Từ bên trong vòng xoáy lạm phát ác mộng, người dân Argentina lên tiếng
Thị trường chợ đen khổng lồ dành cho đồng dollar Mỹ khi kinh tế gia dự đoán giá cả có thể tăng 90% vào cuối năm 2022
BUENOS AIRES, Argentina — Hôm 04/08, tiếng còi của hàng chục chiếc xe hơi vang lên khi hàng ngàn người biểu tình thuộc các liên minh xã hội chủ nghĩa chặn ba con đường chính ở Buenos Aires gần Plaza de Mayo trước văn phòng của Tổng thống Alberto Fernandez.
Sự kiện này đã trở thành một phần trong bầu không khí ồn ã của thành phố này trong những tháng gần đây, chỉ là một trong một chuỗi các cuộc biểu tình lớn kể từ khi chính phủ cắt giảm các chương trình trợ cấp hào phóng của quốc gia bắt đầu từ tháng Sáu.
Trong bối cảnh lạm phát và nghèo đói tăng vọt tại Argentina, các mối đe dọa dai dẳng từ những người tổ chức biểu tình — theo tiếng địa phương là piquetero — phong tỏa các doanh nghiệp và đường sá cho đến khi chính phủ chấp thuận và tăng trợ cấp phúc lợi.
Cùng ngày, những người biểu tình đã đứng bên ngoài các văn phòng chính phủ trong không khí lạnh giá mùa đông để giương lên những tấm biển có khẩu hiệu như “chính sách công cho mọi người” và “bình đẳng xã hội.”
Những lời kêu gọi cung cấp thêm thực phẩm và cứu trợ để thoát khỏi tình trạng lạm phát tăng vọt của nước này, đã chính thức đạt 64%, thường xuyên được nghe thấy trên các đường phố.
Ba ngày sau, hôm 07/08, đã xuất hiện thêm nhiều nhóm liên minh xã hội phong tỏa đại lộ lớn nhất của thành phố — 9 de Julio — trong sáu tiếng như một phần của một cuộc biểu tình nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Phó Tổng thống Cristina Kirchner, một người ủng hộ nhiệt thành cho các chương trình phúc lợi xã hội quốc gia.
Bị buộc tội gian lận vào năm 2016, bà Kirchner hiện đang bị xét xử vì “quản lý không trung thực” và thông đồng với ngân hàng trung ương Argentina để bán hàng tỷ đồng tiền tệ giao sau với tỷ giá thấp hơn thị trường hồi năm 2015.
Vụ xét xử bà là một ví dụ điển hình cho những gì nằm ở trung tâm của cuộc khủng hoảng tại Argentina: tham nhũng và các vấn đề quản lý tiền bạc.
Sự chi tiêu dễ dãi của chính phủ, việc in tiền, và khả năng tạo ra nguồn thu ngày càng trở nên bất khả thi đã tàn phá đất nước từng một thời thịnh vượng này.
Và nhiều người dân địa phương quy trách nhiệm hoàn toàn lên vai chính phủ Tổng thống Fernandez.
“Mọi thứ ở Argentina đang bắt đầu tan rã,” nhà phân tích kinh tế Chris, xướng ngôn viên chương trình trực tuyến ăn khách Mate con Mote, nói với The Epoch Times.
Do lo ngại về khả năng bị chính phủ đưa vào danh sách đen vì trả lời phỏng vấn của truyền thông ngoại quốc về cuộc khủng hoảng của quốc gia, nên ông Chris chỉ muốn cho biết tên (mà không cho biết họ) của mình.
Ông là một cư dân Buenos Aires và là người ủng hộ cho sự thay đổi trong nền kinh tế đang sụp đổ của quốc gia này. Kinh tế gia kiêm nhà hoạt động này nói rằng lạm phát tại Argentina có thể bắt nguồn từ một nguyên do chính yếu.
Ông nói: “Chính phủ liên tục chi tiêu nhiều hơn số tiền họ kiếm được.”
Các quan chức chỉ ra đại dịch và cuộc xung đột của Nga ở Ukraine là những nguyên nhân chính thúc đẩy lạm phát tăng đột biến gần đây. Tuy nhiên, ông Chris lưu ý rằng một số quốc gia lân bang — như Bolivia và Uruguay — không bị ảnh hưởng như Argentina.
“Nếu quý vị chứng kiến đồng Boliviano từ năm 2019, thì đồng tiền này vẫn giữ nguyên giá trị. Tương tự với đồng peso của Uruguay. Nhưng ở Argentina thì không, các nền kinh tế này không giống nhau,” ông nói.
Vào tối ngày 03/08, tân Bộ trưởng Kinh tế Sergio Massa đã công bố kế hoạch phục hồi kinh tế.
Ông nói: “Chúng ta có một thách thức lớn đang đợi chờ mình ở phía trước, nhưng cũng là một cơ hội lớn để biến đổi thực tế mà chúng ta đang sống bên trong.”
