Báo cáo kinh tế của Fed: Căng thẳng kinh tế gia tăng khi khả năng tiếp cận tín dụng bị thắt chặt
Theo một báo cáo mới từ Cục Dự trữ Liên bang, căng thẳng kinh tế đã gia tăng trong vài tuần qua. Báo cáo này ghi nhận chi tiêu của người tiêu dùng yếu đi, áp lực lạm phát tiếp diễn, và nhiều bằng chứng hơn về sự sụt giảm trong hoạt động cho vay của ngân hàng.
Báo cáo kinh tế “Beige Book” mới nhất của Fed, một bản tóm tắt các cuộc khảo sát và phỏng vấn được thực hiện trên 12 khu vực phụ trách của Fed, cho thấy hoạt động kinh tế tổng thể ở Hoa Kỳ ít có thay đổi trong những tuần gần đây, với một số mảng yếu.
Nhìn chung, báo cáo này có giọng văn bi quan hơn so với báo cáo trước đó, được phát hành hồi đầu tháng Ba, trước vụ sụp đổ Silicon Valley Bank (SVB) và những biến động kéo theo sau đó trong ngành ngân hàng.
Giọng văn này của báo cáo có thể được xem là làm tăng thêm lo ngại về một cuộc suy thoái sắp xảy ra và cung cấp bằng chứng mới cho điều mà một số nhà kinh tế đã cảnh báo kể từ khi cuộc khủng hoảng SVB xảy ra, cụ thể là một cuộc khủng hoảng cho vay tiềm ẩn có thể ‘bỏ đói’ tín dụng và tạo ra lực cản lớn cho nền kinh tế.
Ông Mike Wilson, Giám đốc đầu tư của Morgan Stanley, cho biết trong một lưu ý hồi đầu tuần này (17-23/04) rằng hai tuần qua đã chứng kiến mức cho vay giảm mạnh nhất được ghi nhận khi các ngân hàng cố gắng bù đắp dòng tiền gửi bị rút ra, một hiện tượng đã tăng nhanh sau sự sụp đổ của SVB.
Ông Wilson cho biết trong ghi chú này, “Dữ liệu cho thấy một cuộc khủng hoảng tín dụng đã bắt đầu,” đồng thời cho biết thêm rằng 1 ngàn tỷ USD tiền gửi đã bị rút khỏi các ngân hàng Hoa Kỳ kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu tăng lãi suất một năm trước trong nỗ lực nhằm hạ nhiệt lạm phát tăng vọt.
Khủng hoảng tín dụng
Một trong những thay đổi lớn nhất trong báo cáo kinh tế mới nhất so với ấn bản trước đó là việc thắt chặt các điều kiện tín dụng.
“Khối lượng cho vay và nhu cầu đi vay nhìn chung đã giảm đối với các loại cho vay tiêu dùng và kinh doanh,” các tác giả của báo cáo lần này viết. “Một số khu vực lưu ý rằng các ngân hàng đã thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay trong bối cảnh sự không chắc chắn và lo ngại về thanh khoản gia tăng.”
Khi nguồn cho vay ngân hàng cạn kiệt, thì sẽ khiến hoạt động kinh tế giảm sút.
Theo nhà kinh tế học Nouriel Roubini, người được mệnh danh là “Dr. Doom” vì đã dự đoán chính xác cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008–2009, thì các nhà cho vay khu vực có vẻ đang chịu ảnh hưởng lớn nhất từ những biến động trong ngành ngân hàng.
Ông Roubini nói với Fox Business trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Tôi nghĩ vấn đề nằm ở các ngân hàng khu vực. Nhưng các ngân hàng khu vực là những nhà cho vay quan trọng đối với các gia đình để vay thế chấp mua nhà, đối với các doanh nghiệp nhỏ, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đối với địa ốc thương mại. Và do đó, chúng ta sẽ có một cuộc khủng hoảng tín dụng.”
Ông nói thêm: “Cuộc khủng hoảng tín dụng đó sẽ khiến khả năng xảy ra một cuộc suy thoái — một cuộc hạ cánh cứng — lớn hơn nhiều so với trước đây. Vì vậy, chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tín dụng nghiêm trọng trong phần lớn hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ.”
