Cuộc cướp phá thành Rome: Đế chế diệt vong, di sản trường tồn
Cuộc cướp phá thành La Mã báo hiệu cho sự suy tàn của đế chế lâu đời này. Nhưng ngôn ngữ, văn hóa, và các giá trị của Rome vẫn trường tồn theo cách nào đó cho đến tận hôm nay, sau 2,000 năm.
Vào tháng Sáu năm 455 Công Nguyên, bộ tộc Germanic mà ngày nay được biết đến với cái tên là Người Vandal, đã cướp phá thành La Mã vĩ đại. Trong khi, nửa phía Đông của Đế chế này — còn được gọi là Đế chế Byzantine, vẫn tiếp tục là lực lượng chính trị hùng mạnh suốt hơn 1,000 năm, thì sự kiện này cũng giống như bất kỳ sự kiện nào khác — đánh dấu cho sự sụp đổ của Đế chế Tây La Mã.
Đây cũng là ví dụ hoàn hảo về khả năng hồi phục của những di sản La Mã. Văn học, ngôn ngữ, luật pháp, và tinh thần cộng hòa của thành Rome không chỉ vẫn tồn tại sau cuộc cướp phá, mà còn định hình nên chính sự kiện này. Chính những di sản của La Mã đã giúp giảm bớt tổn thất về nhân mạng, và thậm chí vẫn tồn tại ngay giữa những tàn tích vật thể của Đế chế La Mã.
Một trong những lý do quan trọng nhất về sự trỗi dậy của La Mã và sự thống trị của họ đối với phần lớn châu Âu, Bắc Phi, và Trung Đông là vì, công dân La Mã cũng đồng thời là binh lính. Từ thời đầu thành lập cho đến thế kỷ thứ nhất Công Nguyên, quân đội La Mã được xây dựng chủ yếu từ những công dân La Mã.
Những nam nhân này tin rằng, đặt lợi ích chung lên hàng đầu sẽ bảo đảm an toàn cho tài sản cá nhân của chính họ. Bản thân ngôn ngữ La Mã cũng cho thấy niềm tin này: Chữ tiếng Anh “republic” (cộng hòa) bắt nguồn từ sự kết hợp của hai chữ Latin: “res” có nghĩa là “thực thể” hoặc “sự vật sự việc,” và “publica” có nghĩa là “công cộng” hoặc “thuộc về người dân.” Ghép lại, “res publica” là “việc công”, là “tài sản” chung mà tất cả mọi người cùng sở hữu. Bảo vệ La Mã, bảo vệ gia đình, của cải, và quyền lợi của một người là cùng một việc.
Đế chế La Mã sụp đổ như thế nào?
Vào năm 455 — 1,208 năm kể từ ngày thành lập đế chế theo truyền thống của La Mã, quân đội đã không còn bao gồm những công dân La Mã hăng hái bảo vệ bản thân và gia đình thông qua việc bảo vệ nền cộng hòa nữa. [Thay vào đó,] quân đội được xây dựng từ những người bị bắt đi lính, và phần lớn trong số họ không phải là công dân La Mã.
Xã hội La Mã không còn được cai trị bởi các cận thần do người dân bầu lên, mà bởi một hoàng đế độc tài. Hoàng đế lúc bấy giờ là Petronius Maximus, người rất có thể đã sát hại Hoàng đế tiền triều Valentinian III, và cưới người vợ góa của ông là Hoàng hậu Eudoxia, nhằm củng cố quyền lực. Con trai ông cũng kết hôn với Công chúa Eudocia, con gái Hoàng hậu Eudoxia.
Chính cuộc hôn nhân giữa con trai Hoàng đế Petronius Maximus và Công chúa Eudocia là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc tấn công của người Vandal. Vua Gaiseric của người Vandal từng lập hiệp ước với Hoàng đế Valentinian, theo đó, con trai của Vua Gaiseric sẽ kết hôn với Công chúa Eudocia. Trong cơn tức giận vì hiệp ước bị phá vỡ, Vua Gaiseric đã hiệp lực với Hoàng hậu Eudoxia, người cũng đang phẫn nộ [vì chồng bị sát hại] — tấn công La Mã. Vua Gaiseric lên đường băng qua đại dương từ Bắc Phi đến Ostia, cảng biển của La Mã.
Hoàng đế Maximus nhận được tin tức về cuộc xâm lược này quá muộn. Ông bị những binh lính bình thường bỏ rơi vì họ không có lý do gì để chiến đấu cho ông, và Vua Maximus bị sát hại khi đang cố gắng chạy trốn. La Mã mất đi chính phủ và chỉ còn lại tuyến phòng thủ yếu ớt vì quân đội có quá ít người La Mã.