Mặc dù vậy, một số người dân địa phương đang lắc đầu ngao ngán và cảm thấy dường như sự thành tâm của ông Massa là quá ít ỏi, quá muộn màng.
“Chúng tôi chưa sẵn sàng cho việc này,” bà Lucilla Martinez nói với The Epoch Times.
Bà Martinez làm việc trong ngành khách sạn tại khu phố lịch sử Monserrat. Bà cho biết nhiều lĩnh vực ngành nghề ở Argentina có các nghiệp đoàn hậu thuẫn cung cấp các phúc lợi cụ thể, điều này rất hữu ích khi lạm phát tiếp tục tăng cao.
Một trong số những phúc lợi đó là tăng lương để bù đắp ảnh hưởng do tỷ giá đồng peso giảm mạnh.
Giống như ông Chris, bà Martinez tin rằng những khủng hoảng kinh tế của đất nước bà đều liên quan trực tiếp đến thói quen chi tiêu vô tội vạ của các chính trị gia. Nhưng bà cũng tin rằng khả năng tiếp cận dễ dàng và tình trạng lạm dụng các chương trình trợ cấp quốc gia đã không giúp ích được gì.
Bà Martinez nói: “Những gì chính phủ đang cung cấp trong các gói trợ cấp là quá tốt, và mọi người đã lạm dụng trong nhiều năm qua.”
Phía bên kia thành phố là nơi bà Albertina Perez sống, một tài xế lái xe công cộng ước ao sẽ về hưu trong vài năm tới. Mặc dù giờ đây bà không chắc liệu giấc mơ đó còn có thể xảy ra, nhưng bà nói rằng lạm phát cực đoan của đất nước khiến hầu hết những người có thu nhập trung lưu khó lập kế hoạch cho tương lai.
“Tình hình [nơi này] là một thảm họa. Mọi người trên thế giới đều biết điều đó,” bà Perez nói với The Epoch Times.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Argentina đã tăng 40% giá vé tàu điện ngầm ở Buenos Aires hôm 01/08, càng làm dấy lên cơn thịnh nộ của những người dân địa phương thiếu tiền. Giá vé giao thông công cộng đã được duy trì ổn định ở thủ đô trong ba năm qua, bất chấp lạm phát biến động trong suốt đại dịch [COVID-19].
Đối với những người như bà Perez, việc lạm dụng các chương trình phúc lợi của chính phủ là một cái gai đối với nhiều người dân Argentina.
“Những planero [những người nhận phúc lợi] nghĩ rằng tất cả tiền của họ đều đến từ chính phủ, nhưng nó đến từ những người đi làm. Tôi đang trả tiền để những người đó ngồi ở nhà và không làm việc,” bà khẳng định.
Dollar bất hợp pháp
Đi bộ xuống đường Florida ở trung tâm thành phố, không có gì lạ khi nghe thấy tiếng người dân địa phương thì thầm “dollar” với những người đi qua.
Đó là cách gọi của dollar chợ đen, một ngành công nghiệp phát triển mạnh ở Argentina mà người dân sử dụng để hỗ trợ các khoản tiết kiệm và thu nhập của họ chống lại đồng peso đang rơi tự do của Argentina.
Hiện tại, có 11 tỷ giá hối đoái khác nhau cho dollar Mỹ ở Argentina, và chỉ một trong số đó được coi là tỷ giá chính thức của chính phủ.
Tỷ giá của chính phủ và quốc tế cho đồng peso của Argentina là 133 peso đổi 1 USD hôm 07/08. Đây là mức giảm hai điểm so với hôm 04/08, khi tỷ giá hối đoái chính thức ở mức 131 peso đổi 1 USD.
Nhưng người dân địa phương không bận tâm đến tỷ giá chính thức bị mất giá.
Thay vào đó, những người dân Argentina hiểu biết sẽ giao dịch với mức giá 290 peso đổi 1 USD trên thị trường chợ đen, có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi trên khắp đất nước này.
Mọi người giao dịch peso để lấy dollar Mỹ với tỷ giá cao hơn và không chính thức từ nhà riêng, từ cửa hàng, từ nhà hàng, hoặc thậm chí từ túi tiền của họ, bất cứ khi nào họ có cơ hội.
Chính phủ Argentina gọi đây là “dollar bất hợp pháp,” nhưng tiền được giao dịch với tỷ giá này thường được gọi phổ biến là tỷ giá “dollar xanh.”
“Chính phủ đang in tiền, đó là một vấn đề vì không ai muốn xài đồng peso. Mọi người ở đây đều muốn dùng dollar,” ông Chris giải thích.
Việc in tiền quá nhiều trong những tháng gần đây cũng đã thúc đẩy lạm phát gia tăng ở nước này.
Tháng 07/2021, ngân hàng trung ương Argentina đã in 180 tỷ peso trước cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra vào tháng 11 của đất nước này. Vì thiếu khả năng tiếp cận tín dụng ngoại quốc do vỡ nợ các khoản thanh toán, chính phủ của ông Fernandez đã phải quay trở lại việc in tiền để tài trợ cho chi tiêu xã hội trong thời kỳ đại dịch.