Một thông tin khác về nền kinh tế Hoa Kỳ đã được công bố hôm thứ Năm (20/04) dưới dạng Chỉ số Kinh tế Hàng đầu (LEI), chỉ số này đã chìm sâu hơn vào vùng âm.
Bà Justyna Zabinska-La Monica, quản lý cao cấp của bộ phận Business Cycle Indicators tại The Conference Board, cho biết: “LEI của Hoa Kỳ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020, phản ánh các điều kiện kinh tế phía trước đang xấu đi.”
The Conference Board dự kiến tình trạng hoạt động yếu kém của nền kinh tế sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và lan rộng hơn trên toàn bộ nền kinh tế Hoa Kỳ, dẫn đến suy thoái vào giữa năm 2023.
Lạm phát
Theo báo cáo kinh tế của Fed, giá cả đã tăng vừa phải trong kỳ báo cáo, mặc dù tốc độ tăng giá dường như đang chậm lại.
Giá tiêu dùng nhìn chung tăng do nhu cầu vẫn cao và chi phí lao động cùng hàng tồn kho cao hơn. Giá mua và thuê nhà chững lại, nhưng vẫn ở gần mức cao kỷ lục.
Giá sản xuất đối với hàng hóa thành phẩm tăng khiêm tốn, nhưng áp lực giá bán đã giảm bớt trên diện rộng trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Các địa chỉ liên hệ cho biết họ mong đợi một số giảm nhẹ từ áp lực chi phí đầu vào.
Báo cáo này cho thấy giá của các yếu tố đầu vào phi lao động giảm từ nhẹ đến mạnh, trong khi chi phí vận chuyển hàng hóa đã giảm đáng kể.
Dữ liệu gần đây từ Cục Thống kê Lao động (BLS) cho thấy lạm phát ở Hoa Kỳ đã hạ nhiệt xuống mức thấp nhất trong gần hai năm hồi tháng Ba. Tuy nhiên, với tốc độ 5% hàng năm, lạm phát tiếp tục vượt xa mục tiêu 2% của Fed.
Ông Elon Musk, giám đốc điều hành của hãng Tesla, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với người dẫn chương trình Tucker Carlson của đài Fox rằng không có giải pháp hiệu nghiệm ngay tức thì nào để khắc phục tình trạng lạm phát cao, đồng thời quy trách nhiệm cho Fed vì in ra quá nhiều tiền để săn đuổi một lượng hàng hóa quá ít ỏi và đẩy giá cả lên cao.
“Nếu quý vị đổ thêm tiền vào hệ thống nhanh hơn tốc độ tăng hàng hóa và dịch vụ, thì quý vị sẽ có lạm phát,” ông Musk nói, đồng thời cho biết thêm rằng không có cái gọi là bữa trưa miễn phí, hay “một năng lực nào đó để phát hành tiền mà không có lạm phát.”
Thị trường lao động
Theo báo cáo kinh tế, tăng trưởng việc làm chậm lại ở một số khu vực, với một số công ty chọn cách tiêu hao tự nhiên (nhân viên nghỉ việc hoặc về hưu) và chỉ tuyển dụng cho những vai trò quan trọng.
Tình trạng sa thải hàng loạt đã được báo cáo tại một số công ty lớn, trong khi tại một số khu vực, thị trường lao động trở nên bớt căng thẳng hơn do nguồn cung lao động tăng lên.
Áp lực tiền lương vẫn tăng nhưng đã cho thấy dịu lại một chút, với một số khu vực báo cáo nhu cầu tăng lương ngoài chu kỳ giảm.
Hôm thứ Năm (20/04), một báo cáo riêng của Bộ Lao động về hồ sơ thất nghiệp hàng tuần, đóng vai trò như một bản tóm lược đại diện cho tình hình sa thải, cho thấy số người nộp đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước đã tăng thêm 5,000, lên mức 245,000.
