Cục Dự trữ Liên bang chỉ có những công cụ hạn chế cho chính sách tiền tệ
Sử dụng khôn ngoan, thận trọng, và tôn trọng các thị trường đòi hỏi một sự kiểm soát tốt.
Những xáo trộn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng đã thu hút sự chú ý đến vai trò của các ngân hàng trung ương, cả trong nền kinh tế cũng như trong việc giám sát và kiểm soát các ngân hàng. Bài viết này sẽ thảo luận về các ngân hàng trung ương, chẳng hạn như Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, và một số công cụ họ sử dụng để thực hiện các chính sách của mình, những công cụ mà người bình thường có thể không biết rõ.
Đầu tiên, hãy phân biệt giữa chính sách tài khóa, chính sách mà ở Hoa Kỳ là do Quốc hội và tổng thống kiểm soát thông qua ngân sách liên bang, và chính sách tiền tệ, chính sách do Cục Dự trữ Liên bang quản lý.
Chính sách tài khóa liên quan đến chi tiêu, thâm hụt, doanh thu của chính phủ, và thuế. Chính sách tài khóa phản ánh mong muốn và mục tiêu của các quan chức được bầu đối với nền kinh tế và phản ánh phúc lợi của người dân. Ví dụ, quý vị có thể khấu trừ tiền lãi cho khoản vay mua nhà trong thuế thu nhập của mình vì các quan chức được bầu tin rằng quyền sở hữu nhà ở là một kết quả mong muốn cho nền kinh tế. Lý do ở đây là quyền sở hữu nhà giúp xây dựng các cộng đồng ổn định và kích thích đầu tư vào hàng tiêu dùng lâu bền, như đồ nội thất, tủ lạnh, và máy rửa bát.
Tương phản, chính sách tiền tệ kiểm soát nguồn cung tiền và lãi suất và được cho là không có những cân nhắc về chính trị, mặc dù có rất nhiều bằng chứng cho thấy chính trị có một vai trò nhất định trong việc hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang.
Tuy nhiên Quốc hội đã giao cho Fed hai nhiệm vụ chính.
Nhiệm vụ đầu tiên là bảo đảm ổn định giá cả, để giá cả không tăng cũng không giảm quá nhiều. Từ năm 1996, Fed đã định nghĩa “ổn định giá cả” là tỷ lệ lạm phát 2% một năm. Lạm phát 2% là một loại “hệ số sai số” — một dây giật bẫy (tripwire) để ngăn chặn giảm phát, hay nói cách khác là tình trạng giá cả suy giảm. Mốc tự đặt ra đó là nhằm tránh nền kinh tế rơi vào vòng xoáy giảm phát, điều mà các nhà kinh tế học gọi là “bẫy thanh khoản.”
Trong một tình huống bẫy thanh khoản, mọi người dự đoán giá sẽ giảm, vì vậy họ trì hoãn chi tiêu, khiến nhu cầu giảm và giá giảm hơn nữa. Fed có thể hạ lãi suất và bơm tiền vào nền kinh tế trong những trường hợp như vậy, nhưng sẽ không gì kích thích được chi tiêu, kể cả ở mức mà các nhà kinh tế học gọi là “giới hạn 0 (zero bound)”, khi lãi suất bằng không. Nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái sâu sắc mà, vốn về mặt lý thuyết là không thể vượt qua. (Chống lại bẫy thanh khoản ở giới hạn 0 là một trong những lý do chính khiến các ngân hàng trên thế giới đang thử nghiệm các loại tiền điện toán của ngân hàng trung ương, hay còn gọi là CBDC. Như tôi đã viết trước đó, CBDC cho phép các ngân hàng trung ương kích thích chi tiêu bằng hoặc thấp hơn giới hạn 0 trong một kịch bản “dùng nó hoặc mất nó”).
Nhiệm vụ thứ hai mà Quốc hội trao cho Fed là theo đuổi toàn dụng lao động, mục tiêu này đã được khuyến khích từ lâu, nhưng được đề ra thành một nhiệm vụ rõ ràng trong Đạo luật Tăng trưởng Cân bằng và Toàn dụng Lao động năm 1978.