Là một phần nằm trong kế hoạch mới của mình, ông Massa cam kết sẽ ngừng in tiền như một phần trong chiến lược kinh tế mới của đất nước nhằm ngăn chặn lạm phát.
Tuy nhiên, người dân địa phương sẽ không lãng phí thời gian chút nào trong việc kiếm dollar Mỹ ở bất cứ nơi nào họ có thể vì họ đã từng trải qua tình trạng này theo đúng nghĩa đen.
Từ năm 1989 đến năm 1990, Argentina đã chứng kiến lạm phát đạt mức kỷ lục vô song với mức lạm phát 2,600%, trong thời gian đó, hệ thống ngân hàng quốc gia “thực tế đã biến mất,” theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Và nhiều người dân địa phương lo ngại nước này đang phải đối mặt với một thảm họa tương tự.
Ông Chris cho biết, “Tất cả các nhà phân tích đều nói giống nhau. Năm nay chúng tôi sẽ đạt mức lạm phát từ 80%-90%.”
Do nhu cầu về dollar Mỹ tăng vọt cùng tỷ giá hối đoái cao trên thị trường chợ đen, nên chính phủ đã ban hành các giao thức nhằm hạn chế số lượng dollar Mỹ mà mỗi tháng người Argentina có thể mua.
Ông Chris giải thích rằng mỗi tháng người dân được phép mua hợp pháp 200 dollar Mỹ, mà chính phủ cố gắng theo dõi thông qua chi tiêu thẻ tín dụng. Trên đường phố, cảnh sát đang nỗ lực truy quét những người đổi tiền lưu động.
Mặc dù vậy, người dân địa phương biết rằng việc mua dollar có thể đơn giản như việc đi đến cửa hàng bách hóa hoặc gọi một cuộc điện thoại.
Các nhóm Telegram và WhatsApp là những cách phổ biến để người dân địa phương mua dollar. Sau khi trao đổi ngắn gọn, một tài xế giao hàng sẽ mang số tiền dollar mà quý vị muốn mua đến tận nhà cho quý vị.
Chuyện này dễ như đặt hàng mang đi.
Không thể sống nổi
Ông Juan Hernandez từng là một công nhân cảng và hiện là một nghệ sĩ theo đuổi đam mê bán đồ trang sức tự chế ở khu phố Monserrat. Ông cũng nằm trong số phần lớn cư dân đang tìm cách nâng cao thu nhập của mình bằng dollar Mỹ.
Ông Hernandez nói với The Epoch Times: “Có gì khó chứ, kiếm sống ở đây mới gần như không thể.”
Mở ví rút ra một tờ 1,000 peso màu cam sáng, ông Hernandez đã dùng tờ tiền giấy này để minh họa tầm quan trọng của việc sở hữu dollar Mỹ ở Argentina.
Ông nói: “Thấy tờ này không? Hôm nay nó trị giá 1,000 trong ví của tôi. Ngày mai có thể nó chỉ đáng giá 900.”
Ông Hernandez nói rằng chính phủ đang “phá hỏng mọi thứ” ở đất nước ông. Và tuy tự hào là người Argentina, nhưng ông cũng cho biết ông có thể xuất ngoại đến một nước láng giềng để giải thoát khỏi tình cảnh lạm phát làm tê liệt đất nước.
Lạm phát tăng vọt đã làm dấy lên các cuộc biểu tình lan rộng khắp cả nước trước khi chính phủ cắt giảm các khoản trợ cấp bắt đầu từ hồi tháng Sáu. Điều này là do trước đây, trợ cấp xã hội về tiền lương là đủ sống.
Tuy nhiên, giờ đây khi giá cả hàng hóa đang biến đổi và tăng lên hàng ngày, thậm chí là hàng giờ ở một số cửa hàng, thì những người sống nhờ vào các khoản trợ cấp phúc lợi không thể nào chỉ dựa dẫm vào trợ cấp xã hội.
Hơn nữa, một số mặt hàng thực phẩm được kiểm soát giá như mì ống đã bắt đầu hết hàng trên các quầy kệ.
Ông Chris lưu ý: “Hồi tháng Một, tôi trả 80 peso cho một lít sữa. Giờ thì giá khoảng 200 peso.”
Giá lương thực tăng vọt xảy ra vào thời điểm khi ước tính khoảng 40% dân số cả nước sống trong cảnh nghèo đói.
Theo dữ liệu từ Viện Thống kê và Điều tra Dân số Quốc gia, mỗi ngày có khoảng 2,800 người rơi xuống mức nghèo đói.
Bà Perez nói: “Tôi yêu đất nước của mình, nhưng ở đây chúng tôi có nhiều vấn đề cần giải quyết.”
Cô Autumn Spredemann là một phóng viên ở Nam Mỹ chủ yếu đưa tin về các vấn đề Mỹ Latinh cho The Epoch Times.