Argentina chật vật với nạn cướp bóc, suy thoái kinh tế; chính phủ bác bỏ nguyên nhân do lạm phát tăng vọt
Cuộc khủng hoảng kinh tế của Argentina đã chạm mức thấp mới trong tuần này khi người dân địa phương tuyệt vọng đã cướp phá các cửa hàng bách hóa ở bốn thành phố trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát quốc gia đang ở mức 113%.
Chế độ chủ nghĩa dân túy (Peroni) hiện tại của ông Alberto Ángel Fernández đã cố gắng tránh nói về nguyên nhân nạn cướp bóc tràn lan này khỏi tình trạng lạm phát cao ngất ngưởng của quốc gia.
Ngoài ra, chính phủ đang tìm cách quy trách nhiệm cho ông Javier Milei, một ứng cử viên dẫn đầu phe bảo thủ trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Argentina có tỷ lệ lạm phát cao thứ ba trên thế giới sau Venezuela và Lebanon, khiến người dân chỉ trích chính phủ đương nhiệm đang cố gắng trốn tránh trách nhiệm về điều mà một số người cho là kết quả “không thể tránh khỏi” của một nền kinh tế và tiền tệ sụp đổ.
Hôm 19/08, trên mạng xã hội bắt đầu xuất hiện những hình ảnh và video quay cảnh đám đông tràn vào siêu thị với đầu và mặt được che kín, mang theo bất kỳ chiếc túi mà họ có được để đựng tất cả những gì họ có thể lấy đi.
Các thành phố xảy ra nạn cướp bóc vào cuối tuần trước bao gồm Córdoba, Mendoza, và Neuquen.
Hôm 20/08, tin tức địa phương ghi nhận các cơ sở kinh doanh liên quan đến thực phẩm nhỏ hơn khác ở khu vực Río Cuarto gần Córdoba cũng bị các nhóm cướp tấn công.
Hôm 22/08, sự hoảng loạn đã lan đến Thủ đô Buenos Aires. Theo xác nhận của Bộ trưởng An ninh Sergio Berni, vào cuối buổi chiều, ít nhất hai siêu thị đã bị các nhóm chuyên cướp thực phẩm tấn công.
Đến hôm 23/08, đã có ít nhất 56 vụ bắt giữ ở tỉnh bang Buenos Aires và hơn hai chục vụ bắt giữ liên quan đến vụ cướp bóc hôm 19/08 và 20/08.
Ông Berni đã nhanh chóng gắng sức dập tắt sự hoảng loạn ở địa phương. Ông nói với các phóng viên địa phương rằng, “Chúng tôi vừa kết thúc chuyến đi qua phần lớn vùng ngoại ô, và mọi thứ đã trở lại bình thường.”
Sau vụ cướp thực phẩm hôm 22/08 ở thủ đô, các quan chức từ chính phủ ông Fernández đã nhanh chóng phản ứng và chuyển hướng cách diễn đạt xung quanh các cuộc tấn công này.
Một phát ngôn viên của chính phủ tại Casa Rosada — dinh tổng thống ở Buenos Aires — nói rằng các nhóm muốn “khuyến khích” xung đột đã dàn dựng “các hành vi vi phạm” đó.
Không tỏ ra giả vờ, phát ngôn viên của tổng thống, bà Gabriela Cerruti, đã thẳng thắn quy trách nhiệm cho ông Milei đã chỉ thị cuộc vây hãm những kẻ cướp bóc giữa nỗ lực ngắn ngủi nhưng thất bại trong một chiến dịch thông tin sai lệch.
Nhân quả
“Thật bi thảm khi sau 20 năm lại chứng kiến những hình ảnh cướp bóc giống như chúng ta đã từng chứng kiến vào năm 2001. Nghèo đói và cướp bóc là hai mặt trên cùng một đồng tiền. Argentina không còn chống lại mô hình bần cùng hóa được duy trì bởi sức mạnh của những người sống nhờ vào nỗ lực của những người Argentina tử tế,” ông Milei viết trên tài khoản mạng xã hội của mình hôm 22/08.
Sau bài đăng của ông, bà Cerruti đã viết trên mạng xã hội và công khai đổ lỗi cho ông Milei về sự hỗn loạn này, bà viết rằng: “Những hình ảnh lan truyền trên mạng là sai sự thật, được đăng trên các trương mục rõ ràng là người theo dõi hoặc nhân viên” của ứng cử viên tổng thống này.
