Chinh phục các mục tiêu theo phong cách của người La Mã
Từ quân đội La Mã, chúng ta có thể học được bài học để kiên trì với mục tiêu đã đặt ra.
Cuối tháng Hai là thời điểm để nhìn nhận lại [thực tế]. Đây thường là giai đoạn “vỡ mộng” cho các mục tiêu của năm mới. Cảm giác mới mẻ đã biến mất, và thời tiết ảm đạm trong tháng này cũng không gợi cho ta thêm động lực để tiếp tục cố gắng. Tất cả các mục tiêu đáng giá nhất đều gặp phải điểm này, bởi vì mục tiêu luôn đi kèm với việc nuôi dưỡng thói quen tốt, hoặc đức tính tốt; mà [để xây dựng] đức tính tốt thì không chỉ cần mong muốn [là đủ], mà còn phải biết cách tự thúc đẩy bản thân để vượt qua những khó khăn.
Giống như quá trình rèn luyện cơ bắp — đầu tiên, bạn muốn có sức mạnh, sau đó mới đến việc nâng tạ thực sự. Đối với những người bận rộn dành thời gian để tập tạ, họ cần thêm một bước nữa: lập ra kế hoạch tập luyện. Lên lịch trình và bám sát theo đó đòi hỏi phải trau dồi những đức tính khác như thận trọng và ngoan cường.
Vào thời điểm này của tháng Hai, quân đội La Mã cổ đại là một hình mẫu tuyệt vời để nghiên cứu. Người La Mã không chỉ trao cho chúng ta từ đức hạnh (từ chữ “virtus” trong tiếng Latin, có nghĩa là “sức mạnh”), mà họ còn đưa ra những gợi ý hay để đạt được nó. Sức mạnh quân sự của họ là minh chứng về cách thức hình thành những thói quen tốt — không chỉ dựa vào mong muốn, thậm chí không chỉ nhờ kỷ luật và kế hoạch, mà còn bằng việc rèn luyện các đức tính có liên quan.
Sự huyền bí của quân đội La Mã
Càng hiểu rõ những hạn chế của quân đội La Mã, ta càng thấy ngưỡng mộ và ấn tượng trước đội quân này. Không giống như quân đội Macedonia của Alexander Đại đế, người La Mã không phải là bất khả chiến bại. Tồn tại hơn một thiên niên kỷ, họ không thể giữ gìn mãi chiến công đó. Tuy nhiên, người La Mã vẫn duy trì được một xã hội và nền văn hóa dám chấp nhận thất bại, thậm chí bại hết lần này đến lần khác, để rồi giành chiến thắng về lâu dài. Họ không sử dụng đơn vị quân sự hùng hậu như voi chiến của tướng Hannibal hay Chiến hữu Kỵ binh của Alexander Đại đế, nhưng họ đã nhiều lần đánh bại những đội quân sở hữu các đơn vị đó.
Người La Mã rất giỏi trong việc vượt qua những hạn chế của họ. Điều đó bắt đầu từ sự kỷ luật, bởi vì hầu hết trong lịch sử, binh lính La Mã không phải là binh sỹ chuyên nghiệp theo khái niệm hiện đại của từ này. Họ tự hào là những người nông dân, ra trận chiến đấu khi cần thiết.
Người La Mã khắc phục những chênh lệch trong [năng lực] chiến đấu với binh lính chuyên nghiệp bằng cách sử dụng [đội hình] dày đặc, không gian [chiến trường], và quân tiếp viện trong chiến tuyến của họ.
Đầu tiên, binh lính La Mã được huấn luyện để chiến đấu và cơ động trong các đơn vị khoảng 40 người. Họ xếp đội hình thành 3 hàng ngang, hàng đầu gồm các đơn vị được phân cách nhau bằng khoảng trống, hàng thứ hai cũng tương tự nhưng so le với khoảng trống của hàng đầu, và hàng cuối cùng gồm các đơn vị và khoảng trống phía sau. Trên thực tế, nó hơi giống một bàn cờ.
Khi trận chiến bắt đầu, khoảng trống giữa các trung đội giúp binh lính có không gian cơ động khi giao chiến với kẻ thù. Khi hàng quân đầu kiệt sức, họ có thể lùi lại trong khi hàng thứ hai tiến lên. Nếu việc này được thực hiện theo đúng trật tự, nó sẽ tạo ra một lợi thế đáng kinh ngạc cho quân La Mã: những binh lính còn sung sức chiến đấu với quân địch đã mệt mỏi vẫn còn trên chiến tuyến.
Chiến thuật này minh họa một khía cạnh quan trọng của thói quen tốt, cũng như việc chiến thắng trong các trận chiến: nghịch lý là đức hạnh không chỉ là nỗ lực vượt qua khó khăn, mà còn là biết tận dụng các kỹ năng và tư duy sáng tạo để củng cố điều đó. Nói cách khác, đức hạnh là “làm việc thông minh hơn, chứ không phải chăm chỉ hơn.”
