Cục Dự trữ Liên bang tạm dừng chính sách thắt chặt khi gói cho vay khẩn cấp đạt 300 tỷ USD
Dữ liệu mới cho thấy bảng cân đối của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng Mười Một (2022) khi ngân hàng trung ương cố gắng ngăn chặn sự lây lan của cuộc khủng hoảng ngân hàng.
Bảng cân đối kế toán của Fed trong tuần kết thúc hôm 15/03 đã tăng 297 tỷ USD, đạt mức cao nhất trong năm tháng là 8.639 ngàn tỷ USD.
Kể từ khi đạt mức cao nhất là 8.965 tỷ USD hồi tháng Tư (2022), ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đã giảm dần bảng cân đối kế toán trong mười tháng qua bằng cách mua lại số chứng khoán trị giá 95 tỷ USD mỗi tháng.
Trong đại dịch COVID-19, Fed đã tích lũy được khoảng 4.6 ngàn tỷ USD công khố phiếu, chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp và trái phiếu doanh nghiệp, tăng đáng kể danh mục đầu tư công khố phiếu của mình lên gần 9 ngàn tỷ USD. Tuy nhiên, nỗ lực thắt chặt mới nhất của Fed đã làm giảm vai trò là nhà cung cấp thanh khoản cho hệ thống tài chính, đặc biệt là khi tăng trưởng cung tiền giảm trong hai tháng liên tiếp vào tháng Một (âm 1.05%) và tháng Hai (âm 1.73%).
Việc Fed mua hoặc bán công khố phiếu có thể tác động đến lượng tiền trong lưu thông. Fed càng mua nhiều, cung tiền càng tăng, dẫn đến lạm phát.
Nhưng trong khi một số người cho rằng đây là một hình thức nới lỏng định lượng trong thời kỳ khủng hoảng, thì những người khác cho rằng việc mở rộng bảng cân đối kế toán mới nhất là kết quả của việc các ngân hàng vay các khoản vay ngắn hạn.
Số liệu trong bảng cân đối kế toán của Fed cho thấy các tổ chức tài chính đã vay một khoản kỷ lục 152.9 tỷ USD từ cửa sổ chiết khấu của ngân hàng trung ương, đây là cách họ cho các ngân hàng thành viên của mình vay tiền. Các ngân hàng sẽ vay các khoản vay qua đêm để bảo đảm rằng họ có thể đáp ứng các yêu cầu dự trữ vào cuối ngày làm việc.
Ngoài ra, các ngân hàng đã vay gần 12 tỷ USD từ Chương trình Tài trợ có Kỳ hạn Ngân hàng (BTFP) mới ra mắt gần đây. Cơ chế này được thiết lập sau sự cố ngân hàng vào tuần trước và cung cấp tính thanh khoản cho các tổ chức tài chính bảo đảm các khoản vay bằng tài sản thế chấp chất lượng cao, bao gồm công khố phiếu và chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp. Họ sẽ phải trả lãi cho các khoản vay này.
Fed đã cho các ngân hàng tiếp quản tạm thời mới vay gần 143 tỷ USD — Signature Bridge Bank, N.A., và Silicon Valley Bridge Bank, N.A. — mà Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đã ra mắt sau đó.
Trong khi đó, Fed tiếp tục bán công khố phiếu và chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp lần lượt khoảng 7 tỷ USD và 2 tỷ USD.
Ông Andy Constan, giám đốc của công ty nghiên cứu kinh tế vĩ mô Damped Spring Advisors, đăng trên Twitter rằng: “Sự gia tăng trong bảng cân đối kế toán của Fed là sự phản ánh tạm thời về tình trạng người gửi tiền rút tiền hàng loạt tại các ngân hàng yếu kém khác nhau.”
