JPMorgan Chase cảnh báo Hoa Kỳ đã ‘đi quá ngưỡng không thể vãn hồi’
Hôm thứ Hai (20/03), các chiến lược gia của JPMorgan Chase đã cảnh báo rằng khả năng xảy ra suy thoái đã gia tăng trong bối cảnh khủng hoảng ngân hàng kể từ khi ngân hàng Silicon Valley Bank sụp đổ.
“Fed đang phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn vào thứ Tư, nhưng có thể Fed đã đi quá ngưỡng không thể vãn hồi được nữa,” các hãng thông tấn trích dẫn một lưu ý của các chiến lược gia gửi cho các khách hàng của JPMorgan trong tuần này. “Có vẻ như, một cuộc hạ cánh mềm giờ đây khó xảy ra, với chiếc phi cơ [kinh tế] này đang trong một tình trạng quay tròn (thiếu niềm tin của thị trường) và động cơ sắp tắt (cho vay của ngân hàng).”
Cảnh báo đó được đưa ra trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang trong tuần này, trong đó các thành viên của Ủy ban Thị trường mở Liên bang sẽ quyết định xem có nên tăng lãi suất một lần nữa trong bối cảnh lạm phát cao trong nhiều thập niên hay không. Bắt đầu từ năm ngoái, Fed đã từng bước tăng lãi suất lên mức cao nhất trong nhiều năm, một hành động khiến các nhà kinh tế cảnh báo rằng một cuộc suy thoái có thể xảy ra vào cuối năm nay hoặc năm sau.
Các chiến lược gia của JPMorgan Chase cho biết thêm trong ghi chú của họ: “Kể cả khi các ngân hàng trung ương ngăn chặn thành công được sự lây lan, thì các điều kiện tín dụng có vẻ sẽ thắt chặt nhanh hơn do áp lực từ cả các thị trường và cơ quan quản lý.”
Đầu tháng này, hai ngân hàng lớn trong khu vực — Silicon Valley Bank và Signature Bank chi nhánh New York — đã sụp đổ sau khi các khách hàng rút tiền gửi của họ hàng loạt giữa những cảnh báo về sức khỏe của hai ngân hàng này. Chính phủ liên bang đã cố gắng trấn an các khách hàng và nhà đầu tư rằng hệ thống ngân hàng của Hoa Kỳ hoạt động lành mạnh và những khoản tiền gửi này sẽ được bảo hiểm, với việc Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen ca ngợi những nỗ lực của chính phủ nhằm chế ngự sự lây lan trong phiên điều trần của Thượng viện hồi tuần trước (12-19/03.)
“Chúng tôi vẫn thận trọng với các tài sản rủi ro có định giá rủi ro suy thoái quá thấp, trong khi cuộc khủng hoảng ngân hàng này làm tăng khả năng suy thoái trong năm nay do tín dụng bị hạn chế,” các chiến lược gia của JPMorgan cho biết thêm. Trong khi đó, hãng thông tấn Bloomberg đưa tin, ông Marko Kolanovic của JPMorgan Chase cảnh báo rằng sự hỗn loạn của thị trường, sự bất ổn về kinh tế, và các vụ sụp đổ của ngân hàng đã làm tăng khả năng xảy ra cái gọi là “thời khắc Minsky,” mà trong đó một sự bùng nổ kinh tế khiến các nhà đầu tư nhận lấy quá nhiều rủi ro và rồi phải bán các tài sản để trả các khoản nợ vay.
Trong cuộc họp của Fed vào tuần này, các nhà đầu tư đã suy đoán rằng các thành viên hội đồng sẽ nới lỏng những nỗ lực thắt chặt tiền tệ để tránh gây thêm căng thẳng cho hệ thống ngân hàng này. Trong số đó, các nhà phân tích của Goldman Sachs đã viết vào tuần trước rằng ngân hàng trung ương này có thể sẽ hoãn tăng lãi suất, trong khi những người khác dự đoán rằng Fed sẽ tăng lãi suất với một mức tương đối nhỏ.
Fed, với việc tăng lãi suất không ngừng để kiềm chế lạm phát là một trong những yếu tố gây ra cuộc khủng hoảng lớn nhất của ngành ngân hàng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đã sẵn sàng tăng lãi suất chỉ 25 điểm căn bản thay vì 50 điểm căn bản như dự kiến trước đó, do hậu quả của cuộc khủng hoảng ngân hàng.
Hành động mới nhất đó nhằm khôi phục lại sự ổn định cho các cổ phiếu ngân hàng khu vực bất ổn được đưa ra khi Pacific Western Bank, một trong những ngân hàng cho vay khu vực bị cuốn vào sự biến động của thị trường, cho biết họ đã gọi vốn được 1.4 tỷ USD từ công ty đầu tư Atlas SP Partners.
Cổ phiếu của ngân hàng này, đã mất gần 47% giá trị từ đầu năm đến nay, giảm khoảng 10% trong giao dịch đầu phiên kể cả khi ngân hàng cố gắng xoa dịu những lo lắng của nhà đầu tư bằng cách cho biết tính đến ngày 20/03 họ có hơn 11.4 tỷ USD tiền mặt.
Các cảnh báo khác
Một cuộc khảo sát do Bank of America công bố hôm thứ Ba (21/03) đã thăm dò ý kiến của các nhà quản lý quỹ cho biết, khả năng xảy ra một cuộc suy thoái gia tăng lần đầu tiên kể từ tháng 11/2022. Khoảng 42% các nhà quản lý quỹ cho biết họ tin rằng một cuộc suy thoái kinh tế sẽ xảy ra trong vòng 12 tháng tới và 80% tin rằng nền kinh tế sẽ tiếp tục lạm phát đình trệ trong năm tới hoặc lâu hơn.
Tuần trước, kinh tế gia trưởng của Goldman Sachs Jan Hatzius đã viết rằng, ông tin rằng sẽ có 35% khả năng xảy ra một cuộc suy thoái trong vòng 12 tháng tới. Khả năng đó là do cái mà ông gọi là “sự bất ổn sắp tới đã gia tăng” xung quanh các tác động kinh tế của các vụ sụp đổ ngân hàng nhỏ như SVB hay Signature.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times