Hồi đầu năm, số lượng hồ sơ yêu cầu thất nghiệp hàng tuần là vào khoảng 200,000 và đang tăng dần lên, cho thấy một số nới lỏng trong điều mà nhiều nhà phân tích mô tả là thị trường khan hiếm lao động.
Ông Stephen Stanley, nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại Santander, cho biết trong một ghi chú nghiên cứu, “Số lượng người nhận trợ cấp thất nghiệp chắc chắn đã tăng lên trong năm nay, một tín hiệu khác cho thấy thị trường lao động, mặc dù vẫn còn nóng, đang quay trở lại trạng thái cân bằng/bình thường hơn.”
Ở mức 3.5%, tỷ lệ thất nghiệp hồi tháng Ba chỉ cao hơn một chút so với 3.4% của tháng Một, mức thấp nhất trong nửa thế kỷ.
Cục Dự trữ Liên bang đã bắt đầu tăng lãi suất với tốc độ mạnh mẽ khoảng một năm trước trong nỗ lực hạ nhiệt nền kinh tế và dập tắt lạm phát tăng vọt. Fed đã hy vọng đạt được điều gọi là hạ cánh mềm cho nền kinh tế, tức là kiểm soát lạm phát trong khi tránh được suy thoái.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế tỏ ra hoài nghi, với nhiều người cho rằng nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái vào cuối năm nay.
Nhà kinh tế trưởng Gregory Daco của Ernst & Young cho biết: “Sự kết hợp của giá cả tăng cao liên tục, lãi suất cao, và các điều kiện tín dụng thắt chặt hiện nay sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư kinh doanh, chi tiêu của người tiêu dùng, và thị trường giao dịch trong những tháng tới.”
Ông nói thêm: “Mặc dù nền kinh tế hiện không thể hiện sự mất cân bằng kinh tế trên diện rộng, nhưng suy thoái thường là những sự kiện tâm lý phi tuyến tính diễn ra nhanh chóng.”
Chi tiêu của người tiêu dùng
Theo báo cáo kinh tế, chi tiêu của người tiêu dùng, vốn là động lực chính của nền kinh tế Mỹ và chiếm khoảng ⅔ tổng sản phẩm quốc nội, nhìn chung là “không thay đổi hoặc giảm nhẹ.”
Các điểm yếu trong chi tiêu của người tiêu dùng ở một số khu vực, như Ngân hàng Dự trữ Liên bang Khu vực Boston, khiến các công ty trở nên thận trọng hơn với chi tiêu vốn.
Một số khu vực, như Ngân hàng Dự trữ Liên bang Khu vực Cleveland, đã báo cáo một số chi tiêu của người tiêu dùng tăng lên.
“Mặc dù chi tiêu của người tiêu dùng dường như ổn định hơn một chút so với giai đoạn trước, nhưng vẫn ở mức thấp và chi tiêu cho kinh doanh hầu như không đổi,” phần của Fed Cleveland trong Beige Book cho biết.
Các báo cáo về chi tiêu ít hơn của người tiêu dùng phù hợp với dữ liệu gần đây từ Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ, cho thấy doanh số bán lẻ tháng Ba giảm 1%.
“Người tiêu dùng Hoa Kỳ đang giảm bớt chi tiêu,” nhà phân tích thị trường Charlie Bilello cho biết trong một bài đăng trên Twitter.
Các chi tiết khác trong báo cáo kinh tế của Fed bao gồm doanh số bán xe hơi và hoạt động sản xuất không thay đổi hoặc cho thấy xu hướng sụt giảm.
Doanh số bán địa ốc đối với nhà ở và xây dựng mới giảm nhẹ, trong khi điều kiện nông nghiệp hầu như không thay đổi. Theo báo cáo, một số sự suy yếu đã được báo cáo trong các thị trường năng lượng.
Gần đây, ông Musk đã dự đoán rằng nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ rơi vào tình trạng khó khăn cho đến ít nhất là mùa xuân năm 2024.
Ông nói trong một bài đăng hôm thứ Tư (19/04) trên Twitter: “Con đường gập ghềnh cho đến mùa xuân năm sau là dự đoán tốt nhất của tôi.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times