“1. FDIC sẽ đưa ra một kế hoạch trong vòng hai tuần tới [có thể] sớm hơn để bảo đảm nhiều khoản tiền gửi hơn. Điều đó sẽ làm chậm quá trình rút tiền, ông nói thêm. “2. Tiền gửi đang luân chuyển và điều đó gây ra căng thẳng.”
Nhưng ông Peter Schiff, nhà kinh tế trưởng và chiến lược gia toàn cầu tại Euro Pacific Capital, không đồng ý, viết rằng “Fed sẽ in tiền từ không khí để cho các ngân hàng vay.”
“Ngay cả khi giải pháp này chỉ là tạm thời, các khoản vay đó sẽ làm tăng cung tiền. Đó là định nghĩa của lạm phát,” ông nói. “Và nhìn vào bức tranh tổng thể, gói cứu trợ này có thể đồng nghĩa với việc kết thúc cuộc chiến chống lạm phát của Fed.”
Các chiến lược gia của Citi khẳng định rằng “cơ sở BTFP mới là QE (nới lỏng định lượng) với tên gọi khác” vì tài sản sẽ nhảy vọt trên bảng cân đối kế toán và tăng cường dự trữ.
Các chiến lược gia Jabaz Mathai, Jason Williams và Alejandra Vazquez Plata của Citi đã viết trong một ghi chú nghiên cứu: “Mặc dù về mặt kỹ thuật, họ không mua chứng khoán, nhưng dự trữ sẽ tăng lên.”
‘Sự không chắc chắn xung quanh lộ trình của Fed’
Các nhà kinh tế cho biết thử nghiệm thực sự của chiến dịch thắt chặt chống lạm phát sẽ diễn ra vào tuần tới khi Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) triệu tập cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày.
Các nhà kinh tế của Goldman Sachs gần đây đã thay đổi kỳ vọng của họ đối với cuộc họp quan trọng này và hiện dự đoán việc tạm dừng tăng lãi suất. Các dự báo của ngân hàng cho các cuộc họp sắp tới khác không thay đổi và đang đưa ra mức lãi suất cho vay chuẩn cao nhất từ 5.25% đến 5.50%, nhưng có “sự không chắc chắn gia tăng xung quanh lộ trình của Fed từ đây.”
Theo CME FedWatch Tool, thị trường chủ yếu đang dự đoán tăng một phần tư điểm, điều này sẽ đưa phạm vi lãi suất mục tiêu lên 4.50% và 4.75%.
Bà Judith Raneri, giám đốc danh mục đầu tư kiêm phó chủ tịch của Gabelli Funds, cho biết Chủ tịch Jerome Powell và các thành viên khác của Ủy ban ấn định lãi suất sẽ có hai lựa chọn chính khi chọn cách quản lý các ngân hàng phá sản và duy trì cuộc chiến chống lạm phát.
“Họ có thể duy trì lộ trình bằng cách tập trung vào ổn định giá cả, tiếp tục tăng lãi suất bất chấp rủi ro rằng điều đó có thể gây thêm căng thẳng cho ngành ngân hàng hoặc họ có thể giữ nguyên hiện tại để hệ thống tài chính có thời gian ổn định, ngay cả khi điều đó có nguy cơ giữ lạm phát cao,” bà Raneri cho biết trong một lưu ý.
Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến khả năng suy thoái thì vẫn chưa rõ ràng, “nhưng chúng tôi biết rằng với sự sụp đổ của các ngân hàng sẽ dẫn đến sự thu hẹp tín dụng,” bà Nancy Tengler, Giám đốc điều hành và CIO của Laffer Tengler Investments lưu ý.
“Nếu lịch sử là một chỉ dẫn thì chúng ta đã thấy các ngân hàng thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay và bây giờ họ có thể sẽ từ bỏ việc cung cấp tín dụng hơn nữa,” bà viết. “Điều đó sẽ làm chậm quá trình tuyển dụng của các doanh nghiệp nhỏ, vốn đang thực hiện rất nhiều việc tuyển dụng.”
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times