“Toàn dụng lao động” thường được xem là một tỷ lệ thất nghiệp từ 4% trở xuống, tức là tỷ lệ những người bỏ việc, gia nhập lực lượng lao động, v.v. là 4%. Nhưng yêu cầu toàn dụng lao động lại ngầm hỗ trợ cho một mức lãi suất thấp, nên khó cân đối một môi trường lạm phát có lãi suất đang tăng lên. Thật vậy, việc chống lại lạm phát hiếm khi đạt được mà không làm chậm lại nền kinh tế và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Khi khả năng hiếm hoi này xảy ra, nó được gọi một cách thông tục là “hạ cánh mềm”. (Đường cong Phillips cho rằng tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát tỷ lệ nghịch với nhau, nhưng quan niệm về quy luật này hầu hết đã bị bác bỏ bởi “lạm phát đình đốn”, danh từ ghép của tình trạng trì trệ kinh tế và lạm phát vốn đã gây khó khăn cho chính phủ các Tổng thống Ford và Carter trong những năm 1970. Nhưng vẫn có một nhận thức trực giác trên thị trường rằng lạm phát ảnh hưởng xấu đến việc làm và làm chậm quá trình tuyển dụng và khuyến khích sa thải).
Hộp công cụ của Fed
Fed có nhiều cách khác nhau để mở rộng, thu hẹp, và kiểm soát nguồn cung tiền. Những công cụ này chưa bao giờ được cấp một cách rõ ràng cho Fed theo luật đã tạo ra tổ chức này, nhưng đã xuất hiện, một cách tổng thể, theo sáng kiến riêng của Fed từ sự trao quyền chung mà sau đó đã được các quy định thừa nhận.
Các công cụ căn bản
Có ba công cụ “đơn giản” mà Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) hoạch định chính sách sử dụng để kiểm soát cung tiền.
Đầu tiên là lãi suất chiết khấu, lãi suất mà Fed tính cho các ngân hàng thành viên vay tiền từ cửa vay chiết khấu của Fed. Mặc dù các ngân hàng có thể vay từ Fed, nhưng hầu hết các ngân hàng đều thực hiện các thỏa thuận vay khác, do đó, tỷ lệ chiết khấu — như đã thiết lập — có xu hướng gây ảnh hưởng nhiều hơn là có tác dụng. Nếu Fed tăng hoặc giảm lãi suất chiết khấu, thì các tổ chức cho vay khác sẽ làm theo ngay lập tức.
Công cụ thứ hai là yêu cầu về ngưỡng dự trữ của Fed, theo đó Fed quy định số lượng tiền gửi mà các ngân hàng thành viên phải giữ lại để đáp ứng các nhu cầu rút tiền. Yêu cầu dự trữ cao có xu hướng làm giảm cung tiền, trong khi yêu cầu thấp hoặc không có sẽ kích thích nền kinh tế khi có nhiều tiền được cho vay ra hơn.
Công cụ nổi tiếng nhất và phổ biến nhất mà Fed sử dụng để kiểm soát nguồn cung tiền là hoạt động thị trường mở do FOMC bầu chọn. FOMC bán chứng khoán để giảm cung tiền nhằm làm chậm lạm phát và mua chứng khoán để tăng cung tiền nhằm kích thích tăng trưởng.