Dẫu vậy, La Mã vẫn tránh được sự diệt vong hoàn toàn. Dù không có người lãnh đạo và thất thế, nhưng chính nền văn hóa của La Mã đã trỗi dậy để bảo vệ mình. Những tín đồ Cơ Đốc Giáo, dù bị Đế chế La Mã liên tục bức hại suốt nhiều thế kỷ, đã phát triển trong bối cảnh văn hóa và xã hội của La Mã. Trong khi đó, những người Vandal đánh bại Đế chế La Mã ở Bắc Phi, nhưng trong quá trình chinh phạt họ đã chấp nhận Cơ Đốc Giáo — một tôn giáo sử dụng triết học, ngôn ngữ, và quan điểm của Hy Lạp và La Mã để định nghĩa quyền hạn và bảo vệ chính mình.
Hơn nữa, vì La Mã không còn người cai trị, nên Giáo hoàng Leo I đảm nhận việc thương lượng với Vua Gaiseric. Mục đích duy nhất của Giáo hoàng Leo là ngăn chặn đổ máu, và ông đã thành công. Bản thân Vua Gaiseric cũng là một tín đồ Cơ Đốc Giáo, ông đồng ý rằng sẽ không tàn sát người dân nếu La Mã quy hàng. Ngay lập tức, cổng thành La Mã mở ra cho quân xâm lược tiến vào, và một tổ hợp các tình huống kỳ lạ đã xảy ra sau đó: Trong khi các kho báu của La Mã bị cướp bóc suốt hai tuần với quy mô chưa từng thấy (cuộc cướp bóc này chính là nguồn gốc của từ “vandalism” (cướp phá) trong tiếng Anh) — thì phần lớn tính mạng của người dân La Mã được bảo toàn.
Các giá trị của Cơ Đốc Giáo — tránh đổ máu vì nhân mạng quan trọng hơn của cải — rõ ràng đã đóng một vai trò [nhất định] trong sự kiện này. Mặc dù, cũng có thể có những yếu tố khác ảnh hưởng đến quyết định của Vua Gaiseric, nhưng những lý tưởng La Mã cao đẹp nhất cũng có góp phần quan trọng. Nhà thơ La Mã ngoại giáo vĩ đại Virgil từng miêu tả một trong những sứ mệnh của La Mã là “tha cho kẻ bại trận, và hạ gục kẻ kiêu ngạo.” Quan điểm này của người La Mã là độc nhất vô nhị trong thế giới cổ đại. Từ thời kỳ đầu thành lập La Mã, dù trong truyền thuyết hay trong lịch sử, thì người La Mã đã thường tìm cách biến kẻ thù thành đồng minh thay vì tiêu diệt họ. Vua Gaiseric cướp bóc thành La Mã, nhưng ông không hoàn toàn phá hủy nó.
Một sự khởi đầu
Cuộc cướp phá thành Rome của người Vandal là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Đế chế La Mã, với tư cách là một chính quyền hợp nhất dưới sự cai trị của các hoàng đế, gần như đã kết thúc. Bất chấp sự tàn phá, nhiều thể chế và lý tưởng La Mã vẫn tồn tại. Giống như một chú chim đang thay lông, ý tưởng về “lợi ích chung” vẫn được duy trì dưới sự cai trị đang sụp đổ. Ví dụ như, các tu viện Benedict cũng sớm xuất hiện sau sự kiện này.
Các tu viện này đã giúp bảo tồn di sản triết học và văn học của La Mã. Trong khi chính quyền La Mã tách rời phúc lợi cá nhân ra khỏi phúc lợi đế chế, thì các tu viện Benedict lại là những cộng đồng mà các cá nhân tự nguyện tham gia và tất cả tài sản đều thuộc sở hữu chung. Lợi ích chung được đặt lên hàng đầu, còn lợi ích của từng cá nhân sẽ được bảo đảm bằng lợi ích chung.
Bên cạnh đó, tinh thần của hệ thống pháp luật La Mã vẫn tồn tại sau sự sụp đổ của Viện Nguyên Lão và Hoàng đế theo hai cách: như một truyền thống ở các làng quê và lãnh địa, và như các tài liệu được ghi lại trong các tu viện. Cuối cùng thì, La Mã vẫn trường tồn nhờ ngôn ngữ của mình, chuyển từ tiếng Latin cổ sang các ngôn ngữ Roman ở châu Âu.