“Không có chuyện cướp bóc. Có những tin đồn và kích động thông qua các nhóm WhatsApp vì họ phản dân chủ sâu sắc và muốn gây bất ổn,” bà Cerruti viết.
“Trong suốt cuối tuần ở một số tỉnh bang và hôm nay, tại thành phố Buenos Aires, họ đã cố gắng tạo ra sự sợ hãi và bất ổn giữa các thương gia và láng giềng.”
Trong khoảng thời gian từ ngày 19/08 đến ngày 22/08, các khiếu nại của địa phương xuất hiện trên mạng xã hội rằng các video và hình ảnh về vụ cướp bóc nhanh chóng bị các nguồn không xác định chặn và gỡ xuống, chỉ xuất hiện trở lại và biến mất vài giờ sau đó.
Nhưng đến sáng ngày 23/08 thì đã quá muộn rồi.
Những nỗ lực ban đầu của chính phủ ông Fernández nhằm biến tình hình thành một trò lừa bịp sau đó đã được nâng lên thành sự thừa nhận miễn cưỡng, mà họ gọi là một vài tên cướp — không phải một nhóm kẻ cướp bóc. Nhưng câu chuyện nhanh chóng bị vỡ lẽ giữa một loạt các video và hình ảnh cho thấy toàn bộ đám đông tràn ngập các lối đi hẹp trong cửa hàng bách hóa, quét qua toàn bộ các kệ chứa các mặt hàng như mì ống và bánh mì vào những chiếc vỏ gối trống rỗng và vét sạch các tủ đựng thịt.
Tại thời điểm này, từ sự phủ nhận thẳng thừng và chỉ trích đối thủ chính trị, phát ngôn chính thức của văn phòng chính phủ Casa Rosada đã dịu đi.
Ông Aníbal Fernández, Bộ trưởng An ninh Quốc gia, nói với các phóng viên rằng: “Có người đang khuyến khích điều đó, đang tìm kiếm một giải pháp thay thế. Điều đó không liên quan gì đến cướp bóc, vốn là động cơ tạo ra xung đột.”
Người dân ở Buenos Aires vừa tức giận vừa sợ hãi nhưng cũng không ngạc nhiên trước những diễn biến bất ngờ này.
Lỗi của người khác
“Đó là một trò đùa khi chính phủ cố đổ lỗi cho ông Milei. Họ có nghiêm túc không? Lạm phát hơn 100%, và họ nghĩ rằng việc này liên quan đến một nhà kinh tế thậm chí không phải là tổng thống nữa?” bà Lucilla Martinez, người dân ở Buenos Aires, nói với The Epoch Times.
Bà Martinez cho rằng việc chứng kiến “ai đó” liên tục cố gắng loại bỏ bằng chứng về cuộc vây hãm các trung tâm thực phẩm trên toàn quốc trên mạng xã hội nhanh đến mức nào thì thật đáng sợ. Nhưng những người dân địa phương kiên quyết đã phá tan những nỗ lực ngăn chặn thông tin ban đầu, điều mà bà nói là lời cảnh tỉnh đối với những người nắm quyền lực.
Bà nói: “Chúng tôi đã nghe các bài diễn thuyết của bà [Cristina Fernández de] Kirchner trong nhiều năm, và chính phủ này cũng không ngoại lệ. Luôn là lỗi của người khác mà chính sách của họ không hiệu quả. Nhưng hiện tại không có ai lắng nghe cả.”
Bà Martinez, người làm việc gần văn phòng chính phủ Casa Rosada ở khu trung tâm thành phố Monserrat, tin rằng tình trạng bất ổn dân sự sẽ trở nên tồi tệ hơn khi cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 22/10 đến gần.
“Tiền của chúng tôi hầu như không thể mua được thực phẩm, và ngày càng có nhiều người trở nên tuyệt vọng. Không thể tránh khỏi, vật cùng tắc biến mà thôi,” bà nói.
Ông Álvaro Gómez, cư dân Buenos Aires, người gốc Argentina, cũng đồng ý.
Ông Gómez nói với The Epoch Times rằng: “Trước đây, chúng tôi đã từng ở đây rồi. Chúng tôi đã phải đối mặt với hậu quả từ các chính sách kinh tế thất bại trước đây. Nhưng cuộc bầu cử sẽ làm phức tạp thêm vấn đề này.”