Các công cụ bí truyền hơn của Fed
Fed yêu cầu các ngân hàng thành viên duy trì số dư tối thiểu nhất định đối với khoản dự trữ tại Cục Dự trữ Liên bang và trả lãi cho các khoản tiền gửi đó. Tuy nhiên, từ năm 2008, Fed đã trả lãi cho số tiền gửi vượt quá số dư tối thiểu đó, được gọi là “dự trữ vượt mức.” Ban đầu, một sự thay đổi luật đã dự kiến Fed sẽ trả lãi cho các khoản tiền gửi vượt mức vào năm 2011; tuy nhiên, sự thay đổi đó đã được đẩy lên sớm hơn bởi các luật mới được thông qua để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính 2008–2009. Tính thanh khoản tồn tại trên thị trường trong những ngày đó đã gây áp lực giảm lãi suất qua đêm của Fed, vì vậy lãi suất được trả cho các khoản tiền gửi vượt mức để hấp thụ lượng tiền mặt dư thừa. Cục Dự trữ Tiên bang tiếp tục trả lãi cho các khoản tiền gửi vượt mức bởi vì đó là một phương tiện hữu ích để thiết lập lãi suất căn bản cho thị trường, bởi vì không ngân hàng nào sẽ cho vay tiền với lãi suất thấp hơn lãi suất mà Fed trả cho các khoản tiền gửi vượt mức của mình.
Fed cũng tham gia vào các thỏa thuận mua lại (repo). Những thỏa thuận này cũng nhằm mục đích ảnh hưởng đến lãi suất ngắn hạn (chủ yếu là qua đêm). Trong một giao dịch “repo”, Fed mua chứng khoán do các ngân hàng nắm giữ và đưa ra cam kết tương ứng sẽ bán lại những chứng khoán này vào một ngày sau đó. Các giao dịch repo đưa tiền mặt vào nền kinh tế để tăng cung tiền.
Kể từ năm 2014, Fed đã sử dụng các thỏa thuận mua lại đảo ngược (giao dịch repo đảo ngược) qua đêm để tiếp tục “tinh chỉnh” nguồn cung tiền. Chúng hoạt động như hình ảnh ngược lại của giao dịch repo, trong đó Fed bán chứng khoán và mua lại chúng vào ngày hôm sau. Các thỏa thuận repo đảo ngược qua đêm nhằm thiết lập mức lãi suất sàn qua đêm.
Các công cụ được sử dụng như thế nào
Chính sách của Fed thường được thực hiện sau khi Fed bỏ phiếu thay đổi lãi suất tại một trong các cuộc họp theo lịch trình thường xuyên của FOMC. Tại các cuộc họp này, Fed có xu hướng sử dụng cái mà tôi gọi là các công cụ căn bản của họ, chẳng hạn như nếu FOMC bỏ phiếu cho một thay đổi chính sách để giảm hoặc tăng lãi suất. Nhưng mọi thứ có thể trở nên tồi tệ theo thời gian và giữa các cuộc họp, chủ yếu là do thanh khoản cạn kiệt.
Nói chung, tính thanh khoản là sự dễ dàng mà theo đó người ta có thể chuyển đổi tài sản thành tiền mặt. Khi có sự không phù hợp giữa những gì người mua sẽ trả và người bán sẽ chấp nhận đối với một tài sản, thì rất khó để chuyển đổi tài sản đó thành tiền mặt. Các ngân hàng cũng có thể giảm hoặc thậm chí loại bỏ hoàn toàn việc cho vay nếu hoàn cảnh kinh tế yêu cầu làm thế. Ví dụ, vào năm 2008, sự sụp đổ của thị trường nhà ở đã khiến cho các khoản cho vay thế chấp dài hạn cạn kiệt vì các khoản tiền gửi tài trợ cho những khoản cho vay thế chấp đó là tiền gửi không kỳ hạn phải trả ngay. Các ngân hàng đã phải đáp ứng nhu cầu của người gửi tiền nên đã lưu giữ tiền mặt.
Ví dụ, tình trạng hỗn loạn gần đây tại Silicon Valley Bank (SVB) là hậu quả của việc SVB có một số lượng tương đối nhỏ người gửi tiền không được bảo hiểm với những số dư lớn yêu cầu rút tiền gửi của họ, số tiền vốn đã được đầu tư vào trái phiếu kỳ hạn 10 năm.
