Cục Dự trữ Liên bang, các Ngân hàng Trung ương khác công bố các biện pháp thanh khoản chung
Hôm Chủ Nhật (19/03), Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã công bố rằng họ đang hợp tác với một số ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới để tăng cường cung cấp thanh khoản bằng cách củng cố sự thường trực của các thỏa thuận hạn mức hoán đổi thanh khoản bằng USD.
Fed cho biết trong một tuyên bố rằng các ngân hàng trung ương này sẽ tăng tần suất của các hoạt động đáo hạn bảy ngày từ hàng tuần đến hàng ngày để cải thiện hiệu quả của các hạn mức hoán đổi (tín dụng chéo) trong việc cung cấp sự tài trợ bằng USD.
Ngoài Fed, các ngân hàng trung ương khác tham gia vào hành động phối hợp này bao gồm Ngân hàng Canada, Ngân hàng Anh, Ngân hàng Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương Âu Châu, và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ.
Tuyên bố trên cho biết, “Mạng lưới các hạn mức hoán đổi giữa các ngân hàng trung ương này là một tập hợp các cơ sở thường trực sẵn có và đóng vai trò như một sự dự phòng thanh khoản quan trọng để giảm bớt những căng thẳng trên các thị trường tài trợ toàn cầu, từ đó giúp giảm thiểu những tác động của những căng thẳng đó đối với việc cung cấp tín dụng cho các gia đình và doanh nghiệp.”
Theo Ngân hàng Trung ương Âu Châu, các hoạt động sẽ bắt đầu vào thứ Hai (20/03) và tiếp tục ít nhất đến cuối tháng Tư để trợ giúp sự hoạt động suôn sẻ của các thị trường cấp vốn bằng USD.
Hành động này đã diễn ra sau một thỏa thuận do các nhà chức trách Thụy Sĩ làm trung gian để Tập đoàn UBS mua lại ngân hàng đối thủ Thụy Sĩ là Tập đoàn Credit Suisse để ngăn chặn sự sụp đổ đầy hỗn loạn của ngân hàng này.
Thỏa thuận này theo sau những nỗ lực ở châu Âu và Hoa Kỳ để trợ giúp lĩnh vực này kể từ khi các nhà cho vay của Hoa Kỳ gồm Silicon Valley Bank và Signature Bank sụp đổ.
Fed tiết lộ các ngân hàng vay hàng tỷ USD
Hôm 16/03, Fed đã công bố dữ liệu tiết lộ rằng trong những tuần gần vừa qua các ngân hàng đã vay tổng cộng 164.9 tỷ USD từ ngân hàng trung ương này để duy trì thanh khoản.
Theo dữ liệu từ Fed, các ngân hàng đã vay 152.85 tỷ USD từ ngân hàng trung ương này trong tuần lễ kết thúc hôm 15/03 bằng cách sử dụng phương thức cho vay tái chiết khấu truyền thống của Fed — được gọi là “phòng cho vay chiết khấu” (discount window) — cung cấp các khoản vay trong thời hạn lên tới 90 ngày.
Con số này tăng từ 4.58 tỷ USD cho vay hồi tuần trước (13-19/03).
Ở những nơi khác, khoảng 11.94 tỷ USD đã được cho vay thông qua Chương trình Tài trợ có Kỳ hạn cho Ngân hàng (BTFP) mới được tạo ra, được thiết lập để trợ giúp các doanh nghiệp và gia đình Mỹ bằng cách bảo vệ các tổ chức bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của ngân hàng SVB.
BTFP cho biết họ đã cung cấp các khoản vay có thời hạn lên tới một năm cho các ngân hàng, các hiệp hội tiết kiệm, các nghiệp đoàn tín dụng, và các tổ chức lưu ký đủ điều kiện khác, đổi lại bằng việc cầm cố các “tài sản bảo đảm” như Công khố phiếu Hoa Kỳ, nợ của cơ quan thuộc chính phủ, chứng khoán có bảo đảm bằng thế chấp, và các tài sản đủ tiêu chuẩn khác.
Hãng thông tấn Bloomberg lưu ý rằng mức cao nhất chưa từng có trước đây mà các ngân hàng vay từ Fed là 111 tỷ USD trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Bản tin có sự đóng góp của Katabella Roberts và Reuters.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times