Ông cho biết lạm phát luôn là một phong vũ biểu tốt để dự đoán hành vi của công chúng ở Argentina. Tuy nhiên, khi quý vị đưa tỷ lệ nghèo đói lên gần 43%, tỷ lệ lạm phát quốc gia ở mức 113% sẽ trở thành công thức dẫn đến thảm họa.
Ông Gómez nói: “Điều này đã xảy ra trước đây vào năm 2001. Nó có những yếu tố tương tự. Những người theo chủ nghĩa Peroni không sẵn sàng học hỏi từ lịch sử, nhưng chúng ta phải trả giá.”
Mặc dù có những điểm tương đồng giữa cuộc khủng hoảng tài chính năm 2001 của Argentina và sự suy thoái kinh tế ngày nay — chẳng hạn như nợ nước ngoài cao, cướp bóc, sử dụng tiền tệ thay thế, và sự chuyển hướng khỏi đồng USD — nhưng lạm phát quốc gia vẫn chưa đạt đến mức năm 2023 kể từ năm 1991.
Cựu Tổng thống và Phó Tổng thống đương nhiệm Cristina Fernández de Kirchner, một nhân vật chính trị theo chủ nghĩa dân túy, đã giữ vị thế lãnh đạo một số thời kỳ lạm phát tồi tệ nhất mà Argentina phải trải qua trong 20 năm qua.
Bà cũng là nhà tranh đấu quan trọng nhất trong các chương trình trợ cấp hào phóng đang gây tranh cãi sôi nổi của Argentina, chương trình này đã mang lại cho bà sự sùng bái của những người nhận phúc lợi mà người dân địa phương gọi là “planeros.”
Trước đó, bà đã quy trách nhiệm cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế về những thời kỳ lạm phát cao diễn ra dưới sự giám sát của bà.
Bà cũng chỉ trích kế hoạch “dollar hóa” nền kinh tế Argentina của ông Milei bằng dòng USD đổ vào để bổ sung nguồn dự trữ ngoại hối đang cạn kiệt.
Ông Raúl Castells là lãnh đạo của một liên minh có tổ chức gồm các “planeros” ở Argentina, những người thường được gọi là “piqueteros” (những người tổ chức biểu tình chuyên nghiệp) vì các cuộc biểu tình rầm rộ của công chúng mà họ thường xuyên tổ chức.
Vào tối hôm 22/08, ông Castells đã gọi đến chương trình tin tức trực tiếp Cronica và nói rằng ông là người đứng đầu đằng sau làn sóng tấn công và cướp bóc cửa hàng bách hóa.
Khi người dẫn chương trình buộc tội ông này đã trợ giúp người Argentina phạm tội, ông ta phúc đáp rằng: “Tội ác là một kg milineza (thịt) là 4,200 peso. Một kg khoai tây là 1,000 peso. Một kg đường là 1,000 peso. Một túi yerba mate (trà) là 2,000 peso.”
Ông Castells minh họa việc đồng peso giảm giá của Argentina không thể mua được các mặt hàng thực phẩm cơ bản nữa và nói rằng các quan chức cần “ngưng xúc phạm người dân Argentina” vì đã lấy đi thực phẩm mà họ cần để sinh tồn.
Ông công khai thừa nhận rằng lạm phát đã dẫn đến cuộc đột kích có tổ chức vào nhiều trung tâm thực phẩm và cơ sở kinh doanh trên khắp cả nước. Ông Castells nói rằng ông không tin những hành vi này được coi là tội phạm vì những kẻ cướp bóc chỉ lấy thực phẩm.
Nhà phân tích Mỹ Latinh Evan Ellis nói với The Epoch Times rằng cướp bóc không phải là hiện tượng hiếm gặp trong các “thảm họa định kỳ” xảy ra với người dân Argentina.
Ông Ellis nói: “Cướp bóc là một hành động tuyệt vọng và thất vọng về kinh tế. Trớ trêu thay, đó là một trong những điều kỳ quặc thường xảy ra trong các cuộc khủng hoảng ở Argentina.”
Dù tình hình kinh tế hiện tại rất nghiệt ngã nhưng ông Milei nói với những người đồng hương Argentina rằng tương lai vẫn chưa được viết nên.
Bất chấp lời thú nhận của ông Castells, bà Cerruti vẫn kiên quyết giữ vững lập trường và câu chuyện ban đầu của mình với tư cách là phát ngôn viên của tổng thống hôm 23/08.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times