Cách Fed giải quyết các cuộc khủng hoảng thi thoảng vẫn xảy ra này có thể khác nhau. Ví dụ: hồi tháng 09/2019, nhu cầu tiền mặt để thanh toán thuế thu nhập liên bang đã khiến lãi suất tài trợ qua đêm có bảo đảm (SOFR) tăng đột biến. Hôm 17/09, lãi suất SOFR tăng vọt ba điểm phần trăm trên mức phạm vi mục tiêu của Fed, gây ra khủng hoảng thanh khoản. Để giải quyết vấn đề này, Fed đã can thiệp và cung cấp các khoản repo lên tới 75 tỷ USD để bơm thêm tiền mặt bằng cách sử dụng tài sản bảo đảm là các khoản nợ Ngân khố (công khố phiếu) và “nợ của các cơ quan chính phủ,” nghĩa là chứng khoán của Cơ quan Cho vay Thế chấp Quốc gia Liên bang (FNMA hay “Fannie Mae”), Tập đoàn Cho vay Thế chấp Nhà ở Liên bang (FHLMC hay “Freddie Mac”) và các chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp có liên quan của họ. Trong vòng vài ngày, lãi suất ổn định và thanh khoản được phục hồi.
Cuộc khủng hoảng ngân hàng mới nhất với Silicon Valley Bank dường như đã trở nên ổn định hơn cho đến nay, bất chấp những gì tôi tin là một phản ứng tồi tệ từ Bộ Ngân khố và Bộ trưởng Janet Yellen. First Citizens được cho là đã đồng ý mua SVB, và những vụ rút tiền hàng loạt tại các ngân hàng khu vực — được kích hoạt phần lớn bởi sự do dự của bà Yellen — dường như đã lắng xuống phần lớn. Nhưng sự ổn định này không phải là không có giá: Fed đã phải đảo ngược hướng đi (thắt chặt tiền tệ) và mở rộng bảng cân đối tài sản khi Fed tạo ra một cơ sở tín dụng để cho phép các ngân hàng vay trong tối đa một năm bằng cách sử dụng [tài sản bảo đảm] là nợ của Bộ Ngân khố và các cơ quan chính phủ, nhưng coi giá trị tài sản bảo đảm của các ngân hàng này như giá trị của chúng khi đáo hạn, tức là ở “mệnh giá”. (Vì vậy, ví dụ: công khố phiếu có giá trị 1,000 USD khi đáo hạn, nhưng giá trị thị trường hiện tại là 800 USD, sẽ được xem như thể nó hiện có giá trị 1,000 USD, và các ngân hàng có thể vay dựa trên giá trị đầy đủ đó của tài sản đảm bảo).
Tóm lược
Các ngân hàng trung ương đóng một vai trò quan trọng trong sự vận hành của thị trường. Bất kể là quý vị có đồng ý với các chính sách của ngân hàng trung ương hay không (và tôi là người thường xuyên tranh cãi về các chính sách này), thì họ vẫn thực hiện một chức năng quan trọng trong nền kinh tế của quốc gia và quốc tế. Nếu các ngân hàng trung ương không tồn tại, thì rất có thể vai trò của họ sẽ được các nhà tài chính tư nhân đảm nhận, chẳng hạn như ông J.P. Morgan (cá nhân, chứ không phải ngân hàng), người đã can thiệp để cho vay tiền nhằm cung cấp thanh khoản trong Cuộc khủng hoảng năm 1907.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là khả năng kiểm soát cung tiền và lãi suất của Fed phụ thuộc vào thị trường chứng khoán chính phủ Hoa Kỳ. Khi Trung Quốc, Nhật Bản và các quốc gia khác quay lưng với USD do lo ngại về nợ và các vấn đề khác của chúng ta, thì chứng khoán chính phủ của chúng ta trở nên kém hấp dẫn hơn và chênh lệch giữa giá mua và giá bán — tính thanh khoản — trên thị trường tài chính của chúng ta có thể trở nên mong manh hơn. Tôi sợ rằng, việc chúng ta không giải quyết được gánh nặng nợ to lớn sẽ khiến Fed mất quyền kiểm soát đối với lãi suất và nguồn cung tiền. Khi điều đó xảy ra, Hoa Kỳ sẽ mất đi một phần chủ quyền quan trọng của mình. Còn người Mỹ sẽ mất rất nhiều quyền tự do của họ.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times