Cuộc bầu cử chưa từng có của Argentina sẽ bước vào vòng hai
Hai người dẫn đầu là ông Javier Milei và ông Sergio Massa, sẽ bước vào vòng bỏ phiếu thứ hai trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và các mối bang giao quốc tế đang ở thế ngàn cân treo sợi tóc.
Thế giới đã vô cùng hồi hộp khi Argentina công bố kết quả cuộc bầu cử tổng thống hôm 22/10 của mình, theo đó hai ứng cử viên dẫn đầu là ông Javier Milei và ứng viên của liên minh cầm quyền Sergio Massa sẽ đối đầu trong vòng bỏ phiếu lần hai vào ngày 19/11 tới.
Bộ trưởng kinh tế đương nhiệm của Argentina, ông Massa, dẫn đầu sau khi giành được 36.7% số phiếu phổ thông, trong khi ông Milei đứng sau với 30%.
Thế ngàn cân treo sợi tóc là cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng của đất nước. Lạm phát quốc gia này hiện đang dao động gần 140% do dự trữ ngoại tệ cạn kiệt, đồng tiền mất giá, và tỷ lệ thất nghiệp cao khiến cuộc sống của người dân lâm vào cảnh khốn khó.
Ông Massa đã lãnh đạo trong giai đoạn Argentina rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế tồi tệ nhất của trong nhiều thập niên, đó là lý do tại sao một số người dân địa phương thấy hoang mang khi chuyên gia kinh tế Milei, người gây ra những cuộc tranh cãi trong chính trường, không thắng được ông Massa trong vòng bầu cử đầu tiên.
Sau khi giành chiến thắng ở vòng bầu cử sơ bộ hồi tháng Tám, nhiều người Argentina kỳ vọng ông Milei sẽ giành chiến thắng vang dội ở vòng đầu tiên vào cuối tuần qua.
Là một người yếu thế về mặt chính trị và là người đứng đầu đảng Những tiến bộ Tự do (Freedom Advances), ông Milei đã choán các mặt báo toàn cầu nhờ những thay đổi căn bản mà ông muốn thực hiện để cứu vãn nền kinh tế dậm chân tại chỗ của Argentina.
Loại bỏ ngân hàng trung ương quốc gia, cắt giảm chi tiêu không cần thiết của chính phủ và bán phá giá đồng peso để chuyển sang đồng dollar Mỹ là một số hành động gây tranh cãi mà ông đã hứa hẹn.
Sau thông báo về cuộc bỏ phiếu vòng hai, ông Milei đã nói với những người ủng hộ trong bài diễn văn tại Khách sạn Libertador rằng cuộc bầu cử ở Argentina là một quyết định giữa “tự do” và cái mà ông gọi là “Chủ nghĩa Kirchner bất chính.”
Cựu tổng thống kiêm phó tổng thống đương nhiệm Cristina Kirchner là người ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với đảng theo chủ nghĩa Peron này trong nhiều năm, thế nên số người Argentina trung thành với bà cũng nhiều như số người cừu hận bà.
Là người ủng hộ nhiệt thành việc tăng thuế đối với tầng lớp lao động và mở rộng trợ cấp phúc lợi, nhiều người dân đổ lỗi cho chính trị gia cực tả này vì đã đặt nền móng cho cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay của đất nước.
Phó tổng thống bị truy tố tội tham nhũng vào năm 2022 và có thể nhận bản án lên đến 12 năm tù giam.
Ông Milei không hề xao động trước vòng bầu cử nước rút này, bày tỏ hy vọng rằng đến cuối cùng Argentina sẽ chấm dứt được sự chịu đựng bao lâu nay với “Chủ nghĩa Kirchner” và chế độ theo chủ nghĩa Peron.
“Hai năm trước, nếu người ta nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ cạnh tranh với Chủ nghĩa Kirchner để giành chức tổng thống quốc gia, chúng ta sẽ không tin điều đó. Chúng ta đang đối mặt với một sự kiện lịch sử!”
Nhà tự do cánh hữu nói thêm rằng việc đối đầu với một ứng cử viên kế thừa của đảng chính trị là một “thành tựu lịch sử thực sự.”