Công tác hậu cần
Người La Mã dường như không bao giờ hài lòng với chỉ một lợi thế. Họ không chỉ tìm kiếm sức mạnh để điều khiển lực lượng một cách khôn ngoan trong các trận chiến, mà còn tìm cách giành chiến thắng trước cả khi trận chiến xảy ra. Đây chính là lúc người La Mã tận dụng năng lực hậu cần lừng danh của họ, và tất cả đều liên quan đến việc xây dựng một trại lính tốt.
Trong phần lớn lịch sử quân sự La Mã, một người lính La Mã giỏi không chỉ được kỳ vọng là một chiến binh dũng mãnh, mà còn là một kỹ thuật viên và kỹ sư giỏi. Mỗi người lính đều mang theo vũ khí trong hành lý của mình và các vật dụng để dựng trại khi hành quân.
Ngay cả khi quân đội chỉ nghỉ ngơi một ngày, trại vẫn được dựng lên theo đúng quy định. Mọi người đều biết vị trí của mình trong trại, biết nơi để lều ngủ, hành lý, đồ dùng, thậm chí cả bàn thờ cúng tế các vị Thần. Kết quả của việc chuẩn bị kỹ lưỡng này là sự an toàn trước các cuộc phục kích, có được giấc ngủ ngon, và có nhiều cơ hội được ăn gì đó trước khi lâm trận. Người La Mã tận hết khả năng để bước vào trận chiến với tinh thần sảng khoái, khỏe mạnh, và được chuẩn bị đầy đủ.
Một xã hội xem trọng đạo đức
Có vẻ kỳ lạ khi nghĩ người La Mã là một dân tộc xem trọng đạo đức. Họ thường bị xem là những kẻ áp bức hà khắc. Dù vậy, xã hội La Mã đã thể hiện đức tính cẩn trọng và tiết độ trong các lĩnh vực then chốt, góp phần làm cho họ trở thành một cường quốc quân sự.
Khởi đầu chỉ là thế lực địa phương ở một khu vực nhỏ ở miền trung nước Ý, đế quốc La Mã dần dần thống trị thế giới nhờ cách thức khôn ngoan trong việc đồng hóa các dân tộc khác. Thay vì xóa sổ hoặc khuất phục các bộ lạc và quốc gia bị chinh phục, người La Mã thường biến họ thành đồng minh. Mặc dù có những ngoại lệ đối với quy tắc này (ví dụ sau các cuộc vây hãm kéo dài và tốn kém), và mặc dù chính sách này đã trở nên lỗi thời khi chuyển từ Cộng hòa La Mã sang Đế chế La Mã, thì những kẻ địch cũ, chẳng hạn như người Etrusca, Volsci, Samnite và những dân tộc khác, họ được [người La Mã] buông tha và được giữ lại thành phố của mình. Họ được quyền tự trị, nhưng kèm theo một điều kiện: phải chiến đấu cho các cuộc chiến tranh của người La Mã cùng với quân đội La Mã. Điều này mang lại cho đế chế La Mã hai lợi thế lớn: một đội quân hùng hậu hơn nhiều so với khả năng vốn có, và người lính chiến đấu có lý do để mang ơn và trung thành với La Mã.
Để đánh giá đúng tính độc đáo của chiến lược này, ta có thể so sánh với quân đội Sparta và Ba Tư cổ đại. Những người lính Sparta là công dân của Sparta và gắn bó sâu sắc với quốc gia của họ, nhưng quân số của họ chưa bao giờ vượt quá 10,000 người. Các quân đội Ba Tư hùng mạnh, như những đội quân đã xâm lược Hy Lạp, rất đông đảo và bao gồm những người đến từ nhiều quốc gia khác nhau, nhưng họ đều là nô lệ của vua Ba Tư chứ không phải là đồng minh.
Bằng cách hành động thận trọng và chừng mực, ít nhất là trong bối cảnh bấy giờ, người La Mã đã thiết lập một cấu trúc xã hội trực tiếp tạo điều kiện cho những thắng lợi quân sự, bên cạnh sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước trận chiến và tính kỷ luật trong khi chiến đấu.
Các mục tiêu của chúng ta
Chúng ta có thể học được gì từ việc tìm hiểu về quân đội La Mã để xây dựng thói quen tốt? Khi cố gắng ăn uống lành mạnh, chúng ta có thể bắt chước nguyên tắc lập kế hoạch của người La Mã bằng cách lập thời gian biểu ăn uống đều đặn gần với thời điểm mà cơ thể đòi hỏi bổ sung đường, hoặc bằng cách dự trữ đồ ăn nhẹ lành mạnh và ngon miệng.
Áp dụng kế hoạch hậu cần của người La Mã: Chúng ta có thể cố gắng loại bỏ những căng thẳng dẫn đến việc ăn uống không lành mạnh. Ở đây, đức tính thận trọng sẽ khởi tác dụng. Do đó, việc trau dồi đức tính này một cách có chủ ý là điều cần thiết. Chúng ta có thể đọc thêm về đức tính này và có được những hiểu biết sâu sắc để phát triển khả năng tiết chế của mình.
Lê Đào biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times