệ nhân tạo.
Các mối lo ngại về sức khỏe vẫn tiếp diễn
Việc khai triển 5G đã làm dấy lên nhiều mối lo ngại trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả y học.
Một bài báo năm 2021 trên Tập san Dịch tễ học và Sức khỏe Cộng đồng của nhà dịch tễ học, Giáo sư John William Frank, lưu ý rằng “sự mong manh cố hữu [của đường truyền ở các tần số được sử dụng bởi 5G] có nghĩa là thường đòi hỏi có ăng-ten ‘di động’ tăng cường truyền sóng sau mỗi 100 đến 300 mét — có mật độ không gian dày đặc hơn nhiều so với các cột truyền tải cần thiết cho công nghệ 2G, 3G, và 4G cũ hơn, sử dụng sóng tần số thấp hơn.”
Mặc dù bài báo bác bỏ những tuyên bố về mối liên hệ giữa 5G và COVID-19, nhưng lại kết luận rằng “dựa trên nguyên tắc phòng ngừa” nên có “một lệnh cấm khai triển thêm các hệ thống 5G trên toàn cầu, trong khi chờ nghiên cứu thuyết phục hơn về sự an toàn.”
Một bài báo vào năm 2022 trên Tập san Y học Gia đình và Chăm sóc Ban đầu đã báo trước nhiều lợi ích của công nghệ 5G đối với y học nhưng cũng cảnh báo: “Cần phải giải quyết những lo ngại về tác dụng phụ có thể xảy ra đối với sức khỏe con người. Đã có cảnh báo về ảnh hưởng sức khỏe của tần số trong phạm vi 450 đến 6,000 MHz. Cần có những nghiên cứu về tác động phi nhiệt của tần số cao hơn.”
Minh Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times