Cựu quan chức chính phủ Argentina kiêm nhà phân tích Fabian Calle nói với The Epoch Times rằng cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật là “cuộc bầu cử tồi tệ nhất đối với chủ nghĩa Peron trong nhiều năm.”
Ông cho biết người dân Argentina ngày càng mất niềm tin vào chính phủ và mệt mỏi với những vụ bê bối liên tục cũng như thất hứa với các quan chức dân cử của họ. Điều này thể hiện rõ qua tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp lịch sử hôm 22/10.
Ông Calle cho biết đây là “mức tham gia bầu cử thấp nhất kể từ năm 1983.”
Ông Alvaro Gomez nói với The Epoch Times: “Một phiếu cho ông Massa là một phiếu cho những điều giống với hiện tại. Một phiếu cho ông Milei là đang tham gia vào một canh bạc khác.”
Ông Gomez ủng hộ khẳng định của ông Calle về người dân Argentina, rằng người dân đã quá mệt mỏi với nền chính trị của đất nước.
Một mặt, ông Massa đại diện cho một chuỗi dài những thất bại kinh tế và một chuỗi những lời hứa không thực hiện được dưới bàn tay của Chủ nghĩa Peron.
Ở phía ngược lại, ông Milei đã đề nghị những ý tưởng và cải cách cấp tiến mà một số người cho rằng quá mạo hiểm.
Đánh giá rủi ro không phải là vấn đề nhỏ đối với một quốc gia đang đứng bên bờ vực kinh tế hoàn toàn sụp đổ. Đây là điều tồi tệ nhất mà khu vực này phải chịu đựng kể từ khi ông Nicolas Maduro lên nắm quyền ở Venezuela vào năm 2013.
“Tôi mệt mỏi rồi. Đất nước Argentina cũng mệt mỏi rồi,” ông Gomez thở dài nói.
Nhiều người dân địa phương không chờ đợi kết quả bầu cử đã rút hết tiền về để bảo toàn tài sản.
Argentina chứng kiến đợt bán tháo cổ phiếu lớn nhất trong hơn hai năm trước cuộc bầu cử.
Một con số đáng kinh ngạc là 6.6 triệu USD đã được rút khỏi Global X MSCI Argentina ETF chỉ trong một ngày.
Trên đường phố, nhiều tin tức địa phương ghi nhận nhiều người dân đã rút sạch tài khoản ngân hàng của họ trong khi tranh giành dollar Mỹ trên thị trường tiền tệ chợ đen trước khi cuộc bầu cử khai mạc.
Bà Lucilla Martinez, cư dân Buenos Aires nói với The Epoch Times: “Không ai muốn chờ đợi [kết quả bầu cử]. Mọi người chỉ đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.”
Những biến động trong thị trường tài chính là kết quả được mong đợi của bất kỳ cuộc bầu cử tổng thống nào, nhưng trường hợp của Argentina là duy nhất. Mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế và cuộc bầu cử có tính phân cực cao đã thúc đẩy người dân địa phương chuẩn bị cho một vòng xoáy kinh tế giảm dần theo hình xoắn ốc thậm chí còn tồi tệ hơn.
Bà Martinez cho biết, “Tôi không quan tâm nếu họ nói ông ấy là người cấp tiến. Tôi bỏ phiếu cho ông Milei vì tôi muốn có sự thay đổi thực sự. Mọi người nói rằng ông [Milei] sẽ khiến nền kinh tế của chúng ta trở nên tồi tệ hơn, nhưng những người nói điều đó lại chính là những người đã phá hủy đất nước này.”
Chủ nghĩa Peron đối mặt với tương lai bất định
Ngay cả khi ông Massa thắng ở vòng hai, tương lai của Chủ nghĩa Peron có thể tách biệt hoàn toàn với “Chủ nghĩa Kirchner.”
Ông Calle nói: “Đối với một người theo chủ nghĩa Peron đang nắm quyền, không có gì tệ hơn một người theo chủ nghĩa Peron khác có được quyền lực.”
Nhiều thành viên phe đối lập cho rằng bà Kirchner đã dựa vào những thành viên có cùng chí hướng trong liên minh cầm quyền — đặc biệt là tại Quốc hội — để thúc đẩy nghị trình riêng của bà trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, ông Calle cho rằng điều đó có thể kết thúc với ông Massa nếu ông giành chiến thắng trong cuộc đua nước rút.
“Ông Massa không phải là ông Alberto Fernandez. Ông ấy sẽ cố gắng thiết lập quyền bá chủ chính trị.”
Ông Calle không phải là người đầu tiên ám chỉ hay trực tiếp tuyên bố rằng Tổng thống sắp mãn nhiệm Fernandez là bù nhìn chính trị cho bà Kirchner.
Ông tin rằng nếu ông Massa đắc cử ở vòng hai, sẽ đến lúc những người theo chủ nghĩa Peron khác sẽ buộc phải xếp hàng hoặc trở thành đối thủ chính trị. Điều này gồm cả những người theo chủ nghĩa “Kirchner.”
Ông Gomez nói: “Nếu phe Peron giành chiến thắng, chắc chắn sẽ không có gì thay đổi. Hơn 50 năm lãnh đạo của họ đã nói cho chúng ta điều này.”
Nếu giành chiến thắng, ông Calle cho biết ứng cử viên theo chủ nghĩa Peron có một nhiệm vụ to lớn phía trước và sẽ “kế thừa tất cả sự mất cân bằng và lỗ hổng mà một nền kinh tế sụp đổ gây ra.”
Và lỗ hổng kinh tế đó chỉ ngày càng sâu hơn kể từ cuộc bầu cử. Trái phiếu bằng dollar Mỹ của quốc gia, được giao dịch ở mức dưới 30 cent đổi một dollar trước cuộc bầu cử, tiếp tục mất điểm hôm 23/10 và được đưa vào danh sách những trái phiếu có thành quả tệ nhất ở các nền kinh tế mới nổi.
Bà Martinez nói: “Không có con đường nào dễ dàng phía trước,” dừng lại trước khi nói thêm, “Nhưng làm thế nào mà lại có người có thể tin rằng cùng một người phụ trách nền kinh tế trong cuộc khủng hoảng này sẽ bằng cách nào đó trở thành một vị tổng thống tốt hơn?”
Quá khứ và tương lai
Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng Tám với Bloomberg News, ông Milei nhấn mạnh rằng ưu tiên hàng đầu của ông là liên kết Argentina với Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới phương Tây về mặt chính sách và giá trị.
Nhưng khi đề cập đến mối bang giao với Trung Quốc, ông Milei lại tỏ ra thẳng thừng. “Chúng tôi không ký hiệp ước với những người cộng sản.”
Giờ đây, ứng cử viên ngựa đen theo chủ nghĩa tự do sẽ đối đầu với ứng cử viên của chế độ theo chủ nghĩa Peron thân Trung Quốc ở vòng cuối cùng vào tháng Mười Một trong khi tương lai của mối bang giao với các đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Argentina — Hoa Kỳ và Trung Quốc — đang trong trạng thái bế tắc.
Ông Milei đã nhiều lần nói rõ rằng ông phản đối quan điểm chống phương Tây ở tất cả các cấp. Tuy nhiên, ông Massa được cho là sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách ngoại giao tương tự, ưu tiên Bắc Kinh hơn Hoa Kỳ và tăng cường hợp tác với khối thương mại chống phương Tây BRICS.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích tin rằng ngay cả khi những người theo chủ nghĩa Peron nổi lên là người chiến thắng vào tháng Mười Một, thì hoạt động kinh doanh sẽ không diễn ra như thường lệ.
Ông Evan Ellis, một nhà phân tích và giáo sư về châu Mỹ Latinh tại Đại học Chiến tranh của Lục quân Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng cuộc bầu cử ở Argentina “đầy những điều trớ trêu.”
Ông cho biết những người theo chủ nghĩa Peron đang lợi dụng nỗi sợ hãi mà các chính sách kinh tế liều lĩnh của ông Milei đã tạo ra, nhưng ông Massa có thể sẽ phải đưa ra một giải pháp khác nếu ông giành chiến thắng.
“Quý vị có thể chứng kiến việc thân phương Tây nhiều hơn một chút, bớt ủng hộ hơn một chút đối với ông Putin,” ông nói.
Vào cuối ngày, ông nói rằng người Argentina cuối cùng sẽ phải quyết định cho điều họ lo sợ hơn: một quá khứ đã biết với ông Massa hoặc một tương lai không xác định với ông Milei.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times